Sáng tác

Ngày biển động - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Sơn

Lê Ngọc Sơn
Truyện
10:00 | 16/08/2024
Baovannghe.vn - Tôi gặp Quỳnh lần đầu tiên là ở Đà Lạt. Lúc ấy đâu đó vào khoảng lúc 3 hay 4 giờ sáng.
aa

Tôi gặp Quỳnh lần đầu tiên là ở Đà Lạt. Lúc ấy đâu đó vào khoảng lúc 3 hay 4 giờ sáng. Tôi không nhớ chính xác, chỉ nhớ manh áo sơ mi mỏng tôi mặc khi đó không đủ giữ ấm cho cái lạnh thấu xương của cao nguyên vào buổi sáng sớm. Tôi co ro ngồi ở hàng ghế sau cùng của chiếc xe 16 chỗ trung chuyển từ bến xe Đà Lạt vào trung tâm thành phố. Quỳnh ngồi ngay phía trước tôi. Chiếc khăn lụa trùm kín đầu buông xuống sát đôi vai gầy. Chúng tôi cùng đặt chân lên đất Đà Lạt vào một thời điểm nhưng trên hai chuyến xe đêm khác nhau. Quỳnh từ Sài Gòn lên, còn tôi đi từ Vũng Tàu. Chúng tôi là những người du lịch độc hành. Không biết có phải Quỳnh cũng rời bỏ thành phố vào mỗi dịp cuối tuần như tôi không.

Xe thả chúng tôi ở một con phố ven bờ hồ Xuân Hương ngay gần quán cà phê màu tím thơ mộng. Phía bên kia đường là đồi thông dốc thoai thoải với những ngôi biệt thự đã cũ nằm rải rác giữa những hàng thông cổ thụ cao vút vỏ sần sùi màu nâu thẫm. Trong buổi sớm sương lạnh còn chưa rõ mặt người, rõ khéo có một gánh hàng rong bán sữa đậu nành nóng hổi ngay trên vỉa hè cạnh đó. Tôi đi trước, không chần chừ, tấp ngay vào ngồi bên cạnh nồi đậu nành. Quỳnh đi sau tôi, cũng ngồi xuống bên cạnh và mua một cốc sữa nóng. Tôi xoa hai tay với nhau rồi hơ sát vào chiếc nồi đựng sữa nóng, cố gắng vớt vát lấy chút hơi ấm tỏa ra. Sữa nóng đựng trong chiếc cốc bằng nhôm có một viền nhựa bọc ở giữa để cách nhiệt. Cốc sữa vừa làm ấm lòng kẻ lữ khách đang vừa thổi vừa hớp từng ngụm, vừa làm ấm đôi bàn tay đang lạnh cóng. Thế đấy, ở một góc phố của Đà Lạt mộng mơ, có hai kẻ cô độc ngồi bên gánh hàng sáng, xuýt xoa vì cái lạnh, chậm rãi uống cốc sữa nóng. Và rất tự nhiên, tôi bắt chuyện làm quen: “Hình như em cùng đi trên chuyến xe trung chuyển khi nãy nhỉ?” Quỳnh nhẹ nhàng một chất giọng Sài Gòn dễ thương: “Dạ, vâng anh.” Vậy là chàng trai Hà Nội tình cờ gặp cô gái Sài Gòn trên Đà Lạt vào một buổi sáng sớm tháng chín vào giữa mùa hoa dã quỳ nở vàng rộ khắp cao nguyên như thế đó.

Quỳnh đến Đà Lạt không hẳn là đi phượt độc hành như tôi. Theo như Quỳnh nói thì tôi hiểu là đi vì công việc. Nhưng công việc này thì khác gì đi chơi đâu nhỉ. Quỳnh làm về du lịch cho một công ty chuyên tổ chức tour cho các đoàn khách quốc tế. Lần này của Quỳnh là lên Đà Lạt để đánh giá chất lượng một nhà hàng để xem xét đưa vào danh sách các địa điểm ăn uống trong chương trình du lịch của công ty. Đánh giá chất lượng nhà hàng thì phải ăn thử các món và xem có ngon không, cung cách phục vụ có tốt không, vị trí và không gian quán có đủ rộng rãi thoải mái không. Và tất nhiên là được thưởng thức miễn phí với sự nhiệt tình chu đáo nhất có thể của chủ nhà hàng. Đó là chuyện của tối hôm đó, còn tôi và Quỳnh có nguyên một ngày đi chơi cùng với nhau.

