Sáng tác

Bãi dâu chiều cuộn sóng. Truyện ngắn của Phan Ngọc Chính

Phan Ngọc Chính
Truyện 09:09 | 13/05/2025
Baovannghe.vn- Khác với những người đàn ông quê tôi, thầy ngoài chuyện say sưa dạy đám học trò chúng tôi, còn rất say một việc làm xem chừng thật kì lạ, khó hiểu. Tối ngày thầy mải mê gieo sạ một giống lúa lạ, nghe nói có gốc gác ngoại lai từ xứ nào đó xa lắm. Thứ lúa cao ngồng, loi thoi được thầy ươm trên vạt ruộng ngấu tốt nhất.
aa

“Quyên ơi, tôi sẽ bỏ học. Tôi sẽ đi khỏi làng!”

Lão nói với tôi vào một chiều bãi dâu cuộn sóng. Gió ngập triền sông Kẻ Sặt. Lũy tre làng ngả nghiêng, lắc lư phơi dóng dài ngân nga khúc nhạc kẽo kẹt buồn thảm.

Lão nghiến răng, con rựa dài sắc lẹm vung lên. Chàn chạt. Phầm phập. Lớp lớp tre già đổ gục, cành lá run rẩy lìa đứt. Mấy thân tre non cũng gãy nát, bầm dập. Tôi ngẩn ngơ nhìn, tập bài phú chiều quê trượt rớt. Gió thổi những trang giấy dó chi chít chữ của tôi và Lão bay trắng triền đê. Hồi lâu sực tỉnh, tôi lao đến giật con rựa trên tay Lão. Dừng lại. Những thân tre non và mầm măng thì có tội tình gì. Lão gạt tôi sang một bên, mắt đỏ khé, ngân ngấn. “Quyên thì biết gì. Hãy để chúng chết thay những mầm non nòi giống.”

Bãi dâu chiều cuộn sóng. Truyện ngắn của Phan Ngọc Chính
Minh họa Phạm Hà Hải

Tôi thì biết gì. Cái đứa con gái ngạo ngược mê mải với trò chơi trận giả cùng Lão và chúng bạn. Cái đứa đua đòi ăn vận giả nam nhi để đến lớp học cây đa đầu thôn. Mẹ thương tôi. Thầy đồ thương tôi, bỏ qua trò chít khăn che lọn tóc đuôi gà đỏ quạch xén ngắn và bộ quần áo đàn ông chàm xanh rộng thùng thình. Lão có thương tôi không? Câu hỏi đó cứ cồn cào dội lên ngày tóc tôi tự nhiên mềm ra, nhưng nhức đen còn lồng ngực của cậu bạn cùng xóm thì chỉ qua một mùa hè đã vồng lên vâm váp, đôi bắp vế cuồn cuộn rắn chắc như thớ lim đình làng.

Chúng tôi quây quần bên lớp học của thầy ở ngôi chùa mới dựng. Những nét chữ thánh hiền nhảy nhót. Lão say chữ. Tôi ban đầu say chữ, nhưng từ buổi thầy bảo tôi không thể đi thi, trong tôi chỉ ngày càng lớn lên niềm say mê, ngưỡng mộ cậu bạn thân cùng thôn.

Khác với những người đàn ông quê tôi, thầy ngoài chuyện say sưa dạy đám học trò chúng tôi, còn rất say một việc làm xem chừng thật kì lạ, khó hiểu. Tối ngày thầy mải mê gieo sạ một giống lúa lạ, nghe nói có gốc gác ngoại lai từ xứ nào đó xa lắm. Thứ lúa cao ngồng, loi thoi được thầy ươm trên vạt ruộng ngấu tốt nhất. Nhưng vạt lúa dù được làm kĩ từ khâu chọn giống đến gieo sạ, được chăm chút tưới bón sớm tối mà kì lạ thay lại cứ vụ tốt, mùa lép chẳng hề rõ nguyên do. Điều đó khiến niềm vui, nỗi buồn cứ đan xen, phủ kín gương mặt thầy. Nó giống như bao lứa học trò từ lớp học cây đa của thầy lớn lên, đi xa hơn bãi dâu và lũy tre làng tôi, người thành công, làm quan giúp đời, được dân lập đền thờ ghi danh, kẻ hư hỏng, sa đọa trở thành kẻ cướp ngày, tiếng nhơ như gió đen lẩn quất.

“Chữ nghĩa có ích gì không hả Quyên?” Lão hét lên.

Lửa từ tay Lão lan rộng. Lửa bén trên thảm lá tre khô lèm lèm. Lửa táp những cành tre tươi sun lại, nổ lép bép. Mặt Lão hồng rực một niềm khoái cảm kì lạ. “Quyên đưa tập vở cho tôi. Nhanh lên!”

Lão hét, mắt đỏ đọc, man dại. Tôi lật đật quờ nhặt những tờ giấy dó ghi các bài phú, nét đậm nhạt chi chít. Những tờ giấy như ma trơi nhảy nhót, cuộn bay lên dập dềnh. Gió hào hứng nhấn chúng vào cái lưỡi phần phật tham lam của lửa. Ngọn lửa trong mắt người thiếu niên làng Phù Ủng rừng rực. Dường như lửa đang lan đến chân tôi. Tôi cảm tưởng nếu không nhanh, có thể ngọn lửa sẽ thiêu cháy mình. Hoặc giả chính ánh mắt Lão sẽ thiêu cháy tôi.

Chỉ chốc lát, từng trang viết sun lại, lẩn vào màu tro than. Với lửa thì giấy chữ và lá tre có khác gì nhau đâu. Gió thổi tàn tro bay lên cao, lả tả rơi.

Tự lúc nào, nước mắt ướt đầm hai gò má nâu bóng. Lần đầu tiên tôi thấy Lão khóc.

*

Tin cậu học trò giỏi nhất tổng trở chứng đốt sách lan rất nhanh về làng. Mặt thầy khắc khổ, thờ thẫn. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau rồi nhìn thầy. Hình như chỉ mình thầy hiểu được nguồn cơn.

Ngày cả tổng mừng vị tiến sĩ họ Bùi vinh quy, Lão bỏ đi đâu biệt tăm. Tôi đi tìm, thấy Lão ngồi lặng một mình ven lũy tre bờ sông. “Cả làng mừng quan nghè tân khoa, sao mình Lão ra đây?” “Quyên về đi.” Lão gắt. “Hay gì việc kéo nhau mừng người khác đỗ đạt.” Giọng Lão quả cảm pha chút dằn dỗi. Tôi nghe mà lòng nửa thương, nửa giận.

“Nếu cần mẫn đèn sách, Quyên tin có ngày Lão sẽ đỗ đạt, sẽ vinh quy như người ta.”

Lão đứng vụt, vươn mình. Cây rựa dài trên tay lại vung lên đầy mạnh mẽ, dứt khoát. Những đường rựa bay vun vút, loang loáng tựa sự trút giận. “Quyên nghĩ tôi ghen tị với thiên hạ ư?” Phầm phập. Chàn chạt. Những khúc tre bị chặt ngọn, róc cành, thoáng chốc đã vứt cả đống, ngổn ngang. “Là tôi thấy ông nghè thì đã làm nên trò trống gì? Học, học, rồi để thi cử đỗ đạt, làm quan hưởng lộc nước, cơm dân. Tôi khinh.” Tôi đứng lặng, nửa trống rỗng, nửa choáng váng.

Những buổi học tiếp theo, tôi chứng kiến Lão đăm chiêu ơ hờ. Thầy nhìn chàng trai âu lo, nín lặng. Rồi cuối một buổi học, Lão tiến lại phía thầy: “Hãy chỉ cho con có sách nào chỉ dạy các quan nha mỗi việc tìm thấy niềm vui, lẽ đời trong nghiệp chăn dân, an dân?”

Cả lớp lặng thinh ngác ngơ. Lão vẫn quỳ, mắt sáng rực. Thầy sửng sốt bối rối, lảng tránh ánh nhìn của người học trò trẻ tuổi. “Có. Dĩ nhiên có. Chữ thánh hiền.”

“Vâng. Nhưng phải chăng học chữ thánh hiền cũng giống như việc thầy gieo sạ giống lúa lạ. Vụ tốt, mùa lép. Như đất nước hưng thịnh phụ thuộc vào bậc minh quân. Mà các triều đại cứ tháng năm hết hưng đến phế. Thầy ơi, làm sao để mỗi triều đại tạo nên được nhiều minh quân? Phải chăng, đạo thánh hiền chỉ đẹp với kẻ học trò lúc đèn sách áo vá, ngủ lều cỏ, ôm ước mơ nguyên sơ thiếu thời. Tại sao đạo thánh hiền thường chết yểu khi người học nhận mũ áo vinh quy kèm chức tước, bổng lộc?”

Thầy trầm tư, ứa lệ rồi cúi mặt buồn bã. Lớp học đóng cửa.

Tôi lặng bước sau lưng Lão. Lời nói của cậu bạn còn đó như những làn roi quất vào khoảng không hư vô. Dòng suy tưởng đưa tôi trở về những ngày tháng người bạn thân của mình nổi loạn.

“Hãy nói với tôi, có thứ thành công nào không cần đến thi cử, khoa bảng?”

Đầu óc tôi u u mang mang. “Có một thứ…” Tôi nhớ, hình như vào lần nào đó, khi chứng kiến những phản ứng của cậu học trò nhiều chữ nhất lớp, thầy từng lẩm nhẩm vậy.

*

Nghề đan sọt làng Phù Ủng.

Người làng tôi bảo, nếu triều đình có đạo sắc phong nghệ nhân dành cho người đan sọt, danh xưng đó xứng đáng với Lão. Mỗi buổi chiều quê thanh bình, khi đàn trâu ung dung gặm cỏ, sáo diều vi vu trộn vào tiếng sóng ì oạp triền đê, bãi dâu dập dờn sóng lá xanh mướt, đám trẻ quê tôi thường xúm lại say mê chứng kiến Lão chẻ những thân tre già cứng nhẹ như người ta chẻ lạt. Thoáng chốc, sáu nan sọt đã được bện chắc, thành chiếc đế tròn lẳn như nhụy hoa. Rồi hai tay chàng đan và đan, thoăn thoắt như múa. Hình như chàng sinh ra cho công việc này. Chỉ một canh giờ, số sọt mới đã xếp dài chật cả góc sân. Những sọt thồ lúa, ngô, khoai, thồ đá vá đê, xây đình, dựng chùa cũng ra đời từ đây. Sợi nan sọt quyện mồ hôi nâu bóng dẻo dai như tiếng sáo diều vi vu và những vũ khúc mùa vụ.

Danh xưng nghệ nhân đan sọt bởi vậy với Lão thật xứng đáng. Mẹ bảo, danh xưng đó nếu có, nó xứng với cả cha Lão, cha tôi.

Nhưng hai ông chỉ là những người đan sọt vô danh.

Mẹ kể hai ông là đôi bạn thân, hai nông dân khỏe mạnh, khéo tay nhất vùng. Vào cữ nông nhàn, nghề đan sọt giúp bao gia đình quê tôi có thêm đồng mắm muối, vải vóc. Với riêng nhà tôi và Lão, chỉ non tháng giời mà các loại sọt thồ cho ngựa, voi, trâu bò, sọt đeo lưng cho người đã chất cao như núi. Khách mạn ngược tháng đôi lần ghé thuyền cất buôn lên xứ Mường, xứ Tày.

Nhưng rồi tin giặc Mông Thát hùng mạnh như ngọn lửa dữ tràn xuống. Lũy tre dày ken đặc như gặp bão ngả nghiêng. Hàng cau trút đám hoa non tức tưởi, buồn bã. Triều đình cử người đi các thôn làng tuyển quân rồi ráo riết tập luyện. Vó ngựa dồn dập, lốc cốc tung bụi đỏ dọc đường làng.

“Đất nước có giặc. Chúng tôi phải ra đi.”

Cha tôi và cha Lão quả quyết.

Chiều đổ bóng âm u như mặt người. Đống sọt thồ hai ông làm dở dang, những nan tre buồn rớm lệ nhớ ngón tay ai thân thuộc. Thuyền đưa sọt lên mạn ngược được dành chở những bó cọc tre to ra cắm ngụy trang dọc lòng sông Kẻ Sặt. Tiếng loa nhắc các cơ đội dân binh chôn giấu lương thực, làm kế “vườn không, nhà trống”. Người người, nhà nhà dáo dác. Đoàn tân binh lặng lẽ cất bước khi nhá nhem mặt người. Tôi lẫm chẫm đuổi theo rồi toét miệng cười nhìn bóng cha trong đoàn quân cứ xa dần, mờ dần. Mẹ ôm tôi vào lòng, nấp vào sau chái gianh. Con gái bé bỏng ơi, ước gì con có thể san sẻ nỗi âu lo chất chồng trong lòng mẹ. Mẹ Lão giữ chặt cậu con trai nhỏ, khóc nấc. Bà lẩm bẩm “lẽ nào”, rồi hoảng hốt vùi cuốn gia phả dòng họ Phạm xuống tận đáy chiếc rương cũ. Cuốn gia phả mà cụ tổ tám đời của Phạm tộc truyền lại, chỉ dành cho các nàng dâu trưởng với lời dặn đời đời hãy giữ kín nguồn gốc võ tướng. Và bao năm, tưởng như nó đã chỉ làm nên những nam nhân khéo léo, khỏe khoắn, những thư sinh ở một thôn làng an bình. Nhưng nào ngờ!

Hay nó là nghiệp chướng?

*

“Quyên trả lời đi, bút nghiên có giúp thắng giặc được hay không?”

“Thầy chẳng dạy, bài hịch Tướng sĩ của Quốc công Tiết chế ngang bằng mươi vạn tinh binh là gì.”

“Không! Tôi chỉ hỏi bút nghiên của tôi, thằng trai làng mười bảy tuổi.”

Này thì bút!

Này thì nghiên. Bầu mực trượt đổ. Mực lẫn vào đất tung tóe. Cây bút lông rớt xuống văng xa.

Mắt Lão nhòa lệ. Môi cậu cắn chặt bật máu. Tiếng thét vang như sấm rền. Lão quăng mình lên không trung, bàn chân dợm lên lũy đất chi chít những mũi chông nhọn. Lũy đất cao hơn đầu người được tôi và Lão nhọc nhằn xắn mộc, trộn vữa đắp lên trong nhiều ngày. Tấm khiên gỗ bọc rơm đè nghiến mặt thành. Cây rựa dài nhằm lớp ván cột chắn mặt lũy bổ dọc. Lớp ván dày nứt vỡ. Lũy đất sạt lở. Trên nền lũy, những bàn chông gãy gập tơ tướp. Lão hài lòng, nằm vật ra đất thở dốc. Tôi tháo đôi giày vải đế gỗ khỏi hai bàn chân cậu bạn. Đôi giày vải nhiều ngày tôi lặn lội tìm loại đay gai tốt nhất để tết cho Lão bị những mũi chông tre xuyên qua cả lớp đế cứng như sắt. Bàn chân Lão tướp máu. Bắp chân lão cũng chằng chịt ngang dọc vết xước. Máu thấm qua lớp vải quấn khô quánh lại đen kịt. Tôi xuýt xoa bóp rượu sát trùng các vết thương. Lão thả lỏng, mắt lim dim chịu đựng. Tôi liếc nhanh cái cục vồng lên sau lớp vải nâu phía trên đùi, giữa hai bắp vế của Lão. Mặt tôi đỏ ửng thẹn thùng.

Nhưng rồi nhìn bắp chân tướp máu của Lão, nước mắt tôi trào ra. Năm xưa, đất nước ca khúc khải hoàn mà tin tức về cha tôi, cha Lão bằn bặt như cánh nhạn. Mẹ bảo có đêm cha tôi về, người đầy máu. Mẹ hỏi sao cha cũng chỉ im lặng, lắc đầu. Mẹ càng đưa tay ra với thì cha càng lùi xa. Mẹ Lão kể đêm ngủ mơ ra mò ốc ở bến sông, gặp cha Lão đội bùn chui lên từ lòng sông Kẻ Sặt. Trên người duy nhất một chiếc khố. Những con đỉa lớn bám lúc lỉu trên lưng, trên bụng ông. Những con đỉa no máu. Mặt cha Lão xanh lét. Vết chém ngang mày, rỉ ra thứ máu xanh lét. Tôi đoán trong bụng những con đỉa cũng là thứ máu xanh lét. Sau này, vẩn vơ tôi tự hỏi, chẳng biết trên thế gian có loài vật nào máu xanh. Hay cha Lão đã đầu thai sang kiếp đó rồi. Hồi sau tôi tặc lưỡi, máu đỏ hay máu xanh thì có khác gì đâu. Cả cha tôi, cha Lão đã nằm ở con sông, bờ suối hay cánh rừng, thửa ruộng nào. Mẹ Lão, mẹ tôi và cả tôi sợ và ghét máu vì thế.

