Văn hóa nghệ thuật

Bản tin Văn nghệ ngày 20/12/2024

Việt Thắng (tổng hợp)
Mỹ thuật
15:45 | 20/12/2024
Baovannghe.vn - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch đã vinh dự là nơi gắn bó với Người lâu nhất - 15 năm cuối đời.
aa

Triển lãm "Dòng cảm xúc từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch"

Ngày 19/11, tại Di tích Đường Xoài, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đã khai mạc triển lãm Dòng cảm xúc từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch và 78 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2024).

Tham dự và cắt băng khai mạc Triển lãm có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên và các nguyên lãnh đạo Khu di tích qua các thời kỳ.

Phát biểu khai mạc triển lãm, bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Cách đây tròn 70 năm, ngày 19/12/1954, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc đã trở về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ thắng lợi.

Theo bà Lê Thị Phương, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch đã vinh dự là nơi gắn bó với Người lâu nhất - 15 năm cuối đời. 70 năm trôi qua, di sản của Người vẫn hiện hữu trong từng di tích, tài liệu hiện vật, từng góc không gian của Khu Di tích. Những con đường trong Khu Di tích tuy không còn đón bước chân của Bác mỗi ngày nhưng đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế vẫn theo lối sỏi quen đến thăm nơi ở và làm việc của Người. Khi tới thăm ngôi nhà của Bác, lắng nghe những câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng bài học lớn, rất nhiều khách tham quan đã để lại những dòng cảm tưởng trân trọng, xúc động về Bác Hồ - Người Việt Nam đẹp nhất.

"Với niềm vinh dự, tự hào được bảo tồn, phát huy giá trị di sản nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch đồng thời là nơi trực tiếp hằng ngày đón nhận tình cảm của đồng bào cùng bạn bè quốc tế kính dâng lên Bác, Khu Di tích đã tập hợp những dòng cảm xúc lắng đọng trong các trang cảm tưởng suốt 55 năm qua để thực hiện triển lãm", bà Lê Thị Phượng chia sẻ.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Bộ VHTT&DL
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Bộ VHTT&DL

Triển lãm "Dòng cảm xúc từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch" tôn vinh những giá trị di sản trường tồn để lại cho muôn đời sau và khẳng định tấm lòng tôn kính, ngưỡng mộ của nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế đối với tư tưởng, đạo đức, phong cách của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ cộng sản quốc tế, người bạn thủy chung của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình.

Triển lãm là không gian chứa đựng tình cảm sâu sắc, được chọn lọc từ 7.200 cảm tưởng của nhân dân trong nước và kiều bào ở khắp mọi miền, cùng 3.200 cảm tưởng quốc tế từ 90 quốc gia của các nguyên thủ, chính khách và bạn bè quốc tế trong suốt 55 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi.

Theo Ban tổ chức, đây là lần đầu tiên Khu Di tích thực hiện việc hệ thống hóa toàn bộ những cảm tưởng đã và đang lưu giữ trong suốt 55 năm qua (1969-2024) nhằm tuyển chọn những cảm tưởng tiêu biểu giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong nước và nước ngoài. Những dòng lưu bút này không chỉ là những lời tri ân đầy xúc động, mà còn là minh chứng sinh động cho tầm ảnh hưởng sâu rộng và tình cảm chân thành mà nhân loại dành cho Người. Mỗi cảm tưởng như một dấu ấn, thể hiện sự kính trọng và ngưỡng mộ vô hạn đối với một lãnh tụ vĩ đại, Người đã trở thành biểu tượng không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả thế giới.

Triển lãm gồm 2 phần. Phần 1 là những dòng cảm xúc của nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao và nhân dân Việt Nam, giới thiệu tới công chúng những xúc cảm lắng đọng của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao mỗi khi thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; những cảm tưởng chân thành, mộc mạc của đồng bào từ 63 tỉnh, thành trong cả nước; những tình cảm da diết từ kiều bào xa Tổ quốc; sự kính yêu, ngưỡng mộ của mọi tầng lớp xã hội – công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, học sinh, sinh viên...

