Sáng tác

Ai mua thơ tôi?

Sergei Voronin (Nga)
Văn học nước ngoài
07:48 | 31/10/2024
Baovannghe.vn- Ngoài trời mưa tuyết xối xả không làm ông nản lòng. Thời tiết mùa thu thế này là bình thường thôi mà. Ông chọn ra hai tập sách nhỏ của mình rồi hướng tới hiệu sách gần nhất.
aa

Ngoài cửa sổ trời giá lạnh. Trên mặt kính một lớp tuyết ướt bám dính. Từng cơn gió ào ạt thổi tới, giật nốt những chiếc lá cuối cùng còn sót lại trên những cành cây đen sẫm. Trời nhập nhòa tối. Vào những khi thời tiết như thế này, thường ít ai cho chó ra khỏi nhà. Ivan Tsenkov đáng lẽ cũng không cho con Trezoka ra ngoài sân làm gì, nếu có cái gì cho nó ăn. Đừng chẳng được, cứ sáng sáng ông thả nó ra cầu thang, mong nó nhặt nhạnh được chút ít thức ăn thừa của hàng xóm tốt bụng vứt cho nó. Thế nhưng lấy đâu ra nhiều lòng hảo tâm, nó đành tha thẩn kiếm ăn thường xuyên quanh hố rác. Đấy, rét mướt là thế mà nó lại đi rồi. Thời gian đầu, ông còn giữ nó ở nhà với mình, chả gì nó cũng sưởi ấm cảnh cô đơn của ông. Rồi dần dần ông phải thả cho nó đi, để đổi lấy sự thanh thản trong lòng. Mỗi lần nhìn thấy đôi mắt đói khát của nó nhìn ông đau đáu, lòng ông trĩu nặng như đá đeo. Ông vô vọng và đau đớn, ông đi đi lại lại trong phòng, tay ông run lên, nắm chặt thành nắm đấm, dứ dọa ai đó qua cửa sổ.

Ai mua thơ tôi?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những ngày gần đây Ivan Tsensov thiếu đói. Tiền không có. Mà làm sao có tiền được chứ? Còn phải sống ba năm nữa mới được hưu. Hay đi làm? Ông chẳng biết làm gì ngoài sáng tác thơ ca. Mà cái gọi là “nhuận bút” giờ chỉ còn trong quá khứ xa lắc không bao giờ trở lại. Có một lần ông đánh liều đến Quỹ Văn học đề đạt, người ta đã cấp cho ông khoản trợ cấp vừa đủ sống một tháng. Sau đó tất cả lại trống rỗng. Có thứ vật dụng nào được giá, ông bán dần, ăn hết. Không thể trông mong vào sự giúp đỡ của bè bạn và người quen được, còn đi vay nợ để ăn, không hẹn ngày trả thì ông không dám.

“Có lẽ phải nghĩ ra một cái gì đó...” – ông bước đến gần giá sách. Trước kia trên giá sách này có đủ các ấn phẩm đẹp của các nhà văn cổ điển, đương đại. Thế mà giờ chỉ còn lại những tập thơ của ông. Nhìn chúng, trong đầu ông bỗng lóe lên ý nghĩ: Sao mình không đem bán nốt đi nhỉ? Đã có thời sách của ông bán rất chạy ở các hiệu sách. Trong các cuộc gặp gỡ giao lưu thơ ca, bạn đọc thường lũ lượt kéo nhau đến gặp ông. Và ông thật hào phóng viết tặng họ những dòng lưu bút. Vậy tại sao mình lại không đem bán sách. Bán được chúng, sẽ có tiền mua bánh mì, sữa và tất nhiên cả đường và chè nữa. Tất cả những điều đó hiện lên thật rõ ràng, đến nỗi ông nhận ra dạ dày của mình đang trống rỗng thèm muốn.

Ngoài trời mưa tuyết xối xả không làm ông nản lòng. Thời tiết mùa thu thế này là bình thường thôi mà. Ông chọn ra hai tập sách nhỏ của mình rồi hướng tới hiệu sách gần nhất.

Ông đã thất vọng cay đắng. Người chủ hiệu sách cũ không còn làm việc nữa. Chủ mới, một thanh niên trẻ, liếc qua chồng sách mỏng của ông, lạnh lùng nói:

- Không bán được đâu. Ông phải biết là ngày nay người ta cần loại sách hoàn toàn khác – nói rồi anh ta khoát tay chỉ về phía tủ kính.

Ivan Tsensov nhìn quanh, mắt ông hoa lên bởi những bìa sách xanh đỏ lòe loẹt muôn hình vạn trạng. Trên bìa một cuốn gần nhất, ông thấy hình một phụ nữ trần truồng đứng cạnh người đàn ông tay lăm lăm con dao. Các cuốn khác cũng na ná như vậy.

“Làm thế nào đây?” – Bước ra phố, ông nhủ thầm. Rồi trong đầu ông lóe ra một ý tưởng: “Sao mình không đi bán rao? Có lẽ phải bắt đầu ngay”. Thế là ông bước nhanh về phía ga tàu điện ngầm. Ga chung chuyển nên lúc nào cũng đông người. Thể nào chả có người mua. Sau ít phút, ông đã tới ga. Vừa bước xuống ga, đã nghe thấy tiếng vĩ cầm rầu rĩ. Người chơi đàn là một ông già, dưới chân ông ta để chiếc mũ phớt.

“Không, lạy trời, tôi chưa đến nỗi thế” – Ông nghĩ. Và ông đứng cạnh người nhạc công. Ông rút trong túi ra một tập sách, chìa ra trước mặt những người qua lại. Vừa chìa ra, ông vội rụt tay lại ngay. Ông xấu hổ. Ông, vốn chưa lâu lắm là một nhà thơ khá nổi tiếng trong thành phố này, thế mà giờ phải đứng đây với quyển sách trong tay để bán rao thơ của mình. Đây là tập thơ sáng tác gần đây nhất của ông. Người ta nhận xét về nó như một thành công lớn của nền thơ ca nước nhà. Vậy mà giờ ông đứng đây chẳng khác gì một kẻ hành khất! Ôi, trời ơi...

Ông lặng yên một lát, rồi vẫn chìa tay ra. Trong dòng người bất tận này sẽ có người đọc nó, sẽ có người yêu thi ca.

“Nhưng làm sao người ta biết được đây là thơ” – Ivan Tsensov nghĩ vậy. Và với giọng giật cục ông rao: Ai mua thơ tôi!. Nhưng có thể vì ông rao quá nhỏ, hay người qua lại chẳng thèm đoái hoài tới ông, nên chẳng thấy ai đả động gì. Thế là ông bèn rao to hơn. “Nào, ai mua thơ của tôi!”. Ông phấn khích hẳn lên vì đã nhấn mạnh vào chữ “của tôi” sau chữ thơ. Thơ thì thiếu gì, nhưng đây là thơ của chính tác giả bằng xương bằng thịt, đang đứng trước bạn cơ mà.

- Nào, hãy mua thơ tôi! – Lần này tiếng rao đã mạnh dạn hơn nhiều.

Nhưng đám đông như dòng sông bất tận vẫn cứ vô tình trôi qua, trôi qua. Và có ai đó nếu nhìn về phía ông, thì cái nhìn ấy lạnh nhạt đến nỗi có cảm giác dường như không hề có Ivan Tsensov đang đứng đó.

- Ai mua thơ tôi! – Ivan Tsensov rao to, giọng phấn khích hơn. Dòng người luôn luôn mới đi qua và ông lại phải luôn lặp lại liên tục, không ngừng lời rao hàng đó. Và bây giờ ông cảm thấy thế nào cũng có người quan tâm đến thơ ông. Họ sẽ mua. Nhưng, trời ơi, giá bán thế nào nhỉ? Ông hoàn toàn chưa nghĩ tới giá trị của cuốn sách. Ngoài bìa sách có ghi: 12 cô pêc. Nhưng giá đó không còn phù hợp với bây giờ nữa. Không, không phải... Ta hãy nhớ lại xem giá trị một ổ bánh mì là bao nhiêu nhỉ?... Phải, phải một ổ bánh cũng có giá 12 cô pếc, còn hiện tại là 4 rúp. Đúng, đúng nếu ta bán một cuốn sách, thì có thể mua được một ổ bánh mì. Cả một ổ bánh mì, mới ra lò, thậm chí còn nóng hôi hổi. Và nếu bán tất cả thì có thể mua cả sữa, cả đường, cả chè.

- Ai mua thơ tôi.

Chẳng có ma nào để ý đến tiếng rao của ông. Đến lúc này Ivan Tsensov thấy cần phải rao khẩn thiết hơn, mạnh mẽ hơn, như gào lên mới được. Và quả thật, có hiệu nghiệm tức thì, vì trong “dòng sông” đang chảy bất tận, có một người cầm ô, đầu đội mũ lưỡi trai da, tò mò nhìn ông rồi hỏi:

- Thật thơ của ông à?

- Vâng.

- Hay nhỉ.

- Tôi đã từng có mười tập thơ được xuất bản...

- Thế à?... Hay nhỉ... “Ivan Tsensov” – Người cầm ô đọc chầm chậm – Ivan - Tsensov... Không, không nghe thấy bao giờ - Anh ta bắt đầu từ từ lật từng trang sách. Dừng lại ở một chỗ, anh ta hỏi:

- Sao ông lại tự đem bán?

- Trước kia thì bán ở hiệu sách. Bây giờ mọi việc đã đổi khác, đảo ngược.

- Vâng... vâng thời thế thay đổi nhiều lắm...

Suốt thời gian nói chuyện, đầu óc Ivan Tsensov căng thẳng như dây đàn, nhưng ông vẫn cố mỉm cười, làm ra vẻ rất thoải mái. Và, lạy trời, mong sao cho người này không thấy được cái nghèo khó của ông. Nhưng ông đâu có làm nổi điều đó.

Người mang ô lật đến trang cuối quyển sách, rồi nhìn mặt sau tờ bìa.

- Mười hai cô pếc. Rẻ thế?

- Không, không, đây là giá thời trước, giờ là bốn rúp.

- Bốn rúp? – Đôi môi mỏng người cầm ô khép lại. Xoay xoay quyển sách một vòng trong tay, anh ta lặng lẽ trả lại cho Ivan Tsensov, rồi hòa vào dòng người đang chảy qua.

“Khủng khiếp quá!” – Ông bối rối, ông kinh hoàng nhìn vào mặt những người đi qua. Dường như họ đều giống nhau cả. Ông thấy hãi hùng.

Dòng người vẫn chảy qua bất tận.

Đỗ Quyên Theo lgz.ru

Đời sống văn học của cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận của Văn học nước nhà* Văn học đương đại Trung Quốc trong mắt một nhà Hán học nước ngoài Thân phận con người trong một số tiểu thuyết hậu chiến nước ngoài Xuất bản sách Văn học Việt ở nước ngoài: Đoạn trường gian nan Đọc truyện: Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh
Mắt lá - Thơ Nguyễn Thế Nhân

Mắt lá - Thơ Nguyễn Thế Nhân

Baovannghe.vn- Anh tạo cây thác đổ/ Dòng sông chảy ngược lên trời/ Thác đổ / Cây lớn xuống
Chùm thơ của Bùi Minh Quốc

Chùm thơ của Bùi Minh Quốc

Baovannghe.vn- Mẹ đứng bên con dáng mẹ lưng còng/ Mái tóc bạc tới vai con vừa chạm/ Con lại nhớ ngày tản cư những dặm đường lửa đạn
Thông cáo báo chí số 12, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 12, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Hai, ngày 04/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười hai (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Xác định rõ động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025

Xác định rõ động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025

Baovannghe.vn - Ngày 4/11, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, với nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Các đại biểu cũng đề nghị đề nghị xác định rõ các động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025 để đạt và vượt các mục tiêu Quốc hội giao.
Quyền lực khán giả và “cái chết” của thần tượng

Quyền lực khán giả và “cái chết” của thần tượng

Baovannghe.vn - Khán giả kết nối với thần tượng (ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng…) thông qua các sản phẩm văn hoá nghệ thuật, giải trí. Bản chất của sự kết nối này luôn đến từ sự hâm mộ, tức những tưởng tượng, vốn có tính hướng thượng (hướng đến giá trị chân thiện mỹ). Điều gì sẽ xảy ra khi một thần tượng sụp đổ hình tượng?