Sự kiện & Bình luận

Một không gian pháp lý cho phát triển văn học

Phạm Xuân Thạch
Tiếng nói nhà văn
08:00 | 14/04/2025
Baovannghe.vn - Với tư cách một Dự thảo đang được xin ý kiến rộng rãi các cơ quan quản lý và các thành phần xã hội, hy vọng Dự thảo Nghị định quy định khuyến khích phát triển văn học sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp...
aa
Một không gian pháp lý cho phát triển văn học
Phạm Xuân Thạch

Dự thảo Nghị định quy định khuyến khích phát triển văn học đang được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan quản lý trung ương và địa phương cũng như toàn xã hội để tiến tới hoàn chỉnh và đệ trình Quốc hội. Đây là một nỗ lực rất đáng quý của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo ra một không gian pháp lý cởi mở cho sự phát triển của văn học, khi mà văn học gần như là lĩnh vực nghệ thuật cuối cùng chưa có luật chuyên ngành và đặc biệt, còn đáng quý hơn nữa khi mục tiêu của văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan đề xuất xây dựng xác định là “khuyến khích sự phát triển văn học”. Văn bản dự thảo đã được chuẩn bị một cách chu đáo, hệ thống, bao quát nhiều hoạt động của đời sống văn học, dẫu vậy, để thực sự đạt đến mục tiêu là một văn bản “quy định khuyến khích phát triển văn học”, theo chúng tôi, vẫn cần có một số điểm cần hoàn thiện thêm.

1. Trước hết, muốn xây dựng một lộ trình phát triển, cần có một hình dung về mục tiêu hướng đến của phát triển. Vậy mà đây lại chính là điều đang thiếu vắng trong Dự thảo Nghị định quy định khuyến khích phát triển văn học (viết tắt: NĐVH). So sánh với Luật Điện ảnh, một trong những bộ luật được xây dựng rất sớm, được sửa chữa, bổ sung nhiều lần và hiện đang có tác động tích cực đối với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, có thể thấy, Luật Điện ảnh đã dành Điều 4 để quy định “Nguyên tắc hoạt động điện ảnh” với những tư tưởng rất tiến bộ như “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo đảm tính nhân văn, thẩm mỹ và giải trí” và “đảm bảo sự bình đẳng, cạnh tranh công bằng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh”. Có lẽ đây chính là điều đang thiếu vắng trong Dự thảo NĐVH: hình dung về một nền văn học mà chúng ta hướng tới để xây dựng, cái đích cho sự phát triển.

2. Có lẽ chính vì thiếu vắng một “cái đích” như thế nên trong những chương quan trọng của Dự thảo liên quan đến những hoạt động rất cơ bản của đời sống văn chương là hỗ trợ, đầu tư cho sáng tác; tổ chức trại viết, trại sáng tác; tổ chức các cuộc thi viết, sáng tác; giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn văn học các điều khoản vẫn nặng về các vấn đề thuộc về quản lý hoạt động văn học chủ yếu thông qua việc thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước. Việc này đặt ra những vấn đề về pháp lý như phân biệt giữa các cuộc thi, các trại sáng tác, các dự án quảng bá văn học cấp trung ương và cấp địa phương cũng như những vấn đề về hành chính mà điển hình là đòi hỏi sự gia tăng đội ngũ công chức hành chính để thẩm định các thông báo này (hãy tưởng tượng một năm có bao nhiêu cuộc thi, bao nhiêu trại viết, trại sáng tác văn học trên lãnh thổ Việt Nam). Trong khi đó, nội dung quan trọng nhất là đưa ra được chính sách cụ thể để thực sự khuyến khích sự phát triển văn học, thực sự huy động nguồn lực toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển văn học thì lại còn rất mờ nhạt. Trong khi những Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về khoa học và công nghệ đã đưa ra được những chính sách rất cụ thể như cơ chế quỹ trong tài trợ cho khoa học; khuyến khích cá nhân, tổ chức tài trợ cho khoa học công nghệ thông qua chính sách thuế hay cơ chế khoán chi để tháo gỡ sự phức tạp về thủ tục hành chính cho các nhà khoa học thì những chính sách quyết liệt như vậy hoàn toàn vắng bóng trong Dự thảo Nghị định quy định về phát triển văn học. Trong các chương của Dự thảo NĐVH dường như mới chỉ có vai trò của hệ thống chính trị, đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước được nhấn mạnh.

Về hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học, Điều 9 của Dự thảo Nghị định nêu rõ: “Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các tác giả viết, sáng tác tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ thể hiện, có giá trị định hướng thẩm mỹ và hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Tiếc rằng tư tưởng này lại bị giới hạn trong “những chủ đề, đề tài được quy định tại khoản 2 Điều này”. Nói thẳng ra rằng theo Khoản 2 đó thì Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các tác phẩm văn học tuyên truyền, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị. Văn học phục vụ trực tiếp đường lối, chính sách, cái mà nhà văn Nguyễn Minh Châu từng gọi là “văn nghệ minh họa” chỉ là một phần của các tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ thể hiện, có giá trị định hướng thẩm mỹ và hình thành nhân cách; hơn thế nữa, chức năng của Nhà nước, về lí luận, không chỉ khuyến khích, tài trợ cho những hoạt động minh họa đường lối, chính sách mà còn khuyến khích, tài trợ cho những khuynh hướng tiến bộ, tích cực trong đời sống. Ngoài ra, cùng với thời gian, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn có sự vận động, vậy, không lẽ lúc đó sẽ lại mang Nghị định ra sửa? Theo chúng tôi, Điều 9 này chỉ nên nói: Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho những tác phẩm văn học phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ chính trị hiện hành đồng thời đầu tư, hỗ trợ cho cả những tìm tòi, thể nghiệm, những khuynh hướng mới trong văn học.

3. Bên cạnh những vấn đề nói trên, còn có một số điều rất cần cân nhắc thêm trong Dự thảo Nghị định. Nếu như Luật Điện ảnh có những điều khoản rất rõ về khuyến khích phát triển lí luận, phê bình, nghiên cứu điện ảnh thì nội dung này hết sức mờ nhạt trong Dự thảo NĐVH. Điều 32 về phổ biến văn học trên không gian mạng hiện đang có một số nội dung về công bố văn học trên không gian mạng trùng với Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Luật An ninh mạng. Trong khi đó, một nội dung hết sức cần thiết lại chưa được đề cập đến: xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn học. Đây sẽ là nền tảng của mọi hoạt động giới thiệu, quảng bá văn học.

Với tư cách một Dự thảo đang được xin ý kiến rộng rãi các cơ quan quản lý và các thành phần xã hội, hy vọng Dự thảo NĐVH sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp để cơ quan tổ chức xây dựng Nghị định có thể hoàn thiện văn bản trong thời gian không lâu tới đây, tạo tiền để khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho văn học và để Nghị định, một khi được ban hành, sẽ thực sự góp phần “phát triển văn học” như chính tiêu đề mà cơ quan xây dựng văn bản đã xác định.

Bản tin Văn nghệ ngày 25/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 25/4/2025

Baovannghe.vn -Tổ chức Tuần phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Non sông gấm vóc - Một dải vinh quang"... là sự kiện được điểm trong bản tin ngày 25/4
Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Baovannghe.vn - Khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước tại Nhà Quốc hội.
Vĩ Tuyến một cánh đồng - Thơ Phan Duy

Vĩ Tuyến một cánh đồng - Thơ Phan Duy

Baovannghe.vn- Tôi bất giác nghĩ về vĩ tuyến/ theo cái nghĩa đơn thuần như để chia đôi
Khai mạc triển lãm “50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc” tại Nhà Quốc hội

Khai mạc triển lãm “50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc” tại Nhà Quốc hội

Baovannghe.vn - Triển lãm "50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc" diễn ra vào ngày 25/4 tại sảnh Nhà Quốc hội (Ba Đình, Hà Nội).
Tọa đàm khoa học “Thành tựu Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa 50 năm đồng hành cùng đất nước 1975 - 2025”

Tọa đàm khoa học “Thành tựu Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa 50 năm đồng hành cùng đất nước 1975 - 2025”

Baovannghe.vn - Sáng ngày 24 tháng 4 năm 2025, tại khách sạn Sao Mai (Tp. Thanh Hóa) Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: Thành tựu Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trong hành trình 50 năm đồng hành và phát triển cùng đất nước1975 - 2025