Ngày biển động - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Sơn
Ngày biển động - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Sơn. Họa sĩ minh họa: Vũ Đình Tuấn

Dừng chân ở Vườn hoa thành phố, chúng tôi thuê một chiếc xe tay ga. Chủ quán giao xe tận nơi cùng với hai chiếc mũ bảo hiểm màu vàng tươi và kèm theo một chiếc áo mưa đôi. Trời Đà Lạt tháng chín bất chợt mưa, bất chợt nắng, đủ cả bốn mùa trong một ngày, thế nên không thể chủ quan cho những du khách mà chẳng dằn trong cốp xe một chiếc áo mưa. Những con đường cao nguyên rộng rãi, dốc lên dốc xuống, tôi nhẹ tay ga vi vu lướt. Quỳnh ngồi sau giữ một khoảng cách của hai người bạn mới quen nhau. Chúng tôi đi về phía hồ Tuyền Lâm để tới với những con đường vàng rực hoa dã quỳ, rồi khám phá đường hầm điêu khắc hoành tráng và kì công bậc nhất Đà Lạt. Thật ấn tượng với đoạn nhạc bản tình ca Ai lên xứ Hoa Đào được khắc cùng cung đàn ghi ta trữ tình trên vách đất. Buổi trưa chúng tôi ghé vào một quán nhỏ ven hồ Tuyền Lâm nhâm nhi món nai nướng cùng đậu bắp. Chòi nhỏ nhô ra mặt hồ, phía bên dưới lăn tăn những con sóng vỗ nhẹ vào bờ. Phía xa xa bên kia hồ cả một đồi thông xanh mát. Tôi thấy đâu đó những căn lều cắm trại màu vàng, màu cam nổi bật trên vạt cỏ xanh ngát trải rộng tới sát mép nước của một nhóm bạn trẻ. Trong không gian mát lạnh của Đà Lạt, bữa ăn trưa dân dã mà thật ngon miệng. Tôi và Quỳnh vui vẻ nói chuyện, hỏi thăm công việc và cũng biết nhiều hơn về nhau.

Tôi vào Vũng Tàu làm việc trên giàn khoan cho một công ty dầu khí quốc tế của Anh quốc. Tôi đi trực thăng ra giàn khoan, làm việc hai tuần liên tục trên biển, rồi sau đó có hai tuần về lại đất liền nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một chu kì lặp lại như thế. Tôi đi giàn khoan đã được hơn bốn năm nay từ hồi mới ra trường. Thời gian hai tuần được nghỉ thoải mái cho tôi bay ra ngoài Hà Nội thăm gia đình và đi du lịch khắp nơi. Tôi có thói quen đi du lịch một mình. Ở những chuyến đi đó, rất vui khi được gặp những người bạn lạ mặt nhưng có cùng sở thích, cùng đam mê. Còn Quỳnh từ lúc ra trường đã làm ở công ty du lịch này hai năm nay rồi. Quỳnh ưa nhìn, đôi mắt như biết cười, tóc ngang vai, năng động, ăn nói có duyên và dường như đoán trước được những gì người khác định nói ra. Có lẽ nghề du lịch cho Quỳnh có được khả năng đó, đoán trước các tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi mới quen nhau mà nói chuyện thân thiết như đã biết nhau từ lâu lắm rồi. Có lẽ do có cùng sở thích và đã từng đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Tựu trung là khá hợp gu nhau.

Ăn trưa xong chúng tôi lại mải miết đi thăm khu du lịch Datanla, thác Cam Ly với những dòng suối mộng mơ, nước tung bọt trắng xóa. Tôi thích nhất được chạy xe trên con đường thoáng đãng xanh mát dẫn vào khu du lịch Thung lũng Vàng với một bên là rừng thông cổ thụ tán lá cao lao xao trong gió và một bên là những bãi cỏ xanh mướt. Từ con đường nhìn xuống dòng sông nhỏ chảy dọc dưới chân đồi. Rồi khi chiều muộn, hai đứa trở về gần dinh Bảo Đại, tạt vào quán Cung Tơ Chiều nghe tiếng đàn ghi ta và giọng hát trầm khàn của ca sĩ kiêm bà chủ quán chỉ hát mỗi nhạc Trịnh Công Sơn. Và xen giữa đó, thật lạ, là giọng ca trong trẻo mỏng như sợi tơ của cô con gái còn rất trẻ ước chừng mới chỉ mười sáu mười tám của bà chủ quán. Một ngày rong ruổi khắp đất Đà Lạt kết thúc ngon miệng ở nơi quán ăn mà Quỳnh có nhiệm vụ đánh giá lần này. Chủ quán bày ra những gì đậm chất Đà Lạt: là món canh chân giò hầm hoa atiso, nộm ngũ sắc bốn mùa, gà nướng mật ong, canh chua lá é và tráng miệng bằng món chuối nướng trên ngọn lửa như biểu diễn ảo thuật của anh đầu bếp ngay tại bàn.

