Hội An sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động và diễu hành chào mừng 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024).
Ngày 4/12, thành phố sẽ tổ chức đoàn diễu hành xe đạp, xích lô, xe điện,… trên các trục đường trong khu phố cổ và trên địa bàn thành phố.
Sự kiện nhằm kỷ niệm 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG), 7 năm Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại (7/12/2017 – 7/12/2024), 15 năm ngày Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Hội An sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày được công nhận Di sản Văn hóa thế giới. Ảnh: BTC |
Tọa đàm Những dấu ấn trên chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Đô thị cổ Hội An (ngày 3/12); khai trương Bảo tàng Thổ sản phục vụ khách tham quan.
Một số hoạt động khác như: Trưng bày ấn phẩm về Hội An và hoạt động Tìm hiểu Di tích qua trang sách giúp thiếu nhi Hội An có thể khám phá, tìm hiểu về các di tích trong Khu phố cổ; Trưng bày ảnh trực tiếp và online giới thiệu Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An - 25 năm bảo tồn và phát huy; Hội thi Chúng em với di sản dành cho học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.
Tối 30/11, sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 1, năm 2024 đã bế mạc, tổng kết và trao giải.
Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 1, năm 2024 có sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên của 13 đơn vị nghệ thuật ca, múa, nhạc trên cả nước.
Sự kiện do Bộ VHTT&DL chỉ đạo, Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện
Ban tổ chức trao giải thưởng cho các đơn vị có chương trình, vở diễn đoạt Huy chương Vàng. Ảnh: CLO |
Tổng kết về chuyên môn, nghệ thuật, NSND Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết, Liên hoan năm nay có nhiều chương trình đạt chất lượng nghệ thuật cao, có những đoàn đã mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo về nghệ thuật biểu diễn, hình thức thể hiện, đưa vào chương trình nhiều thể loại âm nhạc như nhạc kịch, nhạc vũ kịch, opera ballet kinh điển của thế giới...
Tại lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã công bố và trao giải cho chương trình, vở diễn, tiết mục, vai diễn và thành phần sáng tạo xuất sắc.
Vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và vở opera Carmen của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam được trao giải vở diễn Xuất sắc. 2 Huy chương Vàng cho vở diễn thuộc về Con đường từ trái tim (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) và Tổ chim bên sườn núi (Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La).
Cũng tại Lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao 24 Huy chương vàng và 42 Huy chương bạc cho các tiết mục, diễn viên và thành phần sáng tạo.
Chiều 30/11, tại Hà Nội, Hiệp hội UNESCO Thành phố Hà Nội kỷ niệm 30 năm thành lập (1994 - 2024).
Dự Lễ kỷ niệm có Lãnh đạo Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố…
Đặc biệt, Lễ kỷ niệm có sự tham dự của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội qua các thời kỳ; đại diện các đơn vị thành viên Hiệp hội…
Chương trình văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: BTC |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội luôn triển khai các hoạt động theo tôn chỉ mục đích đã quy định trong Điều lệ được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Đoàn kết, tập hợp hội viên, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô góp phần gìn giữ, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa, khoa học giáo dục, tham gia tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội. Hiệp hội đã từng bước gắn kết hoạt động, tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô, hoạt động hòa bình hữu nghị.
Các hoạt động của Hiệp hội đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, nhờ đó thu hút được đông đảo hội viên tham gia, góp phần vào sự phát triển Thủ đô Hà Nội và đất nước trên lĩnh vực hoạt động của mình.
30 năm qua, Hiệp hội UNESCO Hà Nội không quản mọi khó khăn, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam. Tổng kết 30 năm thành lập và phát triển là dịp để nhìn nhận, chia sẻ kinh nghiệm về chặng đường đã qua, đồng thời là cơ hội để chúng ta hướng tới tương tai, với những mục tiêu mới.
Theo lãnh đạo Hiệp hội, trong thời gian tới, Hiệp hội UNESCO Hà Nội sẽ tiếp tục chú trọng củng cố các câu lạc bộ, Trung tâm, Đoàn nghệ thuật; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động như: tổ chức liên hoan ca múa nhạc thường niên; các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trưng bày, triển lãm nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước và của thành phố Hà Nội, của ngành di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để liên kết các hoạt động của các tập thể, phát huy vai trò của từng cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ trong lĩnh vực phát triển văn hoá giáo dục; tăng cường hợp tác lĩnh vực di sản văn hóa, văn học nghệ thuật với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế…