Hội thảo khoa học toàn quốc “Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển” vừa được Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức vào trung tuần tháng 12/2023 đã có 103 bài tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật từ các cơ quan Trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ; các văn nghệ sĩ Trung ương và địa phương, đã đi sâu, mổ xẻ những mặt được và chưa được của công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục và định hướng phát triển cho những năm tiếp theo
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu chỉ đạo Hội thảo |
Tạo điều kiện cho văn học Việt Nam tiếp biến và hội nhập với thế giới
Theo GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, gần 50 năm qua, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, những khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với văn học, nghệ thuật từng bước được tháo gỡ; môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không ngừng được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp biến, hội nhập với văn học, nghệ thuật thế giới. Đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà ngày càng sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và sâu sắc hơn về phương thức thể hiện. Đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, nhất là các vấn đề lớn, phức tạp, nóng bỏng của đời sống xã hội được phản ánh chân thực, sinh động hơn trong các loại hình văn học, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới đã ra đời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
Sự quan tâm cả về nguồn lực lẫn con người của Đảng, Nhà nước đã góp phần xốc lại đội hình, đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện đang tồn tại hai thái cực trong công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Thái cực thứ nhất, làm công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật vì trách nhiệm và đam mê. Để đánh giá một công trình hay chỉ đơn thuần là một bài phê bình, thù lao cho công trình lý luận, phê bình quá ít ỏi nên người viết lý luận, phê bình chủ yếu là vì đam mê tìm tòi, khám phá một lĩnh vực mới và vì trách nhiệm với nghề. Ở thái cực thứ 2, cũng có người làm lý luận, phê bình chỉ là hình thức, chủ yếu viết theo phong trào (khen - chê) để làm kinh tế. Đây chính là mặt trái của công tác lý luận, phê bình. Do đó, để có được sự đánh giá khách quan về một đời sống lý luận phê bình văn học, nghệ thuật lành mạnh, đòi hỏi chúng ta phải công tâm và thận trọng, bởi đây là những vấn đề vừa mang tính thời sự, vừa có tính trầm tích qua thời gian của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vừa đòi hỏi những giải pháp xử lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn sáng tác mới có thể phát huy sức mạnh của Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trong việc thúc đẩy văn học Việt Nam tiếp biến, hội nhập với văn học, nghệ thuật thế giới.
Tạo xung lực mới cho hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật
Để nâng cao vai trò cũng như định hướng phát triển văn học, nghệ thuật, Hội thảo đã tập trung bàn thảo các nhóm vấn đề:
Thứ nhất, khẳng định đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta qua 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, phát triển.
Thứ hai, phân tích, đánh giá quá trình hòa hợp, hòa giải, thống nhất, tiếp biến, phát triển của nền văn học nghệ thuật cách mạng, đồng thời đánh giá một cách khách quan, chính xác, thỏa đáng những đóng góp của bộ phận văn học yêu nước, tiến bộ ở các đô thị Miền Nam (1954-1975); văn học yêu nước, tiến bộ của của người Việt Nam ở nước ngoài; quá trình giao lưu, tiếp thu, tiếp biến các trào lưu tư tưởng, lý luận văn nghệ nước ngoài ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra trong quá trình hòa hợp, giao lưu, tiếp nhận, tiếp biến văn hóa, văn nghệ đã, đang và cần được giải quyết.
Thứ ba, đánh giá quá trình kế thừa và cách tân lý luận, phê bình văn nghệ dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, phát triển, hội nhập.
Thứ tư, khẳng định những ưu điểm, thành tựu; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn hóa, văn nghệ nước ta, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn.
Các ý kiến, tham luận đã cho thấy những quan điểm, góc nhìn đa chiều, sự đánh giá khách quan về thực trạng và giải pháp cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật sau 50 năm đổi mới, phát triển, đồng hành cùng lịch sử dân tộc.
Theo giáo sư Phong Lê, hiện phê bình văn học, nghệ thuật đang tồn tại theo kiểu “mạnh ai nấy làm” do sự tiếp thu các lý thuyết mới còn thiếu chọn lọc và lực lượng làm công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật còn yếu và thiếu. Chưa có lớp kế cận làm lý luận phê bình chuyên nghiệp…
Công bằng mà nói, để tồn tại tình trạng phê bình như trên có một phần trách nhiệm thuộc về các cơ sở đào tạo. Sự thiếu trầm trọng về lý thuyết phê bình tại cơ sở đào tạo đối với từng chuyên ngành văn học, nghệ thuật, dẫn tới quá trình tiếp thu lý thuyết của người học trở nên không rõ ràng, kết quả là bài viết, công trình của họ không tác động được tới công chúng.
Đơn cử, trong phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho biết, những người làm công tác lý luận phê bình ngày càng thưa vắng do không được đầu tư thỏa đáng, đầu ra cho các công trình còn khó khăn, khó tìm người trao truyền. Mặt khác, nhạc sĩ chỉ ra đội ngũ công tác đang thiếu tính phản biện, đôi khi là những phát ngôn phớt qua chứ không tranh biện sôi nổi để tìm ra tiếng nói chung, hóa giải mọi tranh cãi. Hay ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, NSND Lê Tiến Thọ cho biết công tác lý luận, phê bình dường như đang đứng ngoài cuộc. Bởi có rất ít bài viết đánh giá chất lượng các liên hoan, cuộc thi sân khấu, ý kiến nhận xét về chất lượng giải thưởng, công tác tổ chức, thành phần ban giám khảo còn hạn chế. Những người có kinh nghiệm đã lớn tuổi, trong khi lớp trẻ không sống được với nghề, khiến đội ngũ nhà phê bình sân khấu các năm qua trở nên “mỏng”. Một bộ phận có tâm lý thương cảm những đơn vị nghệ thuật, dẫn tới loạt bài viết theo tỷ lệ “bảy khen, ba góp ý”…
Do đó, để lý luận phê bình thực chất, phát huy được tính định hướng, nâng đỡ tác phẩm sáng tạo, hơn lúc nào hết, các Bộ, ngành chức năng, các trường đại học cần tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tạo những đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình...
Để làm được điều này, nên chăng trước mắt, cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường, khoa chuyên môn đào tạo ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở các trường đại học đa năng. Phát triển mạng lưới các trường chuyên năng khiếu nghệ thuật ở các địa phương. Bên cạnh đó, cần đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại. Có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với các sinh viên học ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật khi ra trường để bổ sung về những cơ quan làm công tác văn học, nghệ thuật hiện đang còn “mỏng manh” hoặc “trống vắng” về lĩnh vực rất quan trọng này. Cũng chính vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng, Hội thảo quốc gia về công tác lý luận phê bình nói trên sẽ tạo ra xung lực mới cho hoạt động lý luận phê bình phát triển song hành và đi trước một bước so với tầm vóc phát triển của văn học, nghệ thuật hiện nay.
Nguyễn Nam
Nguồn Văn nghệ số 51/2023