Diễn đàn lý luận

Hậu lý thuyết và tương lai của phê bình

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm
Lý luận phê bình
19:00 | 11/07/2024
Tinh thần hậu lý thuyết nếu trở thành trạng thái nghiên cứu - phê bình văn học, sớm muộn cũng rơi vào trạng thái bất ổn, tương tự thân phận của các lý thuyết.
aa

Hậu lý thuyết không phải là giai đoạn sau khi lý thuyết kết thúc, mà đó là giai đoạn cho thấy lý thuyết đang chững lại bởi không còn gì mới mẻ, bởi sự giáo điều và thiếu khả năng ứng dụng một cách hiệu quả của nó. Bài viết này, vừa diễn giải tinh thần của Peter Barry (Nhập môn lý thuyết văn học và văn hóa, Nxb Hội Nhà văn, 2023) vừa gắn kết vào một số động thái thực hành nghiên cứu - phê bình văn học, gợi lên hình dung về bước chuyển của lý thuyết ở Việt Nam.

Hậu lý thuyết và tương lai của phê bình
Cuốn sách "Nhập môn lý thuyết văn học và văn hóa" của Peter Barry - Ảnh: Internet

Dường như, ở Việt Nam chưa xuất hiện trạng thái hậu lý thuyết một cách rõ rệt trong nghiên cứu, phê bình văn học. Đó đây, những phản tư lý thuyết diễn ra, nhưng chưa trở thành một động thái có tính thường trực, phổ biến. Tuy nhiên, những dịch chuyển trong việc ứng dụng lý thuyết hướng đến những thực hành có tính thực tế hơn đã báo hiệu tương lai của phê bình hậu lý thuyết. Hướng nghiên cứu Nhân học, Xã hội học, Phê bình sinh thái, Hậu thuộc địa, Nữ quyền, LGBTQ+ (Lesbian - Đồng tính nữ, Gay - Đồng tính nam, Bisexual - Song tính, Transgender - Chuyển giới, Queer - Bản dạng (giới) khác biệt, + - Những biểu hiện khác) nghiên cứu người đọc và quá trình tạo nghĩa của văn bản trong các hoàn cảnh văn hóa khác biệt hoặc tổng thể, chất vấn lại các diễn ngôn ứng dụng lý thuyết… đã đề cao khả năng nhìn nhận ý nghĩa của văn học trong các tương quan đời sống cụ thể. Mặc dù vậy, bản thân những lý thuyết này cũng dần đi đến những bất ổn bởi quá trình trưng dụng hay phản tư của những hành động diễn giải sau đó. Phê bình hậu lý thuyết sẽ nhìn các ứng dụng này bằng con mắt hoài nghi bởi chính đặc trưng cũng như hướng đi và đích đến của các lý thuyết, đúng như Peter Barry đã nói. Ví như, phê bình sinh thái sẽ đưa cộng đồng đến việc nhận diện mối tương quan giữa tự nhiên và con người, lấy tự nhiên làm trung tâm, sự khủng hoảng của môi trường, trách nhiệm, thái độ của con người như một thành tố trong cấu trúc của sinh thái. Hoặc như, phê bình nữ quyền sẽ đem đến những phân tích tương quan quyền lực giới hay những định kiến, những kiến tạo bản sắc giới như là kết quả của một mô hình văn hóa - xã hội - thể chế hay luân lí nhất định. Như vậy, về bản chất, các lý thuyết này lại tiếp tục tạo nên các ranh giới, khoét sâu hơn vào khía cạnh bên ngoài mĩ học (dù nó khai thác dữ liệu từ văn học).

