Octavio Paz - người đoạt giải Nobel Văn học năm 1990 cho rằng bi kịch là thừa trí tuệ, thiếu tâm hồn. Mà nghệ thuật chính là yếu tố nuôi dưỡng tâm hồn, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ. Do vậy, nghệ thuật tất nhiên cần bộc lộ được những điều đẹp đẽ, tuyệt vời và đáng trân trọng. Cái đẹp làm rung động trái tim, mang đến lòng người những xúc cảm trong lành, nhẹ nhàng như buổi sớm mai.
Chẳng hạn có một lúc nào đó, tâm hồn chúng ta đồng điệu với nhà thơ Xuân Diệu trong hai câu thơ:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
(Chiều).
Dường như khi đó, ta đang lạc trong thế giới riêng, nơi có những suy nghĩ vẩn vơ, nơi ta mắc kẹt trong xúc cảm rối bời và tự vấn bản thân những điều thật khác... Bỗng ta nghe một giai điệu lắng sâu, ngắm một bức tranh đẹp hay một kiến trúc kỳ vĩ, xem một bộ phim hay, đọc một cuốn sách thú vị... ta lại thấy yêu đời, trái tim lại reo vui. Đó chính là sức mạnh lớn lao của nghệ thuật: Nghệ thuật tác động tới thế giới nội tâm của con người.
Những tác phẩm nghệ thuật chân chính chạm tới trái tim và mang đến rung cảm cho người tiếp nhận chúng. Dù đó là một công trình kiến trúc, một bức tranh, một bài hát, một bài thơ, một vở kịch, một cuốn sách hay một bộ phim... đi chăng nữa thì chắc chắn ngoài việc tác phẩm nghệ thuật đó “đẹp”, chúng còn phải thật có ích. Có ích nghĩa là sao? Nghĩa là chúng có một ý nghĩa nhất định, có tầm quan trọng hay ảnh hưởng nhất định tới con người, cần thiết cho con người. Chính vì thế, người nghệ sĩ phải là người hết sức tài hoa và tinh tế. Bởi trước tiên họ phải là người thấu hiểu nội tâm của người khác. Có ích nghĩa là có giá trị - một hay nhiều giá trị nào đó đối với cuộc sống. Khi đọc một cuốn sách hay xem một bộ phim, ta thu về cho mình thêm nhiều kiến thức, hiểu biết về thế giới, về thiên nhiên, vũ trụ và con người. Nghệ thuật cũng có thể tác động tới chính trị, đời sống xã hội. Ví dụ, bức tranh Guernica của Picasso có tác dụng động viên cuộc đấu tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình chống phát xít. Ví dụ, ta chưa từng đặt chân đến Paris nhưng có thể tưởng tượng ra thủ đô của Pháp, dường như kinh đô ánh sáng ở ngay trước mắt ta... qua những trang sách đã đọc, những bộ phim đã xem. Thế hệ trẻ ngày nay được sống trong hòa bình nhưng có thể cảm nhận được sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh; lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí cứu nước sục sôi của quân và dân ta; cùng những đau thương mất mát mà toàn dân tộc phải trải qua trong những năm tháng đó qua các tác phẩm về chiến tranh, như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi, Nỗi buồn chiến tranh… hay phim Đừng đốt, Mùi cỏ cháy... và nhiều tác phẩm khác.
Bức tranh "Guernica" của Picasso - Ảnh: Tư liệu |
Nghệ thuật có ích và “nhân đạo hóa” con người ở chỗ nó đào sâu vào thế giới nội tâm, thậm chí đến từng góc khuất sâu nhất trong tâm hồn con người, chỉ ra những khát khao vươn tới Chân - Thiện - Mỹ, cái đẹp của thiên nhiên và xã hội; đồng thời giúp con người tự hoàn thiện nhân cách, đem đến cảm hứng, giúp chúng ta tự soi lại bản thân, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Như vậy, tác dụng xã hội của nghệ thuật ngoài giá trị thẩm mỹ còn có nhận thức và giáo dục thẩm mỹ.
Nghệ thuật phản ánh hiện thực khách quan một cách khéo léo qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Vì thế, những tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ mang con người đến gần nhau hơn, “nhân đạo hóa” con người, giúp con người biết cảm thông, chia sẻ, quan tâm và thêm yêu thương đồng loại.
Hình thức và nội dung luôn đi liền với nhau. Nếu chỉ chú trọng hình thức mà bỏ qua nội dung thì chỉ như một cái xác không hồn, bề ngoài đẹp nhưng bên trong rỗng tuếch. Và ngược lại. Cũng phải nói thêm là, hình tượng nghệ thuật không chỉ thể hiện ở bề ngoài, mà quan trọng hơn ở cốt lõi bên trong. Vì thế, nếu chỉ khắc họa cái đẹp thì hoàn toàn chưa đủ. Nghệ thuật còn phải bao gồm cả cái có ích và cái nhân đạo, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, bổ sung tương hỗ lẫn nhau, không thể tách rời.
Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, “bộc lộ cái đẹp không phải là mục đích duy nhất của nghệ thuật, nghệ thuật cần có ích cho cuộc sống của con người, ‘nhân đạo hóa’ con người”.
Trong tác phẩm Nghệ thuật là gì? được xuất bản năm 1896, Lev Tolstoy đã định nghĩa nghệ thuật như một hình thức truyền đạt các cảm xúc mà một người đã trải qua tới những người khác, khiến cho những người này cũng bị lây nhiễm các cảm xúc đó và thấy như mình cũng trải qua những kinh nghiệm đó. Thành công của việc sáng tạo nghệ thuật chính là, ta sáng tạo hình mẫu về bản thân ta hoặc về những người xung quanh ta, nhưng phần đông người khác lại thấy họ trong đó, như soi mình trong gương. Đặt mình ở vị trí người sáng tạo nghệ thuật, chúng ta sẽ hiểu điều này.
Bản chất của nghệ thuật, như đã nói ở trên, là biểu hiện những lý tưởng xã hội, ý vị mỹ học, tình cảm luân lý. Thông qua đó tác động trực tiếp tới thế giới nội tâm của con người, gián tiếp tạo ra những ảnh hưởng khác tới chính trị và đời sống xã hội. Trên tất cả, nghệ thuật sinh ra là vì con người. Trước đây từng có cuộc tranh cãi nảy lửa trên văn đàn về “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”, nhưng ta có thể khẳng định rằng, nghệ thuật phải là sự kết hợp giữa yếu tố hình thức và nội dung, giữa nghệ thuật và con người. Văn học chân chính góp phần hoàn thiện đạo đức, nhân cách con người, làm cho con người sống tốt đẹp hơn. Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân biểu dương nhân cách cao đẹp trong sự hài hòa giữa đẹp và dũng. Đôi mắt của Nam Cao hướng chúng ta tới một cách nhìn đời sáng suốt hơn, chớ nhìn đời bằng con mắt phiến diện, ấu trĩ mà không hiểu đúng sự việc. Văn chương gửi gắm tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ, quan điểm và cảm xúc của người viết. Những người cầm bút chắc hẳn không ai là không biết tới tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là Giăng sáng và Đời thừa: Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối!
Nghệ thuật phản ánh chân thực cuộc sống, văn học cũng vậy. Đọc những tác phẩm văn học, chúng ta có thể hiểu về quá khứ, hiện tại, thậm chí là dự đoán được tương lai. Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi hay Truyện Kiều của Nguyễn Du mang trong mình dấu tích lịch sử rõ nét, giúp chúng ta hiểu hơn về xã hội Việt Nam thời đó. Ngược lại, các tác phẩm khoa học viễn tưởng lại giúp chúng ta phát huy được khả năng tưởng tượng của mình, cũng có thể đó là những dự báo về tương lai... Văn học chân chính góp phần tố cáo những thế lực đen tối, tàn bạo trong xã hội, chà đạp lên quyền sống của con người. Văn học cũng tiếp thêm sức mạnh để con người có thể chống lại điều ác, xóa bỏ bất công trong xã hội. “Tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, công chúng sẽ tìm thấy ở đó một cách tự giác những bài học về nhân cách, về tình yêu con người, lòng vị tha, công lý, tình yêu quê hương đất nước và cả những tình cảm riêng tư...” (Theo Bài giảng Nghệ thuật học đại cương). Nghệ thuật chân chính mang lại cảm hứng, giúp con người hướng thiện, tự hoàn thiện bản thân, sống đẹp và sống có ích hơn.
Hamlet của William Shakespeare cũng như các tác phẩm bi kịch khác của ông là sự phản ánh một cách thiên tài toàn bộ sự lạc điệu của đời sống xã hội đương thời. Kịch bản của Shakespeare phỏng theo một truyện dân gian Đan Mạch và ông không bịa ra cốt truyện cho vở bi kịch, chỉ là có những sáng tạo khiến cho vở kịch hấp dẫn và mới lạ hơn. Thời Phục Hưng, các nhà tư tưởng thường suy ngẫm về thế giới theo tinh thần của chủ nghĩa nhân bản trừu tượng. Họ xem con người là trung tâm của vũ trụ. Trong quan niệm của họ, cái hài hay cái bi đều là hiện thân của trạng thái nhân sinh. Hamlet là nhân vật bi kịch thể hiện sự tan vỡ lý tưởng của Shakespeare nhưng ông không hề mất niềm tin vào tương lai, ngược lại, ông tìm thấy trong quan niệm nhân sinh của nhân dân niềm tin yêu cuộc sống.
Don Quixote là một trong những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại, trước hết và chủ yếu là do nội dung nhân đạo sáng ngời cùng nghệ thuật độc đáo mà tác giả đã đóng góp vào cuộc đấu tranh chung cho quyền sống của con người, cho một nền nghệ thuật tiến bộ, chân chính. Về một mặt nào đó, tác phẩm đề cao tinh thần yêu thương nhân loại, yêu quý tự do, bình đẳng, ghét thói xa hoa, ăn bám, quý trọng danh dự, tôn thờ đạo nghĩa.
Xưa nay, cái đẹp vẫn được coi là địa hạt hợp pháp của thơ, hay nói cách khác thơ là vương quốc của cái đẹp. Thơ là sự biểu hiện phần cao đẹp của đời sống con người. Thơ ca chân chính bao giờ cũng phải gợi lên được phần thanh tao mơ mộng, bù đắp cho đời sống những ước mơ của con người. Nghệ thuật, đặc biệt là thơ trữ tình có tác động mạnh mẽ tới tâm trí người đọc. Những hình tượng thơ có giá trị nghệ thuật cao truyền cho người đọc tình yêu mãnh liệt đối với cái đẹp, cái cao cả và nhân văn.
Nghệ thuật cung cấp cho con người hiểu biết, tri thức về thế giới xung quanh, về thiên nhiên, con người và chính bản thân mình để họ khám phá và tự khám phá chính mình. Cái tôi hay tự ngã, bản ngã là điều mà con người luôn tìm kiếm. Trong tình yêu cũng có những lý lẽ riêng. Có những câu thơ tình ngọt ngào, đằm thắm, rung động trái tim của biết bao nhiêu người. Xuân Quỳnh miêu tả tình yêu mãnh liệt của một cô gái, mang thương nhớ vào trong mơ. Niềm nhung nhớ tha thiết, dạt dào:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Sóng).
Nỗi nhớ của người đàn ông cũng chẳng hề thua kém nhưng có phần lý trí hơn, thể hiện qua thơ của Hữu Thỉnh:
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
(Thơ viết ở biển).
