Cụ thể, kết quả xếp hạng đại học thế giới "QS World University Rankings: Sustainability 2025" đã được công bố với 1.751 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới. Trong kỳ xếp hạng lần này, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học góp mặt, tăng 2 trường so với năm trước (Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng).
Sinh viên trường Đại học Đà Nẵng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học |
Cụ thể, 10 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng lần lượt là: Đại học Quốc gia Hà Nội (vị trí 325), Trường Đại học Duy Tân (vị trí 538), Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (vị trí 653), Đại học Bách khoa Hà Nội (702), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (880), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (921-930), Trường Đại học Cần Thơ (1.061-1.080), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (1.451-1.500), Đại học Huế (1.501+) và Đại học Đà Nẵng (1.501+). Đáng chú ý là sự thăng hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội khi được xếp hạng 325 thế giới (gia tăng 456 bậc so với vị trí xếp hạng trong top 781-790 tại kỳ xếp hạng 2024), xếp vị trí 51 của khu vực châu Á và số 1 Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội đã gia tăng điểm số ở tất cả các tiêu chí thuộc 3 tiêu chuẩn: Quản trị; tác động môi trường; tác động xã hội. |
Bảng xếp hạng QS WUR Sustainability đánh giá toàn diện các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới về cam kết và tác động của các trường đối với phát triển bền vững thông qua hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng. Bảng xếp hạng này cho thấy mức độ mà trường đại học đóng góp vào ba lĩnh vực chính: Tác động môi trường (Environmental Impact), Tác động xã hội (Social Impact) và Quản trị tốt (Governance).
Như vậy, với sự gia tăng số trường đại học được Tổ chức xếp hạng QS ghi nhận, đã và đang cho thấy giáo dục Việt Nam đang có những bước chuyển ngoạn mục về chất lượng, quy mô, đây cũng chính là nguồn nội lực để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.