Văn hóa nghệ thuật

Bản tin Văn nghệ: Sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học

Việt Thắng
Điện ảnh
15:00 | 10/11/2024
Baovannghe.vn - Để có tác phẩm về đề tài lịch sử hay thì các nhà viết kịch bản, các đạo diễn, diễn viên phải sáng tạo hết mình và tin vào con đường sáng tạo đó.
aa

Hội thảo Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học

Ngày 9/11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, hội thảo Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà làm phim, chuyên gia và nhà phê bình điện ảnh trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho biết, xu thế sáng tác của điện ảnh quốc tế và Việt Nam cho thấy không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem các tác phẩm văn học như một "mảnh đất màu mỡ" để khai thác. Một thống kê cho thấy cứ năm tác phẩm điện ảnh thì có một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Nguồn Cục Điện ảnh
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Nguồn Cục Điện ảnh

Số lượng phim truyện sản xuất tại Việt Nam một năm là 40 phim, ở mức trung bình nhưng tiềm năng phát triển sản xuất phim rất phong phú, dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể kể đến như: phim Chị Tư Hậu (từ truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái); phim Con chim vành khuyên (từ truyện ngắn Câu chuyện một bài ca); phim Mẹ vắng nhà (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi); phim Bến không chồng (từ tác phẩm của nhà văn Dương Hướng); phim Trăng nơi đáy giếng (từ tác phẩm văn học của Trần Thuỳ Mai), Mê Thảo - thời vang bóng (từ truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), hay Đừng đốt (dựa trên cuốn nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm)…

Những tác phẩm trên là ví dụ về việc chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công, thể hiện sự sáng tạo trong việc chuyển từ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh.

Còn với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm như: Sao tháng 8; Hà Nội mùa đông năm 46; Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông… hay điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như Long Thành cầm giả ca; Những người viết huyền thoại; Mùi cỏ cháy; Đào phở và piano…

Hội thảo đặt ra những vấn đề đặt ra khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh; những nhận thức phù hợp khi làm phim khai thác đề tài lịch sử, đối với chính sử, huyền sử và dã sử; vấn đề nâng tầm và phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, kinh nghiệm quốc tế đã được bàn luận sôi nổi.

Tại Hội thảo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, dòng phim về lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học rất đáng trân trọng. Nhưng, việc chuyển thể hoặc làm phim về lịch sử gặp nhiều thách thức, từ chính các nhà làm phim, tác giả, khán giả, nhà sản xuất, nhà quản lý… Để có tác phẩm về đề tài lịch sử hay thì các nhà viết kịch bản, các đạo diễn, các diễn viên phải sáng tạo hết mình, tin vào con đường sáng tạo đó và các nhà quản lý phải có cách nhìn nhận khác biệt.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích phát triển dòng phim này, như đặt hàng làm phim về đề tài lịch sử, tổ chức các trại sáng tác về đề tài lịch sử hoặc hướng tới các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.

Những ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học tại Hội thảo giúp ngành Điện ảnh Việt Nam có được những nhận thức mới, những kinh nghiệm của Điện ảnh các nước trong việc làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh trở thành mũi nhọn trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Khai mạc Lễ hội hoa tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Tối 9/11, Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 10 với chủ đề Miền hoa thương nhớ đã khai mạc tại Quảng trường trung tâm thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc thể hiện sức sống mãnh liệt của bà con các dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn và vẻ đẹp của hoa tam giác mạch

Đây là một sự kiện lớn nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa nhân văn vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, nổi bật là giá trị cảnh quan từ hoa tam giác mạch.

Hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang. Ảnh: Nguồn Internet
Hoa Tam giác mạch ở Hà Giang. Ảnh: Nguồn Internet

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra hội thi trình diễn và giới thiệu trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện; hoạt động trải nghiệm dệt lanh, thêu thổ cẩm; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ truyền thống; trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương tại khu vực Phố cổ Đồng Văn.

Đặc biệt, với nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú, Lễ hội Hoa tam giác mạch hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thực tế cũng như được hòa mình vào thiên nhiên, đắm chìm trong những thảm hoa tím hồng đan xen giữa rừng đá mênh mông để cùng tận hưởng sự kỳ vĩ của đất trời, góp thêm những tri thức về văn hóa bản địa và tiếp tục cho hành trình mới trở lại Hà Giang.

Hà Giang muốn thông qua biểu tượng hoa tam giác mạch để tôn vinh, ngợi ca mảnh đất và con người đã vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững mảnh đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc.

Công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào ở Điện Biên

Ngày 8/11, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào được hình thành, phát triển qua quá trình lao động, sản xuất, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân.

Trước đó, ngày 9/4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào huyện Điện Biên và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý và khoa học, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tôn vinh các di sản văn hóa, đồng thời quảng bá, tuyên truyền, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Thiếu nữ dân tộc Lào ở Điện Biên thêu và dệt hoa văn thổ cẩm. Ảnh: Nguồn Internet
Thiếu nữ dân tộc Lào ở Điện Biên thêu và dệt hoa văn thổ cẩm. Ảnh: Nguồn Internet

Hiện tỉnh Điện Biên đã có 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó dân tộc Lào có 3 di sản là Nghệ thuật trang trí trên trang phục, Tết té nước và Nghệ thuật múa; có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 2 nghệ nhân là đồng bào Lào).

Dân tộc Lào là một trong 19 dân tộc ở Điện Biên, sinh sống tập trung trong 23 bản thuộc 9 xã của 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào được hình thành, phát triển qua quá trình lao động, sản xuất, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân.

Trang phục thổ cẩm của phụ nữ gồm: Áo, váy, khăn đội đầu, thắt lưng. Tất cả đều bằng vải nhuộm chàm, được thêu nhiều họa tiết hoa văn như hình voi, rồng, chim công, các loại hoa lá... với nhiều màu chỉ, kết hợp khéo léo các sắc màu để nổi bật hoa văn. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục của người Lào đều là tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời.

Việc tiếp tục được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.
Làm cô giáo - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Làm cô giáo - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Baovannghe.vn- Giữa trăm nghề em chọn làm cô giáo/ Phấn trắng bảng đen làm bạn đồng hành