*

“Quyên ơi, giặc sẽ đến quê mình. Tôi nhờ Quyên ở lại chăm sóc mẹ thay tôi.”

Dòng thư nhắn nhủ được Lão viết vội trên tờ giấy dó, cuộn trong ống trúc, nhờ lính trạm chuyển về tận làng cho tôi. Run run, tôi ấp những dòng chữ thân quen lên ngực. Giờ này, Lão đang ở phương trời nào. Hòn tên, mũi đạn có biết tránh người tôi yêu thương?

Giặc Mông Thát tràn đến. Làng thực hiện kế “vườn không, nhà trống”. Người làng tránh giặc tứ tán. Những mái tranh bị giặc châm lửa cháy ngùn ngụt. Lũy tre quằn quại, ống tre nổ lốp đốp. Tôi đưa mẹ Lão, mẹ tôi lên chiếc thuyền nhỏ ra bãi bồi xa nhất ở giữa lòng sông. Chúng tôi rẽ thân lau sậy để làm một lối đi riêng. Lá lau cứa vào mặt, vào tay rát rạt. Con dao trong tay tôi lia dọc. Thân lau sậy đứt lìa. Tôi tưởng tượng nếu lúc đó, bất ngờ trước mặt tôi là một tên lính Mông Thát với cây cung đang giương lên. Tôi sẽ lao đến. Hoặc giả con dao trong tay tôi phi trúng hắn. Hoặc giả ngực tôi hứng trọn mũi tên dài, nhọn, cứng bọc sắt. Nhưng may thay, chẳng có tên lính nào. Chỉ có căn lều nhỏ ẩn mình giữa ngút ngàn lau trắng.

Những ngày tháng trong gian lều cỏ giữa giải đất bồi cứ kéo dài miên man. Thi thoảng, một tốp thuyền quân Trần và giặc Nguyên Mông vun vút lao qua ngay chỗ bãi lau có căn lều cỏ của chúng tôi. Thi thoảng, một nhóm kị binh giặc đi sục sạo, truy kích dân binh các trấn. Rồi một sớm, những thây lính hai bên từ thượng nguồn trôi về. Tôi và dân làng dong thuyền từ các nơi ẩn nấp ra vớt thi thể những người lính Đại Việt, đưa vào mai táng ở hai bên bờ sông. Rồi việc vớt và an táng chẳng xuể. Chẳng biết năm xưa, cha Lão, cha tôi có được ai vớt và an táng như thế? Nhìn những thi thể chiến binh trôi qua lập lờ, tôi sợ. Tôi sợ mình phải gặp một nỗi đau...

Tôi không còn dám ra bờ sông. Như kẻ mộng du, tôi đi tìm hai trái dừa khô. Tôi vung dao xẻ thân gỗ xoan khô. Tôi mải miết đẽo thành hình nhân. Tôi kiếm hai chiếc âu sành xếp hình nhân đem chôn. Tôi đắp hai ngôi mộ gió. Ngôi của cha tôi. Ngôi của cha Lão. Ngày đêm, tôi cầu xin linh hồn hai ông phù hộ, chở che cho người tráng đinh đang tả xung nơi trận tiền.

*

“Quyên ơi, tôi đã về đây.”

Có phải tiếng ai gọi tôi ở bên kia triền sông Kẻ Sặt. Hay tiếng sóng. Tiếng gió. Ừ nhỉ, hình như tôi đang mơ. Lạ lùng. Chỉ có Lão mới gọi tôi tha thiết và day dứt như thế.

Tim tôi đập mạnh.

Lòng tôi cuộn sóng.

Nhưng rồi tôi thấy mình bình thản một cách kì lạ.

Năm xưa, khi vị tiến sĩ họ Bùi về làng, mọi người mải nhìn theo trầm trồ người học trò nghèo vinh quy. Vọng lõng, kiệu hoa quan nghè tân khoa cùng quận chúa con gái quan đầu triều. Trai anh hùng, gái thuyền quyên. Môn đăng hộ đối. Gia phả dòng họ rồi sử sách, văn khố sẽ ghi những dòng cực hay. Bởi nó đại diện cho luân lý thời cuộc, của thứ bậc vốn do nền nho giáo cai trị quy ước. Chẳng ai để ý đến người đàn bà thôn quê lặng giấu tủi hờn, tất tả quẩy lều chõng tụt lại rất xa sau đoàn võng lọng đón rước. Người đàn bà đã bao năm tần tảo thức khuya, dậy sớm dệt vải, cấy lúa, chăm chút nghiệp đèn sách cho chàng nho sinh họ Bùi.

Tôi biết mình mất Lão từ lúc tên lính của triều đình chọc cây giáo vào bắp vế cuồn cuộn của chàng trai đan sọt làng Phù Ủng. Người trai trẻ mê mải nghĩ kế sách chống giặc, quên cả việc nhường đường cho quan quân triều đình. Một câu chuyện kinh điển. Cái kết tất yếu.

Cuối cùng thì mớ chữ thánh hiền, những điển tích tiến cử của tiền nhân cũng đã rất hữu ích cho Lão.

Tôi đi theo, nhặt những viên cát thấm máu chảy ra từ bắp đùi cậu bạn thân. Những viên cát quện máu dính dấp, hồi lâu khô lại tan ra, rỉ theo kẽ tay tôi. Chẳng biết có viên cát nào trôi ra sông, lẫn vào những hạt máu đỏ, máu xanh của cha tôi, cha Lão.

*

Đất nước ca khúc khải hoàn. Không giống cha mình năm xưa, chàng đan sọt làng Phù Ủng trở về làng với đoàn quân chiến thắng. Giờ đây, vị dũng tướng trẻ tuổi là niềm tự hào của bao thôn làng vùng Kẻ Sặt.

Dân làng Phù Ủng kể, bữa đó, có một chàng trai làng chiến chinh đi xa, trở về. Chàng buộc ngựa rồi một mình chèo thuyền ra căn lều nhỏ nơi bãi bồi giữa sông. “Quyên ơi!” Những tiếng gọi da diết tan loãng trong gió chiều. Căn lều vẫn còn ấm hơi người mà sao bốn bề vắng lặng. “Quyên ơi!” Không một bóng người, không một lời đáp.

Chàng trai đứng lặng trước ngôi mộ gió của hai người bạn thân, hai chinh phu làng Phù Ủng. Kì lạ, hương trầm trên mộ vẫn ngào ngạt tỏa bay.

"It Was Just an Acciden" đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 78

"It Was Just an Acciden" đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 78

Baovannghe.vn - Liên hoan phim Cannes lần thứ 78 khép lại khi đạo diễn người Iran Jafar Panahi được trao Cành cọ vàng cho bộ phim “It Was Just an Accident”. Đây cũng là chiến thắng Cành cọ vàng thứ sáu liên tiếp của nhà phát hành Neo.
"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" được công chiếu tại 12 quốc gia

"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" được công chiếu tại 12 quốc gia

Baovannghe.vn - Nhà phân phối 3388 Films cho biết Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, sẽ được chiếu ở 12 rạp trên thế giới, hứa hẹn mang về doanh thu kỷ lục.
Sở VHTT TP Huế lên tiếng về Ngai vàng Triều Nguyễn bị xâm hại

Sở VHTT TP Huế lên tiếng về Ngai vàng Triều Nguyễn bị xâm hại

Baovannghe.vn - Sáng 25/5, thông tin từ lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TP Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với lực lượng chức năng và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành xác minh vụ việc ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) nghi vấn bị du khách xâm hại
Bộ VHTT&DL: Thêm chế tài xử lý quảng cáo sai sự thật

Bộ VHTT&DL: Thêm chế tài xử lý quảng cáo sai sự thật

Baovannghe.vn - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành văn bản số 2258/BVHTTDL-VHCSGĐTV, yêu cầu triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên môi trường số.
Hội Nhà văn Việt Nam: Ra mắt tập sách “Khát vọng hòa bình”

Hội Nhà văn Việt Nam: Ra mắt tập sách “Khát vọng hòa bình”

Baovannghe.vn - “Khát vọng hòa bình” là tập sách được Nhà nước đặt hàng, Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện. Đây là tuyển tập thơ, văn với 38 tác giả tham gia.