Tau Văn Rách đặt chiếc ba lô con cóc đã bạc màu xuống bên bờ suối. Anh cởi quần áo lội xuống dòng nước trong vắt chảy xiết qua những hòn đá trọc giữa lòng suối. Trưa. Mặt trời ngay giữa đỉnh đầu. Cái nắng ong ong oi ả. Không một làn gió. Những cây rừng đứng im phăng phắc như người già đang ngẫm nghĩ. Rẫy bắp thoai thoải đổ xuống từ lưng núi Đá Đen, lá bạc quắt khô vì thiếu nước. Thế mà con suối Cha Loai này từ bao đời nay vẫn chảy vô tư dường như không hề biết những cây bắp kia đang cần đến nó.
Lớp bụi đường đã theo dòng nước trôi đi, Rách khoan khoái ngồi trên một hòn đá rộng như mặt bàn ngay giữa lòng suối. Anh chống hai tay về phía sau, ngả người nhìn lên bầu trời xanh ngắt đang có những cuộn mây xám nặng nề trôi qua. Trời muốn mưa mà không sao mưa được nên không khí càng oi nồng. Rách đứng dậy mặc quần áo, xốc mạnh ba lô lên vai.
![]() |
Minh họa Lê Thiết Cương |
– Nhang(1) à, ai như anh Rách! Rách giật mình ngẩng lên. Trước mặt anh là một cô gái lạ. Chiếc áo xanh ngắn bó khít thân hình chắc khỏe, đang độ dậy thì. Cô gái gùi một gùi nặng sau lưng, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt bầu bầu. Cô không đẹp nhưng nhìn dễ ưa.
– Cô cũng người Đá Đen ta ư?
Khóe mắt mừng rỡ của cô hơi bị chùng xuống:
– Em ở Pa-lay(2) đầu suối, con ông Chamaléa Ta Ngây mà!
Rách khẽ reo lên, ngạc nhiên:
– Nhang à, Chamaléa Hươm ư? Chà lớn quá, mới ngày nào...
Cô gái vừa được nhận ra vui hẳn lên:
– Anh Rách về phép ư?
– Không. Được cấp trên cho về hẳn với suối Cha Loai này đấy.
– Thế thì thích quá, anh Rách nhỉ. Quê ta đang xuống núi định cư mà…
Tau Văn Rách bước qua mấy hòn đá giữa suối, bước sang bờ bên kia. Quê hương đang mở ra trong tầm mắt anh sau mỗi bước chân. Nhưng hôm nay tất cả cứ làm anh ngỡ ngàng. Thung lũng hôm nào chỉ toàn lồ ô, le, tre rừng, hôm nay đã được phát quang. Một con đường mới mở chạy từ đầu con suối Cha Loai này đến tận suối Pơ-e. Những ngôi nhà vách đất, mái tranh mọc đều đặn hai bên. Bà con người Rắc-lây thôi ở nhà sàn rồi. Làng định cư mà anh đã nghe trước khi trở về là đây. Nhà anh bây giờ có còn ở lưng ngọn núi Đá Đen kia hay là quây(3) đã cùng bà con xuống thung lũng? Nghĩ đến mẹ, Rách xoải những bước dài hơn. Anh mong được gặp mẹ quá chừng. Đã lâu Rách chưa về phép, chưa được ăn bắp trên rẫy người Rắc-lây rồi.
- Anh Rách à, về tới nhà rồi đó.
Giọng thánh thót của cô gái cùng đi, làm dòng suy nghĩ của anh bị đứt đoạn. Rách sững người. Chao! Đây là ngôi nhà của anh ư? Lần đầu tiên anh được thấy nó. Anh lạ lẫm như một người khác.
Từ trong nhà, một người đàn bà tóc xoăn, da đen láng, chiếc yếm đen nhăn nhúm không che hết ngực chạy ra, rồi dừng lại ngay ngưỡng cửa.
– Quây, quây à!
Rách nghẹn ngào gọi mẹ. Ôi mẹ già đi nhiều quá. Mẹ đã vất vả quá nhiều. Chiếc yếm của mẹ nhiều miếng vá thế mà chưa có cái mới. Anh lắp bắp:
– Quây, quây à, con về hẳn với quây đây.
Bà mẹ tựa lưng vào khung cửa, khuôn mặt bỗng bừng lên như có ánh sáng. Bà mừng quá không thốt được một lời, cứ ngó trân trân vào đứa con trai sức vóc của mình. Bà chỉ có một mình thằng Tau Văn Rách này thôi. Ông Chamaléa Nhiêng chồng bà chết khi Rách mới lẫm chẫm theo bà ra rẫy.
Đã ba tháng trôi qua kể từ ngày bí thư chi bộ xã Pinăng Thau mang quyết định của ủy ban huyện về việc định cư ba thôn người Rắc-lây trên dãy núi Đá Đen xuống thung lũng. Thế mà bây giờ mới chỉ có hơn một nửa xã xuống núi. Vẫn biết xuống thung lũng có nhiều đất để làm rẫy làm nương nhưng bà con vẫn lo những năm hạn như năm nay cây bắp sẽ chết hết. Ở lưng núi, hoa màu không tốt lắm nhưng sẽ không mất trắng khi trời thiếu mưa. Mới có ba tháng mà bí thư Thau nom già hẳn đi. Chi bộ họp lên họp xuống năm ba phen mới ra được nghị quyết. Thế mà ngay Đảng viên có đồng chí vẫn chưa chịu chấp hành, còn nói chi đến dân làng. Xuống núi là niềm mơ ước bao đời nay của người Rắc-lây. Chỉ có xuống thung lũng người Rắc-lây mới có thể trồng cây lúa lấy hạt thóc mà ăn. Trẻ con mới có thể đến trường mà học cái chữ. Thau nhớ Chamaléa Nhiêng trước khi chết trong một trận chống càn còn nắm tay anh căn dặn: “Thau, dân Rắc-lây ta một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Đến ngày thành công, Thau nhớ xin Đảng cho bà con Rắc-lây xuống núi. Người Rắc-lây ta phải gắng mà theo kịp các dân tộc anh em khác.” Người Đảng viên cộng sản đầu tiên của người Rắc-lây núi Đá Đen đã nói với anh như vậy. Thau mang lời Chamaléa Nhiêng nói lại với bà con, ai cũng gật gù, cảm động. Thế nhưng đến lúc phải rời làng thật sự thì... chà, chà…
Thau rất hiểu nỗi lòng của người Rắc-lây quê anh. Anh đăm đắm nhìn những vạt bắp đang héo đi mà thấy lòng mình như cũng héo theo. Khổ nỗi năm nay trời làm hạn đúng thời gian rời làng. Bởi vậy khi vận động, bà con nói nỗi lo âu của mình, chính Thau cũng chưa biết trả lời làm sao. Thau đang mải suy nghĩ thì Rách trong bộ quần áo bộ đội bạc màu bước vào. Thau đứng lên, hớn hở:
– Chi bộ núi Đá Đen ta lại có thêm một Đảng viên nữa đây. Rách à, cậu nhận nhiệm vụ trưởng thôn Đầu Suối thay cho Kator Băn đi học trường dân tộc trên tỉnh.
Rách xoay xoay chiếc mũ trong tay:
- Biết có làm nổi không mà nhận, anh Thau?
Thau vụt đứng dậy đập đập tay vào ngực mình:
- Làm được mà, Rách. Có nhớ những ngày chiến tranh ác liệt không? Ngày ấy bà con Rắc-lây ta đến không có cả bắp mà ăn, phải lấy hạt mít ăn trừ bữa. Thế mà vẫn có ngày hôm nay…
Rách băn khoăn:
- Người Rắc-lây ăn bắp đá mãi, cực quá đi anh Thau. Phải làm sao trồng ra hạt thóc, anh Thau à. Ngày còn ở bộ đội đi truy lùng bọn phỉ Phun-rô, em thấy bà con miền núi Tây Nguyên nhiều nơi trồng được lúa nương, lúa nước.
