Sáng tác

Trận đánh cuối cùng của người lính... Truyện ngắn của Lê Văn Vọng

Lê Văn Vọng
Truyện 10:00 | 10/05/2025
Baovannghe.vn - Khi đôi vợ chồng nào đó phải ra trước toà ly hôn tức là người ta không muốn chung sống với nhau nữa. Chán nhau, thậm chí ghét nhau tới mức không thể nhìn mặt, ghét luôn cả dáng đi, lời nói. Người ta đổ lỗi cho nhau, mạt sát, nói xấu nhau trong nhà, ngoài đường như chuyện bình thường, cơm bữa. Và thế là chia tay.
aa

Còn tôi và anh thì hoàn toàn khác. Tôi vẫn yêu anh, anh vẫn yêu tôi, nói cách khác, hai chúng tôi vẫn yêu thương nhau như ngày đầu mới chung sống. Thế nhưng đành phải chia tay, mỗi người một ngả. Chuyện nghe khó tin và khó hiểu, song lại có thật. Thật một cách trần trụi. Giữa đời thường và ngay cả trong sách vở, tôi chưa hề gặp một đôi vợ chồng nào lại có hoàn cảnh li hôn đặc biệt như vợ chồng tôi.

Đúng. Phải công nhận chuyện li hôn của chúng tôi là hết sức cá biệt. Cá biệt ở chỗ vẫn còn yêu thương quí trọng nhau mà buộc phải chia tay. Tuy nhiên để đi đến được cái kết cục không chút vui vẻ ấy, tôi và anh đã phải trải qua bao nỗi dằn vặt ghê gớm. Không thể nói là ai may mắn, thanh thản hơn ai. Anh có nỗi khổ của anh, còn tôi cũng có những điều lo lắng day dứt của tôi. Song dù sao nó cũng đã xảy ra đúng như ý muốn của tôi và anh....

Năm đó tôi tròn 23 tuổi, một cô giáo cấp hai mới vào nghề. Trường tôi dạy không lớn lắm, có mười một lớp, cách nhà chừng hơn cây số. Học sinh thị xã đều nhau, không em nào lớn trội. Tiếp thu bài giảng thì tốt, song nghịch ngợm không vừa. Sáng sáng từ nhà tôi thong thả đạp xe vào trường, ba bốn tiết lên lớp cảm thấy trôi qua rất nhanh. Hôm nào buổi chiều không họp bộ môn, có thể ung dung ở nhà đến sáng mai. Dạo ấy đời sống còn dễ chịu lắm. Lương giáo viên mới vào nghề như tôi, dù không là mấy, song cũng đủ tiêu pha. Ngoài các khoản dành ra để may sắm, mấy đứa con gái chúng tôi hay rủ nhau đi xem phim rạp, hoặc kéo tới nhà đứa nào đấy mua quà ăn và chuyện trò bù khú. Bỏ cơm nhà bị mẹ mắng là chuyện thường xuyên.

Hội “chông chừa" của chúng tôi có sáu đứa thì ba đứa tên là An. Tên tôi được gọi kèm theo một tiếng phụ “An đầm". Có tiếng đó vì chúng nó thấy tôi to cao, trắng như Tây. Cả sáu đứa trông đều vừa mắt, ưa nhìn, nên đám bạn trai mệnh danh là sáu bông hoa của thị xã.

Tôi là đứa ưa hoạt động, lại có "hoa tay” nên bạn trai khá nhiều. Ai tôi cũng chơi thân, đối xử như ai, song có vài anh chàng lại ngỏ ý yêu đương. Chưa muốn yêu ai nên tôi luôn từ chối khéo, nhưng họ vẫn tìm đủ mọi cách để tấn công. Đấy là quyền của người ta. Chủ nhật hoặc lễ tết là những ngày tôi bận vì phải tiếp bạn. Chè thuốc không, chỉ là nước giếng đun sôi, nhưng nào có ai uống đâu chứ. Người này vừa dắt xe ra, người kia đã vào tới ngõ. Giáp mặt nhau họ cũng vui vẻ vậy cả. Ở nhà mà phải ăn cơm muộn luôn nên nhiều hôm tôi trốn trong buồng bảo Tâm, cô em gái nói dối là đi vắng. Thấy vậy ông chú tôi đùa

- Tao chỉ thương con chó, sủa suốt ngày suốt đêm rạc cả mồm. Để chú bảo mấy đứa nhỏ sang nhà làm cái chỗ giữ xe kiếm tiền mua rau.

