Cuộc họp có sự tham dự của 40 đại biểu, bao gồm đại diện các cơ quan chủ chốt như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Hội Nhà văn, Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương, Cục Bản quyền tác giả, Vụ Pháp chế cùng các chuyên gia, nhà quản lý văn học.
Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học họp phiên thứ Nhất |
Theo đó, các mục tiêu trọng tâm của Nghị định bao gồm việc thúc đẩy sáng tạo, quảng bá tác phẩm có giá trị, đặc biệt là văn học dành cho thiếu nhi và dân tộc thiểu số, cũng như tăng cường nguồn lực cho hoạt động văn học. Ngoài ra, việc gắn kết phát triển văn học với các ngành du lịch, dịch vụ cũng được xác định là một hướng đi chiến lược nhằm nâng tầm thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực này. Như vậy, Nghị định này không chỉ mang ý nghĩa tạo động lực cho văn học nước nhà mà còn là cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị của các tác phẩm văn học, góp phần khơi dậy khát vọng sáng tạo của các văn nghệ sĩ.
Trong khuôn khổ buổi họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra những ý kiến tâm huyết đối với dự thảo Nghị định lần thứ nhất. Nhiều ý kiến mang tính định hướng chiến lược đã được đưa ra, nhằm xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính khả thi trong việc khuyến khích, phát triển văn học Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trước đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 3561/QĐ-BVHTTDL về kế hoạch xây dựng Nghị định. Theo kế hoạch, từ tháng 11/2024, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập đã được thành lập để triển khai các bước chuẩn bị.
Tháng 12/2024, việc xây dựng dự thảo Nghị định lần thứ nhất đã được khởi động, với cuộc họp lấy ý kiến như hôm nay đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình hoàn thiện. Theo lộ trình, các dự thảo tiếp theo sẽ tiếp tục được lấy ý kiến từ các tổ chức, cá nhân, đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ VHTDL.
Việc xây dựng Nghị định lần này được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/ 6/ 2024, nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới. Kết luận này đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền trong việc đổi mới tư duy lãnh đạo, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác văn học, nghệ thuật.
Được biết, kết quả cuộc họp sẽ được tổng hợp và lựa chọn những phương án khả thi đặt nền móng cho những bước đi tiếp theo trong quá trình hoàn thiện Nghị định. Trong tháng 6/ 2025, Nghị định này dự kiến sẽ được trình Chính phủ phê duyệt và ban hành, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc khuyến khích và phát triển văn học Việt Nam, góp phần làm giàu thêm di sản văn hóa quốc gia.