Festival Đôi bờ ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do UBND tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An phối hợp tổ chức từ ngày 27-30/11 tại Hà Tĩnh.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Internet |
Điểm nhấn của Festival là Chương trình nghệ thuật Đôi bờ ví, giặm được Cầu truyền hình trực tiếp, do UBND, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình 2 tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An phối hợp thực hiện gồm có 3 phần.
Trong đó, phần I Trầm tích xứ Nghệ tái hiện không gian diễn xướng ví, giặm lời cổ, dẫn chuyện bằng phóng sự về vùng đất địa linh nhân kiệt - Nghệ Tĩnh, cái nôi văn hóa truyền thống, địa chỉ đỏ cách mạng nhưng cũng vang danh sử sách với kho tàng văn hóa rất riêng của dải đất miền Trung.
Phần II Hành trình Di sản phản ánh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân Nghệ Tĩnh trong bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm 10 năm qua. Cùng với đó là phóng sự, các ca khúc giao duyên giữa cổ - hiện đại, giao lưu với nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ, ca sĩ trao truyền - tiếp nối dân ca ví, giặm.
Phần III Để mạch nguồn chảy mãi hướng đến một nhịp sống tươi mới, trẻ hơn, ví, giặm được phát triển, thích ứng cuộc sống đương đại, có thể cất cánh vươn xa...
Vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh soạn giả - NSND Viễn Châu, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình Viễn Châu - Trọn đời nghiệp cầm ca (kịch bản: Trần Trí, đạo diễn: Hữu Quốc - Dương Thảo).
Soạn giả - NSND Viễn Châu (1924 - 2016) tên khai sinh Huỳnh Trí Bá, sinh ra tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú (nay thuộc huyện Duyên Hải), tỉnh Trà Vinh. Xuất thân từ gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng bằng niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn đờn ca tài tử, nên mới 19 tuổi ông đã thuần thục các ngón đàn tranh, vĩ cầm, guitar phím lõm… và về sau còn được gọi với cái tên thân thương là "danh cầm Bảy Bá".
Ảnh: Nguồn Internet |
Hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, sáng tác, truyền dạy nghề, ông được báo chí và khán giả mộ điệu trân trọng mệnh danh là Ông vua viết vọng cổ.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, NSND Viễn Châu có nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng rất tiêu biểu. Chẳng hạn như bài cổ nhạc Người mẹ miền Nam và bài tân cổ Tiếng chày trên sóc Bom Bo được chương trình tái hiện bởi các nghệ sĩ NSND Thoại Miêu, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Lam Tuyền, NSƯT Thu Vân, Nhã Thy, Trúc Lai…
Trong suốt mấy thập niên, nghệ danh Viễn Châu đã gắn liền với hàng loạt bài vọng cổ ăn khách, tạo nên sức hút và lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Lễ hội văn hóa ẩm thực thường niên lần thứ 24 đang diễn ra tại Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) với sự tham gia của hơn 140 gian hàng địa phương và quốc tế. Lễ hội thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới năm nay sẽ kéo dài từ ngày 15/11 - 1/12.
Tại Lễ hội, cộng đồng người Việt Nam tại Macau đã có gian hàng trưng bày, bán sản phẩm và tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè sở tại và quốc tế.
Gian hàng trưng bày các món ăn truyền thống của Việt Nam tại lễ hội. Ảnh: TTXVN từ Macao (Trung Quốc) |
Những món ăn truyền thống Việt Nam được du khách đón nhận nhiệt tình như phở bò, phở gà, nem cuốn, bún thịt nướng, thạch rau câu 3D…
Ngoài giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến với người dân Macau và bạn bè quốc tế, hằng năm, các nghệ sĩ “không chuyên” của Hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài tại Macau đều được mời biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Năm nay, hiệp hội sẽ tham gia biểu diễn vào các ngày 17 - 30/11. Các nghệ sĩ đã biểu diễn các tiết mục như múa Lời ca dâng Bác, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Bến cảng quê hương tôi, Tình ta biển bạc đồng xanh, Lối về xóm nhỏ, Làng em… đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của những khách tham quan có mặt tại lễ hội.
Lễ hội văn hóa ẩm thực Macau được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2001. Kể từ đó, lễ hội tiếp tục mở rộng về quy mô và dần phát triển thành lễ hội ẩm thực hằng năm kết hợp ăn uống và giải trí. Lễ hội ẩm thực Macau thường diễn ra trùng thời điểm tổ chức Giải Grand Prix Macau, vì vậy thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hơn, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại Macau và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh phát triển hơn.