Sáng mồng một Tết năm đó, trước khi đi chơi với mấy đứa bạn gái, tôi tranh thủ sang chúc Tết chú dì. Nhà chú dì cách nhà tôi không xa mấy, bên đó vừa rộng rãi lại vừa thoáng mát. Khi tôi sang, chú dì đang ngồi với vợ chồng Hải. Hải là con rể thứ, bên cạnh còn có một anh bộ đội tôi chưa từng gặp, được giới thiệu là bạn chiến trường với Hải. Anh tên là Cường, nhà dưới phố chợ. Chẳng hiểu đấy có phải là an bài của định mệnh; nhưng lúc đó tôi đã ngồi vào chỗ ghế trống cạnh Cường. Không nói ra, song có lẽ ai trong chúng tôi cũng buồn cười khi nghĩ y như là ba cặp vợ chồng đang ngồi nói chuyện với nhau giữa sáng đầu năm.

Cường về nghỉ phép một tháng. Đây là lần đi phép đầu tiên của anh sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Dù đã về sống ở thành phố mấy tháng như anh nói, song trong Cường vẫn nguyên xi là một anh lính rừng. Gầy gò, mắt trắng, môi thâm, da tái... Cái thứ vi trùng sốt rét vẫn còn ẩn náu trong người anh. Cường tiếp chuyện tôi nhiệt tình, nhưng không vồ vập. Toàn bộ con người và phong cách anh toát lên một vẻ chân thật, một sự chân thật dễ gần. Tôi lắng nghe một cách hứng thú và cảm động. Lúc này chú dì và vợ chồng Hải đã chuyển vào nhà trong bàn chuyện gia đình, chỉ còn tôi ngồi lại phòng khách. Cường có cái vẻ giản dị tự tin tôi thường gặp ở những người lính mặt trận. Những điều anh nói đầy sức thuyết phục. So với đám bạn trai vẫn thường lui tới nhà tôi, anh là một mẫu người hoàn toàn khác.

Sau lần ấy Cường đã đến chơi nhà tôi vài lần. Lần nào tiễn anh ra ngõ, tôi cũng thấy như vương vấn một cái gì đó. Tôi biết cái tính kiêu kỳ của tôi đã bị chinh phục. Lòng thầm yêu thương anh, trong đấy có lẽ tình thương nhiều hơn tình yêu. Cường không hiểu, anh không ngờ điều ấy lại có thể xảy ra.

Trận đánh cuối cùng của người lính...
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Rồi Cường cũng nhận ra, anh đặt vấn đề với tôi. Gia đình tôi không ai phản đối, nhưng mấy đứa bạn gái thì tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhất là An "lém", nó hầm hầm chỉ vào mặt tôi, mày xúc phạm chúng tao đấy à, con dở hơi. Con trai ở cái thị xã này chết hết rồi hay sao mà mày phải vội vàng rước lấy con mèo hen ấy. Liệu “ông lão" ấy có sống với mày được ba bảy hai mươi mốt ngày không. Rồi đi đâu thì để sau xe mà lai nhé, em ơi....

Chao ơi, cái con mới ác mồm ác miệng chứ. Trước nay nó vẫn thế đấy. Thấy cái gì không vừa ý là đốp chát ngay. Lại thêm cái tính đành hanh nữa, nên dù ít tuổi, nó vẫn làm chị mấy đứa chúng tôi.

Tôi cứ mặc, như không nghe thấy những lời dè bỉu của bạn bè. Hạn phép của Cường không còn bao nhiêu, tôi bàn với người nhà để anh xin cưới. Tính tôi là vậy, khi đã ưng thuận thì bất chấp, quyết làm bằng được. Hơn nữa trong chuyện này tôi tin ở quyết định của mình. Trước ngày cưới Cường còn hỏi:

- Em có cần nghĩ lại không? Hình như bạn bè em họ bàn tán nhiều lắm.

- Nó nói gì mặc nó, em làm theo sự mách bảo của con tim.

- Anh sợ mình không đáp ứng được những mong muốn của em, vì anh là người lính.

- Em yêu anh là yêu trái tim người lính, em sẽ tìm thấy hạnh phúc ở đó.

- Em sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi đấy An à.

Nghe Cường nói vậy, tôi phát cáu:

- Anh cho đây là cuộc mua bán, đổi chác hay sao mà nói tới chuyện thiệt hơn.

Cường không nói gì nữa, anh ôm ghì tôi vào lòng, tôi cảm nhận được hơi ấm từ người anh truyền sang tôi. Anh đặt lên môi tôi cái hôn vội vàng. Đó là cái hôn đầu tiên trong cuộc đời con gái của tôi.

Hôm cưới anh vẫn mặc bộ đồ lính giản dị như lần đầu tôi gặp. Trong khi đó bạn trai của tôi thì người mốt này, kẻ mốt kia. Có thể tự hào nói rằng đám cưới của chúng tôi là một đám cưới nổi bật nhất lúc bấy giờ ở thị xã. Hơn chục dãy bàn khách ngồi chật, bàn nào cũng có hoa. An "lém" cầu kỳ chọn toàn một loại hoa đồng tiền đơn. Ngồi bên anh tôi cảm nhận được hơi nóng từ cơ thể anh toả ra. Cơn sốt đến ngay từ lúc bắt đầu lễ cưới, khi anh của anh "tuyên bố chương trình". Đầu tiên bàn tay anh run rẩy quờ quạng như muốn bám víu lấy cái gì đấy. Rồi đến hai hàm răng, chúng va đập vào nhau, cọ xiết vào nhau, phát ra những âm thanh nhói tim. Tôi thấy như mình cũng đang lên cơn sốt, mong thời gian qua nhanh.

Sau khi cưới, Cường trở lại đơn vị. Gần nhau chưa được bao lâu, cái gì cũng là mới bắt đầu, song việc quân tôi nào dám níu chân anh. Một nửa tâm hồn thể xác tôi đã theo anh đi. Ngồi đâu, đứng đâu tôi cũng nghĩ tới anh, cả trong giấc mơ tôi cũng thấy mình được âu yếm quấn quít bên anh.

Hè năm đó tôi vào thăm Cường. Đơn vị anh đóng quân trong Sài Gòn, tiện nghi ăn ở khá tốt. Lúc này Cường đã khoẻ lên rất nhiều, bệnh sốt rét không còn đeo bám anh nữa. Nước da trắng hồng, ánh mắt lanh lợi làm anh mất hẳn cái vẻ lính rừng bao năm qua. Lại những cơn mưa tình ái tưới đẫm hạnh phúc chúng tôi. Suốt hai tháng trời tôi và anh không rời nhau nửa bước. Ngày nào tôi cũng đi chợ một, hai lần. Chợ họp ngay trước cổng đơn vị, thịt cá rẻ, ăn lúc nào mua lúc ấy. Anh và tôi, cả hai đều tăng cân. Sức khoẻ anh làm tôi yên tâm tin vào những gì sắp xảy ra.

- Lần này em về thế nào cũng có tin vui.

Hôm tiễn tôi ra về anh bảo vậy. Lòng tôi cũng chắc chắn thế. Nhìn anh tôi càng thấy yêu thương hơn. Ôi, một đứa con mang đầy đủ cốt cách hai người. Nó sẽ là sợi dây buộc chặt hai cuộc đời, là phương thuốc mầu nhiệm nuôi dưỡng tình yêu của anh và tôi.

Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra. Niềm vui sướng vẫn tít tận phía chân trời, mờ ảo như làn sương mỏng. Những thư đi, về kéo dài thêm nỗi đợi chờ, căng chặt niềm xúc động. Những ngày mùa hè sôi động, những đêm mùa đông lạnh giá tôi vẫn một mình với nỗi cô đơn. Mấy thứ đồ chơi và quần áo trẻ con bạn bè tặng ngày cưới nằm phủ bụi trong góc tủ tôi cũng chẳng buồn đụng đến...

Cho tới lúc anh được chuyển hẳn ra công tác ngoài Bắc thì điều kiện gần gũi nhau của vợ chồng tôi không còn khó khăn nữa. Dù bận bịu, mỗi năm chúng tôi cũng thu xếp để gặp nhau được vài ba lần. Khi thì anh về, lúc tôi lên đơn vị anh. Sự muộn màng con cái của chúng tôi làm mọi người cũng phải quan tâm. Ngoài chế độ phép hằng năm, thủ trưởng đơn vị còn cho anh về tranh thủ, lần nào ít cũng một tuần.

... Đã bước sang năm thứ 10 của hai vợ chồng tôi. Song, một đứa con như mong đợi vẫn ngoài tầm tay. Đến lúc này tôi và Cường thấy không còn bình tĩnh được nữa. Có đồng nào góp nhóp được từ trước tới nay chúng tôi tập trung cho thuốc thang chạy chữa. Thầy xa mấy cũng tìm, thuốc đắt bao nhiêu cũng mua, miễn sao được việc. Hết tiền thì bán đồ đạc, áo quần. Chiếc đồng hồ Citizen, kỷ niệm chiến trường của anh đã ra đi tiếp sau chiếc xe đạp Phượng Hoàng xích hộp. Gặp tôi ai cũng hỏi thăm ngỏ ý thông cảm, chia sẻ.

Con gái có thì, phải lo mà chạy thuốc đi. Càng để lâu càng khó. Không có đứa con khi tuổi già biết trông cậy vào ai.

Mẹ tôi thì hỏi: "Thế nào con?", rồi bà nghẹn đi vì nỗi buồn dâng lên cổ. Từ 56 ki-lô-gam cân nặng, tôi tụt xuống còn 47 ki-lô-gam. Tôi nhận ra cánh tay mình đang mỗi ngày lép dần đi. Tôi không dám sờ tay lên lớp da mặt đã bắt đầu khô ráp. Nhìn ra xung quanh mấy đứa bạn gái trong “hội”, đứa nào cũng con cái tíu tít, gia đình vui vẻ hạnh phúc. Cái An “liều" lấy chồng sau chót, con nó cũng đã vào lớp một rồi. Bạn bè vẫn quí nhau nhưng tôi như bị tách ra khỏi "hội". Mặc cảm, tôi không muốn đi chơi, không muốn gặp chúng nó. Đứa con thứ hai của An "lém" đã 4 tuổi, cháu bé kháu, ngoan, tôi rất thích nó. Nhiều hôm muốn đến chơi, nhưng đi nửa đường lại quay về. Thương tôi, đám bạn gái ra sức động viên, tìm thầy mách thuốc. Những gì được coi là kinh nghiệm của đàn bà, chúng nó đều không giấu tôi. Nhưng nào tôi có bệnh tật, dị tật gì đâu. Bác sĩ chuyên khoa đã ghi trong phiếu khám bệnh của tôi “trứng phát triển bình thường, không có dấu hiệu bệnh". Và kết luận “khả năng sinh đẻ tốt".

Thế tức là không phải tại tôi. Tôi hoàn toàn vô can trong việc muộn màng con cái. Tôi lại dồn tất cả hy vọng vào Cường. Hơn hai tháng rồi anh nằm viện quân y ở Hà Nội. Trong thư gửi cho tôi anh bảo các bác sĩ đã xác định anh bị bệnh chết tinh trùng, có thể phải nằm viện lâu. Anh hy vọng sẽ chữa khỏi bệnh.

Nếu không bận lớp tôi đã nhảy tàu ra với anh. Sự thực được như lời anh nói thì sung sướng biết nhường nào. Cường sẽ khỏi bệnh, chúng tôi sẽ có con, những tiếng ấy lúc lúc lại reo vang bên tai tôi.

Tôi hình dung ra niềm vui sướng khi được bế ẵm đứa con trong lòng. Tôi sẽ “vênh” lên mà nói với bọn An “lém", An “còm", An “lúm" rằng tôi chẳng thua kém đứa nào, mà con tôi lại là “con nhà lính" kia. Căn nhà tranh của chúng tôi rồi sẽ đầy ắp tiếng cười, cả tiếng khóc, tiếng bi bô trẻ con...

Cường nằm thiêm thiếp trong buồng. Anh vừa tắm xong. Rồi một buổi chiều, khi tôi từ trường về đã thấy thân thể toả mùi xà phòng thơm dịu. Sau nhiều ngày điều trị sao trông anh lại có phần gầy sút đi. Tôi lay anh dậy, trách yêu:

- Sao lần này anh về không báo trước cho em?

- Anh không muốn em vất vả vì anh nhiều.

- Anh nói gì lạ vậy?

- À không... anh nghĩ thế.

Tôi nghe trong thái độ và lời nói của Cường có cái gì khang khác. Nhất là đôi mắt anh, đôi mắt mọi ngày rực sáng và nồng nàn thế mà hôm nay sao u uất một nỗi buồn. Tôi linh cảm anh đang giấu tôi điều gì đấy, chắc chắn là hệ trọng. Điều gì, nếu vui sao anh lại cứ như người bị mất của ấy. Tôi lo sợ không dám nhìn anh, không dám hỏi thêm.

- Em đi khám bác sĩ bảo thế nào? - Cường kéo tôi vào lòng hỏi lặng lẽ.

Tôi kể anh nghe tình trạng sức khoẻ, bệnh lý của tôi. Anh lại nói:

- Anh vẫn nghĩ điều trục trặc này là do anh.

- Em muốn biết tình trạng sức khoẻ anh sau thời gian điều trị - Tôi sốt ruột hỏi anh.

Cường khẽ buông tôi ra. Anh ngồi im suy nghĩ. Ánh sáng từ khuôn cửa sổ hắt vào, một bên mặt anh nhuộm trong ánh chiều hoàng hôn. Đến lúc này tôi mới nhận ra cái quầng thâm chạy viền quanh hố mắt như cái vòng tròn oan nghiệt. Đau khổ giằng xé làm anh không ngủ được.

- Kìa, anh nói đi. - Tôi ôm lấy Cường lắc mạnh.

- Phũ phàng lắm em!

- Là sao? Em chịu đựng được, anh cứ nói đi.

- Trường hợp của anh không thể chữa được. Dù có nằm viện lâu nữa cũng vô ích.

- Nhưng... anh bị làm sao, bệnh gì? Tôi không còn đủ bình tĩnh.

- Các giáo sư, bác sĩ đã làm đủ các xét nghiệm, họ kết luận rằng cơ quan sinh dục không sản xuất ra được tinh trùng sống mà toàn những xác. Tất cả đều bó tay.

Tôi cảm giác như không phải tiếng nói của Cường, đó là một chuỗi tiếng động khô sắc như tiếng vỡ thuỷ tinh. Nó khoan xoáy vào óc tôi. Mắt tôi nhoà đi trước một vực sâu hun hút ngập tràn bóng tối. Thế là tất cả sự hy vọng, đợi chờ tan biến như mây khói. Thế là đổ vỡ mọi tính toán tương lai.

- Trời ơi! Không! Không phải thế! - Tôi gục vào lòng anh khóc nấc lên.

Cả đợt nghỉ ấy và những kỳ phép sau Cường thuyết phục tôi li dị. Anh bảo rằng đó là phương án tốt nhất, hợp lý hợp tình nhất cho cả tôi và anh. Rằng tôi là một phụ nữ khoẻ mạnh, lẽ ra phải được hưởng cái hạnh phúc làm mẹ lâu rồi. Những ngày tháng đẹp đẽ của cuộc đời người con gái tôi đã dành trọn cho anh, đã san sẻ với anh sự thiệt thòi và nỗi đau mà rất nhiều người lính phải gánh chịu. Giờ đây anh không muốn tôi phải chịu đựng thêm bất hạnh ấy nữa. Dù vẫn một lòng một dạ yêu thương nhau, nhưng đành chia tay. Và sự chia tay này cũng là yêu thương nhau lắm. Có như vậy mới chấm dứt được nỗi bất hạnh lớn cho tôi. Tôi phải được làm mẹ, cái quyền ấy, sự sướng khổ ấy không có lý do gì tôi lại không được hưởng. Dù muộn mằn còn hơn không có. Cái thiên chức của người phụ nữ thể hiện trong việc nuôi con, đứa con là sự khẳng định cái phần nữ tính, đàn bà nhất.

Tôi bàn với Cường xin con nuôi, anh gạt ngay. Trường hợp ấy chỉ nên với những người không có khả năng sinh đẻ. Còn tôi phía trước vẫn rộng dài. Hay vợ chồng mình vay mượn tiền đi thụ tinh nhân tạo. Khoa học bây giờ tiên tiến, người ta làm được mà. Cường suy nghĩ hồi lâu rồi giọng buồn buồn, anh nói: Thụ tinh vẫn không phải là giải pháp hay, thôi, số phận không cho anh được làm bố. Nhưng em vẫn có quyền làm mẹ. Em hãy dũng cảm đồng ý với anh đi. Anh nghĩ suy cả tháng nay rồi; phải chia tay ai không đau khổ, song chẳng còn cách nào khác.

Thế tức là hạnh phúc chỉ có với tôi, anh dành cho tôi. Còn anh, chấp nhận sống cô đơn trọn đời.

Mẹ tôi bảo tuỳ các con bàn bạc với nhau. Giải quyết như vậy là Cường nó tốt lắm. Mấy đứa bạn gái thì động viên “dứt khoát đi”, “nên làm lại”. An “lém” mắng tôi: “Đời mày còn dài, ngu ạ, ông ấy quá cao thượng, nhân hậu, không giữ là phúc cho mày lắm đấy". Nó có lý. Đúng, không phải người đàn ông nào cũng biết hy sinh cho người khác như Cường. Giam duyên, trói buộc nhau là chuyện thường. Và cứ thế, người phụ nữ chỉ còn như một thứ sống mòn cho đến chết...

Những ngày chờ đợi ra toà tôi sống trong một tâm trạng khó tả. Trong nỗi buồn mênh mang, lay lắt, đôi khi le lói một tia hy vọng. Hy vọng ở sự thay đổi, vâng, tôi sẽ phải bắt đầu lại, đi bước nữa. Có thể toại nguyện, vừa ý, song cũng có thể không. Dù không được tốt đẹp thì bằng niềm hy vọng ấy. Tôi lại thấy thời gian chờ toà gọi dài đến khủng khiếp.

Và tôi đã tự an ủi, củng cố mình cũng bằng lòng vậy.

Một hôm tôi đang chuẩn bị bài cho giờ thao giảng chiều thì chú Hải đến. Hải về phép hai hôm nay, nhưng bây giờ tôi mới gặp.

- Chú về nghỉ được lâu không, dễ tới hơn một năm rồi đấy nhỉ?

- Năm rưỡi về một lần mà khi đi vẫn phải móc túi vợ đấy chị ạ. Lương góp được đồng nào rải đường, rải chợ từ trong đó ra đây. Bây giờ em chỉ mong sao được như anh Cường. Hết phép, thỉnh thoảng lại xin thủ trưởng nghỉ tranh thủ.

- Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi khổ chú ơi. Chẳng ai giống ai cả, được cái này mất cái kia.

Câu nói gần đây dường như đã thấm vào máu tôi. Nhiều khi đang chuyện trò với ai đó, nó cứ bật ra một cách vô tình. Chú Hải nhìn tôi giọng đượm buồn.

- Chuyện anh chị em đã nghe nhà em kể hết rồi. Đúng là không còn cách giải quyết nào khác.

- Tôi chỉ thương anh ấy.

- Đời lính thế đấy chị ạ. Trông vẻ ngoài ai cũng cứ nghĩ lành lặn, bình thường. Có biết đâu tật bệnh, thương tích từ trong xương máu. Em nghĩ ở chiến trường hồi ấy không chỉ có một mình anh Cường bị thế đâu.

- Chú bảo sao, anh Cường bị cái gì?

- Thế anh chưa nói cho chị biết ạ?

- Người ta bảo anh ấy không thể sinh con là hậu quả lúc nhỏ bị quai bị không biết giữ gìn.

- Đấy là người không biết đoán mò. Cách đây ít lâu em có nhận được thư anh Cường. Lá thư anh gửi khi vừa ra khỏi bệnh viện. Anh buồn khổ báo tin trường hợp của anh, các giáo sư, bác sĩ kết luận không thể có con vì nhiễm nặng chất độc da cam. Đọc thư anh em giật mình choáng váng nghĩ lại những năm tháng chiến trường...

Vào những năm 1969 - 1972, chiến trường miền Nam, nhất là khu vực mặt trận Đông Nam Bộ, chiến sự xảy ra rất quyết liệt. Hầu như không ngày nào không có những trận giao tranh. Bị thua đau, địch huy động đủ loại phương tiện chiến tranh đánh vào mạng lưới giao thông, hòng tạo nên sự chia cắt phía trước, phía sau, gây khó khăn cho quân ta. Thực hiện được ý đồ này, bọn địch sẽ dần dần lấy lại thế chủ động trên các mặt trận.

Dạo ấy Hải và Cường đang ở chung một đơn vị. Hải làm văn thư trung đoàn, còn Cường là trung đội trưởng trung đội vận tải xe đạp thồ. Cả trung đội căng dài trên một cung đường bốn tiếng đồng hồ, từ cầu 48, giáp biên giới Căm pu chia đến Nha Thức. Vượt qua sông Sài Gòn vào nội đô không còn bao xa nữa. Đây là con đường ngắn nhất, ta và địch giành giật nhau từng mét.

Trung đội có hơn ba chục con người, cả trai và gái. Những cô gái miệt vườn Mỹ Tho, Long An nói năng bạo dạn, xốc vác việc nặng cũng chẳng kém cạnh gì các chàng trai trẻ miền Bắc. Chẳng thế có những việc họ còn giỏi hơn như trèo gùi, bắt rắn, hái măng...

Đêm đêm những chiếc xe thồ chất đầy "hàng" lặng lẽ ra đi. Súng đạn, thuốc nổ, có khi là một đợt chuyển toàn quần áo, giày dép duyệt binh. Liều lĩnh và cương quyết. Họ len lách giữa khu rừng le bị chất độc da cam khô xác như rơm, hoặc những thân cây rụng lá trơ cành xương xẩu. Thồ 200 ki-lô-gam rồi 300 ki-lô-gam, lên dốc phải ghé vai vào “gánh”. Ở đầu mỗi xe được gắn một chiếc đèn dầu ống bơ, toả quầng sáng nho nhỏ. Gốc cây, ổ gà, mỏ đá... ít khi va quệt. Họ như không đi bằng chân mà đi bằng đầu, bằng sự linh cảm tuyệt vời. Bom pháo, mưa gió, mặc. Nhiều khi đang đi, máy bay địch chụp chất độc da cam trên đầu, những màn khói huỷ diệt nhờ nhờ sương lượn lờ, vần vũ hồi lâu trước khi rơi bám vào thân cây, quần áo người. Da mặt bỏng rát như sém lửa, nước mắt ứa ra ngay lập tức. Hai lần vải khẩu trang nhúng ướt, nhưng mũi vẫn cay xè. Con trai đái ra máu, con gái bị triệt kinh, ngực vú lép dần trông thật tội. Không ít lần Cường bị chảy máu mũi, nôn mửa vì nhiễm độc nặng. Bao giờ anh cũng đi vét đội hình; và bởi thế thường kết thúc một chuyến hàng thì đêm cũng vừa qua. Nhiều bữa anh dắt xe về tới nhà thì mặt trời đã lên cao, mặt mày hốc hác như vừa qua trận ốm nặng. Trung đoàn bộ ở xa gần một ngày đường, rất quí Cường nhưng cũng ít khi Hải đến thăm anh được... Cho mãi tới ngày toàn miền Nam giải phóng họ mới gặp nhau ở Sài Gòn, mừng vui khi nhìn thấy nhau lành lặn...

Trời ơi, mười năm sống với Cường mà bây giờ tôi mới hiểu anh. Lâu nay tôi quan tâm cái gì mà vô tình, thờ ơ trước cuộc đời anh, một người lính chịu nhiều nỗi đau mất mát. Tôi đâu biết cái bề ngoài trông lành lặn của anh lại ẩn náu bên trong bao nhiêu bệnh tật. Nó gặm nhấm, huỷ diệt cuộc đời anh từng ngày, từng ngày mà không cách gì chữa nổi. Vậy mà tôi cứ tự hào cho rằng mình là người hiểu anh nhất. Rằng mình đã và đang sống cho anh, vì anh... Tôi đâu biết, bấy lâu nay anh vẫn đang một mình vật lộn với bệnh tật.

Cuộc đời anh, cái phần lõi sống chiến tranh đã cướp mất, anh không còn hạnh phúc được làm bố, anh chỉ có niềm vui bé nhỏ làm chồng. Thế nhưng nào đã trọn vẹn. Anh chấp nhận để tôi ra đi vì không muốn tôi cùng chia sẻ với anh nỗi cô đơn cuối đời. Chia tay với anh, tôi sẽ vứt lại nỗi đau để một mình anh gánh chịu, còn tôi thì đi kiếm tìm hạnh phúc, niềm vui khác, có ích kỷ không?

Tôi là một người đàn bà yếu đuối, tôi đâu dễ trả lời. Nhưng tôi biết, tôi sẽ không để anh một mình bước vào trận đánh cuối cùng.

Văn nghệ, số 17/2014
Chiếc váy đẹp nhất. Truyện ngắn của Peter Stamm

Chiếc váy đẹp nhất. Truyện ngắn của Peter Stamm

Baovannghe.vn - Lần đầu gặp Felix, tôi đã làm việc cho anh được vài tháng và nghe đủ thứ chuyện về anh ta. Hắn là George Clooney của khoa nghiên cứu niên đại của cây đấy, sếp của chúng tôi - Nicole nói, sau lần gặp đầu tiên của họ. Daniela, giám đốc dự án, cũng có những chuyện hấp dẫn nhất để kể về nhà khảo cổ học trưởng của chúng tôi.
Văn học di dân trong dòng chảy của loại hình tiểu thuyết hình họa Mĩ

Văn học di dân trong dòng chảy của loại hình tiểu thuyết hình họa Mĩ

Tiểu thuyết hình họa, một loại hình văn học trẻ trung và năng động, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy văn hóa đại chúng toàn cầu. Xuất phát từ truyện tranh, tiểu thuyết hình họa không chỉ mang đến sự thay đổi về hình thức kể chuyện mà còn mở ra một không gian mới cho các vấn đề xã hội sâu sắc. Từ những tác phẩm biểu đạt hiện thực di dân, chiến tranh, đến việc thách thức các định kiến văn hóa, tiểu thuyết hình họa Mĩ đã trở thành công cụ thể hiện chính trị ngoại biên và tiếng nói của những cộng đồng thiểu số. Bài viết này sẽ khám phá sự phát triển và những dấu ấn đặc biệt của tiểu thuyết hình họa trong văn học Mĩ, cùng với sự chuyển mình của nó trong bối cảnh chính trị và văn hóa hiện đại.
Trong những vai đời - Thơ Nguyễn Thế Kiên

Trong những vai đời - Thơ Nguyễn Thế Kiên

Baovannghe.vn- Vai này núi./ Vai kia sông/ Ta là cả địa cầu trong cõi người.
Trao giải cuộc thi sáng tác truyện tranh lần thứ nhất (2024)

Trao giải cuộc thi sáng tác truyện tranh lần thứ nhất (2024)

Baovannghe.vn - Sáng ngày 27/5/2025, Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác truyện tranh lần thứ nhất (2024) và ra mắt hai tuyển tập truyện tranh đoạt giải đã được tổ chức tại Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội. Sự kiện do Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức.
"Mưa đỏ" dự kiến khởi chiếu vào dịp Quốc khánh 2/9/2025

"Mưa đỏ" dự kiến khởi chiếu vào dịp Quốc khánh 2/9/2025

Baovannghe.vn - Sau "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tạo cơn sốt cho phim điện ảnh khai thác đề tài chiến tranh cách mạng, "Mưa đỏ" cũng được kỳ vọng không chỉ sẽ tạo ra những đột phá mới trong doanh thu phòng vé mà còn có thể gợi mở những dự án phim mới về đề tài này.