Phần 2 là những dòng cảm xúc của nguyên thủ, chính khách và bạn bè quốc tế từ khắp năm châu, mỗi khi họ đến thăm nơi ở và làm việc của Bác. Trong suốt 55 năm qua, đã có đại biểu của gần 90 quốc gia đến thăm Khu Di tích và để lại gần 3.200 cảm tưởng. Các nguyên thủ quốc gia và đại diện các tổ chức quốc tế đến Việt Nam đều xem việc thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch như một dấu ấn quan trọng trong hành trình công tác, văn hóa ngoại giao. Những dòng cảm tưởng chân thành, thể hiện lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ trước cuộc đời giản dị mà vĩ đại của Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ suốt đời đấu tranh cho hòa bình, tự do và công lý.

Triển lãm cũng dành không gian giới thiệu các dòng cảm tưởng của các nhà hoạt động, nhà văn hóa, bạn bè và du khách quốc tế đến từ khắp năm châu. Xuyên suốt những dòng cảm tưởng đó đều là tấm lòng tôn kính khi chiêm ngưỡng những hiện vật, tư liệu quý báu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với cảm xúc đa dạng và sâu sắc: từ sự ngưỡng mộ trước nhân cách cao đẹp, lòng biết ơn vì những giá trị hòa bình và tiến bộ mà Người đã góp phần vun đắp, đến sự tin tưởng vào sức sống bền bỉ của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thế giới hôm nay./.

Khai mạc Triển lãm “Quân đội anh hùng, Quốc phòng vững mạnh”

Hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Triển lãm tư liệu Quân đội anh hùng, Quốc phòng vững mạnh.

Phát biểu tại khai mạc, Giám đốc Thư viện Quốc gia Nguyễn Xuân Dũng cho biết, triển lãm góp phần khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác quốc phòng toàn dân và của Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Bên cạnh đó, củng cố niềm tin, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ vũng chắc Tổ quốc và xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Các đại biểu cắt băng khai mạc. Ảnh: Chinhphu.vn
Các đại biểu cắt băng khai mạc. Ảnh: Chinhphu.vn

Triển lãm trưng bày 800 tư liệu tiêu biểu được lựa chọn từ vốn di sản văn hiến của dân tộc hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, theo một chủ đề xuyên suốt, gồm các nội dung:

Quân đội nhân dân với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam: Trưng bày 200 tư liệu viết về lịch sử ra đời, truyền thống chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ. Quân đội nhân dân Việt Nam với nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ biên giới, chủ quyền biển, đảo; Quân đội nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển và đối mới đất nước.

Quân đội nhân nhân Việt Nam - Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại: Giới thiệu 200 tư liệu viết về tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng lực lượng quân đội ngày càng tinh, gọn, mạnh về tổ chức, chất về mọi mặt theo lộ trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật và khí tài quân sự; chính sách phục vụ điều chỉnh tố chức lực lượng và chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vì an ninh Tổ quốc: Trưng bày 200 tư liệu viết về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình bảo đảm sự bền vững độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân; công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh trong các cơ quan, tố chức và toàn dân.

Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Đoàn kết, sáng tạo, phát triển: Giới thiệu 200 tư liệu viết về sự ra đời và vai trò của Ngày hội Quốc phòng toàn dân đối với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; tiềm lực, thế trận, lực lượng, cơ sở vật chất của nền quốc phòng được thể hiện qua Ngày hội Quốc phòng toàn dân với sự đoàn kết, sáng tạo và phát triển để giữ vững từng tấc đất, khoảng trời, vùng biển của Tổ quốc; thành tựu 35 năm thực hiện Ngày hội Quôc phòng toàn dân.