Xuân Diệu có những câu thơ triết lý về tình yêu, như:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
(Yêu)
hay:
Người ta khổ vì thương không phải cách
Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người
(Dại khờ).
Bản chất của nghệ thuật cũng được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm điện ảnh. Bộ phim Em sẽ đến cùng cơn mưa (Be with you) của đạo diễn Nobuhiro Doi, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Ichikawa Takuji, mang đến người đọc những xúc cảm dịu dàng mà lắng sâu. Khung cảnh bộ phim đẹp và lãng mạn, sự tính toán và sắp xếp đầy ý đồ nghệ thuật của đạo diễn làm tăng hứng thú và lôi cuốn người xem ngay từ những cảnh phim đầu tiên. Phim cũng mang giá trị nhân văn sâu sắc, giúp chúng ta thêm trân trọng tình cảm gia đình. Đó là tình cảm vô cùng sáng trong, không chút vụ lợi hay tính toán. Nội dung phim ca ngợi vẻ đẹp của con người trong cuộc sống, ca ngợi tình yêu giữa các thành viên trong gia đình. Khán giả yêu mến các nhân vật trong phim và có cảm giác như mình đã từng gặp họ ở đâu đó, ngay trong cuộc sống thực này. Bộ phim khiến người xem cảm động, và tự nhắc nhở, ô kìa, sao ta còn vô tâm với cha mẹ mình thế, phải quan tâm cha mẹ nhiều hơn, vun đắp cho tổ ấm gia đình ấm áp và hạnh phúc.
Phim "Em sẽ đến cùng cơn mưa" (Be with you) của đạo diễn Nobuhiro Doi ca ngợi vẻ đẹp của con người trong cuộc sống, ca ngợi tình yêu giữa các thành viên trong gia đình - Ảnh: Internet |
Các bộ phim của đạo diễn Kim Ki Duk như Cánh cung hay Xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân... đều rất ấn tượng, có tính nghệ thuật cao. Và mỗi bộ phim của ông đều có những ý nghĩa ẩn khuất sau những khung hình đẹp như thơ, để lại cho khán giả nhiều suy ngẫm và bài học sâu sắc.
Đẹp - có ích - nhân đạo là ba yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết, không thể tách bạch, không thể tách rời nhau, bởi lẽ nếu thiếu một trong ba sẽ chẳng thể tạo thành tác phẩm nghệ thuật chân chính, không thể là nghệ thuật đúng nghĩa.
“Để hiểu được đầy đủ nhất bản chất của nghệ thuật, chúng ta không nên chỉ đề cao và coi là độc tôn bất cứ khía cạnh nào giữa cái đẹp và cái có ích. Nghệ thuật rất cần thiết và đem đến cho con người cả cái đẹp lẫn cái có ích, nhưng nếu nó không vì con người, không nhân đạo hóa con người, thì cũng không thể coi đó là thứ nghệ thuật chân chính, đúng nghĩa. Vậy nên, có thể nói như nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Quân: ‘Nhân đạo là bản chất của nghệ thuật. Cái gì phản con người, phủ nhận con người đều không thể là nghệ thuật. Cái gì xa lạ với niềm vui sống và nỗi lo sợ trước cái chết của con người đều phi nghệ thuật’ - Nguyễn Quân, Ghi chú về nghệ thuật” (Theo Bài giảng Nghệ thuật học đại cương).
Như vậy, sức sống của nghệ thuật không chỉ nằm ở cái đẹp bên ngoài, mà phải phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của con người, bởi con người là trung tâm nhận thức của nghệ thuật. Nghệ thuật bộc lộ cái đẹp, cái có ích cho con người, và vì nhân đạo mà nghệ thuật mới tồn tại bền lâu. Những giá trị nghệ thuật sẽ mãi trường tồn, vĩnh hằng cùng thời gian!