Nếu đọc Lê Vi Thủy thì đó là khoảng năm 2009, tôi ấn tượng với những bài thơ cô gái Pleiku này đăng rải rác trên các tờ báo Áo Trắng, Mực Tím, Tuổi Trẻ… Bẵng đi một quãng, tôi nhớ lần đó mình lang thang trong một nhà sách khá lớn ở Sài Gòn thì bắt gặp tập thơ Mắt vỡ không còn bóng của cô. Một tập thơ bìa đen huyền đầy quyến dụ. Lật vội mấy trang ra đọc, kỳ thực tôi ấn tượng mãi lối viết đầy ẩn ức, thậm chí đôi khi khoáng đạt và phồn thực một cách bứt thoát so với thời đại. Ngày đó, là một thập kỉ mà thơ nữ xuất hiện nhiều tên tuổi trẻ với dòng thơ cách tân, khai phá bản thể và nâng cao nữ quyền. Tôi nhớ tên Lê Vi Thủy từ tập thơ này.
Nhưng, mãi chục năm sau, tôi mới chạm mặt Lê Vi Thủy trong một cuộc gặp của các bạn viết trẻ Hà Nội vào Sài Gòn giao lưu. Đoàn Hà Nội khi ấy do nhà văn Vinh Huỳnh và nhà thơ Đặng Thiên Sơn dẫn đoàn, có các tác giả trẻ Nhật Phi, Đức Anh… Khi ấy, Lê Vi Thủy cũng có mặt, ngồi ở phía đầu bàn, khoảng cách khá xa nên tôi chỉ nhìn chứ không trò chuyện. Cuộc gặp ngắn ngủi, nhưng Lê Vi Thủy cũng kịp để lại dấu ấn trong tôi là một cô gái dong dỏng cao, gương mặt xinh và nụ cười… toe toét. Tôi bỗng nhớ đến thơ của Lê Vi Thủy. Những câu chữ buồn tăm tối ngày ấy chính là từ cô gái này ra à? Suốt buổi trưa giao lưu cùng nhau, tôi để ý ánh mắt của cô gái này. Dẫu vành môi cười, nhưng thẳm sâu đôi mắt kia vẫn gờn gợn một nét buồn. Sau này thêm nhiều lần gặp gỡ, tôi vẫn tin những sâu hoắm của nỗi lòng cô gái ấy luôn hiện qua ánh mắt, chỉ có điều ít ai thấu được, bởi cứ nhìn vào lời nói tiếng cười của Thủy mà quên mất. Thứ năng lượng dạt dào dành cho bạn bè của Thủy như thác núi chảy tràn ào ạt, nên mấy ai kịp để nhìn sâu vào mắt Thủy. Tôi chỉ may mắn, thầm lặng quan sát được điều này từ lần gặp đầu, bởi khi ấy tôi và Thủy ngồi xa và còn lạ nhau.
|
Biết đến Thủy từ thơ, nhưng đọc trọn vẹn nhất một ấn phẩm của cô nàng thạc sĩ mỹ thuật này lại là tập truyện ngắn Gió trăng treo đầu núi. Tôi nhớ mình đã dành cả một buổi chiều để ngồi thong dong cùng chữ của Thủy. Mãi đến truyện ngắn Trăng đỏ, tôi buộc phải ngưng lại và điện thoại cho Thủy. Với tôi, truyện ngắn này ấn tượng mãi cho đến hôm nay. Truyện dựng lên một Tây Nguyên với không gian huyền mị đầy mê đắm. Ở đó những tục lệ của tộc người luôn gắn liền với những thân phận vốn dĩ biệt lập sự văn minh. Ở đó trùng điệp rừng cây và lá gió chặn con người ta lại với những ánh sáng lấp lánh bên ngoài thế giới. Và ở đó, trong mông mênh của nỗi đau luôn chất chứa một sự vượt thoát. Tục lệ sinh ra từ con người. Huyền tích cũng sinh ra từ con người. Nên không ai khác, phải là con người mới giải thoát cho nhau khỏi những khổ đau kiệt cùng từ những quy định cổ hủ đó. Văn hóa bản địa, và thân phận phụ nữ cũng thoát lên trên trang viết của Lê Vi Thủy. Hơn chục năm sau lần đọc đầu tiên, tôi thấy một Lê Vi Thủy đã chín muồi và xác tín được lối đi riêng cho mình.
Có lần, ngồi cùng Thủy trong kì trại viết 15 ngày ở Đắk Nông của Bộ Công An tổ chức, chúng tôi nói nhiều về văn chương. Khi ấy, một Lê Vi Thủy đủ đầy cung bậc với nỗi lòng mới trổ ra. Tôi nhắc lại khoảng thời gian mà đi đâu người ta cũng nhắc cái tên Lê Vi Thủy như một hiện tượng thơ trẻ của Gia Lai. Quãng những năm 2009, khi Thủy vừa đoạt giải Ba cuộc thi thơ Bút Mới, đến tận năm 2014. Đó chính là lúc Thủy sôi sục cùng văn chương. Phải nói là một tâm thế viết tận hiến, mãnh liệt, gây dấu ấn mạnh mẽ với văn đàn. Nhưng rồi Thủy dường như từ từ lui lại, đứng xa thậm chí đôi lúc ngoài rìa với văn chương. Chỉ thỉnh thoảng mới viết thơ. Đôi lúc chẳng cần công bố ra ngoài. Như một quãng trầm để từ đó cô gái phố núi mờ sương này quay trở lại, thong dong với văn chương.
Kì trại đó, chúng tôi đã có một đêm thơ trình diễn giữa ánh lửa bập bùng, giữa gió rừng vi vu và cái lạnh ngấm tận da thịt. Nhưng, vui! Nỗi vui biến đêm thành những vòng tròn bất tận. Đan tay nhau, nhảy cùng lửa. Hát cùng lá. Thức cùng trăng. Và rồi nói với nhau trong thâm sâu núi rừng về những ngôi sao. Thứ ánh sáng duy nhất sau khi lửa tàn. Dẫu nhỏ bé, xa tít nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn thấy. Văn chương cũng vậy, không cần ánh lên rừng rực, chỉ cần lấp lánh diệu vợi nhưng đủ để mọi người nhìn thấy. Đó đã là một đường văn hạnh phúc. Với người viết, chỉ cần thế, nhẹ nhàng thôi, bền bỉ và tận hiến, mặc ngoài kia thời thế làm sự đọc đã thay đổi. Còn viết được, còn gặp nhau, còn đọc của nhau đó đã là một chặng đời mỹ mãn.
Thủy hay gửi cho tôi đọc, cả thơ lẫn truyện ngắn của Thủy. Tôi nhớ chỉ vừa mới năm ngoái, những ngày Tết đang chộn rộn, tôi nhận được một truyện ngắn của Thủy. Hơn 11 giờ đêm tôi nhắn và muốn trao đổi với Thủy. Lập tức Thủy điện thoại lại cho tôi. Đâu chừng cả tiếng đồng hồ sau câu chuyện mới kết thúc. Nhưng, đó chưa phải là cuộc nói chuyện lâu nhất. Bởi có lần, Thủy điện thoại cho tôi, bảo cô ấy đã mất cảm xúc viết. Nói gì với Thủy đi. Mắng cũng được. La cũng được. Nhưng Thủy cần ai đó nhen cho Thủy một ngọn lửa. Chiều tối đó tôi có ca trực tại nơi mình làm việc. May là trực, nên phòng chỉ còn mỗi mình tôi. Thế là cuộc điện thoại kéo dài từ câu chuyện đi dạy, kéo sang chuyện viết, cách tìm đề tài, cách triển khai, cách để mình không làm biếng với văn chương, và rồi là những ngã năm, ngã ba của khúc cua cuộc đời. Có những thứ đôi khi diễn ra dù rất nhỏ nhặt nhưng lại tác động mãnh liệt đến người viết. Lắm khi nó khiến cảm xúc tắc tị và mất đi hứng thú với văn chương. Vì vốn dĩ người viết luôn sống đa cảm. Nên tâm trạng cũng khi này, khi khác, buồn vui lẫn lộn, và hứng thú đến đi cũng đầy bất chợt. Tôi cũng đã từng trải qua câu chuyện mất đi cảm giác viết, bởi cơm áo gạo tiền chi phối đời sống mình. Thời gian đó đằng đẵng 15 năm, nên khi nghe câu chuyện của Thủy, tôi sợ Thủy lại một lần nữa chọn cách đứng ngoài rìa văn chương. Lần này, đôi khi làng văn sẽ mất đi một giọng thơ đặc sắc đến từ Gia Lai. Hơn hai tiếng đồng hồ, tôi trò chuyện cùng Thủy, khi mà mọi phòng ban của công ty đều đã tắt đèn hết, cửa công ty cũng khóa, chỉ còn mỗi ông bảo vệ già và tôi. Thủy cúp máy điện thoại và hứa sẽ cố gắng dồn sức để làm mới mình. Thủy hẹn tôi ở một thi phẩm mới. Sẽ là một Lê Vi Thủy quyết liệt dấn thân cùng sự “kết hôn vĩnh viễn” với văn chương. Tôi thở phào nhẹ nhõm, biết rằng mình đã níu Thủy lại với văn chương, nên thời gian hơn hai tiếng trôi qua là không hề vô nghĩa.
Văn chương luôn cần những sự đồng hành và chia sẻ. Chính sự gặp gỡ cũng như những lần trao đổi cùng nhau sẽ là một sợi dây bấc, cháy lên trong nhau những đam mê. Nói với Thủy cũng chính là tôi khơi lại trong tôi một động lực viết. Sau những cú điện thoại như thế chúng tôi quý nhau và kết nối nhau thành một nhóm chơi. Bởi ngoài văn chương, chúng tôi còn thích những chuyến đi. Chuyến đi cho chúng tôi những câu chuyện, những trải nghiệm làm chất liệu viết. Thành lệ thường, hằng năm chúng tôi sẽ chọn một nơi xa lạ, lập nhóm, tự mình lên kế hoạch ăn ở và ngao du trong tâm thế “bụi đời”. Nhóm đi cũng chỉ toàn là các cây bút từ Gia lai, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương… tụ lại thành một bộ tộc mang tên “tộc người Le Le”. Chẳng biết cái tên này từ đâu ra, nhưng nó giản đơn làm cả nhóm cười tươi gật đầu chấp nhận. Ở mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn cố gắng dành buổi đêm để ngồi lại, chia sẻ câu chuyện viết của mình năm vừa qua, cũng như nói với nhau về các kế hoạch cho văn chương. Từ đó, chúng tôi hun đúc nhau cố gắng hoàn thành kế hoạch đó.
Những cuộc “nấu cháo điện thoại” đó, và sự hun đúc nhau từ “tộc người Le Le” đã tiếp sức cho Lê Vi Thủy để cô gái Gia Lai này liên tiếp gặt hái thành công trong khoảng thời gian vừa qua như ra mắt tập thơ Gió nghiêng về phía ngược chiều, đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai lần IV, giải thưởng Văn xuôi cuộc thi “Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - những chặng đường phát triển”… Và hơn hết là sự “kết hôn vĩnh viễn” với văn chương được chứng nhận bằng việc Lê Vi Thủy đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. Với tôi đó là một cái kết đẹp cho hành trình gần 20 năm viết lách của Lê Vi Thủy.