Triển lãm diễn ra từ ngày 19/12 đến hết ngày 30/12/2024.

Những câu chuyện xúc động của “Ký ức và niềm tin”

Ngày 19/12, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt - Hà Nội) đã khai mạc triển lãm Ký ức và niềm tin. Nhiều hình ảnh, câu chuyện xúc động của những năm tháng chiến tranh đã được kể lại đầy cảm xúc trong sự kiện này.

Đây là sự kiện do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB Mãi mãi tuổi 20 tổ chức, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024).

Những chiến sĩ năm xưa chia sẻ lại hành trình đi theo tiếng gọi của Tổ quốc tại sự kiện “Ký ức và niềm tin”. Ảnh: BTC
Những chiến sĩ năm xưa chia sẻ lại hành trình đi theo tiếng gọi của Tổ quốc tại sự kiện “Ký ức và niềm tin”. Ảnh: BTC

Với ba chủ đề: Sẵn sàng lên đường; Niềm tin chiến thắng và Ngày trở về – Triển lãm Ký ức và niềm tin được thực hiện từ những tài liệu, hiện vật quý giá đã được sưu tầm trong gần 20 năm qua.

Một số hiện vật tiêu biểu có thể kể đến như Đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu; nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của người liệt sĩ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ và niềm tin về ngày đoàn tụ hay chiếc kèn Harmonica mà người chiến sĩ đã dùng thổi bài Vì nhân dân quên mình cạnh quả bom hẹn giờ để động viên tinh thần đồng đội…

Nhiều hiện vật mang đến những cảm xúc thật đặc biệt đối với người xem. Như bức thư của ông Phạm Hoài Thủy, Tiểu đội 7, Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 75, Sư đoàn 3048 gửi vợ là bà Lê Nguyệt Bảo, ngày 17/12/1972 viết: “Chỉ còn đêm nay! Ngày mai anh sẽ ra trận. Em ơi! Ngày ra trận cũng là ngày anh vào Đảng... Giữa lúc đơn vị rộn rịp, vội vàng, náo nức chuẩn bị lên đường là lúc anh giơ tay thề trước cờ Đảng nguyện trung thành trọn đời mình với lý tưởng Cộng sản cao đẹp”.

Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm, công chúng sẽ có cơ hội tham gia hoạt động trải nghiệm Thư gửi người thân, nơi mọi người có thể viết những dòng thư ý nghĩa, gửi gắm tình cảm chân thành đến những người thân yêu của mình qua những lá thư mang đậm phong cách thời chiến.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh, trong suốt 80 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, bằng tài năng, trí tuệ, lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, đã xây đắp nên truyền thống anh hùng, bất khuất, là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết dân tộc, là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng, là niềm tin vững chắc của nhân dân.

Triển lãm giúp người xem trả lời được câu hỏi vì sao đất nước Việt Nam nhỏ bé có thể chiến đấu và chiến thắng trước những kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự như vậy. Đồng thời, cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa “hậu phương” - “tiền tuyến”; qua đó gửi tới thế hệ trẻ ngày nay thông điệp hãy sống có ước mơ, hoài bão, niềm tin, hãy tiếp bước cha anh “Sống một đời đáng sống”.

Việt Thắng

Phim Cám tham dự Liên hoan IFFR lần thứ 54

Theo đó, tham dự ở hạng mục Limelight - hạng mục tập trung giới thiệu những bộ phim có chất lượng nghệ thuật, mang đến những góc nhìn độc lạ về cuộc sống, phim Cám được ghi nhân có kịch bản gốc độc đáo, đậm chất văn hoá.

Bản tin Văn nghệ ngày 20/12/2024
Liên hoan IFFR lần thứ 54 diễn ra từ ngày 30/1 đến ngày 9/2/2025 tại thành phố Rotterdam, Hà Lan

Trước thành công đầu tiên trên đấu trường quốc tế, nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết, “Cám là tác phẩm ngốn nhiều tâm huyết nhất của tôi và đạo diễn Trần Hữu Tấn, sau những “dự án song sinh” Tết ở làng địa ngục Kẻ ăn hồn, chúng tôi hy vọng đây sẽ là một bước đệm đưa văn hóa Việt đến gần hơn với khán giả toàn cầu”

Phim Cám thuộc thể loại kinh dị xoay quanh câu chuyện của Cám - em gái cùng cha khác mẹ của Tấm. Phim dài 122 phút và đã thu về 117 tỷ đồng từ doanh thu rạp chiếu tại Việt Nam và một số nền tảng khác. Trước đó, dù không đưa ra con số chính thức nhưng nhà sản xuất cho biết đã đầu tư hơn 1 triệu USD cho phim.

Thời gian gần đây, điện ảnh trong nước chứng kiến nhiều dự án phim khai thác chất liệu dân gian. Đây đều là những dự án lớn và đã thành công ở những phương diện cụ thể như: doanh thu phòng vé, "ẵm" giải thưởng trong nước, quốc tế. Việc khai thác chất liệu dân gian đã và đang góp phần làm phong phú đời sống điện ảnh cũng như làm sống lại những câu chuyện cổ tích quen thuộc - ở đó những giá trị văn hóa, những hương ước làng xã được kể dưới góc nhìn mới của điện ảnh. Và qua những sản phẩm, những dự án lớn những giá trị văn hóa ấy sẽ có cơ hội xuất hiện tại những sân chơi nghệ thuật thế giới. Phim Cám là một minh chứng dù không mới cho thể loại phim khai thác chất liệu dân gian, nhưng việc xuất hiện ở một sự kiện lớn như IFFR 2025 cũng cho chúng ta quyền hy vọng rằng Cám sẽ góp phần nâng cao tiếng nói của các nhà làm phim trẻ Việt Nam, giá trị văn hóa Việt Nam tại thị trường châu Âu nói riêng, quốc tế nói chung.

Được biết, tham dự IFFR lần thứ 54 diễn ra từ ngày 30/1 đến ngày 9/2/2025 tại thành phố Rotterdam, Hà Lan, đoàn phim Cám sẽ có 2 buổi chiếu và giao lưu đoàn phim với các khán giả, báo chí và những nhà làm phim thế giới.

Hà Phương

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) khu vực  Bắc miền Trung

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) khu vực Bắc miền Trung

Baovannghe.vn - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) khu vực Bắc miền Trung, bầu 38 đại biểu chính thức và 4 dự khuyết dự Đại hội đại
Nơi quê - truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Hoa

Nơi quê - truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Hoa

Baovannghe.vn - Lần này cưới cậu, mẹ bắt tôi về quê bằng được. Mẹ bảo: "Cậu có cưới lại thì cũng phải đi cho có mẹ có con, không họ hàng người ta trách. Mà mày về quê thì đừng có mà khinh khỉnh chê người này người nọ…" Tôi càu nhàu: "Quê mới chả quán, cậu họ lại mới 23 tuổi đã 2 đời vợ, báu gì." Mẹ tôi quắc mắt.
Mổ lợn Tết. Tản văn của Văn Giá

Mổ lợn Tết. Tản văn của Văn Giá

Baovannghe.vn - Ở quê tôi, nhà nào cũng vậy, vẫn rất trung thành với cái lý tưởng bình dân từ bao đời nay: "Đói giỗ cha, no ba ngày Tết".
Tổ chức trọng thể "Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam"

Tổ chức trọng thể "Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam"

Baovannghe.vn - Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tại Trung tâm Hội nghị quốc gia
"Xung kích" và "Vỡ bờ" - Hai tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Thi

"Xung kích" và "Vỡ bờ" - Hai tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, có gian trưng bày về nhà văn Nguyễn Đình Thi với nhiều kỷ vật của ông, trong đó có hai cuốn tiểu thuyết Xung kíchVỡ bờ.