Ngày nay trong “làng báo”, giả sử được hỏi: Có ai muốn quay lại kiểu làm báo thời bao cấp không? Chắc rằng vẫn có không ít những cánh tay giơ lên.
Là bởi thời ấy làm báo “khỏe” lắm. Bài vở cứ viết cho đủ trang đủ chữ. Báo cứ in cho đủ lượng phát hành; sóng phát thanh - truyền hình cứ phát theo thời lượng phân bổ, như kế hoạch đã được duyệt… Lương và nhuận bút cùng các khoản thù lao làng nhàng cứ lĩnh đều đều. Nhiều người ngoài làm báo còn có thời gian để làm thêm những việc khác, gọi là việc phụ, nhưng lại tạo nguồn thu nhập chính…
Chả bù cho ngày nay đối mặt với cơ chế thị trường là đối mặt với thách thức, với đầy rẫy khó khăn, trở ngại. Người làm báo phải thay đổi tư duy, từ bỏ lối làm việc rập khuôn. Làm báo trong cơ chế thị trường phải linh hoạt, sáng tạo liên tục mới mong đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của “thượng đế” khi họ đang no nê vùng vẫy trong cái thế giới phẳng rộng lớn, bát ngát đủ chiều, đậm đặc các luồng lạch, dòng chảy thông tin, truyền thông phong phú đa dạng. Mà không chỉ là cung cấp thông tin mới lạ, tin cậy, hấp dẫn… báo chí chính thống còn phải tích tụ hàm lượng dẫn dắt, định hướng thẩm mĩ, tư tưởng, chính trị cho đối tượng thụ hưởng sản phẩm của mình. Đấy là những thách thức rất lớn, bởi nền báo chí thụ động của chúng ta đã một thời gian dài bó mình trong cơ chế quan bao cấp. Sự bao bọc tưởng như là một nét ưu việt đó đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần được thay đổi cho đồng bộ, ăn khớp với sự vận hành của xã hội trong thời đại mới.
Nhìn lại những năm qua, từ khi “đánh vật” với cơ chế thị trường, báo chí Việt Nam đã từng bước tiếp cận, chuyển hướng tự chủ tài chính khi bàn tay ôm dắt và chiếc gậy bao cấp chống đỡ không còn. Giai đoạn này thực sự là một cuộc chiến khốc liệt. Nhiều cơ quan báo chí bị chao đảo, không thể gắng gượng. Báo không hay không người đọc đồng nghĩa với không lương, không thu nhập. Đài không hấp dẫn người xem chuyển kênh, raiting thấp hụt, quảng cáo quay lưng… Và rồi thời gian khắc nghiệt đào thải, thật đáng mừng đã xuất hiện những nhân tố mới, không chỉ trụ vững mà còn tích lũy được nguồn lực tạo đà cho những bước phát triển bền vững. Đó là những năm tháng báo chí truyền thông đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước, những năm tháng ghi nhận dấu ấn rõ nét của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và bài toán tự chủ tài chính được các cơ quan quản lí, chỉ đạo, tổ chức điều hành hoạt động khá hiệu quả. Sự đổi mới trong nội hàm mỗi chuyên đề, chuyên mục, mỗi bài viết… đi đôi với đổi mới hình thức thể hiện mang tính thẩm mĩ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm lý, thị hiếu, sở thích của công chúng. Những tờ báo, ấn phẩm mang hơi thở cuộc sống đã mau chóng định vị thương hiệu. Và cũng không ít những tờ báo không theo kịp tiến trình đổi mới phải tụt lại phía sau, lu mờ dần rồi lặng lẽ biến mất; thay vào đó lại là những tờ báo đã trụ vững và bắt đầu có đà phát triển. Lại thêm nữa những tờ báo mới ra đời, tự nguyện đứng trong đội ngũ báo chí thời cơ chế thị trường, với một tâm thế đầy hứng khởi, sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi. Sự mới mẻ đó đã làm cho bức tranh toàn cảnh của báo chí khởi sắc trên một dung mạo mới.
