Sự kiện & Bình luận

105 số báo Văn nghệ trong hai năm đầu tại Hà Nội, 1954-1956

Bút ký phóng sự
08:57 | 10/03/2023
Sau đình chiến theo hiệp định Geneva 1954, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành được quyền quản trị một nửa đất nước ở phía bắc vĩ tuyến 17.
aa

VĂN NGHỆ, NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG

Sau đình chiến theo hiệp định Geneva 1954, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành được quyền quản trị một nửa đất nước ở phía bắc vĩ tuyến 17. Ngày 10/10/1954, quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản thủ đô Hà Nội. Lực lượng văn nghệ ở phía kháng chiến cũng từ Việt Bắc và các vùng căn cứ kháng chiến trở về hoạt động tại thủ đô. Văn nghệ sĩ từ Việt Bắc, từ liên khu 3, liên khu 4 trở về Hà Nội. Các nhóm văn nghệ liên khu 5, Nam Bộ tập kết ra Bắc, phần lớn cũng đến Hà Nội, trước khi đi nhận công tác và cư trú tại một nơi nào đó trên miền Bắc.

“Ba ngày sau khi thủ đô giải phóng, chiều 12/10/1954, Hội Văn nghệ Việt Nam đã chủ trương ngay cuộc họp mặt đầu tiên của hơn một trăm anh chị em văn nghệ, đủ các ngành văn, thơ, họa, nhạc, kịch, cải lương, kiến trúc. Tám năm xa cách, anh chị em văn nghệ mới về Hà Nội được đoàn tụ với anh chị em văn nghệ ở thủ đô. Mừng tự trong lòng mừng ra, nắm tay nhau, hỏi han nhau; những tâm sự dồn lại trong hàng mấy năm, một lúc muốn nói tất cả cho nhau biết.

Chúng ta thấy các bạn Nguyễn Tuân, Tổng thư ký Hội, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Cao Luyện, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Anh Thơ, Phạm Văn Đôn, Huỳnh Văn Thuận, Tô Vũ, Văn Chung, Phạm Văn Khoa, Vũ Năng An, Mai Lộc, v.v… chen lẫn chuyện trò với Lan Sơn, Nguyễn Xuân Huy, Đoàn Phú Tứ, Mộng Sơn, Hoa Bằng, Nguyễn Tường Phượng, Thẩm Oánh, Từ Bộ Hứa, Lương Xuân Nhị, Lưu Văn Sìn, Hoàng Tích Chù, Phan Tại, Ngọc Đình, Việt Hồng, v.v…; những nghệ sĩ cải lương như Sỹ Tiến, Anh Đệ, Kim Xuân, ngành chèo, như ông Nhưng, v.v… Đó chỉ là gọi tên một số bạn giữa bao nhiêu bạn khác. Chưa bao giờ, trong tám năm Hà Nội bị tạm chiếm, đã có một cuộc họp đông đảo như thế này…”(1)

Trở về Hà Nội cùng trong cơ quan chung Hội Văn nghệ Việt Nam, báo Văn nghệ và nhà xuất bản Văn nghệ ban đầu cùng đặt nơi làm việc tại trụ sở Hội ở 51 Trần Hưng Đạo, sau chuyển sang số 6 Quang Trung.

Tuy đánh số thứ tự từ số 57, tức là tiếp theo 56 số tạp chí đã xuất bản tại Việt Bắc, nhưng từ đây, Văn nghệ chuyển từ thể tài tạp chí sang thể tài báo, khổ lớn 30x44 cm.

Ban đầu, từ 1/11/1954, Văn nghệ là bán nguyệt san, ra vào các ngày 1 và 15 hàng tháng; mỗi số 12 trang. Văn nghệ trong năm 1954 được tiếp tục từ số 57 (1/11/1954) đến số 60 (15/12/1954). Tòa soạn Văn nghệ đóng ở 51 Trần Hưng Đạo; thư ký tòa soạn là Xuân Diệu.

Văn nghệ năm 1955 tiếp tục là bán nguyệt san từ số 61 (1/1/1955) đến số 64 (28/2/1955).

Từ tháng 3/1955 Văn nghệ đổi kỳ hạn sang 10 ngày/1 số (tức 3 kỳ/tháng), mỗi số 8 trang; gồm từ số 65 (11/3/1955) đến số 75 (30/6/1955).

Tháng 7/1955, Văn nghệ trở thành tuần báo ra ngày thứ năm, 8 trang. Từ số này, số 76 (7/7/1955), tòa soạn chuyển từ 51 Trần Hưng Đạo sang số 6 Quang Trung; vị trí thư ký tòa soạn chuyển từ Xuân Diệu sang Nguyễn Đình Thi.

Thành viên tòa soạn (đúng ra là bộ biên tập) ghi tại manchette báo: từ số 57 (1/11/1954) đến số 120 (10/5/1956): Trần Văn Cẩn, Xuân Diệu, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Cao Luyện, Thế Lữ, Tú Mỡ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi. Từ số 121 (17/5/1956) đến số 162 (1/3/1957): thành viên bộ biên tập: Văn Cao, Xuân Diệu, Tế Hanh, Bùi Hiển, Nguyên Hồng, Tú Mỡ, Chu Ngọc, Sỹ Ngọc, Nguyễn Đình Thi (Đây là cách tự giới thiệu của tờ báo theo tập quán báo chí văn nghệ đã có từ trước năm 1945, nêu tên tuổi một số văn nghệ sĩ có uy tín cao để tạo thanh thế tờ báo trước độc giả. Danh mục này ghi là “tòa soạn” nhưng không thể hiện thành phần phóng viên, biên tập viên làm việc trong tòa soạn).

