Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông Môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thể hiện sự kế thừa nhiều ưu điểm của chương trình hiện hành. Đồng thời các nhà nghiên cứu cũng đã tiếp thu kinh nghiệm xây dựng nội dung chương trình của các nước có nền giáo dục phát triển. Với mục tiêu là hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất cao đẹp như: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm và bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính thông qua những hoạt động khám phá, tiếp nhận các văn bản ngôn từ, đặc biệt là văn bản văn học cùng với các hoạt động rèn luyện nghe, nói và thực hành tạo lập các kiểu văn bản thông dụng. Tuy nhiên nhiều người có tâm huyết vẫn còn đôi chút băn khoăn khi tiếp nhận những thuật ngữ chỉ tên thể loại mà các nhà biên soạn đã sử dụng:
- Thứ nhất khi xác định tên của thể loại, trong Chương trình giáo dục phổ thông Môn Ngữ văn, chỗ thì dựa vào hình thức thể loại để gọi tên (Thơ, lục bát, thơ bảy chữ, thơ tám chữ), chỗ thì dựa vào nội dung thể loại để gọi tên (thơ trào phúng, truyện khoa học viễn tưởng, truyện lịch sử). Ví dụ ở trang 53, các tác giả viết: Thơ trào phúng, thơ thất ngôn bát cú, thơ tứ tuyệt luật Đường, thơ sáu, bảy chữ. Cách diễn đạt như vậy rất lấn cấn. Chả lẽ thơ trào phúng không thể được viết theo hình thức thơ thất ngôn bát cú, thơ tứ tuyệt luật Đường, thơ sáu, bảy chữ mà lại tách thành một loại khác? Thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tú Mỡ… có rất nhiều bài thơ được viết bằng thơ thất ngôn bát cú, thơ tứ tuyệt luật Đường. Tương tự như vậy cũng ở trang ấy: Truyện cười, truyện ngắn, truyện lịch sử. Truyện ngắn là thuật ngữ thiên về hình thức thể loại, truyện cười, truyện lịch sử thiên về nội dung thể loại. Có rất nhiều truyện lịch sử được viết bằng thể loại truyện ngắn. Vậy tại sao lại tách ra thành hai thể loại khác nhau như thế? Đáng nói hơn, cách diễn đạt như vậy không chỉ riêng ở trang 53 mà còn ở nhiều vị trí khác trong chương trình.
Hiện tượng thứ hai mà chúng tôi nhận thấy đó là việc chồng lấn các thuật ngữ. Ví dụ viết: Thơ, thơ lục bát (tr.43); Thơ, thơ bốn chữ, năm chữ (tr.48). Như vậy người đọc rất dễ ngộ nhận thơ lục bát, thơ bốn chữ và năm chữ không thuộc thể loại Thơ?
Hơn thế nữa xét về lịch sử văn học, thì việc định danh thể loại càng rắc rối. Trang 75 viết: truyện truyền kì, truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại. Thực tế thì đa phần các truyện truyền kì đều có hình thức truyện ngắn. Cố PGS.TS Nguyễn Đăng Na có công trình Văn xuôi tự sự thời trung đại Việt Nam do Nxb Giáo Dục ấn hành năm 1997, trong đó tập 1 tác giả định danh Truyện ngắn và trong tập 1 ấy đa phần là những truyện truyền kì.
Ở trang 33 ghi là: Truyện cổ, truyện ngắn… chúng tôi băn khoăn cách gọi truyện cổ ở đây cụ thể là gì? Trong khi ở các trang sau các tác giả lại viết cụ thể là: cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn…
Bên cạnh đó, chúng tôi xin phép ban soạn thảo lưu tâm thêm. Ở trang 60. Khi trình bày yêu cầu cần đạt của chương trình Ngữ văn lớp 10, các soạn giả viết: “Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của sử thi (người viết nhấn mạnh), truyện thần thoại như: không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật,... Tuy nhiên đến phần Ngữ liệu cho Văn bản văn học, các soạn giả chỉ liệt kê 4 thể loại sau (tr.62): Thần thoại; Truyện thơ dân gian, truyện ngắn, tiểu thuyết; Thơ trữ tình; Kịch bản chèo hoặc tuồng. Nhưng khi đến phần xác định ngữ liệu cho lớp 11 thì lại thấy có phần thể loại sử thi, phải chăng là sự nhầm lẫn chăng?
Nói như các tác giả Đỗ Ngọc Thống (chủ biên) – Bùi Minh Đức – Nguyễn Thành Thi, trong tài liệu Hướng dẫn dạy học môn Ngữ văn trung học phổ thông theo chương trình Giáo dục Phổ thông mới (NXB Đại Học Sư Phạm) ấn hành năm 2019, đã đưa ra “ma trận thể loại” và khẳng định “Ma trận thể loại của chương trình mới hoàn toàn dựa vào trục thể loại” (tr.93). Nếu vậy thì việc chuẩn hóa tên gọi thể loại là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Trầm Thanh Tuấn
Trường THPT Long Hiệp - Huyện Trà Cú - Tỉnh Trà Vinh
Nguồn Văn nghệ số 26/2020