Theo Ban Tổ chức, Lễ trao giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức tại Nhà hát thành phố Hải Phòng tối 15/12/2024, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm vinh danh các nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng những sáng tạo âm nhạc xuất sắc trên các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo. Qua đó tiếp tục động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, nhà giáo, tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà nói riêng và nền văn hóa nghệ thuật của đất nước nói chung.
Lễ trao giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2023. Ảnh TC Nhiếp ảnh và đời sống |
Năm 2024, Ban tổ chức đã nhận được 241 tác phẩm của 241 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tham dự. Cụ thể: thể loại Thanh nhạc có 202 tác phẩm (trong đó Ca khúc 171 tác phẩm; Ca khúc Thiếu nhi 29, Ca khúc nghệ thuật 2 tác phẩm). Về khí nhạc có 23 tác phẩm (Giao hưởng 3, Thính phòng 11, Hợp xướng 4, Acappella 3, Trường ca 1, Tổ khúc thanh nhạc 1); 16 công trình lý luận, gồm sách chuyên khảo, sưu tầm - nghiên cứu, giáo trình và các tập bài báo về âm nhạc; và 59 chương trình biểu các hạng mục (MV 32 tác phẩm; Album 13; Live concert 14).
Hội đồng nghệ thuật gồm các nhạc sĩ, các chuyên gia uy tín trong và ngoài Hội Nhạc sĩ Việt Nam do Ban tổ chức thành lập. Hội đồng nghệ thuật đã làm việc nghiêm túc, khoa học, kỹ lưỡng và công tâm để chọn ra những công trình, tác phẩm có chất lượng đề nghị Ban tổ chức trao giải thưởng.
Năm 2024, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ tổ chức trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam theo phương thức mới với quy mô lớn và chương trình biểu diễn. Lễ trao giải được tổ chức tại Nhà hát thành phố Hải Phòng tối 15/12/2024, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Hải Phòng và các nền tảng mạng xã hội như Wedsite, fanpage, Youtube, tik tok... của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các tổ chức khác.
Năm nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có thêm hạng mục Giải thưởng SOL VÀNG nằm trong hệ thống Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì tổ chức nhằm tôn vinh những sản phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao, có nhiều đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cơ cấu Giải Sol Vàng, Sol Bạc trao cho chương trình Live show, Live concert, MV, Album... và các giải chuyên đề về Nhà sản xuất, Đạo diễn, Bản ghi âm, Bài hát xuất sắc, ca sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu...
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định công nhận Lễ hội điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, TP. Huế) và Nghề làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ Hội Điện Huệ Nam (hay Điện Hòn chén) là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng ba và tháng bảy hàng năm. Hoạt động được đánh giá tràn đầy màu sắc và sôi động, thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu với hàng vạn lượt người đến tham dự. Đây cũng được xem là một lễ hội văn hóa dân gian truyền thống mang tính cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô.
Lễ Hội Điện Huệ Nam (hay Điện Hòn chén) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế |
Nghề làm bún Vân Cù là làng nghề truyền thống nổi tiếng gần xa bởi sợi trắng ngà, hương thơm đặc trưng được hình thành cách đây hơn 400 năm. Ngày nay làng nghề này thu hút hơn 100 hộ tham gia sản xuất bún để cung ứng cho khắp các chợ, nhà hàng, quán ăn… nhờ thế đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định công nhận 3 di sản của Quảng Bình là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cụ thể, 3 di sản được vinh danh bao gồm: Lễ hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa (thuộc loại hình lễ hội truyền thống), Hát tuồng bội xã Hưng Trạch (Bố Trạch) và Hát sắc bùa huyện Minh Hóa và TP. Đồng Hới (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian).
Trong đó, Lễ hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa đã đi vào tâm thức của người dân và trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết tinh nét văn hóa đặc sắc của vùng quê sơn cước. Lễ hội được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách đến để trải nghiệm các giá trị tâm linh, văn hóa, nghệ thuật.
Hát sắc bùa ở huyện Minh Hoá. Ảnh nguồn: Internet |
Hát tuồng bội xã Hưng Trạch và Hát sắc bùa huyện Minh Hóa và TP. Đồng Hới là những loại hình văn nghệ dân gian độc đáo, được người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ.
Tuồng bội Khương Hà (Hưng Trạch) được tổ chức theo hình thức gánh hát từ 13 đến 18 người bao gồm: Thầy tuồng (đạo diễn), đào, kép, hề, các vai diễn vua, chúa, tướng, binh lính, thầy đồ, học trò, quần chúng.
Làn điệu tuồng nhiều lối như: Nam ai, nam bình, nam dựng, tẩu mã, sa mạc, than, hà khắc, nói lối, trống quân… mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt trong cách phát âm, lối nhả chữ luyến láy mà dứt khoát, mạnh mẽ của người dân ở Khương Hà đã tạo nên nét đặc biệt so với ở các nơi khác.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở VHTT Quảng Bình cho biết thêm: Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cùng với 13 di sản được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.