Bức tranh - truyện ngắn của Lê Anh Hoài |
Quả như tôi nghĩ, cuộc sinh nhật có mặt rất đông bạn thơ của Trà. Họ thi nhau đọc thơ bằng vẻ mặt xa vắng và họ chỉ chú ý đến tôi khi biết tôi làm báo. Một nữ sĩ nổi bật trong đám ra ngồi tiếp chuyện tôi sau đó gợi ý đến việc đăng một trang thơ của "hội". Bọn em sẽ không quên ơn các anh chị đâu, vả lại hiện nay "hội" đang khởi sắc - Thanh Thi, tên cô ấy, nói ngọt ngào. Tôi bỗng nhớ tới những người đến tòa soạn để nhờ đăng bài tranh chấp nhà đất. Tôi vội thoái thác rằng tôi vốn không hiểu gì về thơ, tôi chỉ hiểu về các quy định đất đai và nhà cửa. Thanh Thi than phiền rằng nhuận bút thơ thấp quá sau đó khoe đã có giấy phép in một tập thơ nhưng chưa thuê được họa sĩ. Tôi nhớ đến Đăng và chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ giới thiệu họa sĩ cho Thanh Thi.
Trà vừa đọc xong một bài thơ tình bằng giọng đau buồn. Tất cả vỗ tay to, Trà nhìn về phía tôi vẻ giận dữ. Tôi giả vờ không biết để trả thù về việc phải đến đây.
Thực ra Đăng không phải là họa sĩ trình bày minh họa chuyên nghiệp. Là con của một gia đình cán bộ bậc trung của tỉnh N. nhưng cậu ta lại không chịu về quê để làm cán bộ phong trào kiêm nhân viên tuyên truyền quảng cáo ở nhà máy X. theo sự tạo dựng của bố mẹ. Đăng nhất định ở lại Hà Nội để "sinh hoạt nghệ thuật" và cũng bởi vì "Thủ đô là nơi hội tụ văn hóa". Việc này làm bố mẹ nó phẫn nộ và họ không gửi tiền cho nó để trừng phạt. Nghề vẽ cần phải có vốn chứ không thể buôn nước bọt như nghề của tôi. Họa phẩm là tiền vì thế Đăng cũng như nhiều họa sĩ mới ra trường phải xoay bằng cách đi làm thuê biển quảng cáo. Có lần tôi đã đứng xem Đăng bò ra vỉa hè dán dán trổ trổ những con hổ biểu tượng của một hãng bia. Xong một đợt làm Đăng được trả số tiền mà nó bảo mua được sơn dầu vẽ dè hai tháng trả nợ tiền nhà một tháng, tiếp tục nợ một tháng và ăn thịt chó bốc ở chợ Ngã Tư với tôi một bữa. Sau mỗi đợt kiếm được tiền, Đăng phấn chấn trở lại và ra sức vẽ.
Tôi biết nhiều họa sĩ có nghề sản xuất tranh bán lô cho gallery để ở đây gạ bán cho Tây. Tôi bảo Đăng đi tìm mấy đàn anh ấy làm thuê cho họ ấm bụng hơn. Đăng cáu: Mày định khuyên tao đánh đĩ nghệ thuật à. Tôi phải im nếu không thì quan hệ chúng tôi hỏng mất. Lĩnh lương tôi đưa nó một ít vì biết nó đang ăn nợ quán nhưng nó không lấy, rủ đi uống rượu thì nó đi.
Ngày học trong trường Đăng giỏi về môn hình họa nhưng hiện nay tranh của nó vẫn chưa thoát được khỏi cái giỏi về môn ấy nên cứ trông là thấy quen quen. Tuy nhiên nếu Đăng có tiền mở triển lãm và mời báo chí lăng xê thì cũng hơn đứt sáu trong mười họa sĩ đang và sẽ có tên tuổi hiện nay.
Ngày cuối thu rộng rãi. Khí lạnh đã len lỏi trong gió và mây trời có màu sắc rất khó ghi nhận. Thanh Thi mặc áo thun bó sát bộ ngực tròn căng, tà váy bay thướt tha trong gió trông hữu tình. Tôi ngán ngẩm nhìn cái sự tha thướt ấy bởi vì vào nhà Đăng đang thuê ở phải gửi xe, qua cầu khỉ rồi lội qua vô số vũng nước trên những con ngõ dọc ngang xuyên vào khu đất vốn là bãi rác mới giải tỏa.
Chúng tôi vào sân thì thấy Đăng đang kì cạch đóng đinh căng toan. Nó mặc một cái vỏ áo lông Đức bẩn thỉu, tóc bù xù, ngồi xổm trông như thằng chữa xe đạp. Thanh Thi có vẻ bối rối nhưng lấy lại được vẻ tự chủ ngay và chào ngọt ngào. Đăng giật mình ngẩng lên mặt đờ ra. Sau này tôi mới hiểu tai họa bắt đầu từ đó, nhưng đó là chuyện sau này.
- Em muốn rửa chân cơ - nữ thi sĩ nói bằng giọng đầy chất thơ. Đăng như bừng tỉnh hấp tấp chạy đi xách nước.
Chúng tôi vào nhà, ngồi bệt trên chiếu. Trong lúc Đăng lúi húi đun nước tôi thì thào với Thi về anh bạn tôi với mục đích "làm cho khách hàng tin tưởng". Nhưng "khách hàng" tỏ ra không mấy quan tâm, nàng đưa mắt sành sỏi nhìn lướt qua căn phòng toàn đồ gỗ tồi tàn, dừng lại lâu lâu chỗ mấy bộ quần áo bẩn lẫn lộn quấn vào nhau trên dây.
Tôi vào đề thẳng và ngắn gọn sau đó kết thúc: Về phương thức thanh toán các vị thỏa thuận với nhau, tôi không biết gì đâu đấy nhé. Nữ thi sĩ bắt đầu trình bày những tư tưởng nội dung nghệ thuật chính và phụ của mình, đi sâu vào nội dung, điểm một tí nghệ thuật rồi lại làm ngược lại. Sau đó đọc thơ. Thấy thế tôi vội bỏ ra xem tranh. Bên cạnh những bức tranh quen quen có một bức mới vẽ phong cảnh trông u ám và sâu lắng hơn thường lệ.
Trên đường về Thi bảo anh bạn anh nghệ sĩ thật. Tôi bảo Thi cũng nghệ sĩ đấy chứ.
Trà có vẻ mặt cau có nói: Các cậu giỏi thật đấy, ai cũng tán được, người ta bảo không thể tin được các cậu là đúng, nhưng các cậu cũng là một lũ khờ, con đĩ nào cũng có thể dắt mũi được. Tôi thấy vẻ mặt Trà rất hay bởi vì trông rất thật chứ không như lúc nói chuyện với tôi về thơ. Giữ một lúc nặng nề rồi Trà thở dài một cái bảo: Anh có biết cái Thi nó là đứa thế nào không? Tôi vội bảo rằng tôi không cần biết, thế nhưng Trà cứ nói mãi, rằng anh có biết thế nào là một tài năng quan hệ không, thế nào là danh tiếng nhờ năng suất không, thế nào là giải thưởng bồ không... Trà chuẩn bị kể những cái mà chỉ phụ nữ biết với nhau thì tôi cắt ngang: Nhưng bọn em thân nhau cơ mà. Trà nhìn tôi vẻ nghi ngờ và đe nẹt, tôi không nói gì nữa.
Bẵng đi mấy tuần không gặp Đăng, tôi chắc nó bận cày cuốc kiếm tiền. Một buổi chiều muộn nó đạp xe đến tòa soạn mặt đầy tâm sự rủ tôi đi uống rượu và tôi vội gấp ngay chồng hồ sơ kiện cáo nhà đất để đi với nó. Chúng tôi chui vào một cái quán trong ngõ tránh luồng gió lạnh mới thổi về. Ngồi im một lúc Đăng đột ngột nói rằng nó và Thanh Thi yêu nhau, đó là tình yêu sét đánh mãnh liệt chứ không mộng mơ nhàn nhạt như mối tình học trò trường thị, cũng không bi thương rỗng tuếch như mối tình sinh viên mĩ thuật... Tôi rối tinh rối mù trong từ ngữ và so sánh liên tưởng của Đăng lờ mờ hiểu rằng bạn tôi đã thay đổi nhiều mà mới chỉ có mấy tuần trôi qua, rằng hình như tôi cũng đã từng có tâm trạng của Đăng nhưng lâu lắm rồi. Đăng nói quá nhiều so với thường lệ dường như trong nó đang bung ra những nỗi niềm. Hình như đã có một quyển sách người ta đánh đồng khái niệm nỗi niềm rất văn chương hàng mã với khái niệm ẩn ức rất triết học của lạ và hình như trong một quyển sách người ta lại bảo rằng thi sĩ và họa sĩ rất cần những cái ấy như cái cần câu cần cái lưỡi câu. Để tránh bị cuốn vào màn sương đa cảm và những ý nghĩ luẩn quẩn của chính mình tôi cắt ngang: Mày định làm báo hay sao mà nói lắm thế. Tốt nhất là vẽ. Chúng tôi im lặng nhấm nháp từng nhấp rượu để tự làm ấm mình lên, ngoài đường gió thổi xuôi chiều từng người đạp xe vội vã vụt qua. Tôi nhắc Đăng đi làm có tiền thì trả nốt tiền nhà đi, nó bảo không lo lần này có tiền nhiều. Chúng tôi lại cùng nhìn ra đường, đèn đường đã lên, mùa đông đến thật rồi mà chúng tôi chỉ mấy mùa đông nữa là ba mươi tuổi.
Trước lúc ra về Đăng còn trở lại câu chuyện tình dưới hướng mới, nó rụt rè hỏi tôi thấy Thanh Thi thế nào. Tôi không tỏ thái độ. Biết nói gì, vả lại tôi vốn không muốn xen vào quan hệ của ai cả. Tôi luôn yên tâm vì tỉnh táo và trung lập.
Dạo này thiên hạ đã hiểu ra giá trị của đất và câu tục ngữ "Tấc đất tấc vàng" sống lại. Người ta chán cái lối sống chung kiểu tập thể đầy thân ái nhưng cũng rất bi hài được định hình từ mấy chục năm với những thông báo trên sườn bể nước chung, bảng phân công vệ sinh ở đầu cầu thang và những câu thơ rất vần trong nhà vệ sinh công cộng. Người ta gấp gáp đi tìm một khoảnh đất trời riêng biệt được giới hạn bởi gạch ngói bê tông cót ép chứa đựng được mọi nhu cầu trong đó tồn tại hai thế giới trở xuống. Giã từ bể nước chung, giã từ nhà vệ sinh tập thể mà sáng sáng các công chức chào nhau ở đó, thậm chí các lối đi chung cũng bị coi là bất tiện cứ như thể không còn ai chịu đựng được nhau nữa. Giã từ sự thân ái và bi hài kiểu chung cư để ra đi với sự lạnh nhạt và bi hài kiểu căn hộ khép kín. Khoảng quá độ giữa hai trạng thái ấy là tranh chấp, bôi nhọ, cạnh khóe, phá thối chân tay gậy gộc và kiện cáo. Tôi được toà soạn giao mảng việc ấy khiến mấy nhà báo kì cựu trong tòa soạn rất bất bình bởi vì họ bảo cái này có lộc. Tôi bới trong đống hồ sơ mà văn bản nào cũng có lí, lời tường trình nào cũng có tình, đọc giấy của người này thì thấy người kia là loại mọi rợ, vô học, du côn, bần tiện, lèo lá, và ngược lại. Ngày nào tôi cũng phải tiếp ít ra là năm vị khách (còn có thể gọi họ theo cách gọi chính thức là bạn đọc) ở mọi nghề nghiệp chức danh và lứa tuổi (thậm chí có vụ trẻ con cũng được lôi vào cuộc). Phần lớn bọn họ đều đóng kịch với nhiều vai đầy sức sống và diễn xuất cực kì có hồn: Vô tư - hoàn toàn tin tưởng ở công lí; khổ sở - bị chèn ép - con giun xéo mãi cũng quằn, vân vân. Có một số ít không đóng kịch dài dòng, họ lập tức đi ngay đến màn kết, đề nghị được giúp đỡ bằng công luận với giá cả cụ thể "đủ để chi cho anh chị em có liên quan trong tòa soạn, anh ạ." Có người sành nghề đến độ đề nghị giá cả theo giá trị phần sẽ chiếm được nếu thắng kiện và giá cả tùy theo độ dài ngắn và chỗ đăng của bài báo.
Tôi đón tiếp tất cả các đại diện bên bị bên nguyên cùng mọi lời giãi bày và đề nghị của họ với vẻ mặt rất công chức bởi vì kinh nghiệm cho thấy đây vẫn là bộ mặt thích hợp duy nhất. Tôi từ chối các đề nghị ở mức rủ đi uống bia trở lên một cách khéo léo và cấm bọn bạn tôi đến tòa soạn không được nói đến việc ăn uống nếu không các đồng nghiệp kì cựu sẽ nghĩ chúng là bạn đọc kiện nhà đất. Tôi chỉ không từ chối những lời mời thuốc lá vì thuốc lá làm tôi suy nghĩ mạch lạc hơn nhưng nó cũng làm tôi hay giật mình tỉnh giấc lúc rạng sáng, sau khi mơ thấy mình cầm hồ sơ xé điên cuồng vứt xuống hố. Tôi kể về giấc mơ này (có kiểm duyệt đoạn cuối) liền bị Trà mắng: Dở hơi. Hút thuốc vừa vừa thôi. Tôi kể về những đề nghị giá cả thì mắt nàng sáng lên thật thà.
*
Chúng tôi đi đến mấy nhà in để hỏi việc in quyển thơ của Thanh Thi. Bây giờ dịch vụ ở mọi khâu, chỗ nào cũng như hàng thịt hàng cá trá hình. Nhà in. Giá rẻ nhất nhưng thằng cha phụ trách kĩ thuật rất khó chịu. Tôi nháy Đăng dẫn hắn ra quán bia. Hắn uống nhanh như một người nhịn khát ba ngày liền, mặt nhanh chóng thành màu cà chua lai giống Trung Quốc, giọng trở nên tình cảm. Tôi bảo Đăng gửi tiền quản lí phí (Một số tiền nhỏ tôi bảo Đăng chuẩn bị trước khi vào quán bia). Thế là xong ô kê. Yên tâm. Anh em. Chạm cốc. Mặt nhà quản lí kĩ thuật trở thành màu cà chua ta, hắn ghé sát vào mặt Đăng để hỏi xem nhận thầu cho em thế này, giấy ngoại trắng phau thế này, bìa cútse phủ poláttích thế này, phụ bản màu thế này chắc chặt em cũng đẹp đấy nhỉ. Mặt Đăng tái mét, môi giật giật tôi phải đá vào chân nó không thì hỏng việc.
Chúng tôi đi ăn cơm bụi, tôi nhắc Đăng lúc in bìa và phụ bản là phải đến trông và úy lạo anh em công nhân nếu không thì toét tòe toe hết cả ngày. Đăng cáu: Thế thằng cha vừa rồi nó làm cái gì. Nó không làm gì nhưng nó biết chơi bẩn, thế mà cũng không hiểu.
Về nhà Đăng, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy đầu nặng trịch. Trời chiều, không khí là một hỗn hợp giữa ấm và lạnh ùa vào khe cửa. Đăng đang vẽ lặng lẽ như hành lễ. Tôi nghiêng người nhìn và ngạc nhiên bởi bức tranh không giống lệ thường với cái giỏi của môn hình họa. Một người đàn bà đang bay lên khỏi những mảng màu u ám và vĩ đại. Khuôn mặt nàng tươi sáng thánh thiện, dường như có một vùng ánh sáng kín đáo nhưng mạnh mẽ tỏa bừng.
Đầu tôi bỗng nhẹ bỗng, bãi rác có căn nhà của Đăng lùi xa xuống dưới, những luồng gió ấm lạnh đang đưa tôi lên cao cùng với hướng bay của người đàn bà kia. Tôi nhìn thấy tôi nhỏ như cái rác ở dưới trông thảm hại. Thanh Thi bước vào chào tôi rất to, tôi giật mình nhìn ra cửa thấy bóng tối đã chiếm ba phần không khí. Đăng dừng tay vẽ mặt rạng rỡ, không có tôi chắc họ sẽ lao vào nhau như trong các bộ phim tình cảm.
Tôi vội cáo từ, trong lúc nhảy qua một vũng nước để ra khỏi khu bãi rác tôi bỗng nhận ra người đàn bà trong bức tranh Đăng đang vẽ có nét mặt của Thanh Thi.
*
Nhà quản lí kĩ thuật gọi điện bảo tôi đến lấy bản chữ vi tính về đọc và sửa. Tôi nhận được một tập giấy bằng nhau chằn chặn in chữ rất đẹp - sản phẩm của sự ứng dụng vi tính vào ngành in - nhưng đầy lỗi chính tả. Buổi tối tôi đến nhà Trà thấy Trà đang ngồi học tiếng Anh. Trà có vẻ miễn cưỡng rời khỏi bàn và nhìn tôi như nhìn một kẻ vô công rồi nghề chuyên quấy rối những người đứng đắn. Tôi rủ Trà đi chơi nhưng Trà bảo đi chơi làm gì khiến ý định làm quan hệ của chúng tôi tốt lên bị hỏng bét. Tôi nhờ Trà nhắn với Thanh Thi rằng tôi đã lấy bản chữ về, đến để tôi hướng dẫn cách chữa còn chữa thế nào thì tôi không dám. Trà không giữ được vẻ mặt lạnh nhạt nữa và xẵng giọng bảo: Anh đi đến nhà nó mà nhắn chứ tôi không phải loại người cứ thích hầu người khác. Tôi hỏi địa chỉ nhà Thi, Trà tiễn tôi ra cửa ôm theo quyển sách tiếng Anh và nhìn tôi ai oán sau đó tôi im lặng nên Trà bảo: Hay để em dẫn anh sang đấy. Tôi vội đồng ý.
Mẹ Thanh Thi có vẻ mặt đo đếm nhìn tôi, sau đó bảo: Có một thằng đi xe máy rủ nó đi rồi. Nó còn chưa ăn cơm đâu. Lúc chúng tôi đi ra cửa, Trà nhìn tôi kín đáo và đắc thắng.
*
Tôi đến thấy Đăng ngồi bần thần trước hiên nhà mặc chiếc áo lông Đức bẩn thỉu mặc dù ngày chủ nhật hôm ấy đầy nắng. Tôi vào nhà đưa mắt tìm bức tranh người đàn bà thiên thần. Các bức tường trống trơn, màu dây trơ trẽn. Trên giá là một phác thảo đầy những mảng màu. Đăng lầm lũi đi vào giương mắt nhìn tôi. Tôi hỏi, nó lẳng lặng chỉ vào xó nhà nơi để cái hòm thời sinh viên chứa đầy kí họa vụng về, gỗ vụn, chổi và vỏ chai. Bức tranh úp sấp xuống cái bao tải. Tôi lẳng lặng đem treo lên và mở rộng cửa sổ, nắng ùa vào căn phòng ẩm thấp hắt ánh sáng tươi mới vào tranh khiến khuôn mặt người đàn bà thiên thần lung linh rạng rỡ thánh thiện vô ngần.
Đăng nói giọng công việc mà tôi chưa bao giờ thấy ở nó: Mai mày có bận không, thu xếp đến nhà in lấy sách hộ tao. Tiền tao thanh toán rồi, hóa đơn đây. Ánh mắt nó nhìn tôi nhưng tránh nhìn vào bức tranh. Tôi chợt hiểu rằng Đăng sợ bức tranh.
Sáng tôi định đến ngồi thật lâu với Đăng nhưng giờ đây có lẽ nó đang muốn một mình. Tôi định nói với nó nhiều điều nhưng có lẽ không còn cần thiết nữa. Tôi về. Đăng lại ngồi xuống hiên nhà, vẻ mặt bần thần hốc hác, mặc chiếc áo lông bẩn thỉu mặc dù ngày chủ nhật hôm ấy đầy nắng.
Buổi tối Thanh Thi đến nhà tôi, ăn mặc chải chuốt và cười rất tươi, hỏi ngay: Đã có sách rồi à, em nghe nói thế. Sốt ruột quá chả biết đứa con tinh thần của mình trông thế nào. Tôi giữ vẻ mặt rất công chức thông báo rằng sáng mai đến nhà in với tôi để lấy sách, có khi phải thuê xích lô để chở về. Thanh Thi vâng rồi đưa ra một quyển sổ ghi chằng chịt bảo: Anh xem hộ, mấy hôm nay em phải ngồi ghi danh sách những nơi cần biếu sách. Quên chỗ nào thì chết, gớm bận cứ như sắp cưới chồng ấy. Tôi bảo tôi không biết gì về việc này. Thi lại bảo: Anh em mình phải giúp nhau, anh viết cho em một bài giới thiệu nhé. Tôi vội thoái thác rằng tôi không biết gì về thơ, vả lại thiếu gì các nhà có tên tuổi sẵn sàng làm việc đó. Thanh Thi bảo: Thế hôm nào anh giới thiệu cho em một số nhá.
Tiễn cô ta ra cổng, tôi hỏi thẳng (câu hỏi tự nhiên bật ra, không chuẩn bị trước): - Em với Đăng thế nào? Trong ánh sáng tù mù hắt qua khe cửa của mấy ngôi nhà ven ngõ tôi thấy mặt Thanh Thi bệch ra giây lát trong như mặt nạ. Nhưng liền sau đó cô ta cười hồn nhiên: Em với anh Đăng là bạn vô tư, như với anh ấy. Máu nóng dồn lên mặt tôi, à thì ra người ta có thể nhân danh tình bạn trong những lúc thế này đây, thì ra có thể làm gì cũng được trong cái quan hệ đàn ông đàn bà muôn thuở sau đó thản nhiên vo viên mọi chuyện rồi vứt vào cái sọt rác tình bạn?! Tôi cảm thấy đang điên lên, luồng gió lọt vào ngõ tạt vào mặt tôi bỏng rát. Một con quỷ choán lấy tôi, sắp đấm đá chửi bới thậm tệ vào khuôn mặt tươi cười trước mặt với khao khát làm xuất hiện vẻ trắng bệch mặt nạ.
Nhưng rất may tôi đã không làm gì cả, chúng tôi hẹn gặp nhau sáng mai ở nhà in. Thanh Thi còn giơ mấy ngón tay vẫy tôi đầy thân ái kèm theo một câu đại loại như cảm ơn hoặc chúc ngủ ngon gì đó.
*
Sau khi lấy sách và giúp Thanh Thi đưa lên xích lô tôi về toà soạn và ngập dầu vào việc nghiên cứu hồ sơ kiện cáo nhà đất. Buổi chiều hết giờ làm tôi đạp xe đến nhà Đăng. Giữa sân một đống tro than đen xì. Cửa khóa chặt. Linh cảm một điều không may, tôi đi ra lấy chân gạt đám tro thấy trong đó có những mảnh dính sơn cháy xém.
"Này thằng em, thằng Đăng nó gửi lại này." - Tôi quay lại thấy chủ nhà của Đăng đứng ngay sau lưng tay cầm mảnh giấy. Anh ta chắp tay sau đít đi quanh nhà ngó nghiêng, tôi đọc :
"Tao về N. Tiền nhà trả rồi. Nợ nần xung quanh cũng trả hết rồi. Tao đi vội vàng nếu không mày lại cản, ở đây chỉ có mày là tốt với tao thôi. Đăng".
Tôi đứng giữa sân mà khóc không cầm lại được. Tôi cảm thấy việc Đăng bỏ về quê, đốt tranh bỏ vẽ là tội của tôi. Đăng ơi, mày không biết là tao hèn lắm, những thằng trí thức như tao hèn lắm có dám tốt hết mình với ai đâu, lúc nào cũng chỉ sợ làm hỏng những quan hệ giả dối... Người chủ nhà đứng từ xa ngạc nhiên nhìn tôi, anh ta gọi: Chú mày, đi về nhà anh để lấy bức tranh thằng họa sĩ nó gửi lại.
*
Tập thơ của Thanh Thi nghe đâu được một cái giải gì đó. Cô ta đang chuẩn bị xuất bản tập thơ thứ hai, chỉ thỉnh thoảng mới đến chơi có lẽ cũng bởi vì vợ tôi không ham thích làm thơ nữa. Công việc theo dõi kiện cáo nhà đất và việc gia đình bận rộn khiến tôi không lúc nào về N. chơi với Đăng được (đám cưới tôi nó không lên). Con trai tôi đã ba tuổi, cháu rất thích vẽ nhưng Trà lại cấm nó. Nó nhận xét rất tinh thỉnh thoảng lại chỉ lên bức tranh người đàn bà thiên thần nói rất sõi: Cô Thi, cô Thi đấy...
12-1994
Lê Anh Hoài - baovannghe.vn
Trang Thơ Lê Anh Hoài Thơ Lê Anh Hoài |