MỘT VỌNG PHU
|
NGUYỄN ĐĂNG SÂM
Một đi một mất một còn
Một người một có một con một lòng
Một bóng một núi một trông
Một đời một đợi một chồng một xa
Một năm một tháng một qua
Một thương một nhớ một nhà một đau.
LỜI BÌNH
Nguyễn Đăng Sâm là một nhà thơ đã từng được giải thưởng về thơ lục bát trên báo Văn nghệ. Nguyễn Đăng Sâm mạnh về thể thơ lục bát nên cách gieo vần, âm thanh nhịp điệu thơ đúng như thể thơ lục bát truyền thống, cuốn hút người đọc bởi những hình ảnh, hình tượng độc đáo, truyền tải được những cảm xúc sâu sắc và chân thành mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc.
Như tên gọi của bài thơ Một vọng phu, Nguyễn Đăng Sâm như muốn nhấn mạnh đến một câu chuyện cổ dân gian nói về hình tượng người phụ nữ ngóng trông chồng mà hóa đá. Cái độc đáo của bài thơ là tác giả đã sử dụng điệp từ một để nhấn về những vấn đề triết lý cuộc sống từ một truyện cổ dân gian “Hòn vọng phu”.
Hai câu mở đầu bài thơ: Một đi một mất một còn/ Một người một có một con một lòng...
Hai câu thơ mở đầu như lời dẫn chuyện kể về chuyện chia ly rất éo le của gia đình nhà kia: một đi (người chồng) một mất (người vợ mất chồng) và một còn (còn ở lại). Dường như đây chỉ là suy luận theo tên đề của bài thơ: Một vọng phu. Nhưng đến câu thơ thứ hai thì sự việc đã rõ ràng hơn. Câu thơ thứ hai như muốn nói về người vợ: Người ấy có một con và đang bồng con để chờ chồng với một tấm lòng thương nhớ, sự thủy chung của người vợ ở nhà.
Câu thơ thứ ba và thứ tư càng rõ hơn hoàn cảnh của người vợ: Một bóng một núi một trông/ Một đời một đợi một chồng một xa
Hoàn cảnh của người vợ nhân vật trữ tình trong bài thơ được khắc họa rõ nét hơn, làm sáng tỏ thêm chủ đề mà nhà thơ Nguyễn Đăng Sâm muốn gửi gắm. Thông cảm sâu sắc với hoàn cảnh éo le bi kịch mà người vợ phải gánh chịu. Hình tượng Một vọng phu hiện lên thật cụ thể. Người đàn bà ấy hóa đá, nên mới có cảnh: một bóng một núi một trông. Sự thương cảm của tác giả bộc lộ rõ ở câu thơ thứ tư: Một đời một đợi một chồng một xa. Câu chuyện về nàng vọng phu đến đây đã rõ. Điều mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc là bi kịch của gia đình vợ chồng ấy đã trút xuống người vợ với một con đang phải chờ đợi. Sự chờ đợi ấy kéo dài một đời quả là một tấn bi kịch. Câu thơ đã khắc họa được nỗi đau suốt một đời người. Đây là câu thơ hay nhất trong bài thơ, là đỉnh điểm của một bi kịch.
Hai câu kết của bài thơ:
Một năm một tháng một qua
Một thương một nhớ một nhà một đau...
Là những lời nhấn về bị kịch của người phụ nữ chờ chồng mà hóa đá. Đó là những câu thơ kết nối với nỗi đau của Nàng Vọng Phu trong đó cũng chứa cả niềm thương cảm của tác giả cũng như của người đời với người phụ nữ ngóng trông chồng mà hóa đá. Nỗi đau tột cùng của người phụ nữ ấy được chứa đựng trong vỏ bọc một bi kịch của sự vô tình vi phạm giới luật hôn nhân (Người anh lấy nhầm phải em mình).
Theo tôi người xưa, mượn tích đó để nói về những người phụ nữ có chồng đi lính chiến đấu bảo vệ đất nước hoặc có chồng phải lên rừng hay ra biển tìm kế mưu sinh rồi không có cơ hội trở về nhà để vợ góa con thơ phải mòn mỏi đợi chờ... Bi kịch của Nàng Vọng Phu đã đi vào văn thơ để hậu thế muôn đời sau luôn thương cảm và trân trọng sâu sắc với người phụ nữ có hoàn cảnh như Nàng Vọng Phu. Nhà thơ Nguyễn Đăng Sâm đã thành công khi khắc họa Một vọng phu như thế.