Tọa lạc trên một “mảnh đất vàng” 2.000 mét vuông (0,2 ha), lại nằm sát ngay bên sông Sài Gòn, Bảo tàng mỹ thuật (Arts Museum) Quang San (189b Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, Tp.Hồ Chí Minh) với thiết kế hiên đại của KTS Ngô Viết Nam Sơn, con trai KTS lừng danh Ngô Viết Thụ (Người thiết kế Dinh độc lập), có thể nói đây là Bảo tàng Mỹ thuật hoành tráng bậc nhất của nước Nam ta hiện nay. Đặc biệt Bảo tàng có gần 1000 bức tranh của những họa sỹ danh tiếng nhất Việt Nam, nhiều bức trị giá cả triệu USD.
Thiều Quang và Trương Nhuận thưởng ngoạn tranh |
Ông chủ của Bảo tàng là Nguyễu Thiều Quang, một người quê Bùi Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh, có tuổi thơ ấu lớn lên nơi bãi giữa sông Hồng, bãi Phúc Xá, Hà nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Ukraina, về nước, Thiều Quang vào tạo dựng sự nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh. Anh là con trai của đại tá nhà văn Xuân Thiều, một nhà văn quân đội từng được cả Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT. Nguyễn Thiều Quang không kế tục cha theo con đường văn học, mà đi theo con đường khoa học và tài chính, anh tốt nghiệp kỹ sư công trình ngầm ở Ucaraina, về Việt Nam là kỹ sư thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ và Cotec, rồi tham gia xây dựng Ngân hàng Techcombank, nhiều thời gian là Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng và nay là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng. Nguyễn Thiều Quang có tên trong danh sách 100 người Việt giàu nhất trên sàn chứng khoán.
20 năm nay, nhà tài chính yêu nghệ thuật này bắt đầu quan tâm tới thị trường tranh, với ý thức rõ rệt, từ buổi đầu sẽ là một nhà sưu tập tranh, với mong muốn đưa về và lưu giữ cho nước nhà những tinh hoa mỹ thuật đặc sắc, lưu giữ những tác phẩm kinh điển của hội họa Việt Nam; cũng là một kênh đầu tư tài chính tốt cho tương lai, với ước nguyện xây dựng một Bảo tàng mỹ thuật tầm vóc quốc tế. Nguyện ước ấy của anh giờ đã thành hiện thực, với một bảo tàng mỹ thuật trang nghiêm, bề thế bên sông Sài Gòn lộng gió đã xây cất hoàn chỉnh, bên trong lưu giữ và trưng bày cả ngàn bức tranh kinh điển của hội họa Việt Nam hết sức có giá trị. Thật sự Bảo tàng như một hòn ngọc lung linh và đầy sức hấp dẫn giữa lòng thành phố Sài Gòn.
Từ những năm trước, khi Nguyễn Thiều Quang chưa xây dựng bảo tàng, tranh còn treo khiêm tốn trong ngôi nhà của anh ở đường Trương Định, quân 3, nhiều bạn bè văn nghệ sỹ ở khắp miền đất nước mỗi bận vào Tp.Hồ Chí Minh đều đến chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh của Nguyễn Thiều Quang, cũng chỉ bởi là “Hữu xạ tự nhiên hương” mà thôi. Từ Nguyễn Quang Thiều, rồi Nguyễn Bình Phương, Trần Đăng Khoa, Đinh Trọng Tuấn với vợ là Ngô Phương Lan và con trai là đạo diễn diện ảnh Đinh Tuấn Vũ, rồi các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ với nguyên giám đốc Trương Nhuận, một người rất yêu hội họa và cũng là một nhà sưu tập tranh, cùng đạo diễn Sĩ Tiến (nay là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ)... Mọi người đều hết sức kinh ngạc cũng như thích thú về bộ sưu tập tranh của Nguyễn Thiều Quang. Một bộ sưu tập thực sự hiếm thấy ở một nhà sưu tập trong nước.
Nguyên giám đốc Nhà hát tuổi trẻ, nhà sưu tập tranh Trương Nhuận khi đến đây từng thốt lên cảm tưởng: “Tất cả mọi người đều phấn khích khi đến thăm bộ sưu tập tranh của Nguyễn Thiều Quang, dù những bức tranh ấy hiện tạm thời cất giữ tại nhà anh để chờ đợi một Bảo tàng tranh rộng lớn đang xây dựng nay mai, đủ chỗ trưng bày kho tàng tranh “khủng” mà anh và chị Phùng Nguyệt mải miết trong nhiều chuyến bay sang các phiên đấu giá tranh ở Pháp hay Hồng Kông để tìm tòi và trân trọng đưa những “bảo bối mỹ thuật Việt Nam” ấy khỏi thất lạc qua biên giới!...”
Không chỉ là một doanh nhân thành đạt có bản lĩnh, với giới hoạ sĩ cũng các nhà sưu tập tranh trong Nam ngoài Bắc, tên tuổi của Thiều Quang luôn được mọi người nhắc đến với sự coi trọng và nể phục như một “đại gia” có niềm đam mê đặc biệt, chơi tranh tầm cỡ, “vua biết mặt, chúa biết tên” lâu nay. Nhất là bởi bộ sưu tập tranh của anh, gồm cả ngàn bức quý hiếm, “độc nhất vô nhị” rất bài bản, lớp lang đủ các tên tuổi trong suốt 100 năm của thế kỷ 20 ở Việt Nam, từ những gương mặt hoạ sĩ bậc thầy người Pháp và người Việt sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương còn thuộc địa Pháp, lứa hoạ sĩ sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được đào tạo thành danh: tứ trụ vang bóng Trí - Lân - Vân - Cẩn; cho đến tên tuổi các danh hoạ thế hệ sau của bộ tứ tên tuổi Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, tranh của Văn Cao, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Văn Giáo... hoặc được đào tạo trong kháng chiến chống Pháp như Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Lê Huy Hoà... cho đến tranh của lứa hoạ sĩ trẻ ở thế hệ sau như Trịnh Thái, Chiến Văn, Lê Trí Dũng, Đặng Tiến, Đặng Xuân Hoà, Phạm Luận... và những gương mặt trẻ đương đại tên tuổi mới xuất hiện dăm năm trở lại đây như Phương Bình, Nguyễn Nghĩa Cương… Bức chân dung của người đẹp Huế xưa Dao Ánh - “người tình trong mộng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do hoạ sĩ Đinh Cường thể hiện thật “độc nhất vô nhị” cũng đã xuất hiện trên tường nhà anh!
Không ít các bức tranh lụa quý hiếm của cụ Nguyễn Phan Chánh, Tôn Thất Đàm, Lê Phổ, Lê Bá Đẳng... hay bộ tranh sơn mài của cụ Nam Sơn, Nguyễn Gia Trí... đều được Thiều Quang “thỉnh từ bao cuộc đấu giá tranh ở Paris hay Hồng Kông với niểm say mê, tự tôn dân tộc, giành giật từ tay các nhà sưu tầm tranh ngoại quốc để đưa về bổ sung cho bộ sưu tập tranh Việt Nam của anh thêm hoàn thiện đa dạng nhiều chất liệu thể hiện, phong phú hơn bất cứ một Bảo tàng mỹ thuật nào ở nước ta hiện nay.
Chỉ riêng mảng tranh chân dung tự hoạ của các hoạ sĩ Việt Nam đương đại do anh sưu tập dăm chục bức đang treo trên tường nhà mình, cũng đủ gây kinh ngạc cho bất cứ ai tò mò muốn được ngắm qua bút lực tự hoạ như chân dung cụ Bùi Xuân Phái, hoặc trẻ nhất như Hoàng Hồng Cẩm... Một thế giới tranh của Thiều Quang thật mê ảo khó quên. Ấy là chưa kể anh chỉ tôi cho xem kho tranh luôn được bật máy sấy bảo quản chu đáo, chờ ngày xây dựng xong Bảo tàng tranh tư nhân của riêng anh để trưng bày cho mọi người có cơ hội được thưởng lãm nay mai!”
Một người bạn thân của Nguyễn Thiều Quang, nhà báo Huỳnh Phan viết trên tờ VietTimes. Anh đi xem tranh nhiều, cả nước có triển lãm tranh nào anh đều cố gắng đến. Anh đi gặp nhiều họa sĩ, trao đổi về những gì họ vẽ, và tất nhiên đi đấu giá tranh trong các cuộc đấu giá bên nước ngoài (anh đấu giá online là chính).
Bộ sưu tập tranh của Thiều Quang còn có cả tranh của Victor Tardieu, vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, hay Nam Sơn, học trò của Tardieu và sau này trở thành cộng sự của ông. Hay những họa sĩ người Pháp là thầy cô của Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái…
Sau đó, Quang sưu tầm tranh của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh… Đối với những họa sĩ thành danh ở nước ngoài như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, hay Mai Trung Thứ, anh phải đấu giá ở Pháp. Rồi thời kỳ đương đại, Quang mua tranh của Đặng Xuân Hào, Đặng Tiến, Vũ Thành Nghị, hay Lê Trí Dũng… Thiều Quang nói anh không như một số nhà sưu tầm, chỉ mua tranh của những họa sĩ đã mất, hoặc mua những bức tranh đã lên sàn, mà anh mua rộng hơn, cả họa sĩ mất lẫn họa sĩ đang sống, để có một bức tranh toàn cảnh về hội họa Việt Nam, với các gương mặt tiêu biểu, suốt gần 100 năm qua. Giờ đây, Nguyễn Thiều Quang có trong tay hơn 1000 bức tranh, bức đắt nhất giá mua gần 1 triệu USD…”
Với một bộ sưu tập tranh “khủng” như vậy, đương nhiên, nó phải có nơi lưu giữ và trình bày tương thích, kể như một Bảo tàng mỹ thuật lớn hoành tráng cả về hình thức và nội dung, như một hòn ngọc lớn lung linh thu hút người yêu tranh cũng như những nhà sưu tập tranh cả thế giới dồn về. Trân trọng thay, ông chủ Nguyễn Thiều Quang đã làm được việc này. Vậy là từ nay Tp. Hồ Chí Minh lại sáng thêm bởi một hòn ngọc mỹ thuật này bên sông Sài Gòn…
Nguồn Văn nghệ số 34/2022