Theo Sở VHTT Thành phố Huế, chương trình nghệ thuật chính chào năm mới Ất Tỵ sẽ diễn ra tại quảng trường Ngọ Môn vào đêm 28/1, tức đêm giao thừa. Tại địa điểm này cũng sẽ có màn bắn pháo hoa tầm cao đón năm mới, cùng với 3 điểm khác ở trung tâm huyện Phú Lộc, huyện A Lưới và thị xã Phong Điền.
Thành phố Huế sẽ tổ chức bắn phao hoa tầm cao đón năm mới Ất Tỵ tại 4 điểm. Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch cũng được tổ chức trong những ngày đầu năm. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức ở nhiều địa phương trên toàn Thành phố, phục vụ vui xuân đón tết cho nhân dân và du khách.
Tại khu di sản Huế, ngày 29/1 (tức mồng 1 Tết), sẽ mở cửa đón khách nội địa tham quan miễn phí các điểm di tích. Đồng thời, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tại sân điện Thái Hòa; biểu diễn lân sư rồng; tổ chức không gian trải nghiệm trò chơi cung đình như: xăm hường, bài vụ, thả thơ, đầu hồ… tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Nghi thức dựng cây Nêu đầu năm mới. Ảnh: BTC |
Tại huyện Phú Lộc, có các hoạt động như: Chợ quê ngày Tết từ mồng 1 đến mồng 3 Tết tại xã Vinh Mỹ; chương trình Hò bài chòi ở xã Lộc Vĩnh, xã Vinh Hưng; đua ghe Lăng Cô tại thị trấn Lăng Cô vào ngày mồng 6…
Tại thị xã Phong Điền, hội Đu tiên Điền Hòa ngày mồng 2 Tết tại phường Phong Phú; hội Đu tiên Gia Viên ngày mồng 4 ở phường Phong Hiền. Huyện Quảng Điền tổ chức lễ hội vật làng Thủ Lễ; đua nghe thị trấn Sịa; hội cờ tướng. Thị xã Hương Thủy tổ chức hội đua trãi trên sông Vực; các hoạt động vui xuân tại cầu ngói Thanh Toàn…
Huyện Phú Vang có lễ hội cầu ngư tại làng An Bằng, xã Vinh An vào ngày 10 tháng Giêng. Quận Thuận Hóa có lễ hội truyền thống vật làng Sình ở phường Dương Nỗ; lễ hội cầu ngư Thuận An ở phường Thuận An…
Lễ hội đền Huyền Trân với chủ đề Ngưỡng vọng tiền nhân diễn ra trong hai ngày 5 và 6/2 (mồng 8, mồng 9 tháng Giêng). Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, ngày 11 và 12/2.
Ngoài ra, trong những ngày trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhiều hoạt động văn hóa cũng được các đơn vị tổ chức. Tại Đại Nội Huế, tổ chức lễ dựng nêu vào ngày 22.1 (tức 23 tháng Chạp); chương trình Tết Hoàng cung tại di tích cung Trường Sanh…
Hội xuân Ất Tỵ diễn ra 23/1 đến 2/2 tại các công viên bờ Nam sông Hương, với các hoạt động như: Hội vui xuân; trưng bày, triển lãm hoa, cây cảnh, đá; trình diễn và trưng bày thư pháp; sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Ngày hội Hoàng mai Huế diễn ra tại công viên Thương Bạc (quận Phú Xuân) từ ngày 17/1 đến 28/1. Hội hoa xuân từ 19/1 đến 28/1 tại công viên Phú Xuân. Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật chủ đề Mùa và con giáp tại trụ sở Tạp chí sông Hương…
Thông tin về mùa lễ hội 2025, tại buổi họp báo diễn ra sáng 20/1, UBND huyện Mỹ Đức cho biết, để chuẩn bị tốt công tác tổ chức Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025 nhằm phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt, Ban Tổ chức (BTC) lễ hội sẽ chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và nhân dân về tham quan lễ Phật.
Bên cạnh đó, Lễ hội năm nay sẽ có nhiều nét mới trong công tác tổ chức, quản lý Lễ hội chùa Hương năm 2025. Theo đó, BTC sẽ thực hiện việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò đảm bảo thuận tiện cho du khách về tham quan lễ Phật. Chất lượng phục vụ được nâng cao, du khách được cung cấp miễn phí nước uống, ô che nắng, mưa, thưởng thức các tiết mục múa rối, chèo, cồng chiêng...
Mỗi thuyền có một mã QR để du khách phản ánh. Ảnh: BTC |
Lễ hội du lịch chùa Hương 2025 có chủ đề Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5/2025 (tức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết mùng 4 tháng Tư năm Ất Tỵ). Lễ khai hội vào ngày 3/2 (tức mùng 6 tháng Giêng).
Điểm nổi bật của Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025 là BTC tiếp tục tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội với mục tiêu hướng đến khẳng định Chùa Hương là một điểm đến du lịch, văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Chính quyền địa phương và BTC lễ hội tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chỉnh trang cảnh quan, không gian lắp đặt panô, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường Tỉnh lộ 419 (từ Đốc Tín đi Hương Sơn) và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến để tạo cảnh quan cho du khách về tham quan thưởng ngoạn lễ hội.
Lễ hội có các chương trình như: Hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương gồm: Rối cạn Tế Tiêu – Thị trấn Đại Nghĩa, Cồng chiêng người Mường – xã An Phú, Hoạt động hát Chèo tại các câu lạc bộ trên địa bàn huyện…
Để giảm phiền hà cho du khách, tránh thất thoát nguồn thu từ phí cho ngân sách, huyện Mỹ Đức quyết định phát hành vé điện tử tham quan thắng cảnh tích hợp với sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò.
Hơn 3.700 thuyền đò của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Hương Sơn đã được sửa sang, sơn bằng màu xanh, trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che nắng, che mưa, ghế ngồi, nước uống miễn phí...
Mỗi xã viên lái đò có một mã QR để Hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách.
Thời gian phục vụ du khách bằng thuyền đò được bắt đầu từ 4h30 đến 20h hằng ngày.
Từ ngày 11 đến 18/3 (tức 12 tháng Hai đến 19 tháng Hai năm Ất Tỵ), huyện Mỹ Đức tổ chức Tuần lễ văn hóa - du lịch gồm các hoạt động hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương, gồm: Rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa), cồng chiêng người Mường (xã An Phú), hát chèo tại các câu lạc bộ trên địa bàn huyện…
Bên cạnh đó, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp gây phản cảm và việc sử dụng loa chào mời gây ồn ào trong khu vực lễ hội, bảo đảm công tác an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ.
Tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách; thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực lễ hội đưa đi xử lý tại các khu tập trung của thành phố.
Bố trí các điểm sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người, như cổng động Hương Tích, ga cáp treo, sân Thiên Trù, bảo đảm an toàn cho du khách.
BTC Lễ hội du lịch chùa Hương khuyến cáo, du khách về tham quan thắng cảnh, lễ Phật đầu năm cần chủ động trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sự, không chơi bài ăn tiền trên thuyền, không vứt rác thải bừa bãi...
Với gần 20 tiết mục nghệ thuật được đầu tư công phu từ ý tưởng nội dung tới cách thể hiện sáng tạo, đại nhạc hội Hoa xuân ca 2025 hứa hẹn mang tới bữa tiệc nghệ thuật rực rỡ sắc màu trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025.
Hoa xuân ca 2025 mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo. Với 3 phần: Xuân thời, Xuân tâm và Xuân sắc, chương trình vừa gợi nhiều ký ức thân thuộc về những mùa xuân Việt Nam qua các ca khúc nổi tiếng; vừa giới thiệu những tiết mục nghệ thuật giàu tính sáng tạo của những nghệ sĩ trẻ đang có những hoạt động nổi bật.
Sân khấu chương trình gồm nhiều mảnh ghép dịch chuyển như một trò chơi sắp đặt, liên tục mở ra những không gian mới mẻ, chuyển tải thông điệp ý nghĩa về mùa xuân, đậm bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối hoà quyện với tính hiện đại.
Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ hàng đầu như: danh ca Tuấn Ngọc, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Lam, các ca sĩ Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đen, Ngọc Anh, Hồ Quỳnh Hương, Rhymastic, Isaac, Lân Nhã, Quốc Thiên, Uyên Linh, Hương Tràm, Thùy Chi, Anh Tú, Thanh Duy, Tăng Phúc, Bùi Công Nam, MONO, Trang Pháp, Ly Ly, Dương Hoàng Yến, Phương Mỹ Chi, ca nương Kiều Anh, nghệ sĩ múa Linh Nga…
Hoa xuân ca 2025 mang đến bữa tiệc nghệ thuật rực rỡ sắc màu. Ảnh: VTV |
Đặc biệt, lần đầu tiên, ca sĩ Mỹ Tâm và rapper Đen cùng biểu diễn trong một tiết mục mash-up độc đáo từ hai ca khúc đã gắn bó với sự nghiệp của cả hai. Bốn giọng ca Tuấn Ngọc, Anh Tú, Lân Nhã và Quốc Thiên lần đầu cùng góp giọng trong một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
Cặp song ca Bùi Công Nam - Rhymastic cũng lần đầu song ca trên sân khấu với ca khúc đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Bộ ba Trang Pháp, Kiều Anh, Dương Hoàng Yến cùng hòa giọng và thử sức với làn điệu hát Xoan....
Bên cạnh âm nhạc, Hoa xuân ca 2025 còn mang đến câu chuyện của những tài năng Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, với nỗ lực đưa hình ảnh Việt Nam tươi đẹp ra với thế giới.
Thông qua các phóng sự, hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam sẽ hiện ra trong từng khung hình trau chuốt, từng câu chuyện kể đầy cảm xúc, qua đó mang đến hương vị Tết, "mùi" Tết gợi nhiều nỗi nhớ thương.
Chương trình được phát sóng vào 20h10 ngày 28/1/2025 (28 Tết) cùng lúc trên các kênh VTV1, VTV3, VTV8, VTV9 và VTV Cần Thơ.