Diễn đàn lý luận

Bài thơ “Trăng Hồ Gươm” của Trần Hoàng Vy

Trương Quốc Toàn.
Tác phẩm và dư luận
15:00 | 04/01/2025
Baovannghe.vn - Hồ Gươm xưa nay đã là đề tài của biết bao văn sĩ, thi sĩ. Trăng Hồ Gươm cũng xuất hiện nhiều trong nhạc và thơ nhưng “Trăng Hồ Gươm” của Trần Hoàng Vy vẫn có nét đẹp riêng lung linh huyền ảo,
aa

TRĂNG HỒ GƯƠM

TRẦN HOÀNG VY

Bài thơ “Trăng Hồ Gươm” của Trần Hoàng Vy
Hồ Gươm về đêm. Ảnh Internet

Cái viên ngọc vừa rơi khỏi miệng rồng, chơi vơi, chơi vơi

Bám víu vào đâu? Bầu trời xanh không mây phủ

Ghé vịn vào một chút Tháp Bút

Dựa lưng vào dưới kia, nhộn nhịp đời…

Đỡ ngang một cành sấu

Nửa cành liễu lý lơi

Hồ Gươm xao động

Xanh nhuộm cả đất trời.

Tôi ngồi ngắm vầng trăng, gặp Rồng lên

Cầu Thê Húc ửng hồng, uốn lượn

Hồ gươm đêm mông mênh

Cụ Rùa đỡ ngang cây gươm vua mượn...

Trăng viên ngọc rồng hóa đêm dát bạc

Nghe như tiếng trẻ đùa

Ngày trăng xưa

Và bây giờ trẻ hát.

Nếu ta đứng ở trên vầng trăng kia

Có thể Hồ Gươm là vầng trăng xanh

Có thể Hồ Gươm là trang cổ tích

Chuyện bắt đầu từ thủa rồng lên.

Đêm mông mênh

Trăng chênh vênh

Hồ Gươm thở…

Tháp Bút vươn mình dáng mũi tên!...

LỜI BÌNH

Có những bài thơ mà vẻ đẹp của ngôn từ và hình ảnh mà thi sĩ mang lại người đọc chỉ có thể cảm chứ không thể nào phân tích. Bài thơ “Trăng Hồ Gươm” là một bài thơ như vậy.

Mở đầu bài thơ, trăng như hiện ra từ trong cổ tích, lung linh huyền ảo:

“Cái viên ngọc vừa rơi khỏi miệng rồng,

chơi vơi, chơi vơi”

Điệp từ “chơi vơi” tạo cảm giác người trực tiếp ngắm trăng và cả đọc giả một vầng trăng đẹp bồng bềnh giữa không gian bao la. Trăng đẹp nhưng cô độc:

Bám víu vào đâu? Bầu trời xanh không mây phủ”

Chỉ hai câu thơ cũng đủ phác họa một đêm trăng sáng và bầu trời trong xanh không gợn tí mây. Tác giả như đã chắt lọc những từ thật đắt gieo vào những câu thơ nên người đọc cảm nhận trăng cũng có tâm hồn. Trăng hay người ngắm trăng có cảm giác “chơi vơi” hay cảnh và người đã hòa vào một, nên người như cũng cảm được “trăng”. Xưa đại thi hào Nguyễn Du có hai câu thơ:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Trong hai câu thơ tiếp theo trăng như rời “thế giới thần tiên” bước xuống “trần gian” tương tác với cảnh vật và con người:

Ghé vịn vào một chút tháp Bút

Dựa lưng vào dưới kia, nhộn nhịp đời…”

Trăng đã được nhân hóa như khi “ghé vịn”, “dựa lưng” vào những vật thể, soi rọi vào nhân gian

Không dừng lại ở đó, trăng như xuống gần hơn với con người, với đời thường:

Đỡ ngang một cành sấu

Nửa cành liễu lý lơi”

Trăng như đẹp hơn khi hòa vào không gian Hồ Gươm. Đó là khi trăng đi qua cành sấu, lấp ló bên cành liễu rũ soi xuống mặt hồ. Cảnh đẹp nên thơ mà chỉ có tâm hồn nhạy cảm nhà thơ mới cảm được và truyền nguyên vẹn cảm giác đó đến người đọc bằng ngôn ngữ thơ. Nếu thiếu đi những động từ “ghé vịn”, “dựa lưng”, “đỡ” thì chắc hẳn cũng là vầng trăng ấy thôi nhưng đơn điệu và tẻ nhạt đi rất nhiều.

Chính vẻ đẹp ấy không chỉ có con người mới nhận ra, mới cảm được mà cảnh vật xung quanh như cũng cảm được vẻ đẹp trăng:

“Hồ Gươm xao động

Xanh nhuộm cả trời!”

Vẻ đẹp trăng làm cho hồ thêm lung linh, sống động; hồ làm cho nền trời có trăng như xanh hơn. Cảnh vật như có sự tương tác và hòa quyện nhau.

Ở hai khổ thơ tiếp theo có sự xuất hiện của con người trong bức tranh trăng ấy.

