Diễn đàn lý luận

Bùi Minh Quốc - Dương Hương Ly với cuộc đời lên bổng xuống trầm

Trung Trung Đỉnh
Chân dung văn học
06:00 | 13/08/2024
- Đọc văn Bùi Minh Quốc không hề thấy anh “làm văn”. Trong tập truyện ngắn chọn lọc này tất cả đều được tác giả “nhặt” ra trong những truyện ngắn viết “kịp thời”, viết một cách chân thật
aa

Tôi đang mê mải lo đọc tài liệu để chuẩn bị viết một tham luận cho cuộc hội thảo sắp tới về truyện ngắn Việt Nam đương đại của một công ty sách thì nhận được cú điện thoại của ông anh, nhà thơ Bùi Minh Quốc. Ông anh đang ở tít trên cao nguyên Lâm Đồng. U90 mà giọng vẫn sang sảng: “Biết chú đang rất bận lo thuốc thang chữa bệnh nhưng anh vẫn tin là việc này chỉ có giao cho chú là phù hợp nhất”. “Vâng, anh cứ ra lệnh”, tôi nói. “Ấy là anh đang tập hợp một tập truyện ngắn gọi là chọn lọc. Chú chịu khó đọc lại và viết. Viết về nhau, chả cần nhắc lại về truyện ngắn của anh vì anh biết, chú đã đọc. Cũng như anh, anh đọc hết những gì chú đã cho in ra, nay chú viết giới thiệu cho anh như lâu nay chú vẫn viết đều đều về sáng tác của bạn văn, thậm chí “dựng” cả chân dung họ, đọc thấy cũng có vẻ mới mẻ sinh động. Ha ha”Đúng là cái nhà ông anh tôi, một tài danh thơ văn nổi tiếng. Thế hệ chúng tôi, lúc còn đầu xanh tuổi trẻ, nhắc đến Bùi Minh Quốc - Dương Hương Ly, là nhắc đến lối sống lý tưởng của thanh niên. Bài thơ Lên miền Tây của anh đã cổ động, khích lệ kịp thời tầng lớp thanh niên trong phong trào đi khai hoang, phục hóa rừng xanh núi đỏ. Hồi đó hình như Bùi Minh Quốc mới học lớp 9 thì phải. Rồi tiếp nữa, sang thời chống Mỹ, Bùi Minh Quốc cũng là một trong những nhà thơ hăng hái khích lệ lứa tuổi mười tám đôi mươi háo hức lên đường vào Nam đánh giặc. Nói đến anh không thể không nhắc đến chị, vợ anh, một nhà văn, nhà báo, một nữ Anh hùng: chị Dương Thị Xuân Quý. Chị đã hy sinh ở Duy Xuyên, Quảng Nam, đất miền Trung - Khu 5 thời ấy. Các bài thơ của Dương Hương Ly - Bùi Minh Quốc là tiếng lòng của cả thế hệ trẻ: Bài thơ về Hạnh Phúc, Mẹ đào hầm, Đất quê ta mênh mông, Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu... không mấy ai không thuộc.

Tôi nhận “nhiệm vụ” ông anh trao cho ngay tắp lự, gác tất cả các công việ đang làm, mở email, đọc lại và ngay lập tức tập truyện ngắn chọn lọc của ông anh U90 thu hút tôi với âm hưởng của một thời xa vắng, những năm thập niên 50 - 60, thuở cuộc sống cả miền Bắc nước ta đều dưới dạng nửa tỉnh nửa quê, nửa chiến tranh nửa hòa bình. Thực ra tất cả đều là “nhà quê” rặt, cái món đặc thù ấy biểu hiện qua lối sống tất thảy đều chân đất áo nâu, thế nhưng nhìn mặt người nào cũng sáng và háo hức, yêu chủ nghĩa xã hội mặc dù chưa ai hiểu chủ nghĩa xã hội là thế nào. Tất cả đều một mực coi đó là tốt đẹp, lý tưởng. Đặc biệt mọi người dân đều rất yêu thương các chú bộ đội. Lớp trẻ mới nhú lên đều đã mê được đi bộ đội. Truyện ngắn Anh Nâu dưới ngòi bút tả thực, không hề tô vẽ gì nhưng khiến ta cứ xốn xao thương mẹ, thương anh, thương cái anh Nâu cụ thể mà Bùi Minh Quốc dựng lại sống động, lớp lang của cái sự mê theo lý tưởng. Có thể nói, tác giả đã tạo dựng lại sống động cuộc sống vô tư trong trẻo của lớp thiếu nhi thời anh.

Bùi Minh Quốc - Dương Hương Ly với cuộc đời lên bổng xuống trầm
Nhà văn Bùi Minh Quốc - Dương Hương Ly

Tôi muốn mời các bạn đọc yêu quý của nhà văn Bùi Minh Quốc tiếp tục đọc các truyện ngắn thời hậu chiến, khi anh không còn trẻ, với độ lùi thời gian, viết về thời chiến tranh đánh Mỹ, đánh Pol Pot. Loạt truyện ngắn này anh không có ý định phân khúc hay phân đoạn từng khoảng thời gian mà theo diễn biến của cuộc đời lên bổng xuống trầm, phần nhiều là đầy cam go ác liệt, kể cả thời chiến cũng như thời bình, lắm khi tưởng như không thể vượt qua nổi, nhưng rồi vẫn vượt qua, không phải chỉ do cố gắng phấn đấu, mà đa phần do “thói quen tự thân nỗ lực” cuộc sống đã tạo nên. Bùi Minh Quốc có cái tính cách cực đoan, căng cứng mạnh mẽ từ niên thiếu đến lúc đã trưởng thành. Anh không có cái mềm dẻo nhu mì hay toan tính theo kiểu dĩ hòa vi quý. Anh viết văn làm thơ, đều theo cái khí phách của riêng mình. Thơ văn của anh đều là thơ văn chiến đấu, hay nói đúng hơn, anh luôn đứng trên tuyến đầu của lớp nhà văn nhà thơ chiến sĩ. Đọc văn Bùi Minh Quốc không hề thấy anh “làm văn”. Trong tập truyện ngắn chọn lọc này tất cả đều được tác giả “nhặt” ra trong những truyện ngắn viết “kịp thời”, viết một cách chân thật, tôi nghĩ gần như các nhân vật truyện ngắn của anh đều xuất phát từ những nguyên mẫu có thật như cô chiến sĩ vận tải trên đường gùi đạn và anh chiến sĩ đặc công trong Đêm trên thác Bờm Ngựa. Hai người trai, gái, đều chưa một lần yêu, họ là những người lính trẻ. Họ chưa có, hay không có cả thời gian gần gũi. Họ gặp nhau trong một tình huống rất đặc biệt và cũng vì thế hai cơ thể trẻ trung, đẹp như thiên thần, đã ập vào nhau như là cái khoảnh khắc độc đáo ấy mà ông giời chỉ dành riêng cho họ. Giây phút chớp nhoáng mà sâu đậm ấy, giời đất chỉ ban cho họ giữa hai trận đánh, giữa hai cuộc đi về của nhiệm vụ, để vào trận. Bùi Minh Quốc không cố tình “dựng lại” cuộc tình “ập vào nhau” ngắn ngủi nhưng sâu nặng ấy, chỉ có thể diễn ra giữa cuộc chiến. Đẹp đến nao lòng. Buồn đến nao lòng.

Tôi may mắn được sống gần gũi với ông anh Bùi Minh Quốc và các anh ở trại viết Khu 5 từ hồi ở trên rừng, nhất là khi “ra đến biển”. Cơ quan chúng tôi nhỏ bé có mười mấy con người. Nhưng cái bé nhỏ ấy lại rất “đặc thù”, từ những người lãnh đạo đến các nhân viên đều là đồng nghiệp, rất thuộc bản tính nhau. Mỗi người một tính cách. Mỗi người một hoàn cảnh, một tính nết, mỗi người một vùng miền, đậm đặc chất vùng miền! Và khi về cuối chặng đường đời, mỗi người mang một số phận. Tôi phải nói thêm chi tiết này, hồi đấy gọi là “trại” nhưng thực chất nó cũng là một cơ quan văn nghệ, một đầu mối của quân khu và khu ủy. Các thành viên hồi trên rừng, đều tay súng tay bút, bám sát từng ngày từng giờ với địa bàn và chiến sự. Hòa bình thì cũng vẫn được ông trại trưởng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, giữ y nguyên cái máu khắc khổ của một sĩ quan nổi tiếng đi cơ sở làm phái viên nắm tình hình cho cấp trên. Bản tính ông đầy “chất lính”, tức là anh em phải luôn bám sát dân và bám sát nhiệm vụ Đảng phân công. Nhà văn Nguyễn Chí Trung chia số quân ít ỏi của mình ra thành mấy nhóm, một nhóm bám sát vùng duyên hải, một nhóm bám sát các tỉnh Tây Nguyên và một số thuộc diện cơ động. Công việc, ngoài sáng tác ra, lúc nào cũng sôi động. Về thu nhập, ngoài tiền lương của từng người, cơ quan có nuôi mấy trăm con gà công nghiệp, mỗi ngày có thu nhập thêm vài chục quả trứng hồng đưa vào bữa ăn trưa cải thiện. Có thể nói “trại viết” của chúng tôi là một “trung tâm” văn học cả nước. Các nhà văn từ ngoài Bắc vào thăm miền Nam và các nhà văn từ miền Nam ra thăm miền Bắc đều đi qua Khu 5, đều ghé qua trại viết của chúng tôi ở Đà Nẵng. Tất cả các nhà văn nhà thơ của cái trại nhỏ bé này đều là các cây bút nổi tiếng. Rất nổi tiếng. Nói đến tên các anh thì dân cả hai ba miền đều biết, đều ngưỡng mộ như Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, Dương Hương Ly - Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Cao Duy Thảo, Nguyễn Trí Huân, Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Ngân Vịnh, Nguyễn Bảo… Nhờ được về trại viết mà tôi quen gần như hết các nhà văn nổi tiếng cả ba miền. Thậm chí thân thiết với nhiều anh chị cho mãi tới bây giờ.

Bùi Minh Quốc viết truyện ngắn như là viết chỉ bằng hồi ức của thời ác liệt. Tất cả các truyện ngắn của anh được xây dựng bằng vốn sống, bằng những kỷ niệm. Nó thật đến nỗi đọc truyện nào cũng thấy tác giả không có chút thơ mộng của tâm hồn nhà thơ. Anh là nhà văn hiện thực chân thành, nghiêm nhặt. Cái tính chân thực sống và chân thực viết thuyết phục tôi. Hồi đấy, tôi đi theo các anh về “trại viết” cũng thật thà, tự biết mình thuộc diện em út, tuổi đời ít, tuổi văn càng ít. Tôi là lính trận từ tỉnh đội Gia Lai - Kon Tum được về dự từ 1972 mấy tháng hồi trên núi Tây Quảng Đà, mãi đến sau ngày Bắc Nam thống nhất, khi vẫn còn đang là lính tỉnh đội, cuối năm 1976, đầu năm 1977, hết chiến tranh, tôi được điều về làm đội trưởng đội chiếu bóng của tỉnh đội, lý do chính là tôi có thể thuyết minh từ phim tiếng Kinh ra tiếng Bahnar và tiếng Jrai cho đồng bào nghe. Đang đi chiếu bóng lưu động dưới các buôn làng về, được anh em đơn vị thông báo có hai nhà thơ Thu Bồn và Bùi Minh Quốc thân chinh đến tỉnh đội “xin” cho tôi về trại viết của Quân khu 5. Tôi tiếc đến run người, nhưng nghĩ cái số mình vô duyên nên không gặp! Một năm sau, tôi được quân khu triệu tập ra Đà Nẵng học trường cao đẳng thư viện do nhà văn hóa Hoàng Châu Ký làm hiệu trưởng. Cái duyên được về dự trại của tôi mới bắt đầu từ đây. Bác Hoàng Châu Ký rất thân với các anh Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc). Và chính bác Hoàng Châu Ký đã giới thiệu tôi với các anh. Bác còn đem mấy cái trường ca viết về Tây Nguyên mà tôi đã khoe với bác cho các anh đọc. Tất nhiên là tôi được nhận về ngay. Ở cùng cơ quan, anh Quốc luôn luôn được các anh lãnh đạo “trại” coi là người quan trọng hàng đầu, một đảng viên cựu trào, một nhà thơ nổi tiếng hàng đầu.

Anh Bùi Minh Quốc không rượu chè đàn đúm, làm gì cũng nghiêm túc, bài bản. Tôi thấy anh Quốc thân nhất với hai anh là Nguyễn Trí Huân và Nguyễn Chí Trung. Nguyễn Trí Huân người hiền và cần mẫn, viết khá hay và đúng, luôn được thủ trưởng biểu dương. Anh Huân chịu khó đi xuống cơ sở và có bài kịp thời. Tôi mới về cơ quan, rất ngưỡng mộ các anh và chịu khó quan sát cách làm việc, cách sống, và cả “cách chơi” của từng người. Tôi hoàn toàn là một kẻ vô danh còn các anh đều đã và đang rất nổi tiếng, không phải chỉ có trong văn đàn, mà nổi tiếng lớn trong và ngoài nước. Tôi rất lấy làm tự hào được anh Thu Bồn, anh Bùi Minh Quốc lên tận Tây Nguyên “truy” tìm tôi… Hồi ấy ở trại viết, anh Quốc là một ông anh rất chu đáo, nhất là đối với loại tép riu như tôi. Mỗi lần tôi sang nhà anh chơi là thế nào cũng được anh cho uống rượu mặc dù anh không uống, trong khi đó tôi, thằng em, đã quen uống. Với tôi hồi ấy uống rượu cũng chỉ là uống thứ rượu nhạt như rượu cần. Nói chuyện với anh quanh đi quẩn lại cũng là chuyện cơ quan, chuyện thế sự, và chuyện viết lách. Không mấy khi anh chuyện trò theo kiểu tào lao nhăng nhít linh tinh như của cánh lính chúng tôi. Cái cá tính nghiêm chỉnh hay gọi đúng tên là nghiêm trọng hóa mọi chuyện đã ngấm vào anh. Ít khi thấy anh vui đùa, càng ít khi thấy anh nói… tục. Tôi rất phục anh hồi in mấy cuốn sách ở Nhà xuất bản Kim Đồng, nhất là cuốn Hồi đó ở Sa Kỳ, một cuốn truyện hay, đọc khá hấp dẫn, tôi thường nói đùa, một tiểu thuyết mang nhiều yếu tố của ký, song rất hấp dẫn và lý thú. Sau này đọc các truyện ngắn, hay thực ra là một sê-ri truyện về chiến tranh nhưng viết trong thời hậu chiến, nhất là các truyện viết về đồng chí, đồng đội hồi ác liệt nhất của anh, tôi càng phục anh. Khủng khiếp nhất là khi đọc xong các truyện ngắn Tây Nam, Chiều buốt gió, Nước chảy qua cầu, Người cha, Giấc chiêm bao cuối cùng, Ngày đẹp trời bi thảm... Các truyện này viết về thời điểm ta khó khăn nhất, có hàng loạt cán bộ hoang mang, nhụt chí, để mất cơ sở, có cả huyện ủy, thường vụ huyện ủy đi chiêu hồi, làm tay sai, chỉ điểm cho giặc. Và cũng trong cùng một cảnh ngộ đen tối ấy, cái ranh giới giữa sống và chết gang tấc ấy, sự giằng co vô cùng cam go đến với từng người, từ đó làm nổi bật lên phẩm cách của từng con người.

Thể loại truyện ngắn được các nhà văn lớn bàn nhiều. Người nói truyện ngắn là một khoảnh khắc, người bảo là một khúc, một đoạn, một chớp nhoáng của cuộc đời. Lại có người “phán” truyện ngắn phải xuất phát từ một ý tưởng... Tất cả đều đúng. Nhà thơ viết truyện ngắn có cái thế mạnh riêng, như Bùi Minh Quốc. Thế mạnh của anh là vốn sống về bối cảnh nào cũng đầy ắp, lúc nào cũng tự nó tuôn trào. Những truyện ngắn của Bùi Minh Quốc viết về chiến tranh rất tự nhiên. Anh luôn luôn viết về các mẹ, các chị, các em, các cháu nữ du kích với một sự trân trọng ưu ái đặc biệt. Họ là những nhân vật có thật ngoài đời, và khi vào trang sách, qua ngòi bút của nhà văn Bùi Minh Quốc, họ một lần nữa được tái hiện giản dị và trân quý.

Tôi phải thành thực tự thú với ông anh Bùi Minh Quốc rằng, sau nhiều năm sống chung với nhau cùng một cơ quan, trải bao sự đời, vậy mà ít khi có những cuộc trò chuyện riêng tư kể về nhau, do cá tính mỗi người mỗi khác, chí hướng mỗi người một kiểu, dù đều tự biết và tôn trọng nhau, đủ để không bị trở thành trái chiều. Tôi thích thơ của anh từ hồi học cấp hai cho mãi tới bây giờ. Anh thì từ khi quen biết đến lúc được về ở cùng cơ quan, tôi dưới con mắt Bùi Minh Quốc lúc nào cũng quý quý, bình thường. Đôi khi có sự cố gì đó trong làng văn chuyển biến mỗi khi mỗi khác thì cách nhìn nhận của từng người cũng khác đi nhưng không phải do tuổi tác lệch đến mức khác thế hệ. Anh em chúng tôi cách nhau chừng một con giáp! Một con giáp rất dễ thương, đủ có quan hệ suồng sã, nếu thân thiết có lúc anh anh tôi tôi, có khi chú chú cậu cậu. Nhưng dù sao đó cũng là một khoảng cách, khoảng cách không xa quá, cũng không gần quá, tạo nên mối quan hệ giữa chúng tôi lúc nào cũng thấy có một cái gì đó rất… “gì đó”. Cuộc sống nửa công chức, nửa viên chức, nửa quân đội, nửa dân sự ở cơ quan văn nghệ đưa đẩy lên bổng xuống trầm, dù đúng dù sai, thậm chí dở hơi, tôi vẫn luôn một mực là thằng em, anh vẫn kiên định là một “ông anh”! Một ông anh chí tình dù khi thời tiết xã hội lúc nóng lúc lạnh, lúc lặng im, khi sôi sùng sục, bây giờ tôi U80, anh U90, nghĩ lại cả hai đều thấy nhiều cái rất chi mắc cười. Có chuyện nhỏ xíu mà biến thành to, có chuyện to “oạch” mà vo lại thành bé xíu! Thế nên, xét đến cùng, con người ta, cá tính hay đức tính hình thành nó được xuất phát ngay từ khi còn trong lòng mẹ, từ hồi thơ bé do hoàn cảnh sinh thành với điều kiện sống của mỗi người.

Hai anh em tôi sinh ra cùng thời, cùng nhiều thứ, nhưng mà không cùng lối đi vào nhập cuộc với thời thế. Tôi vốn dĩ là con nhà quê gốc còn anh Bùi Minh Quốc là dân kẻ chợ, hay ít ra cũng là dân vùng ven thủ đô, vùng ánh sáng, không gian văn hóa rộng, nhịp sống nhanh hơn, va chạm nhiều và sở học luôn luôn được quan tâm, hối thúc. Nói như thế để các bạn hiểu hơn (một chút) về cái sự hiểu muộn của tôi về ông anh rất “cá tính” này. Có phải là do cái duyên cái số không mà bấy lâu nay, nếu đoạn cuối cuộc đời này, tôi không đọc một cách nghiêm túc phần văn xuôi, nhất là những ghi chép, những tản văn về thời lửa đạn chiến tranh tàn khốc nhất, những mẩu chuyện ngắn, rất ngắn của Bùi Minh Quốc thì cái thằng em hư này chỉ hiểu về ông anh một nửa bề nổi rất nhỏ có phần thiên lệch, mà ở cuốn sách này anh gọi một cách tối giản là Miền thẳm này. Anh là một nhà thơ. Phần văn xuôi chỉ như cái bóng chỉ đóng vai phụ trợ cho cái vóc dáng vạm vỡ linh hoạt của thơ anh. Trong văn xuôi Bùi Minh Quốc là một ngòi bút rất chân thực, hay nói đúng hơn, rất thật thà. Cái thật thà này do cuộc sống ngặt nghèo, quá sức chịu đựng của các nhân vật và chính cả tác giả nữa. Tôi là lớp đi sau các anh nên có quan niệm khác đi một chút, đã có lần tôi nói với anh, sáng tác văn học thì ở thể loại nào, trong hoàn cảnh nào người viết cũng cần phải có khả năng tưởng tượng, tức là hư cấu. Hư cấu và hư cấu. Bùi Minh Quốc cười nhẹ, nếu đưa vào tác phẩm “một trăm phần trăm” sự thật của đời sống thì tất nhiên sao còn gọi là sáng tạo. Nhưng đời sống lớn lao quá, phức tạp và sinh động quá, nó vượt xa ra khỏi khả năng tưởng tượng của con người, nên chỉ cần ghi lại trung thực đã vĩ đại rồi. Và với tập truyện ngắn chọn lọc mà anh gửi cho tôi viết lời giới thiệu này, anh vẫn viết đúng như những gì mình quan niệm về văn chương. Nhưng đó tất nhiên không phải là thứ sự thật thô sơ ngoài cuộc sống mà đó là sự thật được tinh luyện qua nghệ thuật ngôn từ và trái tim tha thiết yêu đời, yêu người chân thành và cháy bỏng của anh. Xin được chúc mừng người anh U90 của tôi.

Trung Trung Đỉnh |Báo Văn nghệ

Nhà thơ Lê Xuân Đố "Ngọn lửa đời thơ" Nhà thơ Trúc Thông: Thi sĩ của dịu dàng, tinh tế… Có một người thơ trên Facebook Nhà thơ Hoàng Việt Hằng: Ước mơ đoạt giải thưởng đủ mua một cây vàng Trần Hồng Giang: ngậm "đũa thần" gõ vào thế giới
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...