Những hoài nghi về tính ổn định của một điểm nhìn nào đó sẽ ngự trị đời sống phê bình - nghiên cứu văn học trong giai đoạn lý thuyết đã trở nên xơ cứng giáo điều. Kỉ nguyên mới với cuộc cách mạng 4.0 gắn kết công nghệ, sinh học, vật lí đã tạo ra cái nhìn mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn cho các khả năng tồn tại của thế giới. Cùng với đó, sự gặp gỡ của tinh thần duy lí phương Tây với sự huyền bí minh triết trong cảm quan duy linh phương Đông đã kết nối và khai mở các giới hạn. Còn điều gì đẩy phê bình - nghiên cứu đến trạng thái hoài nghi, chất vấn hay phủ định những niềm tin lớn được tạo dựng trong các cộng đồng đọc - ứng dụng lý thuyết trước đây? Chiến tranh, thảm họa, khủng bố, dịch bệnh và chính những thành tựu kì vĩ của văn minh - công nghệ có thể là một nguyên cớ đáng xem xét. Bởi lẽ, trong hành trình sống của mình, con người phải đối diện quá nhiều thử thách, đe dọa sự sinh tồn, gây nên trạng thái bất an thường trực. Những huyền thoại mất dần đi khả năng cứu rỗi của nó, con người trần trụi giữa thế giới với muôn vàn hiểm họa. Không điều gì có thể lớn tiếng tuyên bố một cách hùng hồn, đoan quyết về “tính siêu phàm” của mình trong nỗi bất an như thế của nhân loại. Bản thân phê bình - nghiên cứu cũng chỉ xem như một đề xuất, một khả năng của việc diễn giải, đồng thời nó cũng tự đặt mình vào tình thế bị hoài nghi.

Phê bình hậu lý thuyết sẽ đi về đâu? Ở đây, tôi muốn diễn giải lại tinh thần của Peter Barry với những điểm nhấn vào các thực hành phê bình Hiện tại luận, Mĩ học mới, Thi học tri nhận, Nghiên cứu hòa kết, Chủ nghĩa hậu nhân văn như là những hướng vận động tiềm tàng.

Hiện tại luận là một thái độ phản ứng với các lý thuyết dựa trên tinh thần duy sử, đòi hỏi đưa đối tượng về lại hiện tại. Thái độ này nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc diễn giải trong quy chiếu “bây giờ” và “ở đây”; nếu không như thế, việc đọc chẳng còn ý nghĩa gì với hiện tại. Tôi cho rằng, Hiện tại luận không phải là một hướng phê bình hoàn toàn mới mẻ. Nó đã có gốc rễ từ thực tiễn của việc phê bình, nghiên cứu quá khứ trong cái nhìn đương đại. Không phải ngẫu nhiên người ta triệu hồi quá khứ. Phải có điều gì đang xảy ra ở hiện tại mà quá khứ đã tiên báo hoặc kinh qua. Vì vậy, hướng phê bình này lấy bối cảnh làm nền tảng và tác phẩm - văn bản chỉ như một dẫn chứng cho chủ đề - tư tưởng nảy sinh từ hiện tại. Không được gọi tên hay tuyên cáo, ở Việt Nam, một số nghiên cứu về Hồ Xuân Hương trong tinh thần hậu hiện đại, đề cập đến mĩ học của cái khác, phê bình văn học viết về lịch sử, nghiên cứu người đọc đối với trường hợp Xuân Diệu, vai trò của Thế Lữ trên Phong hóa - Ngày nay và mô hình người biên tập văn chương trên báo chí hiện tại, kinh nghiệm Duy tân trong Thơ mới đối với thơ đương đại… ít nhiều có dính dáng đến tinh thần Hiện tại luận.

