Với tâm thế của một người làm truyền thông và là một nhà thơ sống giữa cộng đồng người Việt tại Mỹ, chị Thanh Hương luôn mang trong mình nỗi trăn trở về ký ức dân tộc và sự kết nối văn hóa giữa các thế hệ.
- Thưa chị, điều gì khiến chị xúc động nhất mỗi khi nghĩ về quê hương nhân dịp 30/4 - dấu mốc luôn gợi nhắc tới ký ức hào hùng và những đổi thay sâu sắc của đất nước?
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Khi đất nước thống nhất, vì còn nhỏ nên cảm xúc về ngày 30/4/1975 tôi không cảm nhận được hết nhưng tôi ý thức rất rõ về giá trị lịch sử của nó. Chỉ biết rằng thế hệ chúng tôi nếu không có ngày giải phóng thì sẽ không biết ra sao cho đời sống và học hành. Tôi vẫn thầm biết ơn về ngày đó.
- Theo chị, ngày 30/4 có ý nghĩa nào với thế hệ trẻ Việt kiều - nhất là những bạn sinh ra, lớn lên tại nước ngoài, ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với lịch sử?
Thế hệ trẻ ở đây sinh ra trong môi trường khác, không trải qua chiến tranh, vậy nên ngày này hầu như không tác động trực tiếp đến tâm lý và tư duy của họ. Giới trẻ người Việt sống ở Mỹ không quan tâm tới quá khứ, họ sống thực dụng cho hiện tại. Điều quan trọng là chúng ta phải kể lại câu chuyện lịch sử bằng nhiều cách khác nhau - từ truyền thông đến văn học, để họ hiểu và thấy tự hào.
![]() |
Nỗi nhớ quê hương luôn đau đáu trong tim Đặng Thị Thanh Hương và được chị gửi gắm trong tập thơ "Cánh cửa bên kia trời" (NXB Hội Nhà văn, 2022) - Ảnh: NVCC |
- Trong vai trò người làm truyền thông, đồng thời là người sáng tác nghệ thuật, chị nhìn thấy những cơ hội và thách thức nào trong việc kể lại lịch sử dân tộc cho cộng đồng kiều bào, để ký ức ấy không bị lãng quên mà trở thành một phần bản sắc?
Đã tròn 50 năm ngày thống nhất đất nước. Chúng tôi, những nhà văn sinh sau đẻ muộn tuy không tận hiểu về cái giá phải trả này giữa những người tham gia cuộc chiến. Nhưng chúng tôi luôn ước mong một sự hòa giải dân tộc giữa những người Việt ở hải ngoại và trong nước. Đó là một việc quan trọng cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau này. Việc hòa giải dân tộc không nằm ở bên ngoài lãnh thổ mà trong chính đất nước ta, những người đang làm công tác tuyên truyền, lãnh đạo để xóa đi vạch ngăn đau thương giữa người Việt Nam với nhau. Không dễ để thay đổi và khó khăn lớn nhất là khoảng cách thế hệ và cảm xúc. Có điều, người trẻ có sự tò mò, chỉ cần có nội dung đủ gần gũi và chân thành, họ sẽ đón nhận. Tôi luôn tin vào sức mạnh của việc kể chuyện - dù bằng báo chí, thơ ca hay những hoạt động cộng đồng dù nhỏ nhất.
- Từ trải nghiệm cá nhân và công việc thực tế, theo chị chúng ta có thể làm gì qua truyền thông, giáo dục hay các hoạt động văn hóa nghệ thuật để khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương trong thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài hôm nay?
Tôi nghĩ vai trò của truyền thông trong nước hay hải ngoại đều rất quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên có nhiều chương trình gắn kết người Việt Nam hải ngoại với các hoạt động trong nước hay kêu gọi đầu tư về quê từ những doanh nhân là người Việt sống tại nước ngoài với những chế độ đãi ngộ đặc biệt.
Điều tôi lo ngại nhất chính là thế hệ thứ 3 sinh ra ở nước ngoài sẽ ngày càng mất gốc nếu như chúng ta không chú trọng vào việc giáo dục tuyên truyền. Rất nhiều gia đình hiện không còn dùng tiếng Việt giao tiếp ở nhà. Các cháu bé quên hẳn tiếng mẹ đẻ. Điều này thật đáng tiếc! Tôi đã từng tham gia nhiều chuyến công tác tại Hàn Quốc, chính quyền Hàn Quốc rất quan tâm đến thế hệ thứ 3 về việc cho trẻ em học tiếng Việt và tổ chức nhiều cuộc giao lưu gia đình giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Điều này đã được đưa vào các hoạt động ngoại giao của hai nước và rất hiệu quả. Hiện nay, cộng đồng người Việt sống tại Mỹ lên tới hơn 3 triệu người mà chính phủ cũng có nhiều biện pháp hay các hoạt động giữa hai quốc gia. Tôi tin việc giữ được phần nào bản sắc dân tộc Việt cho người trẻ tại Mỹ sẽ có nhiều chuyển biến.
![]() |
Doanh nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng – “Tôi tự hào là sứ giả của tinh thần Việt”. |
Từ nước Mỹ, nơi cộng đồng người Việt còn nhiều nỗi niềm. Trở về châu Âu, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Ánh Hồng tại Đức lại mang một sắc thái khác.
Một hành trình làm lại từ đầu với những giá trị Việt được gìn giữ trong chính mái nhà nơi đất khách. Rời Việt Nam cùng ba người con nhỏ để bắt đầu cuộc sống tại Berlin, chị Ánh Hồng mang theo không chỉ hành trang tinh thần, mà còn là ký ức, niềm tin và một phần linh hồn quê hương.
- Là một doanh nhân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức, mỗi dịp 30/4, chị thường có những cảm xúc và suy nghĩ như thế nào khi nhớ về quê hương?
Cứ mỗi dịp 30/4 tôi thường rất nhớ nhà, nhớ không khí sôi động của Thủ đô Hà Nội, nhớ những chuyến công tác, thậm chí là nhớ những kỳ nghỉ của gia đình nhân dịp này. Những ngày này, gia đình tôi nơi đây thường quây quần bên nhau, nấu các món ăn Việt Nam, nói chuyện về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam như một cách để tự hào. Bởi gia đình tôi có truyền thống cách mạng, bố tôi là sĩ quan cấp cao còn mẹ tôi là thanh niên xung phong. Có thể thấy, những năm gần đây công tác tuyên truyền về cuộc chiến giành độc lập, thống nhất nước nhà trên các nền tảng mạng xã hội rất tốt khiến chúng tôi có thêm nhiều chủ đề để trò chuyện, tranh luận với nhau hơn, từ đó giúp các con hiểu hơn về bản lĩnh và sự hy sinh của cha ông để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hơn nữa, sức mạnh vươn lên sau chiến tranh của dân tộc khiến các con thêm tự hào mình là người Việt Nam. Đặc biệt là năm nay, các hoạt động duyệt binh, diễu hành nhân Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thực sự quy mô và hoành tráng, thấy choáng ngợp và vô cùng tự hào.
- Theo chị, sự kiện 30/4 đã có tác động ra sao tới hành trình vun đắp bản sắc, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng doanh nhân Việt ở Đức?
Tôi tin rằng, sự kiện 30/4 không chỉ khép lại một cuộc chiến, không chỉ là một mốc son đầy tự hào của dân tộc trong công cuộc thống nhất đất nước, giành lại độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ, mà nó còn mở ra hành trình đoàn tụ và phát triển của người Việt Nam ra thế giới.
Với cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, công tác tuyên truyền vẫn thật sự cần thiết. Ở Đức, hằng năm vốn có rất nhiều hoạt động văn hóa của các hội đồng hương, các hội đoàn hay các câu lạc bộ nhưng lại không có hoạt động cộng đồng nhân dịp 30/4. Nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người Việt Nam yêu Tổ quốc đều đong đầy cảm xúc, hướng về quê hương trong những ngày này. Dù ở đâu, làm gì, bản sắc và lòng tự hào dân tộc vẫn là cội nguồn dẫn đường. Tôi cho rằng, doanh nhân Việt ở nước ngoài không chỉ chinh phục người bản xứ bằng các sản phẩm - dịch vụ độc đáo, mà còn là sứ giả của tinh thần Việt trên quê hương thứ hai.
Tôi mong muốn có nhiều hơn những hoạt động dành cho cộng đồng doanh nhân Việt ở xa Tổ quốc, cho kiều bào nhân những ngày lễ lớn của đất nước, để chúng tôi và các thế hệ trẻ xa quê hương vẫn nhớ về lịch sử dân tộc và tự hào mình là người Việt Nam.
- Trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới và hội nhập sâu rộng, chị cảm nhận như thế nào về trách nhiệm của người Việt xa quê đối với Tổ quốc?
Tôi luôn tin rằng, mỗi kiều bào sẽ là một "nhịp cầu" kết nối hai quê hương. Không chỉ vì dân giàu - nước mạnh, không chỉ là việc đóng góp tài chính, đầu tư hay chuyển giao tri thức mà còn là trách nhiệm giữ gìn uy tín, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp và tinh thần cầu thị của người Việt nơi quê hương thứ hai. Tôi thấy rõ sự cần thiết của việc duy trì bản sắc trong hành trình tiếp cận tinh hoa toàn cầu. Và mỗi thành công của kiều bào chúng tôi, dù nhỏ bé, cũng là một lời khẳng định rằng: Người Việt Nam có thể tỏa sáng ở bất cứ đâu - bằng tài năng, bằng nghị lực và lòng yêu nước.
- Nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị có lời nhắn gửi gì tới thế hệ trẻ Việt Nam và cộng đồng kiều bào ở Đức?
Trước hết, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến những cống hiến và hy sinh lớn lao của thế hệ cha ông cho hòa bình hôm nay của chúng ta. Và từ đáy lòng, tôi mong các con tôi, mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước sẽ biết yêu quý và bảo vệ quê hương đất nước mình, nuôi dưỡng tình yêu quê hương bằng hành động cụ thể: Nỗ lực học tập và lao động sáng tạo, sống có trách nhiệm, có hoài bão và quyết tâm, hãy luôn tự hào mình là người Việt Nam. Hãy để thế giới biết rằng, người Việt Nam không chỉ có một quá khứ hào hùng mà còn có hiện tại đầy bản lĩnh và tương lai rạng rỡ.
![]() |
Du học sinh Bùi Huệ Anh – “Càng hiểu lịch sử, tôi càng yêu quê hương”. |
Nếu những người đi trước mang theo ký ức chiến tranh, thì thế hệ trẻ hôm nay lại tiếp nhận lịch sử bằng một cách khác - nhẹ nhàng hơn, nhưng không kém phần sâu sắc. Câu chuyện của Huệ Anh, một du học sinh thế hệ 10X, là một minh chứng cho điều đó.
Thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh mang trong mình cách tiếp cận lịch sử khác nhau. Nhưng Huệ Anh - một du học sinh mới tốt nghiệp thạc sĩ ngành Truyền thông doanh nghiệp, marketing và quan hệ công chúng tại trường University of Leeds ở Anh, việc tìm hiểu về quê hương với bạn ấy là một phần quan trọng của hành trình trưởng thành.
- Là một du học sinh Việt Nam đang học tập ở Anh, bạn cảm nhận thế nào về ý nghĩa ngày 30/4 khi sống xa quê hương?
Với tôi, ngày này luôn chất chứa nhiều cảm xúc nhưng từ khi sống xa quê hương, cảm xúc này càng trở nên mãnh liệt hơn, tự hào hơn. Xem những hình ảnh, video trên mạng xã hội về lá cờ đỏ sao vàng được treo dọc các khu phố hay các ban công khiến tôi nhận ra vẻ đẹp của hòa bình và cảm thấy vô cùng tự hào khi mình là người Việt Nam.
- Trong môi trường quốc tế, việc thấu hiểu lịch sử và tự hào dân tộc có vai trò ra sao đối với bạn?
Trong môi trường quốc tế, việc hiểu rõ lịch sử và tự hào dân tộc giúp tôi giữ vững bản sắc cá nhân, đồng thời tạo sự tôn trọng từ bạn bè quốc tế. Khi mình hiểu mình đến từ đâu và vì sao đất nước mình có được ngày hôm nay, mình thấy tự tin hơn khi giới thiệu về Việt Nam, cũng như khi tham gia những cuộc đối thoại đa văn hóa.
- Bạn có suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc giữ gìn và lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc nơi xứ người?
Tôi nghĩ thế hệ trẻ Việt Nam có trách nhiệm lớn trong việc giữ gìn và lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa. Ở nước ngoài, mỗi lời kể, mỗi hành động đều góp phần định hình hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Chúng tôi không chỉ học tập để phát triển bản thân, mà còn là những "sứ giả văn hóa" góp phần gìn giữ tiếng nói dân tộc giữa môi trường toàn cầu hóa.
- Khi học tập và tiếp xúc với bạn bè quốc tế, bạn thường chia sẻ điều gì về đất nước Việt Nam, đặc biệt là về những dấu mốc lịch sử như ngày 30/4?
Khi trò chuyện với bạn bè quốc tế, tôi thường chia sẻ về sự đa dạng ẩm thực, những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, và đặc biệt là những dịp như ngày 30/4 - mốc son đánh dấu hòa bình và thống nhất đất nước. Qua những lời kể, tôi muốn truyền tải tới bạn bè quốc tế về vẻ đẹp của Việt Nam, cũng như sự thân thiện, mềm mỏng nhưng không kém phần kiên cường của người Việt. Điều đó giúp bạn bè hiểu và thêm yêu quý Việt Nam.
Mỗi người một hành trình, một lựa chọn sống nhưng khi được hỏi "Bạn có tự hào mình là người Việt Nam không?", họ đều không ngần ngại trả lời "Có". Sự gắn bó ấy âm thầm mà bền bỉ. Đó chính là sợi dây xuyên suốt, nối quá khứ với hiện tại, nối từng nhịp đập trái tim cho dù là ở nơi đâu.
![]() |
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Ba Lan - Ảnh: TTXVN |
Họ không chỉ nói tiếng Việt, giữ nếp Việt, mà còn kể câu chuyện Việt bằng cách rất riêng - trong lớp học, trong bữa ăn, trong những ngày lễ như 30/4. Và từ họ, quê hương không chỉ là một miền đất mà còn là một phần máu thịt không thể tách rời. Như trong lời một bài hát: Nơi tôi sinh ra tự hào biết mấy/ Máu đỏ da vàng tôi là người Việt Nam/ Dù đi năm châu cho dù về nơi đâu/ Triệu trái tim này cùng hát chung câu Việt Nam...