Tại Họp báo thường kỳ quý III năm 2024 diễn ra chiều 3/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Bộ tiếp tục triển khai đồng bộ công tác tham mưu hoàn thiện thể chế trên hầu hết lĩnh vực. Trong đó có xây dựng Nghị định, tạo hành lang pháp lý về hoạt động văn học được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện, nhằm khuyến khích phát triển văn học.
Đại biểu tham dự họp báo. Ảnh MN |
Thực tế, hoạt động văn học đang được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, như: Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện, Luật An ninh mạng, nhưng vẫn còn những hoạt động văn học chưa được điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật riêng… Do đó, việc xây dựng Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý để khuyến khích hoạt động văn học phát triển tốt nhất đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, Nghị định về hoạt động văn học là một trong những nghị định để ngành văn hóa hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Hiện nay chỉ còn lĩnh vực văn học đang tiếp tục hoàn thiện, trong khi những lĩnh vực khác từ luật, nghị định, thông tư cơ bản đã có, với 475 văn bản quy phạm pháp luật của ngành.
Để hoàn thiện nội dung này, Bộ đã triển khai lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan, đánh giá việc tổ chức thi hành pháp luật trong hoạt động này; đề xuất chính sách tập trung khuyến khích phát triển văn học…
Trước đó, Nghị quyết 23 - NQ/TƯ khẳng định, Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Đặc biệt, Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch.
Đồng thời Nghị Quyết 23 cũng xác định, tài năng văn học, nghệ thuật và vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc.
Chính vì vậy, việc ra đời và sớm ban hành Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý về hoạt động văn học được xem là xung lực để Văn học phát triển tốt nhất.
Minh Nguyệt | Báo Văn Nghệ
----------
Bài viết cùng chuyên mục: