Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra trong ngày 24/11 được xem là “ Hội nghị diên hồng” để Đảng, Nhà nước lắng nghe tri thức, văn nghệ sĩ hiến kế trấn hưng nền văn hóa. Đã có 15 trong tổng số trên 150 tham luận được trình bày tại Hội nghị. Đây đều là những ý kiến tâm huyết và rất có thể sẽ trở thành những quyết sách trong tương lai của Đảng, Nhà nước trong quá trình kiên định “ Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn nghệ xin trích một số ý kiến tham luận tại Hội nghị.
GS.TS khoa học Vũ Minh Giang ( Chủ tịch Hội Đồng khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia): Đổi mới tư duy, nhận thức
Giải pháp quan trọng đầu tiên có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác di sản văn hóa như những tài nguyên phải là đổi mới tư duy nhận thức một cách cân bằng; trước hết là phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động, phải hiểu văn hóa là một nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của một dân tộc. Bên cạnh đó, cùng với việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa cũng phải đánh giá đúng và tính hết những khó khăn khi triển khai.
Trước hết, đó là những trở ngại, thói quen, tập tính hạn chế của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà một trong những điểm rất lớn gây hậu quả tai hại là việc rất ngại nói đến tầm nhìn xa, là tâm lý ăn xổi. Ngoài ra, một trong những hạn chế lớn khác của di tồn văn hóa có hại đến sự phát triển là tâm lý bình quân cào bằng. Do đó, để hạn chế cần giáo dục văn hóa, lịch sử cho các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược… Đặc biệt, trong thời kỳ hiện nay, văn hóa không chỉ là tài sản để chúng ta cất giữ, để chúng ta nâng niu, để chúng ta tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. Vì vậy, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa cũng không nên chỉ dừng ở mức độ giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có tính toán dài hơn, phải coi văn hóa như một "vũ khí" để tiến ra thế giới, đặc biệt coi trọng thế mạnh của gốc người Việt Nam. Ngoài ra, để phát huy sức mạnh mềm, cần làm "sống dậy" các di sản, di tích của Việt Nam theo hướng hiện đại.
NSND TRỊNH THÚY MÙI, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các HVHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: Cần xây dựng Quỹ phát triển Văn hóa
NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, ngành sân khấu rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, về cơ chế đặc thù cho nghệ thuật biểu diễn sân khấu, đảm bảo đời sống, giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác. Nhấn mạnh, đầu tư đào tạo đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật bằng cơ chế đặc thù theo hướng gửi đi học tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật cũng cần được quan tâm và thúc đẩy nhanh chóng để đời sống nghệ thuật trong nước không bị tụt hậu
Bên cạnh sự đầu tư cho sân khấu về mọi mặt, cần đầu tư đào tạo khán giả bởi sân khấu không thể tồn tại nếu thiếu khán giả. Đề cập giải pháp cho vấn đề này, bà Trịnh Thúy Mùi nhắc tới đề án xây dựng Chiến lược phát triển nghệ thuật sân khấu bằng cách giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong trường học nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền, đồng thời nhằm xây dựng, đào tạo thế hệ khán giả trẻ của sân khấu; cho rằng, đây là hoạt động hết sức cần thiết, mang tính khả thi cao, vừa trang bị kiến thức lịch sử nước nhà trong giới trẻ, vừa có tác dụng đào tạo định hướng tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật. Song song với đó, NSND Trịnh Thúy Mùi cũng đề nghị Nhà nước nên đầu tư và kêu gọi đầu tư cho Quỹ Hỗ trợ phát triển văn học, nghệ thuật để đặt hàng sáng tác cho các đơn vị công lập và các đơn vị ngoài công lập, tạo sự công bằng, bình đẳng nhằm tạo điều kiện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa nghệ thuật trong tiến trình phát triển văn hóa xã hội.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam: Đề xuất 5 giải pháp
Thứ nhất, về chủ trương, chính sách của Đảng: để thiết thực đưa tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào thực tiễn, chúng tôi đề nghị cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển Văn học, nghệ thuật Việt Nam, tiếp theo Nghị quyết TW 5 khóa VIII (năm 1998), Nghị quyết số 23-NQ/TW (năm 2008), Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa 11 (năm 2014) và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Thứ hai, về chiến lược và kế hoạch, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian 2016 đến nay, đồng thời ban hành Chiến lược phát triển Văn học, nghệ thuật Việt Nam trong điều kiện mới. Cùng với chiến lược và kế hoạch của Chính phủ, Quốc hội cần sớm xây dựng và thông qua Luật Văn học nghệ thuật để làm cơ sở phát lý cho giới Văn học nghệ thuật hoạt động thuận lợi.
Thứ ba, về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí. Ưu tiên đầu tư phát triển những ngành nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết như: ngành nghiên cứu phê bình lý luận, nghệ thuật hàn lâm như nhạc giao hưởng, thính phòng, múa ballet… những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… bảo tồn văn hóa văn nghệ các dân tộc ít người…
Giải pháp thứ tư là: chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ. Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém của nền văn học, nghệ thuật nước nhà đều khởi đầu từ con người, đó là đội ngũ các nhà quản lý văn hóa, hoạch định chính sách, các chủ tịch các Hội văn nghệ chuyên ngành, giám đốc các nhà hát, các đoàn văn công và đông đảo văn nghệ sĩ trong cả nước. Phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng và trọng dụng tài năng là đảm bảo cho sự phát triển bền vững nền Văn nghệ nước nhà.
Giải pháp thứ 5, đề nghị Đảng, Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các tổ chức, hội đoàn, doanh nghiệp cần có sự chú ý, quan tâm thích đáng và có những giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ, nghệ nhân có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt vì những cống hiến to lớn cho xã hội, cho đất nước. Cần rà soát lại để tránh hiện tượng khen thưởng tràn lan, mua bán danh hiệu, giải thưởng, đồng thời nghiêm khắc đấu tranh với những thói hư tật xấu, những biểu hiện tha hóa, đi ngược lại thuần phong mỹ tục văn hóa dân tộc của một bộ phận văn nghệ sĩ, ảnh hưởng tới hình ảnh văn nghệ sĩ chân chính./.
PV