Sự kiện & Bình luận

Khúc hát tháng Tư trên những con đường rợp sắc cờ hoa

Minh Hằng
Bút ký phóng sự 08:00 | 30/04/2025
Baovannghe.vn - Khắp các con phố Sài Gòn, giai điệu tháng Tư vang vọng, rộn ràng như những nhịp tim chung một niềm tự hào. Sài Gòn hôm nay không chỉ náo nức chờ ngày hội lớn, mà còn lặng lẽ chở theo những hồi ức thiêng liêng, nối liền quá khứ hào hùng với nhịp sống sôi động hiện tại, một dòng cảm xúc thiêng liêng, nối dài từ những nhân chứng năm xưa đến thế hệ trẻ hôm nay. Tất cả cùng hòa chung khúc hát tự do, ghi lại thời khắc lịch sử trọn vẹn trong lòng mỗi người dân.
aa
Khúc hát tháng Tư trên những con đường rợp sắc cờ hoa
Rất đông người dân với mọi lứa tuổi có mặt từ sớm ở khu vực Nhà thờ Đức Bà trên đường Lê Duẩn để chờ xem tổng hợp luyện diễu binh

Từ những con phố nhộn nhịp đến từng ngõ nhỏ yên bình, những giai điệu quen thuộc Như có Bác trong ngày đại thắng, Đất nước trọn niềm vui, Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh... vang lên rộn ràng khắp nơi từ đài phát thanh, những chiếc taxi chạy ngang phố... đến trên từng điện thoại cá nhân. Khúc hát tháng Tư như một dòng chảy ngọt ngào, lan tỏa khắp không gian, chạm đến từng trái tim mỗi người.

Ngoài kia, dòng người từ khắp nơi đổ về trung tâm quận 1 như một dòng thác đầy háo hức. Những ánh mắt lấp lánh niềm vui, những nụ cười rạng rỡ, tất cả cùng hướng về buổi diễn tập diễu hành, duyệt binh Kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước.

Càng gần giờ diễn, dòng người càng đông, nhưng vẫn trật tự, kiên nhẫn xếp hàng dọc hai bên đường Lê Duẩn, cũng như các tuyến đường trọng điểm có đoàn diễu binh đi qua.

Ngay cả khi trời bất chợt đổ mưa, những người lính duyệt binh vẫn thẳng hàng nghiêm trang, còn người dân vẫn kiên trì đứng dưới mưa, giữ nguyên vị trí để chứng kiến trọn vẹn buổi diễn tập.

Khi tiếng Quốc ca vang lên, hàng ngàn người dân đồng loạt cất cao tiếng hát, lòng trào dâng niềm tự hào, những cánh tay giơ cao, cùng hòa điệu trong cảm xúc thiêng liêng.

Trong dòng chảy ấy, những câu chuyện từ những nhân chứng, những người dân và những người trẻ hòa mình vào nhịp thở của lịch sử, khiến ngày hôm nay không chỉ là sự kiện, mà là một miền ký ức sống động, đầy ý nghĩa.

Những câu chuyện trở về từ ký ức

Trong dòng người đổ về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, có những nhân chứng sống của lịch sử, mang theo ký ức không thể nào quên về ngày đất nước thống nhất. Cựu chiến binh Hoàng Trung Kiên, quê Thái Bình, từng là chiến sĩ Quân Giải phóng thuộc Sư đoàn 7, chia sẻ:

Khúc hát tháng Tư trên những con đường rợp sắc cờ hoa
Cựu chiến binh Hoàng Trung Kiên

“Tôi may mắn được trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Ngày đó, khi đơn vị tôi tấn công để mở cửa Xuân Lộc, Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố rằng: Nếu mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt ấy, chúng tôi đã giải phóng Xuân Lộc, mở toang cánh cửa thép phía Đông Bắc, tạo điều kiện cho đại quân tiến thẳng vào Sài Gòn. Đơn vị tôi còn vinh dự được giao nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, cũng như từng được vinh dự cắm cờ trên nóc hầm De Castries trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trước đó.

Tôi còn nhớ như in sáng 30/4/1975, khi cùng đồng đội tiến vào tiếp quản Sài Gòn, bảo vệ Dinh Độc Lập và Bưu điện Thành phố. Trong lòng ai nấy đều trào dâng một niềm hạnh phúc lớn lao: Từ nay, đất nước được thống nhất, nhân dân được hưởng hòa bình.

Tôi biết rằng mình sẽ được trở về với mẹ, với quê hương yêu dấu.

Đó là những niềm vui không thể nào diễn tả hết bằng lời. Nhưng xen lẫn trong niềm hân hoan ấy, chúng tôi không bao giờ quên, rất nhiều đồng đội đã ngã xuống cho ngày chiến thắng hôm nay.”

Sau 50 năm, ông Kiên vẫn giữ vững niềm tin vào tương lai đất nước, qua phút nghẹn ngào, giọng ông lại đầy hào hứng:

“Sau 50 năm, trải qua bao thăng trầm, đất nước ta đã thực sự ‘thay da đổi thịt’. Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã đổi mới mạnh mẽ, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có nhận thức rất rõ ràng về lịch sử, về trách nhiệm với Tổ quốc. Tuy chúng ta còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng trong lòng người dân Việt Nam luôn vững vàng một niềm tin vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tôi tin rằng chính niềm tin ấy đã, đang và sẽ tiếp tục đưa đất nước vững bước đi lên.”

Đứng giữa thời khắc kỷ niệm ngày 30/4 hôm nay, ông Kiên bồi hồi khi nhớ lại:

“Tôi đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh mãi là niềm tự hào đặc biệt của những người lính như chúng tôi. Tôi may mắn còn sống để chứng kiến ngày vui toàn thắng, nhưng rất nhiều đồng đội, bạn bè đã mãi mãi nằm lại trên khắp các chiến trường. Trong lòng tôi, ký ức về họ chưa bao giờ phai nhạt.

50 năm trước, tôi từng tận mắt chứng kiến lễ diễu binh lịch sử đầu tiên của thành phố Sài Gòn thống nhất. Hôm nay, sau nửa thế kỷ, tôi lại có mặt giữa lòng thành phố, hòa mình vào không khí tưng bừng chuẩn bị chào mừng ngày lễ lớn nhất của dân tộc.

Được nhìn thấy những hàng quân diễu binh trang nghiêm, những đoàn xe diễu hành hùng tráng, tôi cảm nhận rõ niềm tự hào dân tộc dâng trào trong từng nhịp tim.

Suốt một tháng qua, tôi cũng như triệu triệu người dân cả nước đã hân hoan chờ đợi khoảnh khắc lịch sử này. Tôi chỉ mong rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn trân trọng giá trị của hòa bình, tiếp nối truyền thống cha ông, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu.”

Những trái tim hòa chung nhịp đập

Trong dòng người đổ về trung tâm thành phố, không chỉ có những người từng trải qua chiến tranh, mà còn có những thế hệ sau mang trong mình niềm tự hào và trách nhiệm với lịch sử.

Khúc hát tháng Tư trên những con đường rợp sắc cờ hoa
Anh Trần Anh Dũng (ngoài cùng bên trái) đến từ Hà Nội

Anh Trần Anh Dũng, đến từ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ cảm xúc khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước:

“Khi đến Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước, tôi thật sự xúc động và bồi hồi. Những ký ức cách đây nửa thế kỷ như ùa về nguyên vẹn trong tâm trí. Khi đó, tôi mới 15 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in không khí hân hoan lúc bấy giờ. Mọi người tràn ngập niềm vui, hạnh phúc như vỡ òa. Dù từ lâu ai cũng biết ngày ấy sẽ đến, nhưng khi khoảnh khắc ấy thực sự xảy ra, vẫn có điều gì đó khiến người ta nghẹn ngào, không thể tin nổi mình đang sống trong thời khắc lịch sử.”

So sánh giữa việc theo dõi từ xa và trực tiếp hòa mình vào không khí tháng Tư lịch sử tại Sài Gòn, anh Dũng nói:

“Năm nay, tôi may mắn được trực tiếp hòa mình vào không khí tháng Tư lịch sử của Sài Gòn, đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam. Đất nước đã trải qua nửa thế kỷ với biết bao biến đổi, mỗi cá nhân trong xã hội cũng có những suy tư riêng. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là cảm xúc của quá khứ và hiện tại dường như vẫn nguyên vẹn, nhất là trong lòng những người đã trải qua cả hai thời kỳ như chúng tôi. Cái không khí ấy, sự hân hoan, tự hào, vẫn ấm áp như xưa.”

Về việc trao truyền ký ức lịch sử cho thế hệ mai sau, anh Dũng nhấn mạnh:

“Mỗi người Việt Nam hôm nay, theo tôi, cần biết trân trọng và tự hào khi nhắc về ngày 30/4 và cần trao truyền ký ức thiêng liêng ấy cho thế hệ mai sau. Như lời Bác Hồ kính yêu từng dạy: Chúng ta có quyền tự hào mà nói với thế giới rằng, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đó không chỉ là chiến thắng quân sự, mà còn là chiến thắng của lòng yêu nước, của tinh thần quật cường và ý chí kiên cường dân tộc.”

Gia đình - Nơi bắt đầu của lòng yêu nước

Khúc hát tháng Tư trên những con đường rợp sắc cờ hoa
Gia đình anh Tuấn đến từ Thủ Đức

Cũng giữa không khí trang nghiêm và xúc động, gia đình anh Tuấn đến từ Thủ Đức đã chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ:

“Mỗi chúng ta khi đến đây đều cảm nhận được khí thế hào hùng, lòng người ai ai cũng háo hức, cùng biết bao cảm xúc đan xen. Và thật đặc biệt, trong khoảnh khắc trời bất chợt đổ mưa, những chiến sĩ trong đội duyệt binh vẫn đứng ngay ngắn, thẳng hàng, trang nghiêm chuẩn bị cho buổi diễn tập duyệt binh. Nhân dân dọc hai bên đường Lê Duẩn vẫn kiên trì, trật tự theo dõi, chứng kiến buổi diễn tập long trọng.

Cảnh tượng ấy thật xúc động! Một kỷ niệm đẹp đẽ, chắc hẳn ai có mặt ở đây hôm nay sẽ không bao giờ quên.”

Trước khi đưa con đến xem lễ sơ duyệt, anh chị cho biết đã chia sẻ với các con về ý nghĩa của ngày 30/4:

“Chúng tôi đã dành thời gian trò chuyện và chia sẻ với các bé về ngày 30/4/1975 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi muốn các con hiểu rằng, để đất nước có được hòa bình, độc lập và thống nhất như hôm nay, biết bao nhiêu người đã hy sinh xương máu, tính mạng, tuổi thanh xuân, sức lực, và tài sản của họ.

Chính vì thế, chúng tôi muốn các con hiểu rằng, dù là thế hệ sau, nhưng phải luôn trân trọng công sức và sự hy sinh của những thế hệ đi trước. Hãy làm những điều tốt đẹp mỗi ngày, ngay từ bé, để bày tỏ lòng biết ơn.”

Còn việc giúp con trẻ hiểu hơn về quê hương và thêm yêu Tổ quốc, anh chị cho rằng:

“Ngoài những bài học ở trường, từ thầy cô, bố mẹ, thì đây chính là dịp để các con cảm nhận một cách sâu sắc hơn về không khí hào hùng của ngày đất nước thống nhất. Đồng thời, đây cũng là dịp giúp các bé bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, qua đó, các con sẽ hiểu thêm nhiều về lịch sử dân tộc mình.”

Tuổi trẻ Đại học Sài Gòn nhiệt huyết góp sức trẻ cho ngày hội non sông

Trong không khí hân hoan, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn đã tích cực tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, không chỉ thể hiện lòng tự hào dân tộc mà còn là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với lịch sử và tương lai đất nước.

Khúc hát tháng Tư trên những con đường rợp sắc cờ hoa
Nhóm sinh viên trường Đại học Sài Gòn

Một tình nguyện viên chia sẻ: “Là tình nguyện viên trong dịp lễ trọng đại này, điều khiến chúng em cảm thấy ý nghĩa và tự hào nhất chính là được góp phần nhỏ bé của mình vào việc tưởng nhớ công lao của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Khi được là một trong những đội hình văn nghệ cho ngày lễ trọng đại này của đất nước, chúng em cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa mà cha ông để lại.”

Khi được hỏi về những ấn tượng trong quá trình hỗ trợ người dân và du khách, bạn cho biết:

“Điều đầu tiên em muốn nói, hầu như tất cả những người có mặt ở đây đều là người Việt Nam, máu đỏ da vàng không có một sự riêng lẻ nào nên công việc mà chúng em tiếp xúc, hỗ trợ khi các cô chú, anh, chị, em đến để xem diễu binh cũng như cổ vũ cho các bạn trong chương trình Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam chỉ là góp một phần công sức và chúng em mong muốn dù chỉ là điều nhỏ nhất, là người dân luôn cảm thấy thoải mái trong dịp lễ lớn sắp tới khi đặt chân tới đây. Còn về du khách, chúng em rất vui vì họ rất hào hứng tìm hiểu lịch sử nước nhà của mình. Chúng em sẽ dồn hết công sức để hỗ trợ du khách khi cần thiết, để họ thấy rằng, con người Việt Nam rất thân thiện và luôn hiếu khách.”