Nếu Hiện tại luận chú ý vào bối cảnh hiện tại thì Mĩ học mới lại lựa chọn con đường trở về với văn bản, với bản thân mĩ học trong tác phẩm. Sau những phiêu lưu của lý thuyết, người ta nhận ra, văn học bị lý thuyết thao túng cho các mục đích ngoài mĩ học. Hướng phê bình này dường như trở lại với tinh thần của chủ nghĩa hình thức, hay một dạng chủ nghĩa hình thức mới (Peter Barry). Quả tình, như một quy luật, “đứa con đi hoang trở về” (A. Gide) để đắm chìm trong không gian đặc thù, biệt lập của văn học. Những vòng quay không ngừng lại, trên một cấp độ mới, phê bình đã gặp lại mình từ quá khứ. Minh chứng cho điều này có lẽ là những diễn giải về cách tân hình thức trong thơ đương đại, khi mà nhà phê bình và người đọc không thể rời bỏ văn bản, thậm chí bắt buộc phải trưng diễn văn bản mới mong có thể bảo chứng cho lời nói của mình. Ở bình diện thân thuộc hơn, việc chú ý vào kĩ thuật tạo dựng văn bản, lối viết, ngôn ngữ… có thể là những mạch rễ sẽ đâm tủa trở lại trong các phê bình theo hướng Mĩ học mới.

Khi những lý thuyết có thể ngồi lại với nhau, người ta nhận ra những khả năng đáng ngạc nhiên của việc tri nhận được gợi mở từ văn bản. Phê bình theo hướng Thi học tri nhận nảy sinh từ đó với tham vọng thâm nhập sâu rộng hơn vào quá trình tâm lí - tri thức của người sáng tạo và cả người diễn giải, nhằm đem đến nhận thức tối đa khi đối diện một hiện tượng văn học. Dẫu không thể tách rời hay phủ nhận tính chủ thể trong việc tri nhận, nhưng hướng phê bình này đã phần nào nói lên sự phiến diện của các lý thuyết và hi vọng về khả năng bổ sung trong quá trình tiếp cận văn học. Phê bình - nghiên cứu liên ngành đã xúc tiến việc này, tuy nhiên, sẽ cần những động thái khác như hoài nghi hay đòi hỏi tiếp tục đặt ra câu hỏi: còn gì nữa không?

Trong hình dung về động thái nghiên cứu - phê bình theo hướng Thi học tri nhận, có vẻ như, cách làm của Charles Benoit trong công trình Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam (Đại học Harvard, 1981, Việt Nam, 2016) là một ví dụ điển hình. Tại đó, Charles Bennoit đã tỉ mỉ đối chiếu và dẫn ra những nguồn tư liệu lịch sử Trung Hoa liên quan đến các nhân vật trong Truyện Kiều. Bắc cầu nối giữa lịch sử và hư cấu, công trình này đã trao thêm cho người đọc các khả năng tri nhận về quá trình sáng tạo của Nguyễn Du đồng thời mở rộng biên độ diễn giải tác phẩm. Thi học tri nhận nhấn mạnh vào các khả năng lĩnh hội và diễn giải, bởi vậy, dù có cố gắng tạo thành một khuynh hướng thì đây vẫn là bước đi đã được chuẩn bị từ trước, thậm chí nhờ vào sự đồng hành của nhiều lý thuyết nghiên cứu - phê bình văn chương đã có.

Nghiên cứu hòa kết là một hướng đi với tinh thần tạo dựng nền tảng chung cho việc diễn giải văn chương dựa trên sự hợp nhất của các khoa học. Điều này có thể diễn ra, và trong lí tưởng là tốt đẹp. Tuy nhiên, chính các lý thuyết, bên cạnh khả năng bổ sung, sẽ luôn phản biện hay thải trừ nhau trong thực tiễn, khiến cho sự hòa kết đôi khi lại làm giảm thế mạnh của các lý thuyết, làm ảnh hưởng đến “sức mạnh tri thức” mà những người chủ trương hòa kết hướng đến (Peter Barry). Có những điểm tương đồng với nghiên cứu liên ngành, tuy nhiên, tinh thần hòa kết còn mở rộng khoa học xã hội nhân văn sang tất cả các lĩnh vực khoa học khác nếu có thể. Cách tiếp cận này đem đến cơ hội có lẽ là cao nhất cho phê bình - nghiên cứu văn học.

