Chiều 16/11, trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt ấn bản tiếng Trung Vắt qua những ngàn mây và Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
Ấn bản tiếng Trung của hai cuốn sách. Ảnh: BTC |
Vắt qua những ngàn mây (Chibooks, NXB Văn học, 2019, dịch giả Chu Dương, NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây, 2024) tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên dải đất hình chữ S của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Ở mỗi vùng đất, từ miền phía Bắc Tổ quốc, băng qua dải đất miền Trung nắng gió, tới miền Nam sông nước, tác giả đều ghi lại những câu chuyện cuộc sống sinh động, nơi mỗi vùng đất đều có những đặc sản tạo nên nét đẹp riêng của mình, nơi con người hòa mình trong thiên nhiên, yêu mến và khao khát gìn giữ vẻ đẹp vốn có của quê hương đất nước. Ẩn sau những mất mát hiện thực là khao khát muốn bảo tồn vẻ đẹp và lòng yêu tha thiết mảnh đất của quê hương mình.
Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời của tác giả Vũ Thế Long (Chibooks, NXB Hội nhà văn, 2021, dịch giả Thanh Đóa, NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây, 2024) được viết theo thể loại tản văn, khảo cứu, với nội dung ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc…
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á năm 2024, Công ty Cổ phần Văn hóa Chi còn tham gia tổ chức Lễ ký kết tham gia tổ chức hợp tác xuất bản quốc tế cùng các thành viên khác như Cambodia, Myanmar, Hongkong, Trung Quốc… và Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Văn hóa Chi với Công ty Truyền thông quốc tế Hoa Sơn với các nội dung tăng cường hợp tác xuất bản, giao lưu văn hóa trong khu vực.
Ngày 17/11, 14 họa sĩ đã mang đến triển lãm Mười Bốn Art Show 2024 những cảm xúc lãng mạn đầy đặn nhất về Hà Nội.
Tác phẩm "Chợ Châu Long" của Phạm Thái. Ảnh: nhandan |
Đó là những hoài niệm của thời thơ ấu với những ký ức chưa nhạt nhòa về Hà Nội ba mươi sáu phố phường của họa sĩ Dương Việt Nam. Anh chinh phục người xem bằng những nét vẽ phóng khoáng, sống động và tình cảm. Phố xá Hà Nội hiện ra trong tranh Dương Việt Nam vừa như thực, vừa như mơ.
Ở góc nhìn của mình, họa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn lại kể câu chuyện giản dị, chân thực và lãng mạn về vẻ đẹp đời sống, con người Hà Nội. Nhóm tác phẩm “Sống ở Hà Nội” là quá trình họa sĩ ghi chép lại một phần nhịp sống Hà Nội theo cách đầy ngẫu hứng. Ở đó, ta chợt gặp một vài khoảnh khắc đời thường trên đường phố hoặc các khu dân cư - nơi mà ai đã từng sống hoặc có dịp ghé thăm Hà Nội đều sẽ nhận ra nét thân thương, gần gũi mà không trộn lẫn.
Còn họa sĩ Đào Anh Việt lại đầy cảm hứng với nhịp sống sôi động của phố cổ Hà Nội trong thời hiện đại. Nhóm tác phẩm với khổ tranh panorama đặc biệt, thu hút người xem ngay khi bước vào phòng trưng bày bằng những nét bút khỏe khoắn, gam màu mạnh và tươi sáng.
Tranh của các họa sĩ Nguyễn Ngọc Cương, Phạm Thái, Nguyễn Duy Anh tuy có những cách thể hiện khác nhau nhưng đều có góc nhìn về một Hà Nội nhẹ nhàng, lãng mạn đầy chất thơ
Triển lãm Mười Bốn Art Show đang được diễn ra tại không gian Aqua Art - Hanoi Aqua Central 44 Yên Phụ, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội đến hết tháng 11/2024.
Triển lãm Nhìn lên đáy giếng, của bộ đôi đạt giải thưởng RMIT Digital Art and Design Grant 2024, gồm hai tác phẩm nghệ thuật: Sự tích Trần Thanh Dương của Hachul Lệ Đổ và Đảo Ngây Thơ của Vũ Diệu Hương, được ra mắt trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) và được bảo trợ bởi The Outpost Art Organisation.
Các tác phẩm của nghệ sĩ Hachul Lệ Đổ và Vũ Diệu Hương lấy cảm hứng từ bản sắc văn hóa đa dạng và di sản của Việt Nam. Với quan điểm, truyền thống Việt Nam không phải là đối tượng nghiên cứu đồng nhất theo một thuật ngữ đơn nhất, các nghệ sĩ ủng hộ một cách tiếp cận mang tính cộng tác thông qua nhiều phương tiện sáng tạo kỹ thuật số.
Bằng cách sử dụng nhiều quy trình kỹ thuật số được kết nối với nhau, bao gồm hoạt hình, phim ngắn, ghi hình chuyển động, âm thanh, nhạc, thơ, tường thuật, biểu diễn và sân khấu để tạo ra một địa điểm nơi tưởng tượng, thực tế, tạo ý nghĩa, “ Sự tích Trần Thanh Dương” và “Đảo Ngây Thơ” thách thức các khái niệm cố định về bản sắc Việt Nam và thay vào đó nhấn mạnh tính lưu động và đa dạng của các trải nghiệm. Các tác phẩm có thể mở rộng các yếu tố di sản Việt Nam vô cùng sống động, đặt câu hỏi về cách sản xuất kiến thức và trao đổi liên văn hóa có thể được diễn đạt bằng hình ảnh và ngôn ngữ.
Triển lãm mở cửa từ 10:00 – 20:00, thứ Ba – Chủ nhật, 20/11 – 30/12/2024, tại The Outpost Art Organisation, Tầng 2, tòa B1, Roman Plaza - Tố Hữu, Đại Mễ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.