Chúng ta biết, lịch sử là cái nguồn, cái sườn cốt của những sáng tạo nghệ thuật - lịch sử. Trong mối quan hệ thẩm mỹ này vai trò liên quan giữa các sự kiện và nhân vật lịch sử có thật với các chiêu thức hư cấu sáng tạo để tạo dựng những nhân vật lịch sử - nghệ thuật là vô cùng quan trọng.
Văn chương viết về lịch sử (kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn) tiếp nhận mối quan hệ này để sáng tạo nên hình tượng trong tác phẩm không hoàn toàn giống nhau. Thói quen bấy nay ít khu biệt các đặc điểm riêng này nên khi bàn đến tác phẩm văn chương đề tài lịch sử có những nhận xét chòng chéo kiểu loại này với kiểu loại kia đưa đến những chuẩn mực phân tích khen chê không khoa học, vì thực tiễn có rất nhiều kiểu loại tác phẩm (chúng tôi tạm gọi là dòng) văn chương đề tài lịch sử với những đặc trưng nội dung cũng như nghệ thuật không giống nhau.
Từ trước Cách mạng cho đến sau này thể loại văn chương viết về đề tài lịch sử khá phong phú có nhiều khu biệt về các kiểu, loại tạo nên những dòng khác nhau:
Thứ nhất là dòng truyện danh nhân. Truyện danh nhân là loại tự sự ghi lại cuộc đời và công trạng của các danh nhân lịch sử. Ở thể tài này người viết sắp xếp các tình tiết, xâu chuổi các nhân vật trong mối quan hệ xác thực, chỉ hình tượng hóa nó lên để tăng cường sự hấp dẫn, tăng cường giá trị thẩm mỹ, người viết không thêm bớt những tình tiết, đưa vào những sự kiện không có thực. Truyện danh nhân chính là thể “ký” trong bình diện đề tài lịch sử của văn chương (Truyện danh nhân đất Việt, Gương sáng nước Nam- Nhiều tác giả).
Thứ hai, dòng tiểu thuyết lịch sử chính danh tái tạo hiện thực lịch sử, dựa vào các biến cố lịch sử liên quan chính sử, thể hiện nhân vật trong mối tổng hòa đa dạng có chiều sâu tâm lý, có sự phát triển tính cách khá sinh động. Dựa vào chính sử, lấy chính sử làm nền, làm cốt, tác giả có đưa thêm vào nhiều sự kiện sống động giàu ý nghĩa và có thể tạo dựng một vài nhân vật phụ không có trong lịch sử làm tăng sức hấp dẫn, kể cả việc xử dụng các yếu tố hư ảo, vô thức, các thế lực siêu nhiên miễn không trái với bản chất lịch sử ( Đêm hội long trì, An Tư công chúa - Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Trãi ở Đông Quan - Nguyễn Đình Thi, Sông Côn mùa lũ - Nguyễn Mạnh Côn, Bão táp triều Trần- Hoàng Quốc Hải, Hội thề - Nguyễn Quang Thân, Ba nhà cải cách- Vũ Ngọc Tiến, Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Du - Nguyễn Thế Quang…).
Thứ ba là dòng tiểu thuyết lịch sử giả tưởng thể hiện một hiện thực lịch sử giả định gần với dã sử (dã: đồng ruộng, lịch sử có màu sắc dân gian), tùy biến do cá nhân làm chủ tư liệu, lịch sử chỉ là cái cớ để sáng tạo những hoàn cảnh, những tính cách nhân vật kiểu mới, chỉ “dựa vào lịch sử để tạo ra tiểu thuyết” chứ không phải dùng “tiểu thuyết để làm sống lại lịch sử” ( Vũ Như Tô - Nguyễn Huy Tưởng, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết –Nguyễn Huy Thiệp, Giàn thiêu -Võ Thị Hảo, Tráng sĩ Bồ đề - Trương Chính và một số tác phẩm khác). Nhân vật trong tiểu thuyết dã sử chỉ là những người khoác cái áo lịch sử mà “chiếc áo không làm nên ông thầy tu” như câu ngạn ngữ cổ! Vì là lịch sử giả tưởng nên tác giả đưa vào nhiều tình tiết “phi lịch sử” phục vụ cho ý tưởng có tính tiểu thuyết của mình.
Ở đây chúng tôi thấy cần lưu ý thêm về các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có nhiều tranh luận bấy nay. Theo chúng tôi thì tác phẩm đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp không nhằm phục dựng lịch sử mà chỉ “đưa truyện mình gài vào thư tịch và tài liệu có tính chất lịch sử rồi khéo léo xáo trộn nó” (Peter Zinoman - Liệu Nguyễn Huy Thiệp có khớp với nhãn hậu hiện đại? - Mai Anh Tuấn chuyển nghĩa – Văn nghệ số 13-27/03 /2021). Cho rằng tác giả “mượn lịch sử để viết tiểu thuyết với dụng ý nêu bật chủ đề mà ông hằng tâm niệm”. Ông mượn hình thức dã sử, một loại sử tự do khác chính sử để “xét lại” các nhân vật lịch sử quan phương danh tiếng “ ngầm nhắm vào những giá trị bất khả nghi ngờ trước đây trong lịch sử Việt Nam” (Peter Zinoman- bài đã dẫn). Thực chất tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp và một số nhà văn tương tự đều có màu sắc như vậy, có thể xếp thành một kiểu.
Bên cạnh các kiểu sáng tác đề tài lịch sử kể trên, gần đây có nhà nghiên cứu đưa thêm khái niệm tiểu thuyết lịch sử kiểu mới, để chỉ kiểu truyện lịch sử không cần “nhân vật lịch sử” và các “sự kiện lịch sử”, chỉ viết về đám đông quần chúng vô danh với những “sinh hoạt đời thường”. Dựa vào một số tác phẩm Quê nhà - Tô Hoài, Cửa biển - Nguyên Hồng, Vỡ bờ - Nguyễn Đình Thi, tác giả cho rằng “… truyện lịch sử mà các vai chính không phải là những nhân vật lịch sử nghĩa là những tên tuổi được ghi trong sử sách. Nổi lên đậm nét như những nhân vật chính là đám đông dân thường là nhân dân lao động dù có tên hay không tên thì đời cũng không hề biết đến […] vẫn là một dạng tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử được phản ánh qua sinh hoạt đời thường, lịch sử của đám đông quần chúng vô danh, lịch sử được viết trên tinh thần dân chủ sâu sắc…”.1
Quả thật trong các tác phẩm: Quê nhà - Tô Hoài, Cửa biển - Nguyên Hồng, Vỡ bờ - Nguyễn Đình Thi, các tác giả đã thành công khi thể hiện cuộc sống của nhân dân vùng nông thôn, thời thuộc Pháp, cuộc dân sinh vùng ngoại ô Hà Nội, Hải Phòng qua những biến động cam go trước cách mạng, đặc biệt thể hiện đám đông nhân dân trong các hội đoàn bí mật, đấu tranh, hội họp, làm ăn…, nhưng không có bóng dáng các nhân vật lịch sử , “nhân vật chính là đám đông dân thường, là nhân dân lao động dù có tên hay không tên thì đời cũng không hề biết đến”, những con người hoàn toàn hư cấu. Bên cạnh, các tác phẩm cũng tạo dựng những bức tranh sinh hoạt xóm làng như canh tác, chiến đấu, làm ăn, yêu đương, hội hè, nhưng “thiếu vắng những sự kiện lịch sử cụ thể”.
Chúng tôi nghĩ rằng: Trong không khí cách tân, có nhiều tìm tòi để đổi mới qui trình sáng tạo, trong đó có sự đổi mới thi pháp loại thể. Với sự cách tân, kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn hiện đại nếu đứng trong quỹ đạo văn chương – lịch sử có thể dung nạp nhiều tìm tòi về phương thức thể hiện, nhưng không thể “nói không” với các nhân vật và sự kiện lịch sử, nếu chỉ có “sinh hoạt đời thường của đám đông quần chúng vô danh”, thì hầu hết các tiểu thuyết đề tài cách mạng và kháng chiến đều có sự thể hiện các phong trào này. Những tác phẩm kiểu này dẫu gia công đến đâu cũng không thể xem là tiểu thuyết lịch sử đích thực, chỉ là tiểu thuyết thế sự có ít nhiều yếu tố lịch sử mà thôi.
*
Vấn đề không phải là cái tên gọi về thể loại tác phẩm, mà cái chính là cùng với tên gọi đó là một sự gián tiếp định hướng nội dung phương pháp sáng tạo của tác giả (chủ thể sáng tạo), cũng như cách tiếp nhận tác phẩm của độc giả (chủ thể tiếp nhận). Hiệu ứng thẩm mỹ mà các tác phẩm gắn với lịch sử, có nhân vật lịch sử chính danh, đưa lại cho người đọc khác các tác phẩm dã sử, thế sự với các nhân vật tự do, tuy đều có bóng dáng của lịch sử nhưng một đằng là câu chuyện truyền thống dân tộc, cha ông, một đằng chỉ là chuyện đời xưa, một đằng nghiêm cẩn và thành kính vì trước mặt họ các nhân vật“ là hình ảnh của một tinh thần dân tộc được phản ánh vào những đời sống gia đình, phong tục, những mối liên hệ xã hội, vào chiến tranh và hòa bình, vào những nhu cầu, tục lệ, vào những mối quan tâm, tóm lại như sự biểu hiện tư duy của một dân tộc dưới tất cả mọi hình thức và trong tất cả mọi phương thức”2, một đằng thiên về cảm xúc, liên tưởng, thích thú “về các số phận cá nhân tự mình hành động theo tính cách của mình, tự nó tạo ra số phận của chính nó, chứ không phải là thực hiện dưới một hình thức phụ thuộc được điều tiết”3.
Những ý kiến trên cuả Hegel về nhân vật anh hùng sử thi và nhân vật thế sự có thể giúp ta hiểu thêm vấn đề. Những nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử chính danh, là những con người chịu sự chi phối trực tiếp của lịch sử còn nhân vật trong tiểu thuyết thế sự có yếu tố lịch sử, tiểu thuyết dã sử là những con người tự do hành động theo tính cách của mình, tự tạo ra số phận của mình. Nhân vật trong các tiểu thuyết này được biểu hiện tùy biến chỉ là những người mang “chiếc áo khoác lịch sử” mà thôi. Đó là đặc trưng khi xây dựng hai loại nhân vật. Với hai phương thức sáng tạo khác nhau như vậy đưa đến những tác động thẩm mỹ khác nhau ở người đọc. Cảm hứng lịch sử mà nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử chính danh tạo nên khác tác động mà nhân vật tự do tạo nên trong tiểu thuyết dã sử hay tiểu thuyết thế sự có yếu tố lịch sử.
Từ đấy đưa đến một hệ luận cần thiết về sự tiếp nhận (sự đọc) của độc giả cũng như sự đánh giá của nhà phê bình, nghiên cứu. Bấy lâu có sự chồng chéo hoặc đánh đồng sự tiếp nhận về các dòng tác phẩm đề tài lịch sử không có sự khu biệt mà trên kia chúng tôi đã phân tích đưa đến những nhận xét không thích hợp. Chẳng hạn áp dụng quy chuẩn về tác phẩm đề tài lịch sử loại chính danh vào việc tiếp nhận dòng tác phẩm thuộc loại dã sử, hay loại tiểu thuyết thế sự có yếu tố lịch sử hoặc ngược lại, sẽ đưa đến những kết luận khập khiễng về thẩm mỹ. Theo cách bình xét thứ nhất sẽ thấy tiểu thuyết thế sự có yếu tố lịch sử, tiểu thuyết dã sử là “xuyên tạc” lịch sử, theo cách bình xét thứ hai sẽ thấy tiểu thuyết lịch sử chính danh là bảo thủ, “sao chép”.
Sự khu biệt các dòng văn chương về đề tài lịch sử không nhằm đưa đến sự phân chia hơn kém, mà cái chính là phân biệt được đặc trưng sáng tạo của từng loại. Sự thành công của tác phẩm không do nó thuộc loại nào, dòng nào mà cái chính là ở hiệu ứng thẩm mỹ mà nó mang đến cho độc giả trên cơ sở những đặc trưng riêng của từng loại, từng dòng về phương thức sáng tạo. Thực tiễn sáng tạo kịch, tiểu thuyết và cả điện ảnh đề tài lịch sử trong những năm gần đây có nhiều tìm tòi để đổi mới qui trình sáng tạo, đổi mới thi pháp loại thể. Dẫu vậy những vấn đề cơ bản như mối quan hệ với lịch sử, vai trò nhân vật, hiệu ứng cảm xúc tiếp nhận của bạn đọc quả còn không ít vấn đề cần bàn bạc.
_______
1. Nguyễn Đăng Mạnh- Tô Hoài và một cách viết tiểu thuyết lịch sử - Văn nghệ số 28 -14-7-2012
2. Hêghen - Mỹ học- Những văn bản chọn lọc - NXB KHXH Hà Nội 1996- tr173,176
3. sdd
Nguồn Văn nghệ số 24/2022