Văn hóa nghệ thuật

Bản tin Văn nghệ ngày 31/12/2024

Việt Thắng (tổng hợp)
Âm nhạc
16:29 | 31/12/2024
Baovannghe.vn - Từ ngày 01 - 31/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 1 với chủ đề Xuân về trên bản làng.
aa

Đặc sắc các hoạt động văn hóa “Xuân về trên bản làng”

Từ ngày 01 - 31/01/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 1 với chủ đề Xuân về trên bản làng.

Hoạt động Xuân về trên bản làng sẽ giới thiệu các hoạt động nô nức đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, qua đó du khách thêm hiểu những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết cổ truyền, đặc trưng các dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp năm mới 2025.

BTC cho biết, có khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng)... sẽ tái hiện phong tục dựng cây Nêu ngày Tết, Bữa cơm đoàn viên, chương trình Hội xuân, dân ca dân vũ Xuân sum họp ... nhằm đem đến cho công chúng những trải nghiệm thú vị về phong tục, món ăn ngày tết của các dân tộc. Đồng thời, tham dự sự kiện, công chúng còn được thưởng thức âm nhạc dân gian, những bản nhạc về mùa xuân, về Đảng, Bác Hồ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc Khmer qua các dụng cụ từ tre nứa như đàn Đing pút, Đàn tơ rưng…

Bản tin Văn nghệ ngày 31/12/2024
Phong tục "dựng cây Nêu ngày Tết" tại "Ngôi nhà chung". Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Ngoài ra, du khách cũng sẽ được trải nghiệm một số trò chơi như: đánh chắt chơi truyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre… tại không gian trong nhà; đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh… tại không gian ngoài trời. Hoạt động dịch vụ theo nhu cầu của du khách như: không gian trải nghiệm tô tượng, tô tranh cát, chuồn chuồn tre, tranh gỗ, cá gỗ, tô vẽ tranh, trải nghiệm trang phục dân tộc…..

Hội An tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc chào năm mới 2025

Nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc sẽ được TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức để phục vụ nhân dân và du khách tham quan trong dịp chào năm mới 2025.

Mở đầu chuỗi hoạt động là chương trình Biểu diễn nghệ thuật đường phố diễn ra từ 18h30 ngày 30 và 31/12 tại Công viên Kazik trong khu vực phố cổ Hội An. Vào thời khắc đêm cuối năm 2024, khán giả sẽ được hòa vào không khí vui tươi, nhộn nhịp của các vũ điệu bùng cháy, đầy sức sống trong chương trình giao lưu âm nhạc Hội An - Xuân và Tuổi trẻ và Dạ hội Hội An chào năm mới 2025 diễn ra từ 20h30 ngày 31/12 tại Công viên Hội An. Chương trình sẽ kéo dài qua thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cùng sự tham gia của các ban nhạc, nhóm nhảy với tinh thần trẻ trung, sôi động chào năm mới 2025.

Bản tin Văn nghệ ngày 31/12/2024
Biểu diễn nghệ thuật đường phố sẽ diễn ra trong hai đêm 30-31/12 tại Công viên Kazik. Ảnh: BTC

Sáng ngày 1/1/2025, chương trình Đón đoàn khách đầu tiên tham quan Đô thị cổ Hội An năm 2025 diễn ra tại khu vực Chùa Cầu như lời chào đón nồng nhiệt đến tất cả những vị khách đã, đang và sẽ chọn Hội An làm điểm đến tham quan và trải nghiệm. Thành phố kỳ vọng tiếp tục nhận được nhiều tình cảm yêu thương của du khách và sẽ không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có, cũng như đổi mới, sáng tạo để mang lại nhiều sản phẩm du lịch mới để xứng đáng với tình cảm từ du khách bốn phương.

Xác lập kỷ lục trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer

Tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I - năm 2024, Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings đã xác lập kỷ lục Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Bản tin Văn nghệ ngày 31/12/2024
Biểu diễn nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer. Ảnh nguồn: Internet

Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của người Khmer Nam Bộ nói chung. Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã lưu giữ và thấm đẫm trong đó nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn và hết sức đặc biệt.

Đây là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer.

Loại hình âm nhạc này được xác định có ảnh hưởng xa xưa từ cung đình và tôn giáo của Ấn Độ cùng một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan... Sau đó, nhạc Ngũ âm được truyền vào nền văn hóa Khmer ngay từ thời tiền sử và tồn tại cho đến ngày nay.

Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.

Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ âm truyền thống gồm 9 loại: Kèn Srolay Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).

Thông qua âm nhạc này, mọi người được cùng hòa nguyện tâm hồn mình và tạo ra sự kết nối cộng đồng với nhau một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng lại hết sức bền chặt, sâu đậm.

Nhạc Ngũ âm của người Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng mang giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị tâm linh, đạo đức, giá trị nghệ thuật - thẩm mỹ và sự gắn kết cộng đồng. Trải qua thời gian, dòng chảy của di sản văn hóa này không ngừng được tiếp nối, bồi đắp và lan tỏa trong cộng đồng người Khmer qua các thế hệ.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc. Đặc biệt là Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, nhằm đưa nhạc Ngũ âm xứng đáng trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất quan trọng và tiêu biểu của cộng đồng người Khmer.

Thời tiết ngày 4/1/2025: Bắc Bộ nắng hanh. Nam Bộ có giông vài nơi

Thời tiết ngày 4/1/2025: Bắc Bộ nắng hanh. Nam Bộ có giông vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 4/1: Bắc Bộ trời rét. Bắc Bộ nắng hanh. Nam Bộ có giông vài nơi.
Tọa đàm " Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Trang Thế Hy"

Tọa đàm " Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Trang Thế Hy"

Baovannghe.vn - Tọa đàm " Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Trang Thế Hy" do Hội Nhà văn TP HCM và Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu phối hợp tổ chức tại TP HCM sáng 3/1
Thơ Dương Kiều Minh trong luồng sáng phương Đông

Thơ Dương Kiều Minh trong luồng sáng phương Đông

Baovannghe.vn - Trong nhóm các nhà thơ Hậu chiến xuất hiện từ 1975- 1995, thì Dương Kiều Minh vẫn là một gương mặt thơ cách tân rất đáng chú ý
Đầu ô chuyển gió - Thơ Lê Huy Quang

Đầu ô chuyển gió - Thơ Lê Huy Quang

Baovannghe.vn- Trời chuyển gió nên đầu ô vội vã/ Lạnh ngang đầu một mảnh khăn em
Xóm tôi. Truyện ngắn của Trần Bạch Vĩnh Long

Xóm tôi. Truyện ngắn của Trần Bạch Vĩnh Long

Baovannghe.vn - Do yêu cầu của công việc và do túi tiền hạn hẹp của viên chức Nhà nước nên vợ chồng tôi buộc phải sang nhượng lại phần đất trong xóm nhỏ này.