Giáo sư âm nhạc người Ý Gianni Kriscak đã chọn một đề tài “ngách của ngách của ngách”: Lịch sử Opera Ý từ thời sơ khai đến đầu thế kỷ XVIII để nói về Opera. Bản thân opera đã là một đề tài ngách trong nền xuất bản Việt Nam, lịch sử opera lại càng là “ngách của ngách” nhưng,
Trong một biên niên sử ngắn gọn, giáo sư Kriscak (chủ biên) – hiện đang giảng dạy bộ môn âm nhạc nhà hát tại trường Đại học Âm nhạc và Biểu diễn ở Graz, Áo – cùng hai học trò của mình là Hiền Nguyễn Soprano và Trịnh Thị Oanh, đã kể lại một hành trình lắt léo của opera, loại hình nghệ thuật mà, không thể khác được, phải bắt nguồn từ Ý, và phải bắt nguồn từ thành phố Florence. Bài phỏng vấn này được thực hiện vào thời điểm giáo sư trở lại Việt Nam để dẫn dắt hòa nhạc La Passione tại Nhà hát TP.HCM.
Trong Lịch sử Opera Ý, ông nhắc đến sự ra đời của Chủ nghĩa nhân văn như khởi đầu cho sự manh nha của Opera ở Florence. Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao lại thế?
Opera là một trong những sản phẩm cuối cùng của Chủ nghĩa nhân văn. Trong suốt hai thế kỷ trước khi opera ra đời, tư tưởng đặt Con người chứ không phải là Chúa hay Thần thánh vào trung tâm của quá trình sản xuất âm nhạc đã được chứng minh trong việc sáng tạo các bản madrigal (Madrigal là một hình thức âm nhạc thính phòng có nguồn gốc ở miền bắc nước Ý trong thế kỷ 14, suy tàn và biến mất vào thế kỷ 15, lại phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 16 và cuối cùng đạt được vị thế quốc tế vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17).
Câu chuyện của một trong những vở opera đầu tiên lấy bối cảnh ở Arkadia cổ đại, với các nhân vật được ràng buộc với thế giới đó, vốn là một thế giới không có thật. Mặc dù thế, những cảm xúc của họ, dù là nỗi đau hay niềm vui, đều là những cảm xúc rất người, giống như trong các bản Madrigal thường mô tả tình yêu, nỗi buồn, nỗi khổ tâm cùng nhiều cung bậc cảm xúc gợi tình khác. Tuy nhiên, khác ở chỗ, đến Opera thì cảm xúc bắt đầu được đào sâu ở cấp độ cá nhân hơn, và đó là một bước tiến rất lớn (Arkadia, hay Arcadia, được coi là quê hương của các vị thần Hermes và Pan. Trong nghệ thuật Phục Hưng, Arcadia được ngợi ca như một vùng đất hoang dã vô nhiễm và hài hòa. Cái tên Arkadia được đặt theo tên của Arcas, một nhân vật huyền thoại, từ thợ săn trở thành vua của Arkadia. Ông được coi là người đã dạy nhân dân ở đây nghề dệt, nướng bánh và làm nông nghiệp).
Theo ông, giữa opera Ý và opera của những quốc gia khác, như opera Đức, có sự khác biệt nào không? Có gì đó thuộc về bản chất làm nên sự khác biệt trong những vở opera của Puccini, Rossini hay Verdi so với opera của Wagner?
Có lẽ nếu cuốn sách có tập hai, thì câu hỏi này sẽ được thảo luận ở đó!
Khi đề cập đến Wagner, bạn cũng phải lưu ý rằng truyền thống opera của Đức vào thời điểm đó còn rất ngắn ngủi và chỉ dựa trên một số ít ỏi những vở Singspiel (Singspiel là một dạng thanh xướng kịch Đức, hiện được coi là một thể loại opera). Đây có lẽ là nỗ lực đầu tiên thành công trong việc tạo ra một kho tác phẩm liên quan đến truyền thống và hình thức âm nhạc Đức. Ví dụ đầu tiên và quan trọng nhất trong số đó tất nhiên là vở Die Zauberflöte (Cây sáo thần) của Mozart. Và rồi những vở opera của Carl Maria von Weber có thể coi là những tiền thân để sau này dẫn tới các nhạc phẩm của Wagner. Tôi cho rằng truyền thống opera của Đức bắt đầu từ thời điểm đó.
Thật ra, không thể nói về sự khác biệt giữa những vở opera của chẳng hạn Rossini với những vở opera Đức, nhưng chắc chắn một điều là Rossini rất ấn tượng với âm nhạc Đức. Ông cũng như các soạn giả Opera nổi tiếng của Ý khác như Gaetano Donizetti hay Vincenzo Bellini đều yêu thích và nghiên cứu sâu về Beethoven, Mozart và Haydn.
Về phần Verdi, vì là người cùng thời với Wagner, nên ta có thể đặt lên bàn cân so sánh. Theo ý kiến của tôi, có vài điểm khác biệt quan trọng giữa Wagner – với tư cách là đại diện của truyền thống opera ngắn của Đức – và Verdi – với tư cách là đại diện của truyền thống opera cổ của Ý: một là thiên hướng của Wagner dành cho những tác phẩm chủ đề huyền bí, phi thực, diệu kỳ và các chủ đề triết học; hai là cách Wagner coi giọng hát chỉ là một phần của tổng thể và dàn nhạc được chiếm ưu thế nhất định trong tác phẩm. Trong khi đó, chủ đề của Verdi không bao giờ thần bí hay giàu tính triết học, ông luôn lấy cảm xúc con người làm mục tiêu. Giọng hát được Verdi coi là trung tâm của vở kịch và dàn nhạc chỉ để phục vụ cho giọng hát, vốn là một truyền thống tốt đẹp của opera Ý.
Tất nhiên, Wagner đã mang đến opera nhiều cải tiến, chẳng hạn như yếu tố leitmotiv hoặc những giai điệu chưa hoàn chỉnh lấy cảm hứng từ thực hành của Bellini. Nhưng đó là một câu chuyện rất dài (Leitmotif là một di sản âm nhạc của Wagner. Giải thích đơn giản, đó là một giai điệu, hòa âm, nhịp điệu – hoặc sự kết hợp của chúng – để đại diện cho một nhân vật hoặc chủ đề trong một vở opera. Học hỏi từ Wagner, các nhà soạn nhạc phim hiện đại, nhất là ở Hollywood, đã áp dụng kỹ thuật này trong việc sáng tác).
Puccini rất ngưỡng mộ Wagner và Verdi cũng vậy. Tuy nhiên, mặc dù đã học được rất nhiều điều từ bậc thầy người Đức, Puccini vẫn hoàn toàn tuân theo truyền thống opera của Ý, bất chấp việc ông đã cố gắng học theo Wagner trong vở opera đầu tiên của mình là Le Villi. Song, đó chỉ là nỗ lực của một nhà soạn nhạc trẻ tuổi để viết theo “cách hiện đại” mà thôi, và sau đó ông sẽ sớm từ bỏ cách làm ấy.
Ông có nhắc đến một cuộc tranh luận về việc trong opera, phần thơ hay phần nhạc quan trọng hơn. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
Quả thực, tranh chấp này đã diễn ra từ buổi đầu của Lịch sử Opera. Sự ra đời của thể loại Recitativo (phong cách truyền tải được sử dụng nhiều trong các vở opera, oratorios và cantatas, trong đó phần lời được ca sĩ nói theo như hát trên nền của giai điệu) là do vào thời điểm đó, âm nhạc đối âm và các giai điệu coloraturas (các giai điệu phức tạp với các phần kỹ thuật chạy nốt, rung láy bóng bẩy, điêu luyện) bị nhóm Camerata de’ Bardi coi là trở ngại cho việc hiểu lời ca (Camerata de’ Bardi là một nhóm các nhà nhân văn, nhạc sĩ, nhà thơ và trí thức ở Florence cuối thời Phục hưng, chuyên thảo luận và định hướng các xu hướng trong nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc và kịch. Các thử nghiệm của họ dẫn sự phát triển của phong cách recitativo, tạo điều kiện cho việc ra đời của opera). Lúc đó, lời được coi là trung tâm của thanh nhạc và mọi yếu tố âm nhạc khiến cho lời ca trở nên khó hiểu đều bị coi là vô lý. Cuối cùng, nhà soạn nhạc Monteverdi đã tìm thấy sự cân bằng giữa những bản recitativo đầu tiên khá nhàm chán với vẻ đẹp của giai điệu và hòa âm. Monteverdi đã thể hiện được thể hiện cảm xúc con người và ý nghĩa lời ca bằng cách nhìn ra bên ngoài hơn sự phẳng lặng đơn thuần của recitativo. Không nhiều người sau ông làm được điều đó.
