Sáng tác

Uống bia giữa Sài Gòn ngày hòa bình đầu tiên

Hào Vũ
Tản văn 09:00 | 26/04/2025
Nhớ về ngày 30 tháng tư năm 1975. Trong chiến dịch tiến vào Sài Gòn tôi được phân công đi theo một đại đội trong đội hình của mũi tiến công vào phía nam Sài Gòn.
aa

Lúc đầu được lệnh hành quân, anh em không ai biết đi đâu, chỉ thấy hướng về một vùng ánh sáng phía chân trời. Có người trong đơn vị nói, Sài Gòn đó. Cũng chỉ biết vậy, chưa biết hư thực như thế nào. Hành quân mấy đêm, sau cùng thì cũng biết các đơn vị đang chuẩn bị đánh vào Sài Gòn.

Lúc ấy, đài Hà Nội liên tục đưa tin chiến thắng, đại quân ta hành tiến thế như chẻ tre, tiến thẳng về phía Nam. Địch tháo chạy toán loạn. Mục tiêu của mũi tiến quân tôi được tham dự là Tổng nha cảnh sát Sài Gòn tại quận Tám thành phố Sài Gòn. Sau những đêm hành quân vất vả, chúng tôi bắt đầu hành quân ban ngày băng qua các ấp. Những xóm ấp đi qua phấp phới bay cờ Mặt trận nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa. Bất ngờ là lẫn trong màu cờ nửa xanh nửa đỏ, tôi bắt gặp những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên ngọn cây, trên mái nhà lợp lá dừa đã xơ xác vì mưa nắng. Tôi thật sự xúc động trước màu đỏ chói chang ấy.

Từ ngày vào Nam chiến đấu, bao nhiêu năm rồi hôm nay mới thấy được lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Bỗng bừng lên trong anh những câu thơ trong trường ca Ngọn Quốc Kỳ của thi sĩ Xuân Diệu.

Vì bởi yêu cờ mới tới đây,

Áo trăm lần ướt rồi khô lại,

Thân hết chui rừng lại lách mây.

Mấy lần nhọc mệt, lòng toan nản,

Trông thấy sao vàng: tay vuốt trán,

Chân quên đá nhọn, gối quên chồn,

Bước lại so đều chưa thấy chán!…

*

Tối ngày 27 tháng Tư.

Lúc ấy đơn vị đã áp sát Sài Gòn. Ban chỉ huy đại đội ở trong một cái lán nhỏ ẩn giữa lùm cây thấp. Khoảng chín giờ, những trận mưa sớm làm ướt đẫm cây lá, bỗng có người từ ngoài bước vào. Chúng tôi được thông báo chiến dịch tiến vào Sài Gòn chính thức mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trong tiếng mưa rơi rào rào trên lá, người ta cũng thông báo vị chỉ huy của mũi tiến quân của chúng tôi được thăng hàm cấp tướng, tiếp tục chỉ huy mũi tiến công.

Ngày 30 tháng Tư, trước khi trời sáng, chúng tôi đã triển khai xong tuyến công sự ở một xã thuộc huyện Cần Giuộc, kế con lộ nhựa lớn dẫn vào quận Tám. Trời sáng hẳn, những vũng nước trước công sự do cơn mưa đêm qua để lại lấp lánh ánh nắng. Không gian yên tĩnh lạ thường. Tiếng cậu liên lạc đại đội nói, sao giác này không thấy tiếng máy bay ta? Rồi tiếng ai đó lên quy lát súng lách cách. Bỗng nhiên có tiếng ai nói, “mở đài Sài Gòn ngay, nó đầu hàng rồi”. Không còn nhớ lúc ấy là mấy giờ, chỉ thấy vạt nắng trước mặt rực sáng lạ kỳ. Chúng tôi được lệnh tiến vào Sài Gòn.

Đêm ấy chúng tôi đóng quân ở Tổng nha, tôi ngủ trên nóc một cái tủ sắt đựng hồ sơ. Điện thắp sáng suốt đêm, quạt chạy suốt đêm. Những người công nhân ở nhà máy điện đã được cơ sở ta làm việc từ trước, anh em phân công nhau bảo vệ nhà máy, giữ cho nhà máy hoạt động bình thường suốt những ngày sau đó.

*

Uống bia giữa Sài Gòn ngày hòa bình đầu tiên
Sài gòn về đêm. Ảnh Dihung trên Flickr

Ngày 2 tháng 5, tôi được phân công đi với khẩu đội 12,8 ly phối hợp với một tiểu đoàn bộ binh của ta. Khẩu đội chốt trên một căn gác nhỏ, khẩu 12,8 ly đặt ở ngoài ban công. Từ vị trí này cây súng có thể bắn máy bay trực thăng trên cao, hoặc hạ nòng bắn bộ binh địch di chuyển dọc tuyến đường nếu chúng tổ chức phản công. Hẳn nhiên chỉ là dự phòng, anh em ai cũng nghĩ, sẽ chẳng còn đợt phản công nào nữa mặc dù tiếng súng cho đến mấy hôm sau vẫn nổ đâu đó sau những ngôi nhà cao tầng.

Chủ nhà vui vẻ dành riêng phần lớn gian nhà trên gác cho bộ đội giải phóng, chỉ giữ lại một gian phòng nhỏ vách gỗ. Đó là phòng của một cô gái là con chủ nhà. Cô làm việc ở một ngân hàng, tuổi chừng 27, xinh xắn, và chỉ về phòng ngủ vào buổi tối. Cô nói cô vẫn đi làm bình thường. Tôi ngạc nhiên là gia đình chấp nhận để cô con gái xinh đẹp của mình gần như sống chung với bộ đội giải phóng trên căn gác chật hẹp, những chàng lính từ bưng biền ra vẫn còn đầy vẻ hoang sơ như cách nhìn của dân thành phố đối với chúng tôi lúc ấy. Tôi càng quý trọng chủ nhà hơn khi biết trước đó bọn địch đã tuyên truyền về chúng tôi giống như những con thú hoang.

Buổi tối, buổi trưa anh em chiến sĩ, ngoài những người được phân công trực gác, tất cả nằm lăn trên nền gạch bông mát lạnh, và ngủ. Một trợ lý chính trị tiểu đoàn được cử về đây ở chung với anh em. Do căn phòng của cô gái nằm sát vách trong, nên việc nằm ngủ cũng được sắp xếp theo quy định. Phải chừa một khoảng trống dành đường đi cho chủ nhà, cụ thể là cô chủ nhà, đi ra đi vào. Không lẽ tụi bay để cô ấy bước qua “xác” mình để về phòng hay sao? Một chiến sĩ trong khẩu đội bình luận về “con đường đi” dành cho chủ nhà. Tôi quan sát căn phòng. Tấm vách gỗ mỏng sơn xanh, cao hơn đầu người, cánh cửa cũng vậy, trông nó mỏng manh thế nào. Tôi nhận ra một khoảng sơn trên vách gỗ bị cạo nham nhở, săm soi mãi mới nhận ra dấu vết của lá cờ ba sọc bị cạo bỏ, vết cạo còn mới, chắc mới sáng qua.

Cô gái mỉm cười với tất cả các chiến sĩ, và các chiến sĩ cũng mỉm cười đáp lại, nhưng cô tỏ ra không muốn nói chuyện. Những thông tin về cô gái là do người mẹ, thường xuyên ở gian nhà dưới, cung cấp. Bà còn khoe:

Mấy chú giải phóng vô, ngân hàng nghỉ việc hết, chỉ có số ít người được chỉ định tiếp tục làm việc như bình thường. Con gái tôi trong số đó đó.

*

Uống bia giữa Sài Gòn ngày hòa bình đầu tiên

Thành phố Sài gòn sống trong niềm vui chiến thắng.

Nguồn ảnh TTXVN

Buổi tối hôm sau, một người bạn đồng hương của tôi đến tìm tôi. Dương cũng thuộc quận số tiểu đoàn này, nhưng là lính thông tin. Dương rủ tôi đi uống bia, một quán bia gần đó. Lúc ấy khoảng tám giờ tối giờ Hà Nội. Vào thờ điểm đó, phía ta theo giờ Hà Nội trong khi người dân trong vùng địch kiểm soát vẫn theo giờ Sài Gòn. Giờ Sài Gòn hơn giờ Hà Nội một tiếng, tức là chúng tôi đi uống bia vào lúc chín giờ tối giờ Sài Gòn.Vào giờ ấy một số hàng quán vẫn mở đón khách. Đường vắng, hai chúng tôi đi chầm chậm trên đường phố thưởng thức sự êm ái của con đường, thưởng thức hương vị thành phố đã từ lâu xa cách. Đèn đường chỗ sáng chỗ tối. Thỉnh thoảng một

toán lính ta, quân phục chỉnh tề, băng đỏ đeo nơi cánh tay, súng AK đeo trên vai, đi dọc theo tuyến phố. Có lẽ là bên kiểm soát quân sự. Tôi hỏi Dương:

- Tiền đâu mà rủ đi uống bia?

- Tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Hôm rày có xài gì đâu.

Chúng tôi được phát tiền sinh hoạt phí bằng tiền của chế độ cũ.

Hai thằng vào quán bia. Quán chừng mươi bộ bàn ghế, trên tường gắn điểm xuyết vài ba bóng đèn có hình dáng một loại hoa nào đó. Ánh sáng từ đấy toả khắp gian phòng, không quá sáng, thứ ánh sáng làm người ngồi uống bia trở nên nói năng nhẹ nhàng hơn để tránh kinh động đến người bên cạnh. Quán vắng khách. Có lẽ chủ quán hy vọng vào đám khách mới, anh em bộ đội giải phóng. Giải phóng mới được hai ngày.

Dương nói:

- Tao chỉ có đủ tiền mua một chai bia 33 và một con khô mực (chai bia loại nhỏ, giống như chai bia Sài Gòn đỏ bây giờ nhưng in bên ngoài ba con số 3 như lon bia Sài Gòn hiện nay. Tại vùng giải phóng của ta, vào thời điểm ấy, loại bia này bày bán khá nhiều.)

Tôi nói:

- Ăn thua gì, được ngồi trong quán như thế này là khoái rồi..

Cô chủ quán bận chiếc áo thun bó lấy thân thể tròn căng, thận trọng nhìn hai người bước vô, đợi cho ngồi xuống ghế mới rụt rè bước lại hỏi:

- Hai chú dùng chi?

- Cho chai “ba ba” nghe cô.

Tôi nói vừa nhìn cô gái, cái nhìn cũng giống như cô gái nhìn tôi, thận trọng, thăm dò. Dương nói tiếp:

- Cô cho ba ly đá, với con khô mực.

- Có hai người sao chú lại kêu tới ba cái “tẩy”?

- Thì cứ đem ra đi, tôi trả tiền.

- Không phải trả tiền nước đá chú ơi. Tại “cháu” thấy lạ nên hỏi vậy thôi. Chú kêu khô mực phải không ạ, quán cháu có cả khô cá đường.

Chúng tôi thấy hơi lạ vì cách xưng hô của cô gái. Sau này mới hay các cô gái Sài Gòn lúc ấy đều gọi đám lính chúng tôi là chú và xưng cháu như vậy cả.

Tôi nghe nói khô cá đường thì nói:

- Cái nào mắc hơn.

- Khô mực.

- Vậy cho khô cá đường đi. Khô cá đường ngon hơn.

- Ừ, thì khô cá đường. Chiều mày. - Dương nói.

Kiểu quán như thế này, cùng với cách phục vụ, rất khác với những cửa hàng mậu dịch phục vụ ăn uống cả hai từng rất quen thuộc lúc còn ở ngoài Bắc.

Cô gái đem bia và ba cái ly đầy nước đá cục tới, rồi đĩa khô cá đường đã nướng thơm lựng. Khúc cá khô sau khi nướng, chủ quán còn dùng một cái chày gỗ đập khiến nó bung ra những thớ cá nhỏ như cộng tăm, nhìn khúc cá giờ giống như một nắm bông gòn. Dương rót bia ra ba cái ly làm tôi ngạc nhiên. Dương nói:

- Khoan hãy uống, giờ tao thông báo cho mày một tin quan trọng. Ban nãy tao chưa nói, bây giờ mới nói.

- Gì vậy?

- Thằng Đến hy sinh rồi.

- Hả?

- Nó hy sinh cùng với ông Hai Võ. Hai người ngồi chung một hầm, “ăn gọn” trái bom.

- Mày có nghe lầm không?

- Chính xác. Nó hy sinh trước khi mình đánh vào Sài Gòn. Bộ đội địa phương tổ chức chống càn, tụi địch đem khu trục tới thả bom. Mẹ nó.

- Mày nghe thông tin từ đâu?

- Tao ghé chỗ mấy thằng thông tin Trung đoàn, thấy chúng nó đang làm việc với huyện đội chỗ thằng Đến, tao nhờ tụi nó hỏi thăm sức khoẻ thằng Đến, ai ngờ… Một chiếc máy bay khu trục (loại máy bay thường được sữ dụng của quân đội Sài Gòn cũ sau khi Mỹ rút) thả bom. Nó và Hai Võ ăn trọn trái bom.

Hai thằng ngồi lặng đi một lúc

- Không tìm thấy xác hai anh em nó, chỉ thấy hai sợi dây chuyền bằng inốc để tên hai người. Dây chuyền của thằng Đến lại khắc tên là Sáu Đính. Nếu đem về gia đình nó tao với mày phải nói cho cặn kẽ chuyện thay tên đổi họ của nó.

