Sáng tác

Bữa cơm ngày hòa bình đầu tiên. Tản văn của Đặng Huy Giang

Đặng Huy Giang
Tản văn 08:00 | 01/05/2025
Baovannghe.vn - Vì thế, lúc này đây, những khoảng lặng hiện ra trước mắt tôi thật khác thường. Chúng là những khoảng lặng hòa bình.
aa

Trước mặt tôi là những khoảng lặng.

Khoảng lặng của những bông điệp đỏ chói. Khoảng lặng của một cây cầu vắt ngang một con kinh xáng. Khoảng lặng của một chiếc ghe tam bản im lìm ở thế cập bến, tựa bờ. Khoảng lặng của một đứa trẻ đang cầm trên tay một con diều giấy…

Bữa cơm ngày hòa bình đầu tiên. Tản văn của Đặng Huy Giang
Cánh diều. Ảnh: Hồng Minh

Đối với nhiều người, ở những thời điểm không có gì đặc biệt, có thể đây chỉ là những khoảng lặng bình thường. Những đối với những người lính như chúng tôi, lại khác.

Bởi vì đã nhiều đêm rồi, chúng tôi sống giữa rừng tràm, rừng đước, giữa những bờ cây bình bát, trâm bầu trong khung cảnh “trên bờ muỗi vắt/ dưới sông lục bình”…

Bởi vì nhiều đêm rồi, chúng tôi thường qua lại trên kênh rạch và những con sông nhỏ, trên một con xuồng luôn chất chứa hy vọng…

Bởi vì mới đêm hôm qua thôi, chúng tôi còn lội sình, đạp nước mà đi, từ bóng tối hướng tới ánh sáng, từ nông thôn hướng tới thị thành.

Bởi mới đêm hôm qua thôi, chúng tôi còn lầm lụi chặt cây, đào hầm bao vây Chi khu Long Hồ (Vĩnh Long) và suýt nữa thì có lệnh… khai hỏa. Mà một khi khai hỏa, chắc chắn sẽ có đổ máu ở bên này, bên kia. Vào thời điểm khác, không nói làm gì. Còn ở thời điểm này thì rất không nên và thật đáng tiếc. Bởi vì đêm hôm qua là đêm 30 tháng tư, Sài Gòn đã giải phóng.

Cũng may là ở trong Chi khu Long Hồ, Trung đoàn 16 của phía bên kia đã tự giã từ vũ khí, tự giải thể về làm dân bằng cách bắn loạn xạ lên trời những loạt đạn thất thanh, hoảng loạn. Đó là những tiếng nổ cuối cùng báo hiệu nhiều thứ sắp kết thúc. Với chúng tôi, chiến tranh đã ra đi theo cách như vậy.

Rồi chúng tôi bỏ Chi khu Long Hồ, theo lộ 4, hối hả vào giải phóng thị xã Vĩnh Long.

Vì thế, lúc này đây, những khoảng lặng hiện ra trước mắt tôi thật khác thường. Chúng là những khoảng lặng hòa bình.

Bất chợt, một bà má đến sát bên tôi từ lúc nào, vỗ vai tôi khiến những khoảng lặng của tôi vụt biến mất và tôi không khỏi giật mình. Bà má hỏi:

- Con ở đơn vị nào? Tiểu đoàn 307 hả?

- Dạ, không. 307 vào giải phóng theo hướng khác. Thế má hỏi 307 để làm gì?

- Tìm một đứa cháu, cũng là bộ đội như con.

Rồi tự nhiên, bà má hát: Ai đã từng qua Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy… Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy… và nói: Má biết bài hát này từ hồi “chín năm” kia. Nghe đâu lời ca là của ông Nguyễn Bính đấy, cái ông có câu Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn/ Hai người sống giữa cô đơn… đấy.

- Tìm mãi không thấy. Cứ tưởng vui quá, cậu biến đi đâu mất rồi cơ! Thôi! Chuẩn bị vào ăn cơm đi. Cả đêm qua toàn hành quân, không ngủ, đã được ăn được uống gì đâu. Bọn mình sẽ ăn cơm trong một gia đình giáo viên. Gia đình này mời chúng ta vào nhà chơi và tự nguyện nấu cơm mời trung đội mình. Bình - một đồng đội của tôi, bảo.

Tôi bước vào một phòng khách nho nhỏ ở ngôi nhà số 34 đường Khưu Văn Ba (nay là phố Phạm Thái Bường) và nhìn thấy ngay một nội san của một trường cao đẳng sư phạm Vĩnh Long. Lật giở ít trang, tôi gặp ngay một bài thơ của nữ sinh Trương Ánh Hồng, trong đó có mấy câu: Màu mai vàng nhộn nhịp/ Hoa nở đây mùa sang/ Năm đi chừng lưu luyến/ Vài chiếc lá để tang… Thấy ngồ ngộ, theo bản năng, tôi lấy bút chép bài thơ trên vào một mảnh giấy.

Không ngờ, việc làm của tôi lọt vào sự chú ý của một cậu bé chừng 12 - 13 tuổi. Ngay sau đó, có hai nữ sinh là sinh viên tự giới thiệu là Bùi Xuân Mai và Bùi Xuân Hoa - cũng là hai nữ chủ nhân ở địa chỉ trên - đến gặp tôi.

Xuân Hoa chủ động nói:

- Bộ đội các anh cũng thích thơ sao?

- Tại sao không thích? Thế chả nhẽ…?

- Thế anh đọc cho nghe một bài thơ nào đó ở ngoải?

Không chần chừ, tôi đọc luôn bài Quê hương của Giang Nam.

Cả Xuân Hoa và Xuân Mai cùng nhận xét: Nghe cũng dễ thương đấy chứ!

Tôi nhìn lên giá sách. Loáng thoáng thấy tập Thơ dâng và cuốn tiều thuyết Mưu sinh và nhắc tên Tagore và Goorki.

- Anh có biết tên hai tác giả này à?

- Biết chứ. Một đại thi hào của Ấn Độ. Một đại văn hào của nước Nga Xô viết. Ở ngoai Bắc, Mưu sinh được dịch là Kiếm sống. Rồi tôi đọc: Em thế nào thì cứ thế mà đến/ Đừng loay hoay thay đổi áo quần

- Ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên của tình yêu, thật sâu sắc.

Rồi chúng tôi dùng một bữa trưa rất gia đình, có canh chua cá bông lau, có củ sắn xào thịt bò, có trứng chiên và uống một ly bia con cọp nhỏ…

Chúng tôi cùng nâng ly mừng nhau và cùng nghẹn ngào trong nước mắt.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in những khoảnh khắc ấm áp và đầy ý nghĩa ấy.

Ấy là bữa cơm ngày hòa bình đầu tiên của chúng tôi, xảy ra vào đúng 12h ngày 1 - 5 - 1975.

Văn nghệ số 17+18/2015

Quân đội Việt Nam tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Chiến thắng phát xít Đức

Quân đội Việt Nam tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Chiến thắng phát xít Đức

Baovannghe.vn - Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia Lễ Duyệt binh Chiến thắng kỷ niệm 80 năm ngày Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Đức, kết thúc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại tại Quảng trường Đỏ - thủ đô Moscow của Nga.
Triển lãm “Những người bạn” đa sắc màu trong phong cách

Triển lãm “Những người bạn” đa sắc màu trong phong cách

Baovannghe.vn - Diễn ra từ ngày 9 - 13/5/2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), triển lãm Những người bạn giới thiệu tác phẩm của 8 hoạ sĩ đến từ ba miền đất nước, với nhiều phong cách sáng tác và chất liệu đặc trưng riêng.
Hà Nội: Các đơn vị nghệ thuật đồng loạt tổ chức biểu diễn mừng sinh nhật Bác

Hà Nội: Các đơn vị nghệ thuật đồng loạt tổ chức biểu diễn mừng sinh nhật Bác

Baovannghe.vn - Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội sẽ tổ chức nhiều buổi biểu diễn trên địa bàn thành phố.
Sắc hoa rừng ngày ấy - Thơ Đặng Bá Khanh

Sắc hoa rừng ngày ấy - Thơ Đặng Bá Khanh

Baovannghe.vn- Có một mùa xuân mươn mướt rừng xứ Lạng/ Sắc mộc miên thắp đỏ một khung trời
Cây bàng già trong sân nhà tù Côn Đảo - Thơ Đỗ Phú Nhuận

Cây bàng già trong sân nhà tù Côn Đảo - Thơ Đỗ Phú Nhuận

Baovannghe.vn- Giữa bốn bề song sắt, bốn bề kẽm gai/ Cây bàng già bị giam như một người tù