- Phải đấy nhưng biết lấy nước đâu mà tính chuyện trồng lúa. Để rồi thư thả chi bộ sẽ bàn. Việc trước mắt là đưa nhanh bà con vào cuộc sống định canh định cư, Rách nhớ nhé?
Rồi Thau đùa:
- Xong việc này mình thưa với quây cho cậu lấy vợ. Đã ưng cô nào chưa thì bảo?
Rách cười lắc đầu nhưng trong óc anh lại hiện lên hình ảnh cô gái mặt tròn trịa, mặc váy đen với một gùi nặng sau lưng nhìn anh từ bên kia con suối Cha Loai...
Vừa thu hái xong đợt bắp cuối cùng trên rẫy thì mùa mưa ập đến. Mùa mưa năm nay đến muộn hơn mọi năm. Con suối Cha Loai bỗng nhiên một đêm trở nên hung dữ. Nước đổ về ồ ạt, cuốn đi những gốc cây đã mục ruỗng nằm hai bên bờ. Đôi khi cả một bụi tre rừng bị nhô lên, nước xé ra rồi đánh dạt vào những khe đá.
Mùa rẫy mới đầy hứa hẹn đang đến. Sau trận mưa đầu tiên, số người xuống núi đông hơn. Trưởng thôn Tau Văn Rách hết lo dựng nhà dựng cửa cho bà con mới xuống, lại lo phát hoang khai hóa gần chục héc-ta đất chân núi, chuẩn bị làm ruộng lúa. Suốt ngày anh ở trên rẫy, tối về vừa buông bát bắp hầm Rách lại mang rựa mang đục ra đẽo cày. Ở quê Rách từ xưa đến nay chưa ai biết đến cái cày. Lên nương chỉ mang theo con dao phát cán dài, lưỡi cong nhọn. Phát rẫy xong chờ cho ông trời làm khô nỏ hạt, người ta dùng cây dài vót nhọn chọc lỗ bỏ hạt bắp mà thôi. Tra hạt xong chỉ còn việc đợi ngày hái bắp. Bây giờ trồng lúa, công việc mới quá, lạ quá. Những công cụ mới cũng làm họ ngỡ ngàng. Cả thôn này chỉ có mình Rách là biết vực con bò vào ách để cày. Hơn năm năm ở quân đội, đi nhiều nơi, Rách đã học được kĩ thuật làm lúa của người Kinh dưới đồng bằng.
Tất cả những việc gieo mạ, cấy lúa Rách cũng phải làm trước để bà con làm theo. Bây giờ thì cả con trai lẫn con gái thôn Đầu Suối này đã biết cầm cày. Có cái gì mới mẻ đã đến với người Rắc-lây vùng núi Đá Đen rồi.
Bây giờ đang mùa mưa thế mà mối băn khoăn lớn nhất của Rách lại là nước. Rách đề xuất mối lo ngại của mình trong cuộc họp thôn có đồng chí lại gạt đi “Đang sợ lụt thì Rách lại lo thiếu nước. Rách nghĩ quẩn rồi đó.”
Không. Rách không nghĩ quẩn, Rách lo cây lúa lúc trổ đòng lại thiếu nước. Kinh nghiệm ở những nơi trồng lúa cho Rách biết thế. Nhưng nào có ai hiểu với Rách điều đó.
Rách đi theo con đường mòn cỏ trang mọc đan kín, qua những nương bắp đang mơn mởn, qua ruộng lúa cây mạ non đang ngơ ngác lấy lại màu xanh. Anh đến bên con suối Cha Loai. Anh ngồi xuống phiến đá bàn bên bờ suối. Đang nóng nực, đến bên suối, Rách thấy dịu lại.
Tiếng suối không ngừng ào ạt miết đều vào không gian vốn tẻ nhạt. Trên cây gia lực lưỡng bên bờ suối bầy chim crao, crúc cứ đuổi nhau thả tiếng hót xuống một vùng yên tĩnh.
Nước. Điều Rách đang tâm sự là nước. Nước đây, nước suối đây. Rách bụm tay múc một ngụm nước đưa lên môi. Nước suối Cha Loai trong và ngọt. Con suối đã giữ cho anh bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu. Quây kể ngày nhỏ có lần Rách bị nước suối cuốn đi. Người cứu sống anh nào phải ai xa lạ mà chính là ông prọ(4) Ta Ngây. May hôm đó prọ đi cúng về ngang qua suối bắt gặp anh đang chới với giữa dòng lũ. Nhớ đến ông prọ, Rách vừa thấy xốn xang, vừa thấy bực dọc. Xốn xang là Rách nhớ đến cô Chamaléa Hươm, con gái ông. Bực dọc vì gần đây anh được biết ông Ta Ngây lại đi làm prọ, làm bầu dầu kiếm ăn lừa bịp bà con. Nhưng thôi xếp chuyện cha con ông prọ lại đã. Anh đang nghĩ gì nhỉ? Ờ phải rồi, nước. Nước. Nước. Con suối Cha Loai vẫn ào ạt trôi qua…
Cái tin anh trưởng thôn Tau Văn Rách định làm đập ngăn dòng suối lại không biết từ đâu và từ lúc nào bay lan cả sang thôn Đồng Thông và các thôn khác xa hơn. Dân thôn Đồng Thông có người lo sợ đã đến trách anh: “Làng Đầu Suối ngăn nước thì bà con Đồng Thông chết hết thôi. Cả vùng núi Đá Đen ta trông vào con suối ấy.” Còn bà con thôn Đầu Suối cũng nhớn nhác hoang mang. Ở đây nếp sống ngàn đời cố cựu đã thành quen ở cái vùng dân cư bị bỏ quên này, làm một việc gì khác đi đôi chút cũng khó khăn. Tin đồn đến tai bí thư Pinăng Thau.
Pinăng Thau gặp Rách:
- Giữ nước cho mùa hạn khô là việc cần đấy, nhưng việc này quan trọng lắm đây Rách ạ. Phải cẩn thận để bà con không mất lòng tin vào cán bộ ta nhé.
Cuộc họp bàn về việc làm đập vấp phải những trở ngại không nhỏ:
– Không được đâu Rách và làng Đồng Thông sẽ không có nước cho cây bắp uống.
Trưởng thôn Đồng Thông, một đồng chí già vừa hút thuốc vừa nói.
Một người khác tiếp theo, vẻ mặt hoảng hốt:
- Anh Rách, anh Thau, trẻ con các thôn đang bị lên sởi đó. Bà con đồn kakuchợ(5) sẽ giết hết trẻ con núi Đá Đen này nếu làng Đầu Suối đắp đập.
- Ai đồn thế?
- Prọ Ta Ngây, mà bà con tin lắm. Không đắp đập được đâu anh Rách, chết hết trẻ con thôi.
Rách run người khi anh nghe lời nói trên. Cái ông prọ cứu sống ngày còn bé, anh vẫn tạc dạ. Nhưng giờ đây ông ta mỗi ngày mỗi quá. Bí thư Thau trầm ngâm:
- Các đồng chí ạ, việc này lớn lắm, phải xin ý kiến huyện. Ngày mai tôi sẽ lên huyện. Rách cho tôi mượn cái bản vẽ nhé.
Tan cuộc họp, Rách bước đi mà lòng nặng trĩu. Anh chưa muốn về nhà vội. Đến suối Cha Loai, anh dừng lại ngồi xuống phiến đá quen thuộc. Trăng đêm nay sáng quá. Trăng càng ngời ngợi hơn khi anh nghe tiếng xvoa của hội mã-la vắng tới. Người anh cứ nao nao cả lên. Ôi tiếng mã-la(6), nó là tiếng lòng của người Rắc-lây. Những âm sắc lúc bổng, lúc trầm cứ đan quấn vào nhau, nghe rõ cả tiếng xạc xào của lá, tiếng róc rách của con suối, tiếng ầm ào của những trận đá lở. Tự dưng Rách thấy buồn. Anh tháo chiếc tưrưtịch(7) giắt bên người ra thổi. Tiếng kèn buồn buồn réo rắt như hòa tan vào dòng nước Cha Loai. Anh thổi say sưa, ngây ngất, quên cả vầng trăng trên đầu, quên cả sương đêm thấm ướt áo.
Khi Rách buông chiếc tưrưtịch xuống thì trước mặt anh lại là cô gái hôm nào. Cô Chamaléa Hươm tóc kẹp thành búi, chiếc áo đỏ nổi bật trên vuông váy đen.
- Anh Rách thổi tưrưtịch hay quá. Anh vấn thuốc cho em hút đi nào.
Rách vội vã mở bao thuốc trong chiếc túi đeo bên người. Anh lấy ra một lá ngô già, bỏ một nhúm thuốc vào đó vấn thành điếu đưa cho cô gái. Rồi anh vấn điếu khác cho mình, bật lửa châm cho cô và hai người cùng hút.
- Anh Rách thổi tưrưtịch hay nhưng nghe sao buồn quá.
Câu hỏi của cô gái khêu lại nỗi khắc khoải của anh. Rách lại nhớ đến ông Ta Ngây và những lời đồn đại trong thôn. Anh trả lời cô, giọng lạnh nhạt hẳn:
- Buồn là vì trong thôn còn có người phá hoại việc xây đập đấy cô Hươm à.
- Ai vậy anh Rách? - Hươm hỏi rất hồn nhiên.
- Cô cũng biết đấy, cô Hươm. Ông prọ Ta Ngây chứ còn ai nữa.
Cô gái buông rớt điếu thuốc sâu kèn hút dở xuống dòng suối, kêu lên:
- Prọ Ta Ngây? Ama ơi!
Bí thư chi bộ Pinăng Thau từ huyện mang theo sự chấp thuận của cấp trên cho thôn Đầu Suối đắp đập Cha Loai làm thủy lợi nhỏ. Tau Văn Rách vui hẳn lên. Sáng hôm sau anh cho bà con trong tập đoàn sản xuất của thôn nghỉ buổi rẫy, ra suối Cha Loai đắp đập. Cô Chamaléa Hươm cũng có trong đám thanh niên đi làm nhưng sao hôm nay mặt cô buồn rười rượi. Hai con mắt cô mọng lên như vừa khóc. Cô lặng lẽ như một cây nấm rừng, chẳng trò chuyện với ai.
Rách như con sóc thoắt chỗ này, thoắt chỗ khác. Một ngày lao động đi qua, thôn Đầu Suối đã đắp được một đoạn đập nhỏ. Cứ thể được mấy ngày. Nhưng đến một buổi sáng, mặt trời đã dát vàng lừng núi Đá Đen mà số người đi làm chưa được bao nhiêu. Rách sốt ruột, anh đi đến từng nhà một gọi người ra suối.
- Camôn(8) nhà tôi lên sởi rồi, anh Rách, tôi phải ở nhà thôi - bà popul Nhía rầu rĩ nói.
Có người còn té tát :
- Anh làm cho kakuchợ tức giận rồi. Kakuchợ sẽ làm ốm hết trẻ con thôn này thổi. Đừng đắp đập nữa anh Rách.
Rách lũng thững về suối. Bây giờ anh mới nhìn kĩ đoạn đập mới đắp đã bị xoáy lở vì con lũ đêm trước. Chỉ còn lại đám thanh niên đi làm, dáng uể oải. Không khí có vẻ căng thẳng, nặng nề.
Tối về đến nhà quây bưng nồi bắp lên. Rách hết mở ra lại đậy lại. Anh không thấy muốn ăn.
- Khéo ốm rồi đấy con ạ. Con nhớ làm gì cũng phải trông vào bà con đấy.