“Tôi ngồi ngắm trăng, gặp Rồng lên

Cầu Thê Húc ửng hồng, uốn lượn

Hồ Gươm đêm mông mênh

Cụ Rùa đỡ ngang thanh gươm vua mượn.

Trăng viên ngọc rồng hóa đêm dát bạc

Nghe như tiếng trẻ đùa

Ngày trăng xưa

Và bây giờ trẻ hát”

Trong đêm trăng huyền ảo ấy, nhà thơ trở về những ngày xa xưa trong truyền thuyết khi “gặp Rồng lên” như khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về vùng đất này (Thăng Long có tên từ đó) và nhà thơ gặp Cụ Rùa xưa trong truyền thuyết vua Lê mượn gươm (để từ đó Hồ Lục Thủy còn có tên gọi Hồ Gươm)

Tác giả nghe như vang vọng tiếng trẻ đùa trong mùa trăng xưa qua “bây giờ trẻ hát” của đêm trăng “dát bạc” hôm nay. Trăng trong thơ ở hai khổ thơ này như mơ như thực, quá khứ và hiện tại đan xen lẫn nhau: “cầu Thê Húc ửng hồng, uốn lượn” gợi dáng rồng bay lên, Hồ Gươm đêm mông mênh nhớ Cụ Rùa xưa mang gươm cho vua mượn, nghe “bây giờ trẻ hát” tưởng tượng về tiếng trẻ đùa trong quá khứ trăng xưa.

Vẻ đẹp trăng làm cho tâm hồn thi sĩ thêm bay bổng và như được chắp thêm đôi cánh:

“Nếu ta đứng trên vầng trăng kia

Có thể Hồ Gươm là vầng trăng xanh

Có thể Hồ Gươm là trang cổ tích

Chuyện bắt đầu từ thưở rồng lên”

Nếu như trong những khổ thơ đầu, trăng như từ “miền cổ tích” bước xuống đời thì đến khổ thơ này nhà thơ mơ được đứng trên vầng trăng để nhìn xuống Hồ Gươm và trong trí tưởng tượng của Trần thi sĩ, Hồ Gươm của cõi nhân gian khi đó có thể là “vầng trăng xanh”, là “trang cổ tích”, “bắt đầu từ thưở rồng lên”.

Cuối bài thơ, thi sĩ trở về với vầng trăng và đêm Hồ Gươm thực tại:

“Đêm mông mênh

Trăng chênh vênh

Hồ Gươm thở…

Tháp Bút vươn mình dáng mũi tên”

Hồ Gươm xưa nay đã là đề tài của biết bao văn sĩ, thi sĩ. Trăng Hồ Gươm cũng xuất hiện nhiều trong nhạc và thơ nhưng “Trăng Hồ Gươm” của Trần Hoàng Vy vẫn có nét đẹp riêng lung linh huyền ảo, như từ cõi mộng bước ra mà cũng gần gũi lắm giữa đời thường. Điều tuyệt vời nhất là nhà thơ đã truyền được tình yêu trăng, yêu vẻ đẹp thiên nhiên đến với đọc giả thơ. Tôi mơ được một lần đến Hồ Gươm để đắm mình vào không gian đẫm chất thơ với ánh trăng ấy để được sống, được cảm nhận thiên nhiên tươi đẹp như nhà thơ.

Bài thơ “Trăng Hồ Gươm” của Trần Hoàng Vy
Hồ Gươm về đêm. Ảnh Internet
Đến với bài thơ hay "Nụ hồng tháng Giêng" của Hồ Minh Tâm

Đến với bài thơ hay "Nụ hồng tháng Giêng" của Hồ Minh Tâm

Baovannghe.vn - Bài thơ trình ra một triết lý nhân sinh nhẹ nhàng, nhưng đầy suy nghiệm: Muôn vật trên đời vì nhau mà sinh ra, vì nhau mà tận hiến. Vệ đường làm gì còn cỏ hoa khi thiếu bụi và mưa.
Khai mạc phiên họp thứ 41 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Khai mạc phiên họp thứ 41 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Sáng ngày 6/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 41
Quả cầu Vàng lần thứ 82 vinh danh những câu chuyện nhân văn, sáng tạo

Quả cầu Vàng lần thứ 82 vinh danh những câu chuyện nhân văn, sáng tạo

Baosvannghe.vn - Hai bộ phim "The Brutalist" và "Emilia Pérez" dẫn đầu trong đêm trao giải Quả cầu Vàng lần thứ 82 với hàng loạt những chiến thắng ấn tượng.
Bản tin Văn nghệ ngày 6/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 6/1/2025

Baovannghe.vn - Hồi sinh nghệ thuật hiện đại Đông Dương; Liên hoan phim Sinh viên TP.HCM, Xây dựng hồ sơ võ cổ truyền Bình Định ... là sự kiện chính đáng chú ý
Tuổi Tết - Thơ Đào Đức Tuấn

Tuổi Tết - Thơ Đào Đức Tuấn

Baovannghe.vn - Cái Tết qua ngõ/ hương bánh gọi vào