Chuyên đề

Cây bằng lăng trổ hoa

Bạch Phần
Văn học thiếu nhi 15:00 | 26/04/2025
Baovannghe.vn - Cây bằng lăng của tôi lại bắt đầu trổ hoa! Sắc tím bâng khuâng, màu tím thủy chung trong nắng hè kiêu hãnh, càng gợi cho tôi nhớ về một thời hoang sơ của nó. Nắng gió đầm bưng sắc hương đằm thắm. Khi hoa nở giữa đồng…thì không lẫn vào đâu được!
aa

Cây bằng lăng vốn chẳng ai trồng, đó là loài cây hoang mọc ở vùng ngập nước. Thân nó rắn chắc, cành nhánh dẻo dai, tàn lá sum suê, đặc biệt là lúc còn non, lá nó có vị chua chua, chát chát, người dân Nam Bộ thường dùng ăn với bánh xèo, loại bánh đặc trưng của Phương Nam, được làm nhiều nhất vào mùa Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hàng năm. Tuy là loài cây trời sinh, trời dưỡng nhưng hoa của nó đẹp mê hồn; màu tím bâng khuâng man mác giữa chiều hè êm ả: kín đáo, khép nép, cánh mỏng như bướm nhưng không dễ vỡ… Vì vậy mà tôi yêu quý nó, rất thích ngắm nó mỗi khi hè về. Có thuở tôi còn sợ mất nó! Bởi chẳng ai phát hiện ra cái sức sống mãnh liệt, kiên cường của nó như tôi!

Hồi ở quê, bên cạnh cây cầu kênh nhà tôi có một cây bằng lăng rất đẹp. Tôi không biết, nó mọc từ lúc nào, khi tôi lớn lên, nó đã trổ hoa rồi. Mỗi khi hè về, nó lại nở những chùm hoa màu tím rất xinh và dễ mến. Những lúc ấy, không chỉ có hoa bằng lăng mà còn có cả hoa ô môi, hoa lộc vừng cũng rực hồng bên bờ kênh đối diện. Có lẽ mùa hè là mùa của hoa đồng nội nên các loài hoa cứ đua nhau khoe sắc. Mỗi chiều về, khi con bìm bịp kêu chiều, dòng kênh quê tôi lại ngoằn ngoèo con nước lớn, cuốn trôi những sắc hoa đồng nội lượn lờ trải thảm theo dòng kênh. Thả diều, chạy nhảy, rong chơi, bắt cá, trèo cây… mệt nhoài, chúng tôi lại nhảy ào xuống dòng kênh tắm táp, tha hồ ngụp lặn vớt hoa chơi trò cô dâu chú rể.

Tuổi thơ tôi gắn liền với cây bằng lăng không tuổi. Năm Mậu Thân ác liệt, làng xóm quê tôi bị giặc Mỹ rãi thuốc khai hoang, đồng ruộng cháy khô, xác xơ cây cỏ. Ba tôi phải đưa cả nhà xa quê lánh nạn, cây bằng lăng bị trúng đạn và chất độc khai hoang cũng trụi lá, trơ cành. Ngày xa quê, bọn trẻ chúng tôi cứ nhìn cây bằng lăng mà tiếc. Thôi thì,…người không chịu nổi nói gì đến cỏ cây!...

Cây bằng lăng trổ hoa
Cây bằng lăng trổ hoa - Ảnh: baohaiquanvietnam.vn

Những năm xa quê, tôi chỉ biết mùa hè qua màu phượng đỏ, ngắm bông gáo giữa đồng mới biết mùa thu. Ngày trở lại quê nhà, nhìn vườn cây xơ xác, làng xóm vắng hoang, tôi buồn muốn khóc, duy chỉ có cây bằng lăng ở đầu cầu kênh vẫn chung thủy nở hoa. Màu hoa tím rưng rưng dưới sắc chiều hè, một sắc tím kiên cường, kiêu hãnh! Chị em tôi lại đùa vui quấn quýt bên cây bằng lăng chung thủy, hái từng chùm hoa ép vào trang vở thành những con bướm màu tím xinh xinh tặng bạn bè cùng lớp. Và như thế, chúng tôi cứ lớn lên với những đêm trăng, những câu hát ru, những cánh diều giấy chép đầy ước mơ hi vọng, và có cả những con bướm hồng, bướm tím làm bằng hoa phượng, hoa bằng lăng hái vội bên đường.

Năm 1978, cơn lũ thế kỉ tràn về cướp trắng cánh đồng quê tôi, ruộng vườn đều bị nhấn chìm trong sóng nước. Cây bằng lăng ngoi ngóp trước bão giông, sóng dập, nước xô vẫn không cuốn nổi cái gốc của nó trôi khỏi đầu cầu kênh. Tôi xa quê từ ấy, và mỗi lần về phép, tôi lại đến ngắm cây bằng lăng: Qua bão giông thân nó càng rắn rỏi, người qua lại sợ bị nó cản lối đi nên bao lần chặt, đốt… mà nó vẫn kiêu hãnh trổ hoa. Ba tôi kể:

- Cái đầu cầu kênh này coi vậy mà có duyên! Tới hè là cây bằng lăng bên này trổ hoa, phía bờ kênh bên kia cây ô môi nở hồng, hoa lộc vừng chúm chím… Vì vậy mà có mấy đám rước dâu đi ngang đều cho ghe chạy chậm lại để chụp ảnh, quay phim… Có người còn hỏi xin ba cái gốc bằng lăng về làm kiểng nhưng ba không cho!

Thế rồi vào một lần về phép, tôi không thấy cây bằng lăng đâu nữa, dòng kênh quê tôi được mở rộng ra, đường làng lót dal thẳng lối. Tôi hỏi ba về cây bằng lăng, ba bảo: “Xã làm đường, vét kênh, cây bằng lăng bị xáng múc quăng lên bờ còn chỏng chơ gốc rễ.” Nhìn cây bằng lăng khô héo, tôi nghĩ nó chết rồi, nên suốt buổi cứ thẫn thờ buồn tiếc. Thấy tôi buồn, ba bảo: “Cái con này coi vậy mà quê! Ở thị thành thiếu gì hoa đẹp, tiếc làm chi cái thứ hoa đồng, hoa dại hả con?” Tôi nói với ba: “Tuy quê mùa nhưng sức nó dẻo dai, chịu được nắng mưa, bão lũ, là loài hoa kiên cường vươn thẳng!” Ba tôi cười: “Con nhỏ này có khí chất văn chương, nên nhìn cây cối thấy ra hồn, ra vía!”

Thấy tôi tiếc cây bằng lăng, chồng tôi cũng đến ngắm nghía rồi chặt cành, cưa bớt rễ đưa về trên tỉnh. Mấy năm đầu anh bỏ bê bên góc hè chẳng màng chăm sóc, vậy mà nó vẫn lặng lẽ nở hoa. Tôi nói mãi, anh mới chịu đưa nó đến khoảng đất khô ráo để trồng. Có người nhìn thấy, bảo: “Hoa kiểng quý thiếu gì, tiếc chi cái gốc bằng lăng cũ kĩ?” Tôi buồn, không đáp. Qua bao tháng ngày tưới nước, chăm cây, trong lúc nó đang hồi sinh, mọc lên những tược non mơn mởn và bắt đầu nở những bông hoa màu tím thì bị người đốt cỏ vô tình đốt cháy thân, cành. Nhìn nó xém đen, quằn quại dưới nắng hè, tôi càng tiếc thương cho quãng đời gian truân của nó. Cứ nghĩ nó không sống nổi, không ngờ sau vài cơn mưa, nó lại đâm chồi và nở hoa. Người qua đường nhìn thấy, đứng lại nhìn:

- Ồ! Cây bằng lăng này nhìn kỹ thấy cũng hay hay, gốc, cành ra dáng một thiếu nữ đang che trên đầu một cây dù hoa màu tím.

Sau đó vài hôm, lại có người sưu tầm cây cảnh đi ngang, thấy cây bằng lăng nhà tôi có dáng ngỏ ý hỏi mua, tôi quyết lòng không bán. Nhà sưu tầm nài nỉ:

- Cây bằng lăng này có dáng thanh tao, nhìn phía nào cũng tao nhã. Tôi đem về tỉa nhánh, chiết cành, uốn sửa làm cây bon sai. Những năm gần đây, ngoài lộc vừng, bằng lăng tím nếu biết cách chăm sóc, đây cũng là loại hoa kiểng được thời nghen chị!

Tôi cười chua chát: Tội nghiệp cây bằng lăng đau khổ của tôi, trải bao phong ba bão táp: bị bóc rễ, đốt thân, đổi dời bao lược…mới có người tri kỉ nhìn ra vẻ đẹp tiềm ẩn của nó!

Dẫu không sánh kịp hồng, lan, cúc

Cũng điểm cho đời một nét duyên

Người sưu tầm cây cảnh nhìn tôi rồi thốt lên hai câu thơ như vậy. Tôi cười:

- Để có ngày hôm nay, tội cho nó phải trần ai, khổ ải!

Người sưu tầm nửa đùa, nửa thật:

- Cây kiểng, hay con người cũng vậy, càng bị đọa đày thì càng ra dáng!

Cảm ơn người yêu hoa, biết trân trọng nâng niu gìn giữ nguồn hồn cuộc sống. Cảm ơn người tri kỉ nhìn hoa hiểu thấu nỗi niềm.

Những năm gần đây, nhiều tỉnh thành, phố thị đã đưa cây bằng lăng về trồng ở công viên, dọc theo các đường phố, vỉa hè để lấy bóng mát và làm đẹp cảnh quan. Tôi rất mừng vì từ nay, cây bằng lăng không còn cô đơn giữa đồng bưng nắng gió, không còn bị người đời kinh rẻ, bỏ rơi, mà cây hoa đồng nội này đã có mặt trên các con đường, phố thị, cùng điểm tô cho đời những nét duyên mùa hạ. Để mỗi chiều về trên phố, nhìn những cây bằng lăng trổ hoa tím ngát, nhìn dăm ba cô nữ sinh áo trắng lấy nón hứng hoa nói cười khúc khích, lòng tôi như dịu lại sau những bộn bề, và càng thấy thanh thản, yêu đời hơn, khi nhìn thấy cây bằng lăng trước ngõ nhà mình lại dâng sắc trổ hoa.

Bạch Phần | Báo Văn nghệ
Hải Phòng tổ chức Triển lãm thành tựu 70 năm xây dựng và phát triển

Hải Phòng tổ chức Triển lãm thành tựu 70 năm xây dựng và phát triển

Baovannghe.vn - Triển lãm là dịp để cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố.
Nhà văn Chu Lai: Văn mà giả thì buồn cười lắm!

Nhà văn Chu Lai: Văn mà giả thì buồn cười lắm!

Baovannghe.vn - Cái tên Chu Lai đã đóng đinh vào văn học chống Mĩ, với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trước dịp kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), VHQS đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Chu Lai xung quanh mảng đề tài tâm huyết của ông.
Quốc hội: Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp

Quốc hội: Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp

Baovannghe.vn - Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Quốc hội

Baovannghe.vn - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1635/NQ-UBTVQH thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Vai diễn - Thơ Đoàn trọng Hải

Vai diễn - Thơ Đoàn trọng Hải

Baovannghe.vn- Buồn, cứ bật khóc/ Vui, thoải mái cười/ Tự nhiên đi với cuộc đời/ Em đừng đánh tráo nụ cười, nước mắt