Tuy nhiên trong sự “năng động, xông xáo” ấy cũng đã xuất hiện những lệch pha, lệch chuẩn, như là tác dụng phụ của liều thuốc kháng sinh hạch toán gây nên. Một số tờ báo bị áp lực dồn nén đè nặng lên tâm lí phải vùng thoát khỏi nguy cơ giải thể, nên đã tìm đủ cách lách luật để tồn tại. Bắt đầu là sự bị động cực chẳng đã, rồi sau thì chủ động xé rào, phạm quy. Từ đó nảy sinh những tiêu cực tăng dần tới cấp độ nguy hiểm phải báo động. Dưới vỏ bọc “chống tiêu cực” không ít bài báo phê bình, các phóng sự điều tra của các “nhóm phóng viên” hoặc “tổ công tác chuyên biệt” được tác nghiệp rất công phu bài bản, nhưng chỉ nằm ở dạng bản thảo, không bao giờ lên mặt báo hoặc lên sóng. Sự “án binh bất động” của các dạng bản thảo này được đổi bằng những khoản thù lao nhuận bút khá đậm. Gọi là nhuận bút “đẹp” cho bài không bao giờ đăng hay phát sóng. Nghe nói đâu đó ở một quán cà phê hoặc quán nhậu trong phố thường có các cuộc “giao ban” của những nhóm phóng viên liên kết tự phát từ các cơ quan báo chí khác nhau, để cung cấp tài liệu điều tra về một đơn vị nào đó rồi dàn trận phân vai đồng loạt tấn công kiểu đòn hội chợ. Lại nghe nói có những phóng viên không cần nắm cơ sở, không cần khai thác tư liệu viết bài mà chỉ rình làm nhõn một việc là chuyên đếm tầng các nhà xây dựng trái phép để dọa đăng báo tống tiền. Những cách kiếm ăn liều lĩnh, quá đà như vậy đã bị các cơ quan pháp luật xử lý. Không ít những “con sâu làm rầu nồi canh” đã vướng vòng lao lí. Và các cấp quản lý, các cơ quan chủ quản phải gióng hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức báo chí, về lương tâm nghề nghiệp về trách nhiệm công dân thông qua những quy định, quy chế tác nghiệp nhằm chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc.
Trong quá trình tiếp cận và thực hành cơ chế thị trường, sự cạnh tranh, tìm tòi, đổi mới là rất cần thiết. Nhưng tìm tòi kiểu gì, cạnh tranh thế nào lại là những vấn đề không đơn giản. Điều đó phụ thuộc vào năng lực và phẩm chất đạo đức của người cầm bút và người điều hành tờ báo. Báo chí trong cơ chế thị trường, báo chí tự chủ tài chính, theo cách nói dân dã là “tự chan tự húp”, mặt sau của nó cũng có nhiều chuyện dở khóc dở cười. Đó là chuyện con nuôi con đẻ. Đứa thì lẳng xuống ao cho tự bơi, tự nổi; đứa thì vẫn được kín đáo ném phao, ném dây hà hơi thổi ngạt. Chẳng hạn tờ báo A đều đặn năm nào cũng được các doanh nghiệp khủng chống lưng thông qua các hình thức tổ chức sự kiện hay “hợp đồng tuyên truyền” theo gợi ý từ các cuộc điện thoại đặc biệt; báo B thì được bao tiêu sản phẩm đầu ra theo chỉ dụ của cơ quan chủ quản yêu cầu phải phổ cập báo đến các cấp để bạn đọc thấm nhuần tư tưởng đường hướng chỉ đạo v.v…
Có một hiện tượng khiến nhiều người trong giới báo chí băn khoăn là sau sắp xếp tinh giản các cơ quan báo chí thì một số tờ báo năng động, từng lăn lộn vật vã, đã thích nghi với cơ chế thị trường… lại rơi vào diện phải chuyển đối sang tạp chí hoặc sáp nhập với cơ quan báo chí khác. Số khác lại chưa rời vú mẹ, chưa được cai sữa hẳn, nghĩa là vẫn nương náu vào sự trợ giúp dưới các hình thức bao cấp khéo léo. Những tạp chí mới sau sắp xếp chuyển đổi, đa phần còn lúng túng trong quá trình tác nghiệp. Trong khi đó mạng xã hội cùng các “nhà báo công dân đang bung xõa rào rào, rầm rầm…
Những hiện tượng trên đây đang đặt ra cho các nhà báo cùng các cơ quan điều hành và quản lí báo chí những vấn đề cấp thiết xung quanh câu chuyện báo chí phải trụ vững và phát triển trong cơ chế thị trường. Quyết định số 326 QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lí báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã đi được hơn nửa chặng đường. Mục tiêu của Quyết định trên đây là sắp xếp lại hệ thống báo chí nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lí, xa rời tôn chỉ mục đích… Sắp xếp gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lí báo chí… để phát triển hệ thống báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Sắp xếp gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lí báo chí của các cấp ủy Đảng và chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Sắp xếp để mong có tổ hợp truyền thông, có tòa soạn đa phương tiện... Qua đó xây dựng đội ngũ những người làm báo có đủ năng lực và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.
Chỉ còn hai năm nữa là tới mốc 2025 theo yêu cầu của Quyết định số 326 QĐ-TTg. Những vấn đề tổng thể của quy hoạch, những hiệu quả tích cực, những lợi ích căn bản đạt được; cũng như những vấn đề cần sớm khắc phục, cần phát huy trong quá trình thực hiện quy hoạch… rất mong được các cấp có thẩm quyền đánh giá qua sơ kết, tổng kết để báo chí rút ra những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, những vốn liếng quý cho sự phát triển lớn mạnh của nền báo chí cách mạng nước nhà..
Nhà thơ Trần Gia Thái
Nguồn Văn nghệ số 25/2023