Văn hóa nghệ thuật

Âm nhạc thúc đẩy sự gắn kết trong một xã hội?

Tô Vân
Âm nhạc
08:00 | 14/07/2024
Liệu có một sự tương đồng nào đó về việc hát của các nền văn hóa khác nhau? hay có sự tương đồng để gắn kết với cộng đồng theo cách ngôn ngữ không thể làm được?
aa

Liệu có một sự tương đồng nào đó về việc hát của các nền văn hóa khác nhau? Liệu có phải chúng ta sáng tạo ra hình thức nghệ thuật này như một cách để biểu hiện bản thân mình một cách tốt hơn? hay để gắn kết với cộng đồng theo một cách ngôn ngữ không thể làm được?

1

Nhóm nghiên cứu liên ngành đã thu âm các bài hát ở 55 ngôn ngữ khác nhau.

Giọng người có lẽ là một nhạc cụ cổ xưa nhất và đa dạng nhất mà chúng ta từng biết. Nhạc cụ đặc biệt này có thể dành cho cả nói và hát. Tuy vậy trong hàng thế kỷ, câu hỏi tại sao con người lại hát, tạo ra những thứ âm thanh quyến rũ, cuốn hút hoặc kinh khủng, chói tai, vẫn là ẩn số với các nhà khoa học. Vào thế kỷ 19, Charles Darwin, nhà tự nhiên học và người đặt nền móng cho thuyết tiến hóa tự nhiên, đã từng bối rối về âm nhạc. Năng lực của con người trong việc tạo ra và thưởng thức các giai điệu, ông viết trong cuốn The Descent of Man, and Selection in Relation to Sex, cuốn sách xuất bản lần đầu tiên vào năm 1871, “phải được liệt vào danh sách những điều bí ẩn bậc nhất mà con người được phú cho”.

Tất cả các xã hội loài người đều biết cách tạo ra âm nhạc, tuy nhiên theo quan điểm tiến hóa của Darwin, dường như nó không mang lại một sự thuận lợi nào cho sự sinh tồn của chúng ta, ngoài việc chỉ phát triển để cuốn hút bạn tình tiềm năng. Các tổ tiên của chúng ta “khơi gợi những xúc cảm mãnh liệt của nhau trong suốt thời kỳ tán tỉnh và chinh chiến”.

Những nhà khoa học thời kỳ Victoria khác thì nghi ngờ vào điều đó. William James, nhà triết học và tâm lý học bác bỏ ý tưởng của Darwin, cho rằng âm nhạc đơn giản là một sản phẩm phụ từ hoạt động của bộ não chúng ta – chẳng qua là một “cái đặc biệt ngẫu nhiên của hệ thần kinh”.

Cuộc tranh luận này vẫn tiếp tục đến ngày nay. Một số nhà nghiên cứu phát triển những cách lý giải mang tính tiến hóa mới về âm nhạc còn một số nhà nghiên cứu khác thì vẫn lưu giữ quan điểm âm nhạc là một sáng tạo văn hóa, giống như viết, mà không cần đến sự chọn lọc tự nhiên để tồn tại trên trái đất này. Theo dòng thời gian, có thêm một số câu hỏi khác được bổ sung: Nghệ thuật thuần túy là một sáng tạo để con người biểu lộ tỏ mình tốt hơn? liệu có cái gì đó mang tính tiến hóa sâu sắc của âm nhạc trong mỗi chúng ta ngày nay?

Trong một nghiên cứu mới trên quy mô toàn cầu, 75 nhà nghiên cứu thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau – dân tộc học âm nhạc, tâm lý âm nhạc, ngôn ngữ học, sinh học tiến hóa, âm nhạc học so sánh – từ 46 quốc gia do Patrick Savage, nhà âm nhạc học so sánh ở Đại học Auckland, New Zealand và Yuto Ozaki, nhà dân tộc học âm nhạc Đại học Keio Nhật Bản đã dùng các giai điệu của chính họ để trả lời những câu hỏi này.

Kết quả được nêu trong bài báo “Globally, songs and instrumental melodies are slower and higher and use more stable pitches than speech: A Registered Report”, xuất bản trên Science Advance. Nhưng kết quả này có đủ đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh luận và đưa ra một kết luận thuyết phục?

Thu thập dữ liệu toàn cầu

Nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng, cả thanh nhạc và ngôn ngữ đều được biết đến trong mọi xã hội loài người và mọi nền văn hóa. Chúng đều hình thành từ việc sử dụng cùng một cơ chế là hát và nói bằng giọng người. Sự đa dạng trong hình thức của cả thanh nhạc và ngôn ngữ (nói) khiến nhiều người suy đoán về các chức năng tiến hóa và có thể là đồng tiến hóa của chúng. Vậy rút cục có những tương đồng và dị biệt nào giữa thanh nhạc và ngôn ngữ của các nền văn hóa?

Sự đa dạng trong hình thức của cả thanh nhạc và ngôn ngữ (nói) khiến nhiều người suy đoán về các chức năng tiến hóa và có thể là đồng tiến hóa của chúng.

“Chúng ta đều có thể tìm thấy những điều mà chúng ta vẫn gọi là thanh nhạc/hát trong mọi xã hội”, theo giải thích của Yuto Ozaki, người nghiên cứu về sự đa dạng xuyên văn hóa trong âm nhạc ở ĐH Keio Tokyo. Tương tự là ngôn ngữ nói, sự tương đồng và dị biệt giữa các truyền thống của ngôn ngữ có thể giúp con người hiểu về việc thanh nhạc ra đời như thế nào.

Trước nghiên cứu trên Science Advance, nhà âm nhạc học Savage cùng một số nhà khoa học khác đã tìm thấy một số đặc trưng âm thanh của âm nhạc truyền thống tại nhiều quốc gia – những phổ quát mang tính thống kê. Những gì người ta gọi là các bài hát đều là sử dụng những tiết nhạc/cụm từ ngắn và các cao độ âm thanh cụ thể. Những đặc điểm này trên thực tế lại không chỉ có ở âm nhạc mà còn hiện diện ở ngôn ngữ nói. Các cụm từ ngắn có thể xuất hiện dưới hai hình thức phát âm/xướng âm bởi vì “chúng ta chỉ có đủ hơi để sử dụng một lần”, Savage giải thích. Và trong khi các bài hát thường sử dụng những cao độ cụ thể thì những ngôn ngữ có tính thanh điệu như tiếng Quan thoại Trung Quốc lại phụ thuộc rất nhiều vào cao độ để phân biệt các từ trong ngôn ngữ nói.

Vì vậy, cả Savage và Ozaki đều đi đến một quyết định là so sánh việc hát và nói trên quy mô toàn cầu. Dẫu hiện nay đã có nhiều bản thu âm nhạc khắp thế giới nhưng theo cái nhìn của Savage “chỉ là những tạo vật kỳ quặc” do thiếu bối cảnh văn hóa và ngôn ngữ, đồng thời nhiều bản thu âm được thực hiện nhưng âm nhạc lại không mang ý nghĩa ngôn ngữ của những người thu âm. Mặt khác, cơ sở dữ liệu về các bài hát do các nhà âm nhạc dân tộc học cũng không hoàn hảo do thiếu nhiều chi tiết thông tin quan trọng khiến cho các nhà nghiên cứu khó mà tìm thấy ý nghĩa trong cấu trúc và lời hát từ những nền văn hóa khác nhau. Các công cụ tính toán lại không đủ tốt trong việc ghi nhận nhiều đặc điểm âm nhạc. “Chúng tôi nghĩ rằng mình phải tham gia tạo dữ liệu thôi”, Yuto Ozaki, người thực hiện dự án khi là nghiên cứu sinh tại ĐH Keio, kể lại.

Khi đó, Patrick Savage đảm trách việc tuyển dụng các “ca sĩ” cho nghiên cứu. “Đây là sự kết hợp của mạng lưới học thuật mà tôi đã xây dựng từ thập niên đầu của sự nghiệp nghiên cứu và việc tiến hành các trao đổi nhỏ, gặp gỡ nhiều người khác”. Ông không hề gặp phải khó khăn nào trong việc thuyết phục đồng nghiệp tham gia. Phần lớn trong số 75 người này đều cảm thấy hào hứng, tất cả đều chọn các bài dân ca từ nền văn hóa mình để thu âm gửi tới Savage. “Tôi đã tải xuống tất cả các bản thu bài hát và nói của họ”, ông nói. “Thi thoảng tôi lại xáo trộn các bản thu âm rồi thử nghe ở chế độ chọn ngẫu nhiên khi tản bộ. Tôi thực sự thích nghe các bài hát của họ”.

1

Đồng tác giả nghiên cứu Aleksandar Arabadjiev (Macedonia) chơi một nhạc cụ cổ truyền.

Đây là một lượng mẫu khổng lồ, theo nhận xét của Robert Zatorre, một nhà khoa học thần kinh nhận thức ở ĐH McGill chuyên nghiên cứu nhận thức thính giác với sự nhấn mạnh vào hai năng lực phức tạp và đặc trưng của con người là nói và tạo ra âm nhạc. Mỗi lục địa, mỗi vùng trên thế giới đều có đại diện trong bộ mẫu nghiên cứu này. Bản thân Savage hát bài “Scarborough Fair” còn Ozaki hát “Ōmori Jinku”, một bài dân ca Nhật Bản của vùng Tokyo. Nhiều nhà nghiên cứu đóng góp các bản thu âm tiếng Māori, Yoruba, Cherokee, Hebrew, Quan thoại, Ả rập và nhiều ngôn ngữ khác. “Có một câu nói phổ biến là ‘không thể làm điều gì liên quan đến tôi mà lại không có tôi tham gia’ (Nothing about me without me). Vì vậy, cách làm này khác biệt với cách làm của một số nhà âm nhạc học chuyên sống trong tháp ngà nhưng vẫn chia sẻ quan điểm về thế giới. Nghiên cứu đã mời những người nói thứ ngôn ngữ mà họ tìm hiểu tham gia cùng”, Diana Hereld, một nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng đang nghiên cứu về âm nhạc tại ĐH California, Los Angeles, nhận xét. Bà chính là người thể hiện phần bài hát dân ca Cherokee trong dự án.

Một số nhà nghiên cứu khác tham gia vào dự án này có điều kiện phô diễn kỹ năng hát và chơi nhạc cụ hoặc cả hai như Shantala Hegde, một ca sĩ hát nhạc Hindus cổ điển và một nhà khoa học thần kinh; Latyr Sy, một tay trống Senegal thiện nghệ; Gakuto Chiba, một nhà dân tộc học âm nhạc nghiên cứu về tiến hóa văn hóa, nhận thức âm nhạc và từng là nghệ sĩ giành giải nhất cuộc thi đàn shamisen Tsugaru Nhật Bản. Vì vậy các bản thu âm của họ cũng khác biệt so với những đồng nghiệp khác tham gia dự án.

Âm nhạc có khác biệt với ngôn ngữ?

Để tránh cho việc xảy ra tình huống việc sắp xếp thực nghiệm ảnh hưởng đến kết quả, chỉ có một số nhà nghiên cứu được biết về các giả thuyết mà dự án theo đuổi từ đầu và sau đó, nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra lại các phân tích của họ để xác nhận thông tin thu được không tác động đến kết quả của toàn bộ dự án. Thậm chí nhóm nghiên cứu còn đăng ký trước thiết kế thực nghiệm của mình với tạp chí Science Advance – một sự lựa chọn nghiên cứu giúp đảm bảo tính liêm chính khoa học.

Hát thường có xu hướng chậm hơn nói khắp mọi nền văn hóa; con người có cao độ giọng nói bền vững hơn khi hát; về tổng thể cao độ giọng hát cao hơn nói.

“Đầu tiên, chúng tôi sử dụng cấu trúc này để vô hiệu hóa cách làm truyền thống trong nghiên cứu âm nhạc xuyên văn hóa mà các nhà khoa học từ những quốc gia phát triển thu thập hoặc trích xuất dữ liệu từ một nền văn hóa ở thế giới đang phát triển, và sử dụng dữ liệu đó để thúc đẩy thành công của mình”, Peter Pfordresher, một giáo sư tâm lý ở Trường Nghệ thuật và khoa học, ĐH Buffalo và là một trong số 75 người tham gia vào dự án độc nhất vô nhị này, nói. Nguyên nhân thứ hai là cần làm nhiều hơn trong đánh giá dữ liệu. “Phân tích của chúng tôi đòi hỏi sự chú giải của âm tiết và các nốt nhạc trong các bài hát và phần nói trong các bản thu âm từ khắp thế giới. Không nhà nghiên cứu nào có thể biết được mọi ngôn ngữ. Bằng việc mỗi nhà nghiên cứu tham gia kiểm tra lại phần chú giải của chính mình, chúng tôi đã làm tăng thêm giá trị cho dự án”.

Mỗi đồng tác giả được phép tạo ra bốn mẫu giai điệu dân ca của dân tộc mình. Trong một bản thu, họ chơi một phiên bản khí nhạc; một phiên bản khác, họ hát; một phiên bản họ nói phần lời; phiên bản cuối cùng là một mẫu giọng nói tự nhiên miêu tả về bài hát. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các bản thu âm để trả lời hai câu hỏi chính: có các đặc trưng âm thanh nào thực sự khác biệt giữa hát và nói khắp các nền văn hóa? có bất kỳ đặc trưng âm thanh nào tương đồng một cách thực sự không? Họ quyết định kiểm tra bằng việc đo lường sáu đặc trưng, bao gồm tốc độ cũng như cao độ và độ ổn định. Dẫu rất khác nhau nhưng mọi bài hát đều có chung một số đặc trưng khác biệt với nói. “Có nhiều cách để tìm hiểu về các đặc trưng âm thanh của giọng hát và nói nhưng chúng tôi tìm kiếm ba đặc trưng đáng chú ý khắp các nền văn hóa”, theo Pfordresher.

Dữ liệu cho thấy các phiên bản khí nhạc có tốc độ chậm hơn, các cao độ bền vững hơn và cao hơn trong khi các phiên bản giọng nói tự nhiên lại có tốc độ nhanh hơn, các cao độ thấp hơn và ít bền vững hơn. Các bài hát và phần lời đều rơi vào một miền liên tục giữa hai thái cực này. Điều này có nghĩa, hát thường có xu hướng chậm hơn nói khắp mọi nền văn hóa; con người có cao độ giọng nói bền vững hơn khi hát; về tổng thể cao độ giọng hát cao hơn nói.

“Các giai điệu chậm hơn, cân đối hơn và có thể dự đoán nhiều hơn có thể cho phép chúng ta đồng bộ hóa và hài hòa hóa để thông qua đó, đưa chúng ta sát bên nhau theo một cách đôi khi ngôn ngữ không thể làm được”.

(Patrick Savage, nhà âm nhạc học so sánh ĐH Auckland)

Các áp lực tiến hóa định hình hành vi của con người đều khó có thể nhận diện nhưng dự án cho thấy những điểm tương đồng và khác biệt giữa hát và nói, giữa âm nhạc và ngôn ngữ. “Những gì khác thường ở đây là bất chấp những khác biệt văn hóa, vẫn có thể tìm ra được điểm chung”, Zatorre quan sát kết quả nghiên cứu. Những tương đồng này đem lại nhiều gợi ý về cách âm nhạc có thể đã tiến hóa, điều mà một số lý thuyết đã từng tranh cãi. Một số thì nêu giả thuyết là sự xuất hiện của âm nhạc đơn giản là một sản phẩm phụ của việc nói, một số thì lại bảo, giống như chim hót, nó dường như là do sự lựa chọn bạn tình. Và một ý tưởng khác thì lại nói có thể âm nhạc và hát hò cùng tiến hóa bởi vì chúng đều đạt tới một số dạng chức năng xã hội.

“Khi con người sáng tạo âm nhạc, họ thường có xu hướng chia sẻ nó với tập thể. Họ đồng bộ hóa và hài hòa hóa âm nhạc với nhau”, Pfordresher giải thích. “Các đặc điểm giúp phân biệt hát với nói này cũng phù hợp với lý thuyết đã có”. Tốc độ hát cũng là cơ chế khuyến khích các khía cạnh xã hội của âm nhạc bởi việc đồng bộ hóa khó mà thực hiện được nếu tốc độ gia tăng. Khi tốc độ chậm hơn, nhịp điệu trở nên có thể dự đoán được và dễ dàng theo nhịp. Âm nhạc trở thành một thực thể có tính xã hội hơn. “Dễ dàng hơn để bắt nhịp bài có một cao độ ổn định mà ai đó hát, dễ hòa nhịp với tập thể hơn là một cao độ tiến triển như làn sóng”.

Tương tự, các cao độ lớn hơn trong bài hát thường xuất hiện khi bài hát tạo ra một tốc độ chậm hơn. “Các tốc độ chậm hơn đòi hỏi một lượng khí rất lớn trong phổi. Áp suất khí lớn hơn trong đường thở làm gia tăng cao độ”, Pfordresher giải thích. Trái ngược với điều đó, việc nói trong các cuộc đối thoại không cần sự đồng bộ. Nhìn chung, các cuộc đối thoại là việc nói xen kẽ luân phiên giữa con người với con người. “Tôi vẫn nghĩ là nói chuyện thì nhanh hơn hát bởi vì ai cũng muốn nắm quyền chủ động, họ không muốn đưa ra tín hiệu sai lầm là họ đã kết thúc mà chỉ trao phần đối thoại cho một người khác thôi. Việc dừng một cuộc đối thoại hay nói năng một cách chậm rãi thường chỉ dấu là ai đó muốn xen vào”.

Tuy vậy, cũng có những biệt lệ thú vị xuất hiện đây đó trong kết quả phân tích, ví dụ như Parselelo (người nói tiếng Kiswahili, lại hát với cao độ thấp hơn nói và chính Ozaki, người nói tiếng Nhật Bản, lại thường có cao độ bền vững khi nói hơn là hát còn nhiều bản thu âm lại có những khác biệt về âm sắc và quãng lớn hơn so với mẫu thiết kế.

Nghiên cứu này không đem lại một câu trả lời dứt khoát về câu hỏi tại sao con người lại hát nhưng giả thuyết hàng đầu của các nhà nghiên cứu là âm nhạc thúc đẩy gắn kết xã hội. Hát trong các dàn đồng ca, chia sẻ các nhịp điệu và giai điệu có thể giúp mọi người sát lại nhau khi một cộng đồng chuẩn bị cho một sự kiện lớn, ví dụ như chiến trận. Tuy một giả thuyết như vậy thì rất khó chứng minh, nhà khoa học thần kinh Zatorre lưu ý, nhưng nó cũng có ý nghĩa là việc hát có thể tiến hóa theo một chức năng giao tiếp xã hội như ngôn ngữ. “Âm nhạc có thể có sức mạnh thực sự” khi nó truyền đạt được cảm xúc”, ông nói. “Và theo cách này thì âm nhạc còn hiệu quả hơn nhiều so với lời nói” (năm 2023, Zatorre xuất bản cuốn In From Perception to Pleasure để trả lời những câu hỏi như tại sao chúng ta yêu âm nhạc? những gì cho phép chúng ta sáng tạo âm nhạc, chấp nhận âm nhạc và thưởng thức âm nhạc?).

Có thể như vậy lắm chứ bởi các bài hát mang có những đặc điểm khác biệt do chúng có vai trò đặc biệt trong truyền đạt thông tin khác biệt với nói, theo nhận xét của Aniruddh Patel, một nhà tâm lý học ở ĐH Tufts và là người quan sát nghiên cứu. Hơn nữa, bộ não của chúng ta nhạy cảm với tất cả các đặc điểm đó. Patel lưu ý, vào năm 2022, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra neuron người chỉ phản hồi với hát chứ không phải với lời nói hay phần khí nhạc. “Có cái gì đó đặc biệt trong các bài hát dân ca khắp thế giới như một tín hiệu âm thanh mà có lẽ bộ não của chúng ta trở nên hòa hợp trong suốt thời gian tiến hóa”, TS. Patel nói.

“Các giai điệu chậm hơn, cân đối hơn và có thể dự đoán nhiều hơn có thể cho phép chúng ta đồng bộ hóa và hài hòa hóa để thông qua đó, đưa chúng ta sát bên nhau theo một cách đôi khi ngôn ngữ không thể làm được”, Savage nhận xét.

Nhưng lợi ích tiến hóa này lại có thể là tín hiệu cho thấy nó vẫn là vấn đề của tranh cãi. “Kết quả nghiên cứu cho chúng ta thấy có thể thực sự có điều gì đó phổ quát trong nhân loại mà không thể giải thích được một cách đơn giản bằng văn hóa”, theo Daniela Sammler, một nhà khoa học thần kinh tại Viện Mỹ học thực nghiệm Max Planck ở Frankfurt và là tác giả cuốn The Melodic Mind: Neural bases of intonation in speech and music (xuất bản năm 2018). Không chỉ nhận xét điểm yếu của nghiên cứu là các ca sĩ tham gia đều là nhà khoa học nên có thể có sự thiên kiến ngay ở bài hát họ chọn, TS. Sammler còn nghĩ rằng, nghiên cứu đã không xác nhận được vai trò khác của âm nhạc như giúp cha mẹ gắn kết với con cái. Với phỏng đoán của Savage về chức năng gắn kết xã hội của việc hát, bà cho rằng “cần phải có nhiều lý thuyết hỗ trợ hơn”.□

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: Yuto Ozaki

----------------

Có thể bạn quan tâm:

Âm nhạc và nghệ thuật ngoại giao mềm Giáo sư Gianni Kriscak: “Thời đại hoàng kim của opera đã qua" Hành trình đưa âm nhạc dân tộc hội nhập quốc tế
tiasang.com.vn

Tags:

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.