Trở lại hoạt động trong thời bình, các điều kiện in ấn, kỹ thuật tốt hơn hẳn, việc phát hành cũng trở nên thuận tiện; báo được chuyển giao cho đại lý phát hành là bưu điện ngay tại nhà in; tòa soạn không còn phải tự tổ chức việc phát hành như trong kháng chiến.

Tuy vậy, đây lại là thời kỳ đời sống văn nghệ, đời sống báo chí văn nghệ ở miền Bắc trải qua khá nhiều sóng gió mà sau này người ta chỉ có thể hình dung được một phần qua bài vở trên chính tờ báo Văn nghệ, ngoài ra còn cần tìm hiểu thông qua nhiều nguồn tài liệu khách quan khác nữa.

Ngay đầu năm 1955, một số tác phẩm vừa ra mắt đã trở thành đề tài thảo luận sôi nổi. Trước tiên là tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, những ý kiến phê bình dần dần bộc lộ sự khác biệt, thảo luận chuyển thành tranh luận. Tập truyện Vượt Côn Đảo của Phùng Quán cũng được thảo luận sôi nổi, nhưng lại nghiêng về truy tìm nguyên nhân không thành công của tác giả trẻ. Tiếp đó, Giải thưởng văn nghệ 1954-1955 do Hội Văn nghệ Việt Nam công bố đã gây nên những ý kiến bất đồng của không ít văn nghệ sĩ.

Chính vào lúc trong văn nghệ nảy sinh những vấn đề, thì ngoài đời, việc chính quyền kháng chiến bắt đầu quản lý đô thị, với những quy định về hộ khẩu, về trật tự đô thị, cũng gây những phản ứng của cư dân. Ở quy mô quốc tế, việc đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Liên Xô phê phán tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ, đề cao nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cũng ảnh hưởng đến các đảng cộng sản anh em. Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết 9 (khoá 2) khẳng định tiếp thu tinh thần kể trên của đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời nghị quyết cũng yêu cầu phổ biến tinh thần “chống sùng bái cá nhân, thực hiện lãnh đạo tập thể, phê bình và tự phê bình” đến các cấp các ngành.

Hội Văn nghệ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ nêu trên bằng việc tổ chức cuộc học tập nghiên cứu lý luận cho trên 200 văn nghệ sĩ trong các ngày từ 1/8 đến 18/8/1956. Đây cũng là lúc giới văn nghệ thảo luận chuẩn bị đại hội văn nghệ toàn quốc thứ hai. Báo Văn nghệ là một trong những diễn đàn luận bàn các vấn đề văn nghệ, kiểm điểm hiện trạng, bàn các hướng hoạt động sắp tới.

Việc Đảng Lao động Việt Nam phát hiện sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất và quyết định sửa sai, cũng khiến dư luận xã hội và dư luận văn nghệ có thêm những chủ đề thông tin và luận bàn. Trước mặt các giới văn nghệ sĩ, trí thức ngày càng lộ rõ một thực trạng xã hội đã phức tạp càng thêm phức tạp.

Một số tờ báo tư nhân hoặc vốn đã có từ trước ngày tiếp quản như Thời mới, Trăm hoa, hoặc lúc đó (1956) mới lập ra như Nhân văn, Sáng tạo, một số ấn phẩm của nhà xuất bản Minh Đức như Giai phẩm mùa thu, Giai phẩm mùa đông… đã nêu nhiều vấn đề về đời sống xã hội, về sinh hoạt tinh thần, những nhu cầu tự do biểu đạt, tự do sáng tác nghệ thuật lại dường như thuận chiều với những yêu cầu về tự do, dân chủ trong sinh hoạt xã hội, tinh thần. Điều đáng lưu ý là những yêu cầu này dường như lại trái ngược với chủ trương thiết lập một xã hội được quản lý chặt chẽ, nhất nguyên, khi mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang hướng gia nhập phe xã hội chủ nghĩa, một trong hai hệ thống đối lập nhau của thế giới đương thời. Kết cục, các tờ Nhân văn, Sáng tạo và các tập Giai phẩm đều bị cấm; một phong trào “chống Nhân văn-Giai phẩm” được lãnh đạo chỉ thị và dư luận báo chí chính thống tiến hành rầm rộ.

Về đăng tải tác phẩm, trong 105 số báo Văn Nghệ thời gian này nổi bật hơn cả là những bài thảo luận, tranh luận về quan điểm văn nghệ, về đánh giá tác phẩm, tuy cũng có những sáng tác vẫn còn đáng ghi nhận qua thời gian. Đó, chẳng hạn là những bài thơ đẫm tình thương nhớ quê Nam của Nguyễn Bính, Tế Hanh, là những bút ký, phóng sự, truyện ký về di cư của Sao Mai, Thanh Châu, Kim Lân, Phạm Hữu Khuê, v.v.

Tháng 2/1957, Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai tại Hà Nội đã thành lập Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam thay cho Hội Văn nghệ Việt Nam. Trên báo Văn nghệ số 162 (1/3/1957) toà soạn kính báo bạn đọc: “Sau đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, báo Văn nghệ chuyển sang một tổ chức mới với một thể tài mới, báo sẽ tạm nghỉ trong tháng 3 để chuẩn bị”.

Trên thực tế, Văn nghệ sau đó sẽ chuyển sang dạng tạp chí. Đồng thời từ Hội Nhà văn thành lập đầu năm 1957 sẽ xuất hiện một tờ tuần báo khác: tuần báo Văn.

_______

1. Lê Đại Thanh: “Hoạt động văn nghệ ở thủ đô”, Văn nghệ, H., s. 57 (1.11.1954), tr. 2

Lại Nguyên Ân

Nguồn Văn nghệ số 10/2023


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...