Nói về vai trò của người trẻ trong việc lan tỏa tinh thần yêu nước và gìn giữ ký ức lịch sử, sinh viên này chia sẻ:

“Người trẻ hôm nay có thể bắt đầu bằng những việc làm thiết thực như tham gia các hoạt động tình nguyện, tìm hiểu và chia sẻ kiến thức lịch sử trên mạng xã hội, đến thăm các di tích lịch sử hay đơn giản là trò chuyện với ông bà, cha mẹ về quá khứ. Khi hiểu và trân trọng lịch sử, mỗi người trẻ sẽ trở thành một ‘ngọn đuốc nhỏ’, cùng nhau thắp sáng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng.”

Sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của các bạn sinh viên Đại học Sài Gòn đã góp phần làm nên thành công của các hoạt động kỷ niệm, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong việc tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Trên những con đường trọng điểm hôm đó, giữa muôn vàn sắc cờ hoa, có những mái tóc bạc trắng, có những gương mặt thơ ngây, tất cả cùng hòa chung trong âm vang của dòng chảy lịch sử. 50 năm - nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng trong tim mỗi người Việt Nam, ngày 30/4 không chỉ là một ngày lễ. Đó còn là bản hùng ca sống động, là ký ức bất tử, được gìn giữ qua từng thế hệ.

Khúc hát tháng Tư trên những con đường rợp sắc cờ hoa
Khúc hát tháng Tư trên những con đường rợp sắc cờ hoa
Nhiều người dân đã đến Dinh Độc Lập để lưu lại những khoảnh khắc mang tính lịch sử

Như lời dặn của Bác Hồ được nhắc lại đầy xúc động: “Diễu binh không phải để phô trương, mà là tuyên bố với thế giới...

Duyệt binh không phải để vui mắt, mà để nhắc con cháu: Muốn có hòa bình, phải giữ lấy khí phách. Muốn có độc lập, phải cảnh giác từng giờ... Nếu quá lâu không khẳng định sức mạnh, thế hệ sau dễ ngủ quên trên chiến thắng, dễ quên máu xương cha ông...”

Và hôm nay, sau 50 năm, đất nước lại ngân vang bài ca chiến thắng - như một lời khẳng định mạnh mẽ với thế giới, và cũng là lời nhắc nhở thiêng liêng với thế hệ mai sau: Trọn vẹn cả non sông thống nhất/ Rạng rỡ Việt Nam.

Người thuộc về nhân dân, Người thuộc về lịch sử

Người thuộc về nhân dân, Người thuộc về lịch sử

Baovannghe.vn - Vậy là bộ tiểu thuyết sử thi trường thiên của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã đi đến chặng đường cuối cùng. Sau 4 tập đầu với các nhan đề: Nợ nước non, Lênh đênh bốn biển, Từ Việt Bắc về Hà Nội, Đường lên Điện Biên thì vào năm 2025 này, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xuất bản tập thứ 5, cũng là tập cuối của bộ tiểu thuyết với nhan đề: Việt Nam - Hồ Chí Minh.
Thế kỉ ánh sáng. Thơ của Cao Hà Trâm Anh

Thế kỉ ánh sáng. Thơ của Cao Hà Trâm Anh

ánh sáng xuất hiện, đẫm dầu dưỡng thể và mặc latex đen Ngài kéo phéc-mơ-tuya bằng răng, rút ra một quyển sổ tay ghi danh sách những người từng nói “em ổn” rồi quăng nó vào lò vi sóng, bảo: “sự an lành là một món hàng hết hạn từ khi loài người biết cởi đồ bằng lý do tinh thần."
Muộn về - Thơ Vũ Xuân Hoát

Muộn về - Thơ Vũ Xuân Hoát

Baovannghe.vn- Muộn về cảnh cũ biến đâu/ Giọt hiên ngõ đổ nhuốm mầu hè xưa
Có một nhiệt đới buồn. Truyện ngắn của Đặng Ngọc Hùng

Có một nhiệt đới buồn. Truyện ngắn của Đặng Ngọc Hùng

Baovannghe.vn - Trên một ngọn đồi nhìn ra biển cả ở một nơi gần như tận cùng trái đất, không ai biết có một ông lão sớm tối đi về một cái hang được kiến tạo như một cái lô cốt.
Đọc truyện: Nước mắt thánh nhân - Truyện ngắn của Đỗ Hàn

Đọc truyện: Nước mắt thánh nhân - Truyện ngắn của Đỗ Hàn

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương