Diễn đàn lý luận

Về một lối phê bình cộng cảm

Lý luận phê bình
22:01 | 02/05/2023
“Nhưng đất mẹ quê hương đã mở rộng vòng tay đón đứa con lưu lạc. Hồ sen như gấm trải quanh hoàng cung.
aa

“Nhưng đất mẹ quê hương đã mở rộng vòng tay đón đứa con lưu lạc. Hồ sen như gấm trải quanh hoàng cung.

Trăng ở hoàng cung đẹp đến nao lòng. Những con đường khuya xứ Huế lát những phiến trăng xanh. Những phiến trăng có mùi hoa sứ. Sông Hương gió thổi chi nhiều thế? Sóng vỗ làm chi rối ruột cả hai bờ. Bến sông cố đô đá tạc thành thơ…”. Đó là một trong nhiều đoạn trong tập Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca (Chân dung văn học – Đàm luận văn chương). Đoạn văn viết về Phùng Quán, một thi sĩ mà cuộc đời mang nhiều oan khuất, đã sống, đã chết, lặng thầm trong cơn dâu bể, chỉ còn văn chương khảng khái nhân cách làm người. Đoạn văn ấy tiêu biểu cho phong cách viết phê bình – đàm luận văn chương của Khuất Bình Nguyên, mà tôi gọi là lối phê bình cộng cảm. Không ồn ào trưng dẫn lí thuyết, đúng hơn lí thuyết tự giấu mình, nhuần thấm trong tư duy và thao tác phê bình, Khuất Bình Nguyên dụng tâm ở hai mảng lớn của công việc là: Tư liệu và Cảm xúc – Suy tưởng. Tư liệu là nền tảng, cảm xúc và suy tưởng là đôi cánh để đưa Khuất Bình Nguyên vào thế giới của sự cộng cảm văn chương.

Sau hai tập phê bình đã công bố là Giọt nước trong lá sen, 2016, và Giấu vàng trong gió thu, 2020, đầu năm 2023, Khuất Bình Nguyên xuất bản tập tiểu luận – phê bình thứ 3 mang tên Giọt nước thầm giữa thời đại thi ca (Nxb Hội Nhà văn). Vẫn thống nhất một phong cách – trữ tình cộng cảm, những bài viết của Khuất Bình Nguyên mang đến cho người đọc hình dung về một kẻ tri âm, đồng điệu, vừa tỉnh táo lại vừa say mê. Sự tỉnh táo của tư liệu làm dày thêm cho cảm xúc. Cảm xúc tựa vào tư liệu mà phát huy chiều sâu của mình, tránh được sự bình tán dễ rơi vào nhợt nhạt, mòn sáo và tư biện. Đây là thao tác của một người làm phê bình vừa có tư duy khoa học lại vừa có tâm hồn nghệ sĩ. Nhìn lại những tiểu luận của ông trong cuốn sách này, từ bài đầu tiên (Một lần hoa xoan nở) đến bài cuối cùng (Các thi sĩ tài danh 100 năm của thi ca Việt Nam 1932-2032) – tác giả tính dôi thêm 10 năm (2032) như một dự phóng để tròn 100 năm, có thể thấy phần tư liệu đã được chuẩn bị khá kĩ càng. Không chỉ nêu tư liệu, ông còn thống kê, phân loại, so sánh, phân tích để đưa ra nhận định một cách có căn cứ…

Tư liệu của Khuất Bình Nguyên đến từ hai nguồn. Một, xuất phát từ sự khảo cứu kĩ lưỡng trong thư khố, nơi những di sản văn chương đang âm thầm kể câu chuyện của mình. Hai, nguồn tư liệu đến từ chính trải nghiệm đời sống, kỉ niệm, kí ức của ông với giới văn nghệ Việt Nam. Ở nguồn thứ nhất, Khuất Bình Nguyên trưng dẫn tên tập thơ, năm xuất bản, số lượng bài vở hay các sự kiện, biến cố, liên quan đến nhân vật, câu chuyện văn nghệ. Để làm được điều này cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ với tư duy khảo cứu hệ thống, phân loại một cách chính xác. Chẳng hạn, khi ông viết về Nguyễn Xuân Sanh: “Nguyễn Xuân Sanh trước khi nổi tiếng với Buồn xưa và Bình tàn thu trong Xuân Thu nhã tập (1942) ông đã có một số bài thơ đăng báo như Xuân ngày (Bút mới, Sài Gòn, 1938); Giường bệnh mùa thu (Bút mới, Sài Gòn, 1938); Xây mơ (Tiếng địch, số 1, 1938); Buồn mơ, Đường xuân (Thanh Nghị, số Tết, 1942… Trong đó bài Xây mơ viết tặng Chế Lan Viên và được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc vào năm 1940 là đáng kể hơn cả. Khuynh hướng siêu thực, tượng trưng đã đậm nét trong bài thơ ấy” (Nhịp hải hà văn chương, tr.77). Ở nguồn thứ hai, những tư liệu từ đời sống, qua trải nghiệm của chính người viết, làm văn chương trở nên sinh động. Viết về nhân vật nào ông cũng dành thời gian để dẫn ra những câu chuyện, có khi với đối tượng, có khi với địa danh (trường hợp nhân vật đã quá cố), khơi dẫn một mạch cảm thông sâu sắc, qua đó bày tỏ sự chu đáo, tận tụy và vẹn tròn tình nghĩa. Nhưng trên hết, từ tư liệu ấy, người đọc thấm thía hơn những tâm sự của tác giả trước văn chương, thế sự, thời cuộc: “Hôm diễn vở Nhà Osin của Thiệp ở Nhà hát lớn Hà Nội cũng thế. Thiệp dúi cho tôi cái vé hạng ba ngồi ở rìa cánh gà, phía gần dưới cùng. Khi Lê Khanh đạo diễn sang trọng như một bà hoàng lộng lẫy phát biểu, chẳng thấy Thiệp đâu cả. Nhà văn đánh bộ cánh xuềnh xoàng còn đang hí húi cùng bà vợ bán truyện ở ngoài cửa ra vào. Người ta cũng ít mua sách cho Thiệp lắm, kể cả ở ngay đây, dưới ánh đèn rực rỡ trong thánh đường nghệ thuật sang trọng nhất quốc gia. Kịch diễn ra được một lúc, Thiệp đến chỗ tôi thì thào trong bóng tối thanh minh. Họ chỉ cho có ít vé thôi. Thật là miếng cơm manh áo đã làm khổ những người viết văn” (Vàng lửa, tr.190). Khuất Bình Nguyên tỏ ra có duyên với cách luận đàm văn chương khơi nguồn từ tư liệu đời sống văn nghệ này. Đọc chuỗi bài về Nguyễn Huy Thiệp (Chảy đi, Thiệp ơi; Vàng lửa) hay những câu chuyện về Lưu Quang Vũ, Trần Lê Văn, Trần Vàng Sao, cùng nhiều nhà văn Việt Nam khác, chúng ta nhận ra một lối sống và viết rất ân cần của Khuất Bình Nguyên. Có thể gọi, đó là phong cách phê bình cộng cảm và đồng hành. Sự đồng hành xuất hiện từ trong ý niệm phê bình, khi tác giả luôn gợi dẫn những đàm luận văn chương trở về hiện tại, ngay cả với những tác giả, tác phẩm, hiện tượng của quá khứ…

Không chỉ là tư liệu trong nội dung bài viết, cuối mỗi bài, người đọc nhận ra những vĩ thanh của mối tương giao văn chương trong tâm hồn người viết. Người còn sống thì đến thăm, người đã khuất thì đến viếng, lần lại dấu xưa nẻo cũ, nơi in dấu văn nhân một thuở. Cách viết phê bình này đưa văn chương phê bình đến ngưỡng của những tùy bút, làm mềm lại tư liệu, là dịp để tỏ bày cái tình thương mến trân trọng của người viết dành cho đối tượng.

Lối phê bình, đàm luận văn chương của Khuất Bình Nguyên ít có điểm gây hấn, nhưng không phải không có những phát hiện sắc sảo… Phát hiện ra hoa xoan nở một lần duy nhất trong thơ trung đại; phát hiện ra Thúc Sinh mới là kẻ được ưu ái trong Truyện Kiều; phát hiện ra Thâm Tâm như là một gạch nối của Thơ mới 1932-1945 với Thơ ca kháng chiến chống Pháp; nhận định Nguyễn Huy Thiệp “ảnh hưởng nặng lối dẫn chuyện, lối khắc họa nhân vật của tiểu thuyết và văn xuôi cổ điển phương Đông… yếu tố huyền thoại huyễn hoặc xen vào cũng từ nguồn gốc ấy” (tr.193); nhận ra, “Tất cả thân phận đau thương của người cùng khổ quy tụ lại chính là tâm hồn thơ đầy sức biểu cảm của Trần Vàng Sao” (tr.213)… là một số nhận định vừa xác đáng, vừa thú vị..

Về chân dung văn học, để viết cho ra hồn cốt, chân tướng một hình hài, khuôn diện, quả thực không dễ. Phê bình chân dung, thực ra là một sự tưởng tượng, một tạo dựng từ kinh nghiệm chủ quan của người viết. Nó có thể được đồng thuận hoặc không, nhưng chữ nghĩa còn ở đó, chứng thực cho một tạo dựng từ thế giới tâm tưởng của người viết. Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca của Khuất Bình Nguyên phục dựng lại chân dung một Nguyễn Trãi khiêm cung, nhu mì trong tinh thần hòa ái; một Tú Xương “chan chứa u sầu hoài niệm”; một Hoài Thanh “người trí thức khiêm nhường”; một Phùng Quán trang trọng với “nhân cách làm người, một chí khí và một tấm lòng thiết tha đau đớn, trăn trở và lo toan thời cuộc… xưng tụng thiêng liêng tình yêu Tổ quốc và nhân dân”; một Nguyên Sa, “trước sau chỉ là một thi sĩ ca ngợi tình yêu lứa đôi với quê hương xứ sở”; một Lưu Quang Vũ với những bài thơ “mang bao nỗi lo toan trần thế”; một khuôn mặt Nguyễn Huy Thiệp, “mệt mỏi và hoang vắng… rạng lên những niềm tin không tả xiết về sự chiến thắng của con người với số phận” – “Bởi vì ông là nỗi đau của thời đại mình”; một Hoàng Nhuận Cầm vang mãi những bài thơ đậm “chất học trò vô tư đầy lạc quan thời chiến tranh”; một Trần Vàng Sao “trần trụi kiếp người”… Có thể, những tên tuổi được nhắc đến tựu hình trong tâm trí người đọc sẽ không giống (hoặc chỉ gặp gỡ một phần) với Khuất Bình Nguyên. Đó là lẽ thường của đời sống tiếp nhận mà ta biết rằng không ai có đủ thẩm quyền để thâu tóm chân lí. Điều đáng ghi nhận hơn, với tinh thần phục dựng những chân dung văn học, Khuất Bình Nguyên có cơ hội mang đến cho người đọc những kinh nghiệm sống đời và kinh nghiệm văn nghệ của mình, như một đề xuất… Những trang văn bay bổng, nhịp nhàng, mơ hồ hay quyến luyến trong từng hình ảnh, câu chữ, gợi lên “điệu tâm hồn” của người viết. Như thế, thêm một chân dung văn học nữa mà ta có thể nhận ra, đó là nhà phê bình - kiểu phê bình – phong cách phê bình của Khuất Bình Nguyên. Đọc ông, ta thấy giọng điệu ân cần, thái độ say mê và đắm đuối: “Cuộc đời ông như giọt nước thầm rơi xuống giữa bạt ngàn rừng già im tiếng miền biên viễn phía Bắc. 71 năm nay chẳng còn ai gặp được ông nữa. Những người cùng thời vàng son một thuở - Vũ Bằng, Đinh Hùng, Nguyên Hồng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Huy Tưởng… cũng không còn bóng dáng một ai nói gì đến giọt nước thầm kia đã rơi trong bao nhiêu sương gió của đời người” (Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca, viết về Thâm Tâm, tr.93). Đàm luận như giãi bày, tái dựng chân dung với tâm thế ngưỡng vọng, đó là cách mà Khuất Bình Nguyên bộc lộ con người văn chương của mình…

Nguyễn Thanh Tâm

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.