Lời ca hay âm nhạc quan trọng hơn, đây là cuộc tranh cãi không hồi kết trong suốt lịch sử của opera. Tôi thì hoàn toàn đứng về phía Monteverdi: phải có sự cân bằng giữa lời và nhạc.
Trong chương cuối cùng của cuốn sách, ông đã dành nhiều tâm sức để nói về một truyền thống đã biến mất trong opera: những giọng castrato (nam thiến). Nhưng ông có cho rằng đó là một mất mát lớn của opera?
Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng sự kết thúc của kỷ nguyên Castrato đánh dấu sự suy giảm của bất kể loại hình nghệ thuật nào. Thời đại đó rất dài và góp phần to lớn vào sự phát triển cũng như sự phổ biến của opera. Nhưng sự kết thúc thời đại này đã tạo điều kiện cho một sự phát triển hơn nữa của opera, cũng như sự kết thúc của thời đại Cembalo (đàn harpsichord) trở thành dấu mốc cho sự phát triển của dàn nhạc. Thời đại mới nghĩa là phải có gu mới, và gu mới thì cần thanh âm mới. Đó là quy luật tự nhiên thôi.
Theo ông đâu là thời kỳ hoàng kim của opera trong lịch sử nhạc cổ điển? Còn hiện nay, ông có nghĩ rằng vấn đề của nhạc cổ điển nói chung và opera nói riêng là ta chịu những cái bóng quá lớn từ lịch sử, chẳng hạn, những nhà soạn nhạc opera mà chúng ta thường nhắc tới nhất đều sống từ cả trăm năm hay vài trăm năm trước. Nhưng những nhà soạn nhạc mới thì đang ở đâu?
Đây là một câu hỏi rất hay. Thành thực mà nói, tôi nghĩ thời hoàng kim của opera đã qua rồi. Opera đã từng có một đời sống rất dài và chói lọi. Nó đã từng là sự kiện xã hội. Người ta hỏi han liên tục về những vở diễn mới và mỗi năm lại có một lượng khổng lồ các bản opera mới do các nhà soạn nhạc và nhà thơ sáng tác nên, được diễn ở rất nhiều sân khấu. Điều tương tự đang diễn ra ngày nay với việc sản xuất phim ảnh. Bạn hãy thử nghĩ về những khán giả ra rạp xem phim: họ muốn xem những bộ phim mới, và mới nhất. Nếu họ thích bộ phim ấy thì họ còn mua đĩa DVD hay tải nó từ trên mạng xuống. Cũng như thế, 200 năm trước, người ta mua những bản nhạc chép các bản opera mình thích và chơi chúng tại gia.
Thời đại chúng ta, việc sản xuất các vở opera mới là rất ít ỏi (tôi sẽ nói luôn rằng đó là… mò kim đáy bể), và ngoài việc là khán giả của các vở opera mới không nhiều, thì cũng chẳng ai mua bản nhạc hay CD của các buổi diễn ấy về để nghe tại nhà cả. Những bản opera vẫn được đông đảo khán giả yêu thích là La Traviata, là La Bohème, là Madama Butterfly, đại để thế, và đều là những vở opera đã rất rất rất lâu đời. Chúng ta đành thừa nhận với nhau, thể thao và điện ảnh đã lấn át thế giới opera mất rồi. Vì vậy, tôi cho rằng opera đã ra đời, đã tồn tại rất lâu nhưng giờ đây nó còn tồn tại cũng chỉ nhờ những tác phẩm cổ điển. Chắc chắn đó không phải là dấu hiệu lành mạnh. Thể loại kế thừa của opera trên sân khấu có thể là nhạc kịch.
Trong lịch sử opera, đã có giai đoạn, như giai đoạn ở Venice, khi opera không chỉ được biểu diễn cho tầng lớp cao trong xã hội, mà còn được dành cho tầng lớp trung lưu, thậm chí là thấp hơn nữa. Điều này chỉ là một giai đoạn nhất thời trong lịch sử, hay nó sẽ còn lặp lại, theo ý kiến của ông?
Venice không có cung đình; đó là một nước cộng hòa với giai cấp tư sản mạnh mẽ chuyên tâm vào thương mại. Ở đó, gần như không thể có chuyện tổ chức ra những sự kiện lớn mà không nhằm thu được lợi ích kinh tế. Chính một xã hội như thế đã khiến các sự kiện “opera” lan truyền rất nhanh. Nhưng vào thời điểm đó, một xã hội như vậy là một điều đặc biệt. Còn bây giờ, khán giả muốn dành thời gian cho những việc khác. Tôi không cho rằng thời đại opera được coi sự kiện xã hội sẽ quay trở lại.
Với những người chưa có nhiều hiểu biết về Opera, ông có thể chọn ra 5 bản mà ông tin rằng, ngay sau khi nghe chúng, người ta sẽ ngay lập tức hứng thú với Opera? Lý do gì khiến ông chọn 5 bản ấy?
Năm bản thôi thì ít quá nhỉ. Nhưng thôi thì liên quan đến cuốn sách của tôi, vốn chỉ nói về lịch sử opera Ý từ giai đoạn đầu tới giữa thế kỷ 18, thì đây là một số gợi ý:
– Một bản madrigal thế kỷ 16, với phần lời mà bạn không hiểu được.
– Tác phẩm L’Orfeo của Monteverdi, một trong những kiệt tác opera đầu tiên trong lịch sử.
– Tác phẩm L’incoronazione di Poppea của Monteverdi, sáng tác sau đó 35 năm, bạn sẽ thấy opera Venice đã thay đổi ra sao.
– Tác phẩm Griselda của Scarlatti, một bản baroque opera của thời kỳ sau, với những giai điệu coloraturas.
– Bản La serva padrona của Pergolesi, đại diện cho opera buffa, vốn là một bản intermezzo (Opera buffa là một thể loại opera hài hước, dí dỏm, châm biếm có nguồn gốc ở Naples vào giữa thế kỷ 18. Nó phát triển từ intermezzo, đoạn nhạc được biểu diễn xen giữa các màn của một vở opera nghiêm túc, ban đầu chủ yếu để dành thời gian chuẩn bị sân khấu cho màn kế tiếp).
– Bản Il mondo alla roversa của Galuppi, một vở commedia musicale (ca kịch hài).
Mà hình như đã thành 6 bản rồi!
Opera vẫn là một thể loại chưa gần gũi với người Việt Nam, như ông cũng thấy, một chương trình nếu chỉ có hát các aria hoặc trích đoạn opera từ đầu đến cuối thì sẽ không dễ bán vé, vẫn phải có những tác phẩm cross-over gần gũi hơn với đại chúng. Theo ông, điều đó tốt hay không tốt với opera? Liệu điều đó có khiến cho người ta hiểu nhầm về opera?
Tất nhiên là có nguy cơ hiểu lầm chứ. Như tôi đã viết trong cuốn sách của mình, để hiểu opera, một số kiến thức về lịch sử chính trị và xã hội là rất quan trọng. Ngoài ra, một số kiến thức về ngôn ngữ cũng rất quan trọng. Vấn đề quan trọng nhất là cách thể hiện tình cảm. Người Ý thể hiện tình yêu, sự giận dữ, nỗi buồn như thế nào? Còn người Việt Nam ra sao? Việt Nam và Ý là hai quốc gia mà trong quá trình phát triển gần như không biết gì về nhau trong nhiều thế kỷ, hai quốc gia có tôn giáo hoàn toàn khác nhau, lịch sử, ẩm thực, thời tiết hoàn toàn khác nhau, vì thế mà mỗi nước đã phát triển ra những cách thể hiện cảm xúc khác nhau. Không có gì đúng hay sai ở đây cả. Chỉ đơn giản là rất khác nhau. Hiểu được sự khác nhau ấy có nghĩa là hiểu opera.
Hiền Trang thực hiện và chú thích
Theo Tia Sáng
Hòa nhạc đặc biệt về thiên tài opera Gioacchino Rossi Lần đầu công diễn vở opera bị thất lạc của Franz Liszt Opera và khát vọng vươn ra thế giới của âm nhạc Hungary |