Anh quay sang mẹ, ngước cặp mắt đầy lo âu:
– Quây à, trẻ con núi Đá Đen này lên sởi nhiều quá. Lẽ nào có kakuchợ thật làm cho chúng ốm hả quây?
Quây nhìn anh, thương anh quá:
- Quây bằng đây tuổi đầu rồi, quây đã ăn bắp hơn năm chục mùa rẫy, chưa bao giờ quây thấy kakuchợ. Nhưng quây cũng chưa thấy ai dám ngăn sông, ngăn suối lại đâu.
Bây giờ thì không chỉ riêng chuyện đắp đập nữa. Không chữa hết bệnh cho lũ camôn thì cha mẹ chúng sẽ không đi làm. Rách lo, rủi nhỡ có đứa nào chết thì cả thôn sẽ tin vào lời prọ Ta Ngây. Chao ôi! khó nghĩ làm sao, tính chuyện này lại nẩy việc nọ ra.
Rách đang bươn bả trong nỗi khổ tâm thì một cậu dân quân xách súng đến thập thò trước cửa.
- Báo cáo anh Rách, prọ Ta Ngây đang lén lút cúng cho con bà Pơpul Nhía. Ông ấy lấy của bà Nhía một chai rượu và một con gà mái đang đẻ.
Nghe đến chuyện cúng bái của ông Ta Ngây, lòng Rách giận bừng lên. Anh với chiếc áo, đứng lên:
- Cậu chờ đi với mình đến chỗ ông prọ.
- Rách, con phải nhớ ơn cứu mạng của ông Ta Ngây. Đừng làm gì mang tiếng bất ơn bất nghĩa nhé. - Quây chạy theo căn dặn.
Rách băng qua mấy nương bắp đến cửa nhà ông prọ. Trong căn nhà hẹp dưới ánh sáng lù mù của một miếng ngo cháy, ông prọ Ta Ngây đang cúng vía cho đứa con bà Nhía. Thấy Rách, ông dừng lại. Mặt ông dưới ánh lửa đanh quánh lại như vạc từ gốc cây ra. Bà pơpul Nhía sợ hãi:
- Tôi lạy anh Rách, anh để ông prọ cúng cho thằng pơpul Xem nhà tôi. Nó sắp chết rồi đây. Kakuchợ sắp bắt nó đi rồi.
Không khí trong nhà u ám, nặng trĩu, bay mùi khét thơm của nhựa thông bị cháy. Nghe thấy cả tiếng nổ lép nhép của củi đang cháy xen vào tiếng dấm dứt của bà mẹ đứa trẻ ốm.
- Bác Ta Ngây, tôi nghe tin bác lại đi cúng.
Ông Ta Ngây ngẩng mặt lên, chăm chăm nhìn ngọn lửa:
- Bà con yêu cầu tôi mà, ông trưởng thôn.
- Bác Ta Ngây, các prọ, bàn dần đã được học tập. Bác đã hứa trước bà con, trước chính quyền…
Ông prọ quay sang bà Nhía:
- Thôi, tôi cúng đủ các kaku rồi, bà cho cháu về - ông nhúm cho bà nắm lá khô - đun cái này lên, lấy nước cho nó uống.
Người đàn bà bế con bước ra, chỉ còn lại ông thầy cúng và người trưởng thôn…
- Bác Ta Ngây, cháu không bao giờ quên ơn bác. Quây cháu luôn nhắc tới bác. Nhưng cháu là trưởng thôn. Bà con vẫn nhớ bác… xưa là một du kích. Bác đã nuôi cán bộ, theo cách mạng, lẽ nào bây giờ...
Ông Ta Ngây cảm động, người khẽ rung rung:
- Tôi biết lắm chứ. Tôi cũng khổ tâm lắm chứ. Nhưng không cúng lấy gì mà ăn. Năm nay mùa bắp mất vì hạn mà...
Nghe ông Ta Ngây nói, Rách bỗng xôn xao. Anh cố giấu sự vui mừng của mình. À, thì ra ông ta đi cúng cũng là do người Rắc-lây chưa làm ra đủ cái bắp mà ăn. Anh lại nhớ đến dòng suối, đến những ruộng lúa mới cấy:
- Vâng, năm nay mùa màng có thất bát. Nhưng bác ạ muốn cuộc sống đỡ cực nhọc phải định cư thôi. Phải trồng lúa mà ăn như người Kinh, bác Ta Ngây ạ. Mà trồng lúa thì phải có nước. Nước ở con suối Cha Loai ấy bác Ta Ngây.
Ông già cầm mãi điếu thuốc trên tay, không hút:
- Tôi không lừa dối bà con đâu. Tôi đâu ác như con hổ, độc địa như lũ rắn. Cái nắm lá mà anh vừa thấy đó... Lũ trẻ sẽ khỏi thôi anh khỏi lo. Nhưng đắp đập thì không được đâu. Người Rắc-lây ta từ ngày sinh ra từ một hòn đá đến nay chưa làm thể bao giờ.
- Người Rắc-lây theo Đảng, theo Cách mạng sẽ làm được bác Ta Ngây à - Rách vụt đứng dậy sôi nổi.
Đã một tuần lễ trôi qua kể từ ngày trưởng thôn Tau Văn Rách cho bà con thôn Đầu Suối làm đập. Hai lần con đập của anh vừa bắt đầu lấy được hình dáng của nó thì hai lần con nước phăm phăm đạp đổ. Trong thôn đã nhiều người tin kakuchợ không cho người chạm đến mình. Nhân khi ba-na chín trên rẫy cũ, Rách cho bà con nghỉ để thu hái.
Vào một buổi chiều khi bầy chim sáo giang đôi cánh màu tro bay về tổ, có một người lạ mặt ngơ ngác đi vào thôn. Dân quân thôn Đầu Suối ngỡ là kẻ gian liền giữ lại. Người đàn ông còn trẻ, có bộ râu quai nón cười hiền hậu:
- Cho hỏi nhà trưởng thôn Tàu Văn Rách nào.
Cậu dân quân chưa học xong chương trình xóa nạn mù chữ không sao đọc nổi hết chữ trên tờ giấy mà người lạ mặt đưa cho, đành phải tự mình dẫn người ấy về tìm trưởng thôn.
- Chào đồng chí Rách. Tôi là Vũ cán bộ thủy lợi. Chủ tịch Biên cử tôi về thôn Đầu Suối ta…
Rách vừa đọc tờ giấy giới thiệu của huyện vừa reo lên:
- Cán bộ Vũ về giúp thôn Đầu Suối đắp đập ư? Thế này thì hay quá. Làm sao chủ tịch Biên biết được thôn Đầu Suối chưa làm được đập?
- Biết chớ, Chủ tịch Biên còn bảo: “Thôn Đầu Suối này là đơn vị miền núi đầu tiên trong tỉnh làm thủy lợi nhỏ đấy.”
Uống chưa cạn bát nước nấu vỏ quế, Vũ đã đòi Rách đưa anh ra con suối Cha Loai. Anh tìm tận đến chỗ con suối đi ra từ lòng núi. Anh đi đến mọi con rẫy, đến tận Đồng Thông bờ con suối Pơe. Hôm sau Vũ ngồi ở nhà suốt ngày. Anh lúi húi tính toán rồi lên sơ đồ. Rách đi rẫy mà cái bụng cứ muốn tìm về nhà. Buổi chiều vừa treo con dao lên, Rách đã vội hỏi:
- Cán bộ Vũ ơi, thế nào thôn Đầu Suối có đắp đập được không?
Vũ cười, anh đang tập vấn thuốc lá bằng vỏ bắp.
- Rách à, phải chặt nhiều tre rừng để đan sọt, đan rọ đựng đất, đá. Phải khơi dòng suối nhỏ hơn dòng Cha Loai này đưa nước vào đập. Như vậy mới tránh được lũ phá đập, vừa để cho Đồng Thông cũng có nước. Mình đi xem rồi, ở Đồng Thông cũng có nhiều đất trũng trồng được lúa. Mình sẽ đề nghị bí thư Thau cho cả Đồng Thông làm đập.
Lại hơn một nửa tháng trôi qua. Mùa mưa thường ngắn và chóng kết thúc. Con suối Cha Loai chừng như cũng đã mệt mỏi, dần dần hiền lại.
Bà con thôn Đầu Suối đã làm xong đập nước của mình. Rách định bụng sau vài bữa nghỉ ngơi anh sẽ dẫn một nhóm thanh niên xuống thôn Đồng Thông để giúp thôn dưới đắy đập. Đêm hoàn thành đập, thôn Đầu Suối tổ chức một hội mã-la. Đó là hội Atopakrúc với bảy chiếc xvoa. Bộ mã-la duy nhất mà ông bà để lại cho thôn Đầu Suối này đủ bảy chiếc. Đêm không trăng nhưng đống lửa lớn đã được đốt lên trên bãi rộng giữa thôn. Bí thư Thau và Rách mỗi người đeo một xvoa lên vai cùng nhảy, gõ bên đống lửa. Bảy chiếc xvoa chất chứa niềm tâm sự của người Rắc-lây bao đời nay, chất chứa bao âm thanh huyền bí của núi rừng, bây giờ đang trả lại những âm thanh ấy cho cuộc sống qua những bàn tay khéo léo. Chơi xong mấy bài mã-la, Thau và Bách đưa xvoa cho mấy cậu thanh niên. Bí thư Pinăng Thau vừa uống chén rượu cần, vừa nói với cán bộ Vũ:
- Anh Vũ có bằng lòng về đây làm một người dân của vùng núi Đá Đen này không?
Trong khi bí thư Thau trò chuyện với anh cán bộ thủy lợi, Rách đảo mắt khắp đám hội, không thấy cô Chamaléa Hươm con ông Ta Ngây đâu. Anh lặng lẽ rời khỏi sân đi về phía dòng suối Cha Loai. Đây rồi, bên dòng suối Cha Loai, cô con gái đẹp nhất thôn Đầu Suối đứng tựa gốc cây gia mắt nhìn mãi vào dòng nước đang trôi.
- Chamaléa Hươm không vui hội với bà con?
Cô gái quay lại. Cặp mắt đen đượm buồn:
- Anh Rách à. Bà con thôn Đầu Suối chắc là khinh cha con prọ Ta Ngây?
- Đừng nghĩ xấu cho người Rắc-lây ta. Bà con biết ông Ta Ngây bây giờ thôi đi cúng, biết ông chữa hết bệnh cho lũ camôn.
Gương mặt cô gái rạng rỡ trở lại. Cô từ từ ngồi xuống phiến đá bàn bên bờ suối. Đúng lúc ấy tiếng kèn talakarâ cất lên những âm thanh réo rắt, náo nức của nỗi lòng. Tiếng đàn những vượt qua ngọn cây gia, vượt qua nương bắp đang trổ cờ, hòa với tiếng suối Cha Loai bay đi rộn rã khắp triền núi Đen. Tiếng kèn quyện hai nỗi lòng đang xao xuyến tìm đến nhau bờ con suối Cha Loai này.
(1) nhang: trời, ông bà.
(2) pa-lay: làng, thôn.
(3) quây: mẹ; người Rắc-lây con cái mang họ mẹ.
(4) prọ, bàn dần: thầy cúng, thầy phù thủy.
(5) kaku: thần; kakuchợ: thần núi.
(6) mã-la; một loại nhạc cụ gồm 5 hoặc 7 mặt đồng (xvoa) chơi trong những ngày hội, đặc biệt là ngày hội Atôpak rác (hội làng).
(7) tưrưtịch: nhạc cụ giống như kèn môi, dùng để trai gái tỏ tình.
(8) camôn: đứa bé.