Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hòa nhạc giao hưởng dân tộc thính phòng đặc biệt với chủ đề Bài ca chiến thắng sẽ là cầu nối để thế hệ hôm nay cảm nhận trọn vẹn giá trị của hòa bình và tự do, qua những giai điệu hùng tráng và lắng đọng.
![]() |
Nhạc trưởng Lê Phi Phi sẽ tham gia chương trình. Ảnh: BTC |
"Bài ca chiến thắng" sử dụng các ngôn ngữ nghệ thuật ca, nhạc tổng hợp kết hợp với nghệ thuật điện ảnh, phim tài liệu, nghệ thuật âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo sân khấu hoành tráng, được chia thành 3 phần: Khát vọng hòa bình, Bài ca ra trận và Chào mùa xuân đại thắng - như ba chương hồi của bản trường ca bất tận về lịch sử dân tộc.
Dàn nhạc với hơn 40 nhạc công, trình diễn live hoàn toàn, tạo nên sự hòa quyện đầy xúc cảm kết hợp với giọng ca của các nghệ sĩ tên tuổi.
Chương trình sẽ là một hành trình âm nhạc giàu cảm xúc, đưa khán giả từ những ký ức lịch sử thiêng liêng đến tinh thần tự hào dân tộc hôm nay.
Đêm nhạc có sự tham gia của NSƯT Tố Nga, NSƯT Lương Huy, NSƯT Trường Bắc, nghệ sĩ Đào Tố Loan, Minh Đức, Vương Long….; nhạc trưởng Lê Phi Phi, cùng Dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc - Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, hứa hẹn sẽ là bản hùng ca tái hiện những dấu son lịch sử và những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc bằng ngôn ngữ âm nhạc.
Sự kiện do Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào 20h ngày 24/4/2025 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.
Chiều 18/4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp huy động đồng bào các dân tộc tham gia tổ chức hoạt động tại Làng.
Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4/2025.
Sau gần 15 năm hoạt động kể từ ngày mở cửa, đến nay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã dần khẳng định vai trò là không gian sống động lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam.
Thông qua việc thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với các địa phương, Làng đã trở thành điểm đến thân quen, được đồng bào và du khách trong, ngoài nước yêu mến. Các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, hấp dẫn, lượng khách tham quan tăng đều qua các năm. Hàng chục nghìn người các dân tộc đã tham gia, mang theo phong tục, tập quán, dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống... tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu, đậm đà bản sắc.
![]() |
Tiết mục văn nghệ tại hội nghị. Ảnh: BTC |
Hội nghị đã đánh giá kết quả triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các địa phương trong công tác chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa dân tộc tại Làng; đồng thời, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp thời gian tới.
Chuỗi hoạt động chính của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2025 diễn ra ngày 19 – 20/4. Đại diện 54 dân tộc sẽ tham gia nghi thức Báo công và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là các phần trình diễn tái hiện lễ nghi đặc sắc như: Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer (Sóc Trăng); Lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk); Lễ mừng cơm mới của người Thổ (Thanh Hóa)… cùng các chương trình giao lưu văn hóa Sắc màu vùng cao, Hoa xứ Mường, Sắc màu cao nguyên Đắk Lắk...
Tối 18/4, Festival Phở 2025 với chủ đề Tinh hoa phở Việt - Di sản trong kỷ nguyên số đã khai mạc tại di sản Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội).
Chương trình do Trung tâm Hội nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức.
Festival Phở 2025 diễn ra trong ba ngày, từ 18 đến 20/4/2025, tại Hoàng thành Thăng Long, quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu ẩm thực phở khắp ba miền tham gia trình diễn, quảng bá hình ảnh, thương hiệu. Du khách sẽ được trải nghiệm các món phở đặc trưng của từng địa phương, như: Tây Bắc, Nam Định, Hà Nội, phong cách phở miền Trung, miền Nam và quốc tế.
Đáng chú ý, nhiều thương hiệu phở Hà Nội làm nên tên tuổi của ẩm thực Thủ đô: Phở Thìn Bờ Hồ, phở Tư Lùn, phở Hoàng Gia, phở Vân Cù... đã góp mặt. Các nghệ nhân trực tiếp trình diễn và giúp du khách trải nghiệm quy trình nấu phở và quẩy - từ khâu chọn nguyên liệu, làm bánh phở, đến nấu nước dùng…
![]() |
Festival Phở Hà Nội 2025 thu hút đông đảo khách trải nghiệm. Ảnh: HNM |
Được biết, tại festival, các gian hàng đều áp dụng mức giá chung là 40.000 đồng/bát. Điểm nhấn của Festival Phở Hà Nội 2025 là việc ứng dụng công nghệ AI - Chatbot nhằm nâng cao trải nghiệm người tham dự, tối ưu quy trình tổ chức và hỗ trợ quảng bá sự kiện. Chatbot sẽ được bố trí tại quầy thông tin, hỗ trợ khách tra cứu gian hàng, tìm món phở phù hợp... Đây là lần đầu tiên công nghệ AI được ứng dụng trong một lễ hội ẩm thực tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, người dân và du khách còn được tham quan triển lãm Câu chuyện phở, tái hiện hành trình phát triển của phở Việt qua từng giai đoạn lịch sử. Du khách sẽ được “du hành” từ gánh phở xưa, quán phở thời bao cấp đến các thương hiệu phở vươn tầm thế giới. Ngoài ra, còn có không gian trà sen Hà Nội, quầy bia Mậu Dịch… tái hiện nếp văn hóa ẩm thực Hà Nội xưa.
Đặc biệt, lễ hội còn có tọa đàm Phở trở thành di sản UNESCO và lan tỏa quốc tế, nơi các chuyên gia cùng thảo luận về hành trình đưa phở Việt từ món ăn truyền thống trở thành di sản ẩm thực toàn cầu, cũng như quy trình, thách thức trong việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO.