Tôi yêu thơ từ bé và tình yêu đó vẫn nguyên vẹn như thủa ban đầu. Vì yêu thơ tôi đã dành thời gian để đọc hàng trăm tập thơ, hàng ngàn bài thơ trong và ngoài nước, thơ của những nhà thơ đoạt giải Nobel với gần ban mươi năm để làm cuốn NHỮNG CÂU THƠ HAY ĐÔNG-TÂY-KIM-CỔ (Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 2013). Từ đó đến nay tôi vẫn thường xuyên đọc thơ trên sách, báo, trên Facebook để tìm những câu thơ hay theo ý tôi nhằm bổ sung khi tái bản cuốn sách trên.
Có một số người thơ xuất hiện gần như thường xuyên trên Facebook trong đó có Đỗ Anh Thư. Nhiều câu thơ của Đỗ Anh Thư tôi thấy thích:
Em cầm đôi đũa gỗ
Múa vũ điệu tơ tằm
Nhịp nhàng bàn tay nhỏ
Kéo sợi dài trăm năm... (Tơ tằm)
...Ừ thì
Em “ngoại tình thơ”
Một mình em
Với cơn mơ “ngoại tình”...
Tôi chưa gặp Đỗ Anh Thư bao giờ. Hôm qua, tôi nhận được ba tập sách của Đỗ Anh Thư gửi ra từ thành phố Hồ Chí Minh. Tập thơ “Một thoáng phiêu du”; tập truyện “Ngọc trong đá” và cuốn “Bình thơ trên mạng, gặp người trong mơ” của nhà thơ Đào Ngọc Chung bình nhiều bài thơ của Đỗ Anh Thư dày gần 300 trang. Cả ba tập sách đều do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.
Hóa ra nhà thơ Đào Ngọc Chung cũng chưa gặp Đỗ Anh Thư ngoài đời, ấy vậy mà nhà thơ đã bình nhiều bài thơ trên mạng của Đỗ Anh Thư in thành một tập sách dày. Trong “Lời thưa đầu sách” nhà thơ Đào Ngọc Chung viết: “... Tôi tin vào sự công bằng của thơ, chỉ có giấy trắng, mực đen và tâm hồn thi sỹ. Tôi không bao giờ phân biệt thơ của “Hội viên” hay chưa “Hội viên”; thơ in trên giấy hay trên mạng. Tôi biết Đỗ Anh Thư chưa hề mang một danh vị văn chương nào. Nưng tôi tin mình đã nâng trên tay những câu thơ chân chất, thật hạt, trân trọng chuyển đến bạn đọc yêu quý của tôi”.
Sinh thời thi sỹ Bùi Giáng đã từng nói rằng: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được... Muốn bàn tới thơ chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó nên họ chỉ vịnh thơ chứ không bao giờ điên rồ gì mà bàn luận về thơ...”. Khi đã ở tuổi tri thiên mệnh tôi mới thấy tâm đắc với điều nay. Bởi vậy, tôi ít khi bình luận về một bài thơ mà chỉ đọc, tìm ra những câu thơ hay theo ý mình để bạn đọc cùng thưởng thức.
Đọc tập thơ “Một thoáng phiêu du” của Đỗ Anh Thư tôi cảm thấy người thơ này đúng là SAY làm thơ! Bây giờ ở xứ mình người làm thơ nhiều vô kể, thơ xuất hiện trên báo, trong các tập sách cũng nhiều. Tôi có cảm tưởng các nhà xuất bản bây giờ cho các tác giả “thả cửa” in thơ miễn là người in thơ có tiền, bỏ tiền ra in. Khác hẳn trước đây, phải là nhà thơ có danh tiếng mới được in. Vậy nên tìm được những câu thơ hay theo ý mình trong các tập thơ rất khó!
|
Trong tập thơ “Một thoáng phiêu du” tôi thích một số câu thơ, một số bài thơ:
...Người đàn bà làm thơ
Luôn có của để dành (Người đàn bà làm thơ)
Ta từ trong tiền kiếp
Mua một vé luân hồi
Cõi hồng trần bước tiếp
Với hìnhhài tinh khôi... (Trở về)
Sáng...
Đi
Hái ánh mặt trời
Vô tình nhặc được tiếng cười đêm qua (Vô ưu)
...Cơn lốc của phù hoa
Đưa người vào cám dỗ
Cơn lốc của tuổi già
Làm cho ta khốn khổ (Những cơn lốc)
Tôi đã đọc nhiều định nghĩa về thơ, nhưng càng ngày tôi càng tâm đắc với điều mà ông cha mình đã cô đúc trong mấy chữ “Ý tại, ngôn ngoại” khi nói về thơ.
“...Thơ phải cấu tạo bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ phải ẩn dấu muôn ngàn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy... Một bài thơ phải chứa đựng cái gì đã có, nhưng phải mang ở trạng thái tiềm tàng những gì có thể có và cả những gì không có nữa...” (Trích bản tuyên ngôn tượng trưng của nhóm DẠ ĐÀI). Là vậy!
“ ...Có chút gì...
Có chút gì... trong em
Nồng nàn như men
Ngọt ngào như mật... (Có chút gì...?)
Chút gì đó... chính là chút thơ.
Thơ là vậy, đời là vậy. Nếu người thơ không sống hết mình, trung thực hết mình, yêu thương hết mình, khắc khoải hết mình thì những câu mình viết ra khó làm ai rung cảm. Có lẽ Đỗ Anh Thư đã có những khoảng khắc hết mình chăng?! :
...Ta ngồi trong bóng tối
Làm bạn với cô đơn
Gỡ từng làn tóc rối
Cố quên đi nỗi buồn ... (Lặng miền mặc khải)
...Ta vốn dĩ cũng người trần mắt thịt
Kiếp nhân sinh-Quang gánh trĩu nặng đời
Nên có lúc muốn thoát vòng tục lụy
Hóa thiên thần khoảnh khắc để rong chơi (Khi ta mệt mỏi)
Không buồn mà cũng chẳng vui
Tôi ngồi gỡ cuộn rối nùi trong tôi
Nụ cười để sẵn mà thôi...
...Chỉ mong đừng sống quá già
Dù chưa nếm vị mặn mà đỉnh chung
Mai rồi về với hư không
Nhẹ nhàng như ánh mây hồng lướt ngang (Tản mạn cuộc đời)
...Những giành giật bon chen và được mất
Kẻ yêu thơ không có của để dành
Họ chỉ có trái tim đầy cảm xúc...(Trái tim thơ)
Tôi rất tâm đắc với với nhà thơ Lê Quốc Hán khi nói về thơ: “ Chập chờn đợi phút thăng hoa / Câu thơ nối được hồn ta, hồn người”. Muốn vậy ngoài năng khiếu thơ còn phải sống thế nào, yêu thế nào, cảm nhận thế nào...để câu thơ có thể nối được “ hồn ta, hồn người”; nếu không cũng chỉ là trò chơi chữ nghĩa, chẳng làm ai quan tâm! Đúng như tiên sinh Trương Trào viết trong “ U mộng ảnh” (Bản dich của Nguyễn Hiến Lê) : “Tuyệt tác văn chương từ cổ chí kim đều viết bằng huyết lệ”.
Dương Kỳ Anh | Báo Văn nghệ
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh - Người đi qua ngày cũ Bùi Kim Anh với tập thơ "Thức bước thời gian" Nhà thơ Lê Xuân Đố "Ngọn lửa đời thơ" |