Tôi vẫn lặng yên, không thể nói được một câu gì vào lúc này. Dương nói:

- Thôi, giờ uống đi. Ly kia dành cho thằng Đến, coi như nó cùng mình ngồi uống bia. Nào, chạm ly với nó.

Cả hai thằng cùng chạm vào cái ly không chủ để trên bàn. Tiếng lanh canh của thuỷ tinh va chạm nhau. Tự nhiên tôi cảm thấy khó thở, có vẻ như cái quán này chật chội quá. Dương nói:

- Uống, mày. Này, chạm ly với thằng Đến cái nữa.

Lại tiếng lanh canh của thuỷ tinh va chạm nhau.

Im lặng thật lâu.

Một lát cô gái chủ quán tới bên, cô không ngồi xuống, đứng trước chúng tôi hỏi:

- Hai chú cho cháu hỏi thăm chút xíu có được không?

- Cô em hỏi gì?

- Hai chú cho cháu hỏi, người ta nói mấy ông giải phóng vô Sài Gòn bắt gái điếm xử bắn hết, phải không chú?

- Nói bậy. - Tôi trả lời, tự nhiên thấy muốn nói - Không có chuyện đó đâu. Người ta làm gái điếm là do nghèo đói, do lầm lỡ cùng đường làm ăn. Chứ ai muốn làm cái nghề đó, phải không cô.

- Dạ.

- Họ xuất thân từ thành phần dân lao động. Chính quyền mới là chính quyền của dân lao động chúng ta mà.

Cô gái lui vào gian nhà trong. Dương nói:

- Mày nói giống như mấy ông chính trị viên.

- Không, tao nói theo mấy ông nhà văn cách mạng của mình. Tao đọc truyện của các ông ấy. Lúc kể về cái xấu của chế độ phong kiến đế quốc, các ông ấy nói gái điếm là như thế mà.

- Thì mấy ông chính trị viên cũng nói như thế. Thực ra mấy ông chính trị viên, cả mấy ông nhà văn cách mạng của mình, đã ai nhìn thấy gái điếm bao giờ đâu. Toàn nghe kể lại.

Cả hai cùng cười. Đường phố Sài Gòn về đêm yên tĩnh. Thỉnh thoảng một đội kiểm soát quân sự, băng đỏ đeo nơi cánh tay đi tuần tra dọc tuyến phố. Cái ly đá có một chút bia dành cho người đồng đội hy sinh lặng im trên bàn.

Văn nghệ số 18+19/2016

Ra mắt cuốn sách "135 Chuyện kể về Bác Hồ"

Ra mắt cuốn sách "135 Chuyện kể về Bác Hồ"

Baovannghe.vn - “135 chuyện kể về Bác Hồ” là cuốn sách do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Phủ Chủ tịch phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn (TTXVN) biên soạn, xuất bản
“Nước non vạn dặm” - Góp một đại tự sự cho ký ức dân tộc

“Nước non vạn dặm” - Góp một đại tự sự cho ký ức dân tộc

Sáng 17/5, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ ra mắt trọn bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm gồm 5 tập của PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bộ trường thiên tiểu thuyết được thực hiện trong suốt 20 năm, phản ánh sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh qua hình thức văn xuôi hư cấu, với bút pháp sử thi hiện đại, góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn học viết về Người trong thời đại hôm nay.
Lễ hội "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần thứ 3 năm 2025

Lễ hội "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần thứ 3 năm 2025

Baovannghe.vn - Lễ hội do Báo Người Lao Động tổ chức, diễn ra trong hai ngày 17 và 18/5, hứa hẹn mang đến cho công chúng một không gian trải nghiệm đậm đà bản sắc văn hóa Việt.
Anh cả

Anh cả

Baovannghe.vn - Mẹ gà Mái Vàng có tám đứa con, năm anh chàng và ba cô nàng gà mái lắm mồm và háu ăn. Trong tám đứa con của mẹ Mái Vàng có một đứa con nuôi là cậu Trụi. Cậu Trụi vốn là con của mẹ gà mái Hoa Mơ nhưng các anh em khác và mẹ của cậu Trụi đã chết trong một trận dịch bệnh trước đó không lâu. Thấy cậu còn nhỏ lại mồ côi nên mẹ Mái Vàng đã nhận cậu về nuôi và yêu thương như con đẻ của mình.
Cung rước xá lợi Đức Phật từ chùa Quán Sứ về Chùa Tam Chúc

Cung rước xá lợi Đức Phật từ chùa Quán Sứ về Chùa Tam Chúc

Baovannghe.vn - Sáng 17/5 xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được cung rước từ chùa Quán Sứ (Hà Nội) về Chùa Tam Chúc (Hà Nam).