THƯ MÙA ĐÔNG
|
HỮU THỈNH
Thư viết cho em nhòa nét mực
Phên thưa sương muối cứ bay vào
Núi rét đêm qua chừng mất ngủ
Sáng ra thêm bạc một nhành lau
Ở đây tuyết trắng trên chăn mỏng
Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn chờ
Mực đóng thành băng trong ruột bút
Hơ hoài than đỏ chảy thành thơ
Chắn gió cây rung trong rễ tím
Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm
Có hôm đồng đội đi công tác
Nhớ đấy… nhưng mà thêm lớp chăn.
Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản
Ca bát khua cho đỡ bất thường
Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng
Anh bòn không kiếm đủ rau ăn…
Gạo thường lên sớm, thư thời chậm
Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm
Tin quê bén với đào lưng dốc
Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em
Mây đến thường rủ anh mơ mộng
Biết vậy khuya em đỏ ánh đèn
Ước gì có chút hương bồ kết
Cho đá mềm đi, núi ấm lên.
LỜI BÌNH
Đây là cách khoanh vùng để dễ “thâm canh”. Nếu chỉ nói gian khổ của người lính nói chung thì kể sao cho hết, bài thơ sẽ thành lan man không chủ đích, tác giả chỉ tập trung vào thời điểm người lính viết thư cho người yêu, trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy:
Thư viết cho em nhòe nét mực
Phên thưa sương muối cứ bay vào
Ban đêm, phên thưa không che chắn nổi cái rét vùng cao, sương muối bay vào làm nhòe nét mực, là cảnh thực. Nhưng chỉ khi cảm nhận của người lính xuất hiện thì mới thành thơ:
Núi rét qua đêm chừng mất ngủ
Sáng ra thêm bạc một nhành lau
Câu thứ hai, chữ bạc thật đắt! Vừa như sương muối làm nhòa nhạt thêm màu hoa lau, vừa như chòm râu bạc của núi, khi tác giả vừa nhân cách hoá núi mất ngủ ở câu trên!
Cũng thế, tuyết trắng và chăn mỏng là hiện thực, nhưng phải có chi tiết “đặc sản” hơn nữa mới càng rõ nét gian khổ của người lính phải chịu đựng: Mực đóng thành băng trong ruột bút là điều các cô gái đồng bằng không hình dung nổi!
Tác giả cao tay, không chỉ liệt kê nỗi gian khổ, mà… khi phải hơ bút trên than hồng, người lính tưởng như những dòng chữ của mình được chảy ra từ than đỏ, cũng là hàm ý sự nồng ấm của tình cảm:
Mực đóng thành băng trong ruột bút
Hơ hoài than đỏ cháy thành thơ
Rét đến nỗi cảm thấy hạt ngô cũng co mầm lại khi gieo vào đất lạnh, rét đến nỗi khi một đồng đội đi công tác vắng, dẫu một bên giường trống lạnh, buồn hơn. Nhưng anh lại có chút vui… thêm tấm chăn bạn để đỡ được phần nào cái rét. Đây là chi tiết rất hóm kiểu con nhà lính:
Nhớ đấy… nhưng mà thêm lớp chăn!
Bài thơ không chỉ khoanh vùng, định vị hoàn cảnh anh lính viết thư mà còn tập trung tâm tình người lính hướng về vùng quê thân thuộc, bếp lửa gia đình, tình yêu và nỗi niềm xa cách. Sự đối nghịch giữa rét lạnh vùng cao và mái ấm gia đình càng làm cái lạnh càng lạnh hơn, mái ấm càng ấm hơn.
Vùng cao, vùng sâu tất nhiên nhiều khó khăn vật chất rồi (Núi dấu trong lòng trăm thứ quặng/ Anh bòn không kiếm đủ rau ăn), nhưng cái thiếu thốn tinh thần mới đáng kể với người lính, điều đó chỉ cần một câu ngắn gọn: Gạo thường lên sớm, thư thời chậm.
Tất cả mọi chi tiết trên đây cuối cùng để dẫn đến sự thiếu hụt “nghiêm trọng” nhất trên cao nguyên đá này: thiếu nét mềm mại, nữ tính của người trong mộng làm cho núi như càng khô thêm, lạnh như càng lạnh thêm. Lần này nhà thơ lính cũng chỉ viết ngắn gọn thôi, nhưng sự mong mỏi và cách nói tinh tế gợi hình ảnh mái tóc dài của một người con gái trong thơ anh, đã làm cảm động cả trời đất.
Hoa Tam giác mạch - vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang. Ảnh internet |