Ở Việt Nam, một số nghiên cứu với cái nhìn dung hợp vật lý - triết học - mĩ học - văn học trong tinh thần và tri thức hậu hiện đại đã hé mở xu hướng này (Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung…). Ở một lối đi khác, nghiên cứu - phê bình văn học trong mối liên hệ với y học cũng thực sự mang lại kết quả thú vị nhờ quá trình tri nhận từ các dấu vết bệnh lí, y lí, y thuật trong tác phẩm…

Một viễn cảnh đáng sợ có thể gợi lên từ hướng nghiên cứu - phê bình Hậu nhân văn. Nếu chủ nghĩa nhân văn đề cao giá trị người, như là một thuộc tính đặc hữu, thì chủ nghĩa hậu nhân văn xây dựng trên tinh thần xem xét các khả năng và thực tiễn của mối cộng sinh Người - Công nghệ - Máy móc. AI (trí tuệ nhân tạo) đang thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Trong lí lẽ của các nhà hậu nhân văn, họ muốn giải phóng con người, muốn con người có thêm thời gian phát triển những năng lực bản thân. Tuy nhiên, cùng với sự giải phóng ấy là những lo ngại về việc AI có thế thay thế con người. Bằng chứng gần đây nhất là phần mềm Chat GPT đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng người dùng bởi hiểu biết và khả năng đáp ứng công việc của nó. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, con người cũng nhận ra điểm hạn chế của Chat GPT. Một trong số đó là nó hoàn toàn thiếu vắng cảm xúc. Các nghệ sĩ sẽ đỡ hoang mang hơn khi sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật vẫn được xây cất trên nền tảng cảm xúc. Phê bình dĩ nhiên là không đứng ngoài câu chuyện này. Mặc dù vậy, mọi thứ dường như chỉ đang bắt đầu, trong những diễn giải của Peter Barry, có thể nhận ra cơn ác mộng mà nhân loại đang gặp phải, nảy sinh từ chính thành tựu văn minh, kĩ thuật của mình. Có điều gì đáng sợ hơn là khi con người buộc phải chấp nhận rằng, những đặc tính “người” vốn đã từng được xem là phẩm chất làm nên sự vượt trội, đặc thù, ưu việt của mình dần bị chia sẻ với máy móc (tr.418). Dẫn hướng cho những nghiên cứu ứng dụng tinh thần hậu nhân văn, Peter Barry chỉ ra rằng, những tác phẩm khoa học viễn tưởng, kinh dị, truyện ma, xác sống, siêu nhân, siêu anh hùng, các vật linh thiêng, sự lai ghép người - vật - thần thánh… thực sự đã xoáy sâu vào tính chất không độc quyền của con người đối với nhân tính.

Trở lên, tinh thần hậu lý thuyết nếu có thể trở thành một trạng thái nghiên cứu - phê bình văn học, sớm muộn lại cũng rơi vào trạng thái bất ổn bởi chính quyền lực mà nó tạo dựng cùng những định kiến hay khuôn khổ cứng nhắc của nó - tương tự thân phận của các lý thuyết. Lúc đó, hoặc ngay trong lòng hiện tại, có thể những động thái sau nữa của hậu lý thuyết đã được nhen nhóm.

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Xung lực mới cho hoạt động Lý luận phê bình văn học nghệ thuật “Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật Khoảng trống lý luận và phê bình mỹ thuật Đời sống nghệ thuật: Khi nhà phê bình cô đơn, chực chờ “chạy làng” Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa Lý luận phê bình văn học hôm nay: Thực trạng và giải pháp
Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.
Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Định mệnh không phải thứ Thượng đế trao sẵn mà tiềm ẩn từ khối óc và bàn tay chăm chỉ. Điều công chính, rành rọt là Rũng Xầu muốn tận hưởng đủ đầy thành quả giấc mơ Đá chín một cách hiện hữu thì gã phải trung thực trên mọi chặng đường đời có vay có trả.
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Baovannghe.vn- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt