Đúng một thập niên trước, Patrick Modiano đã được trao giải Nobel Văn chương 2014 vì qua “nghệ thuật kí ức” độc đáo đã họa lại một đoạn lịch sử đầy biến động của nước Pháp trong thời Đức Quốc xã. Tuy vậy, văn nghiệp của ông còn vượt thoát khỏi giai đoạn nói trên, để đến với những giai đoạn cũng đảo điên không kém mà Biệt thự buồn là một trong số đó.
Đây được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu, điển hình và dễ đọc nhất của ông. Không như Những đại lộ vành đai, Kho đựng nỗi đau, Quảng trường ngôi sao... tập trung vào Đệ nhị Thế chiến cũng như thủ đô Paris thường trực gắn bó, Biệt thự buồn lại lấy bối cảnh những năm 1960 khi Pháp tiến hành chiến lược xâm lược Algeria và lớp thanh niên của giai đoạn này. Vẫn bằng nghệ thuật viết là các dòng văn mang tính tự sự và đầy hoài niệm, Modiano đã viết về vẻ đẹp và sự u hoài của tuổi trẻ, đặt trong sự bất định và vỡ mộng của thời thế, từ đó tạo ra những trải nghiệm chung mang tính phổ quát dù họ xuất thân từ đâu hay dự phần gì trong cuộc đời này ở thời điểm nào.
Cuốn sách theo chân một chàng trai 18 tuổi tự xưng là một bá tước người Nga tên Victor Chmara rời Paris để đến với một thành phố suối nước nóng hẻo lánh nhằm trốn lệnh tổng động viên lên đường đến chiến tranh ở Algieria. Tại vùng đất giáp biên giới Thụy Sĩ, anh đã lánh mình vào không khí chung của nhà trọ Bồ Đề thuộc dạng hạng sang gồm những người cũng xa lạ như mình để tránh thế sự. Một ngày tình cờ ở khách sạn Hermitage anh gặp được 2 người rất trẻ: nàng Yvonne và anh bạn Meinthe, từ đó bộ 3 lên đường “khuấy đảo” vùng đất ủ ê từ đó mở ra kỷ niệm và những nỗi đau không dễ xóa mờ.
Ở tác phẩm này, Modiano đã thoát khỏi những lát cắt cuộc đời và dựng nên những nhân vật hấp dẫn, lôi cuốn không ngờ, nhưng cái ủ ê và sự lạnh lùng về mặt cảm xúc thì vẫn nguyên đó. Tác giả cho thấy khả năng ấn tượng trong việc xây dựng tính cách nhân vật của mình để từ đó hiện lên một “cô gái Pháp bé nhỏ” Yvonne “tuyệt diệu”, người như bảng lãng giữa cuộc đời này và không có cọc neo nào níu giữ cô lại. Ngược lại hoàn toàn với nhân vật này là Meinth – một bác sĩ về xương – người có cuộc sống phóng đãng và đầy niềm vui khi không ngần ngại che giấu con người thật sự. Cùng chú chó Oswald như mắc chứng sầu muộn Bồ Đào Nha, cả 3 nhân vật đã cùng khám phá lạc thú trần gian và một tuổi trẻ mãi mãi không bao giờ có lại.
Đúng với danh xưng “người du hành quá khứ”, câu chuyện của ông hiện lên tất cả sự đẹp và buồn. Có cảm giác dường như những thứ bất toàn – từ sự bất định, lo sợ của nhân vật Chmara cho đến cái bốc đồng, hoang dại của bộ ba – đều là chiếc hộp Pandora tỏa ra sức hút từ sự bí ẩn. Modiano cảm nhận mọi thứ qua 5 giác quan, vì thế những kỷ niệm đã được phác họa như đang hiển hiện ngay trước mắt ta. Chẳng hạn trong sự e sợ bị phát hiện và cưỡng bức sang Algeria của Chmara, ta vẫn thấy đó là cái thẩm mỹ trong từng vạt nắng hắt xuống lòng đường lốm đốm hay một vòng ôm đậm tính ủi an của những vòm cây tỏa hai bên đường khi anh tha thẩn lê bước dọc xuống lối đi...
Hay trong cuộc gặp mặt tại nhà của Rolf Madeja – đạo diễn bộ phim mà Yvonne thủ vai – thì buổi truy hoan của dục tính ấy cũng được bảo toàn một cách nguyên bản, qua mắt nhìn từ ánh sáng của đèn Trung Quốc, từ ánh trăng soi vào cửa sổ, qua mùi hương hoa nhài, qua vị the của ly diabolo bạc hà có vị “biển cả uống vào ngày nóng và cả xúc giác đó là ngón tay cọ vào bàn tay”... Các miêu tả của Modiano tinh tế, thấm đẫm sự hương xa và tính hoài nhớ, từ đó hiện ra trước mắt như một cảnh phim cổ điển đầy vẻ đẹp của những buổi ấy. Cũng như Michael Ondaatje trong Warlight, bộ 3 và những chuyến đi của họ cũng đẹp như thế, trong cái ủ ê của tháng ngày và sự bất định của tuổi trẻ.
Ở tác phẩm này, Modiano đã thoát khỏi những lát cắt cuộc đời và dựng nên những nhân vật hấp dẫn |
Và ngay cả trong buổi ấy, một trong những chủ đề lớn của Modiano cũng trở lại là sự lạc lối và vô phương hướng của kiếp người ngắn ngủi. Nếu những tác phẩm được cấu thành từ những lát cắt của cuộc đời mình ta thấy hiện lên một Modiano-gián-tiếp bị bứt gốc khỏi cha mẹ, sống trong áp bức mà không thể biết con người thật của bản thân mình là ai dưới lớp vỏ Do Thái... thì Chmara (hay một Modiano-gián-tiếp-khác) cũng sở hữu điều đó. Xuyên suốt cuốn sách ta không thể biết anh thật sự là ai ngoài cái tên Victor Chmara giả dối. Ta cũng không biết liệu những chi tiết về Alexandria, Nga... mà anh đưa ra có là thật không? Bao phủ lên nhân vật này là lớp sương mỏng của những thứ không xác định, của một người đã bị sự tàn bạo của thời thế và cái bốc đồng của tuổi trẻ xóa đi danh tính thật sự của bản thân mình.
Không chỉ anh mà cả Yvonne và Meinthe cũng sở hữu chung những tính chất này. Đọc hết cuốn sách, ta vẫn không biết cả hai người họ xác thực là ai và đến nơi này để mà làm gì ngoài vài dữ kiện ít ỏi mà chính Chmara tự mình tạo ra. Ở đây, nhân vật người kể chuyện của Modiano dấn bước vào tác phẩm để gợi ra những câu chuyện cho ta suy đoán về cả 2 nhưng không bao giờ khẳng định điều gì. Nếu ta biết được một chút về Yvonne qua cuộc gặp gỡ với người chú của cô, thì với Meinthe là qua những cuộc điện thoại gọi ngay trong đêm của một Henri Kustiker có hành tung bí ẩn nào đó. Họ hấp dẫn nhau bằng sự ẩn danh hay vô danh tính, họ là những người dường như không có thật trên đời mà chỉ tồn tại như một huyền thoại. Họ là lẽ sống của nhau, vì qua họ, mà ta biết được những người còn lại vẫn đang ở đó. Và cũng có thể vì không mang nặng nỗi đau nhân thế khi được là người, mà trong một chi tiết độc đáo, Modiano đã tả cả 3 người họ như trôi lững thững trong trục thời gian, khi Yvonne và Chmara nửa mê nửa tỉnh bò khắp căn phòng như loài côn trùng chưa biết đến tên, còn Meinthe thì cũng bặt tích và chỉ xuất hiện qua đường điện thoại...
Phóng to khỏi cốt truyện chính, Modiano đã đứng từ xa để nhìn những gì mình tạo tác ra. Cho đến cuối cùng, ta biết được điều ông vốn dĩ đến từ 12 năm sau cái mùa hè ấy, nơi tình yêu đầu đời tan vỡ và những ước vọng cũng đã không còn. Và tính bất định lại một lần nữa đã được xác quyết khi ông viết rằng lần trở này như đang viếng thăm thành phố đã mất, từa tựa Berlin không còn như cũ ở thời hậu chiến. Tất cả chỉ là kí ức, nhưng là kí ức không hề trọn vẹn. Điều đó lý giải vì sao ở chương đầu tiên ông chỉ đơn thuần là liệt kê lại những gì từng có ở đó: từng quán cafe, từng sân golf, từng cửa hàng, từng ngã tư... vì đó là thứ làm rối trí ông. Cũng như Lai lịch triệt để liệt kê những cái tên trong danh bạ điện thoại, người đọc có thể khó chịu ở những phút đầu để rồi sau đó nhận ra chính mình đang được dẫn vào một vùng ký ức, mà đó trực tiếp là hệ quả của những mất mát và sự bất định giờ đã không còn.
Có thể nói ở Biệt thự buồn những gì hay nhất, đẹp nhất và đặc trưng nhất của một Patrick Modiano đã được hiện ra như sự nối dài từ những cuốn trước của ông. Tựa gốc cuốn sách là Villa triste, và đúng như thế khi ta đọc nó, từ “triste” và dư âm vang vọng cũng như cái lưỡi đặt giữa khuôn miệng từ từ hạ xuống là sự động cựa của quá khứ qua đi được tái hiện lại trong một nỗ lực gần như vô vọng. Một tác phẩm đẹp và buồn của những con tim trong một mùa hè tuổi trẻ rực lửa.