Tối đấy chúng tôi thuê hai phòng ngủ ở biệt thự Hoa Anh Đào. Ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp trên sườn một quả đồi nằm ở rìa thành phố, chúng tôi không đặt phòng trước mà chỉ thấy căn biệt thự cho thuê rồi tạt vào hỏi khi trời đã tối và may mắn vẫn còn hai phòng trống ở tầng áp mái. Đà Lạt về đêm trời khá lạnh. Ở ngoài căn phòng có một bộ bàn ghế salon gỗ với lớp ga màu trầm ấm. Trên bàn đặt một lọ hoa tươi gồm đủ loại hoa dường như được hái trong vườn nhà, trông tự nhiên và tươi tắn. Không gian ấm cúng, hai người bạn mới quen nhau ngồi nhấp ngụm trà nóng và trò chuyện tới tận đêm khuya trước khi trở về phòng đi ngủ. Một ngày thật tuyệt cho tôi và có lẽ cho cả Quỳnh.

Sáng hôm sau tôi thức dậy khá muộn. Tôi dự định ăn sáng xong sẽ trở lại Vũng Tàu. Còn Quỳnh cũng về lại Sài Gòn. Tôi mở cửa sổ nhìn xuống khu vườn thì thấy Quỳnh đã đi dạo ở đó từ lúc nào rồi. Trời khá lạnh, Quỳnh quàng một chiếc khăn lụa màu tím hoa xoan. Từ trên cao nhìn xuống, Quỳnh trông như một cô bé con tung tăng đi lại giữa một vườn hoa muôn sắc, thỉnh thoảng Quỳnh lại ghé sát chiếc mũi vào những bông hoa còn đọng những giọt sương mà hít hà hương thơm. Tôi nhìn Quỳnh và mỉm cười. Đâu đó một tình cảm trong tôi bắt đầu chớm nở. Trong bầu không khí lãng đãng và trong cái lạnh mơn trớn bao trùm thành phố ngàn thông, dường như cảm xúc không còn bị trói buộc nữa. Tôi trân quý những giây phút được sống thật với lòng mình như vậy. Tôi trân quý không gian yên lặng như lúc này. Tôi được hòa lòng mình vào thiên nhiên. Và rất tự nhiên, lòng mình cũng chan hòa tình cảm với người bạn gái vừa mới quen hôm qua. Tia nắng sớm bắt đầu lên, chiếu rõ hơn những bông hoa trong khu vườn phía dưới. Bất chợt Quỳnh ngước nhìn lên, thấy tôi, và nhoẻn miệng cười tươi như nắng mai.

Quỳnh và tôi ghé vào một quán nhỏ ven đường ăn sáng. Tôi gọi một cốc cà phê, còn Quỳnh uống sữa đậu nành. Bữa sáng chỉ nhẹ nhàng với ổ bánh mì và chút dăm bông. Tôi và Quỳnh trao đổi số điện thoại rồi hẹn nếu có dịp tôi sẽ vào Sài Gòn thăm Quỳnh hoặc sẽ đi chơi cùng nhau một chuyến ở một nơi xa vào dịp đó tôi được nghỉ. Trong một góc nhỏ quán cà phê buổi sáng ở Đà Lạt, có hai bạn trẻ cười thật tươi, giơ chiếc máy ảnh lưu lại hình ảnh lần đầu tiên chụp chung với nhau.

Tôi quay trở lại với biển trên chuyến trực thăng ra giàn khoan. Hai tuần trời trên biển là hai tuần cắt đứt hoàn toàn liên lạc với đất liền, chỉ trừ trường hợp điện thoại khẩn cấp. Chưa bao giờ có một chuyến đi mà tôi mong đợi đếm từng ngày trở về tới vậy. Khi trực thăng hạ cánh xuống sân bay trên đường 30-4 thành phố Vũng Tàu, tôi đón xe về ngay về căn cư xá. Điện thoại rung lên, có tin nhắn của Quỳnh: “Anh có rảnh cho một chuyến đi trốn ở đảo Bình Ba cuối tuần này không?” Vui quá, tin nhắn của một người mình đang mong và lại là một địa điểm du lịch đúng sở thích, tôi nhắn lại luôn: “Anh đợi Quỳnh ở cảng Ba Ngòi vào sáng mai nhé!” Rất nhanh, một tin nhắn “Ok” và mặt cười chốt lịch hẹn chớp nhoáng. Những đôi chân tuổi trẻ luôn háo hức, con tim tuổi trẻ luôn đập mạnh mẽ, và những mong chờ của những người đang đợi nhau làm con tim như đập nhanh hơn, như háo hức rộn rã hơn, phập phồng trong lồng ngực.

Gặp lại Quỳnh thật vui. Quỳnh rạng rỡ trong bộ váy màu vàng tươi thướt tha và chiếc mũ rộng vành thắt dải nơ xanh. Lần này tôi ra một nơi giữa biển cả không phải bay trên trực thăng. Lần này không phải với bộ đồng phục khô cứng đi cùng những người đồng nghiệp mà là đi chơi cùng Quỳnh. Tàu gỗ đi khá chậm, nhưng không hề gì, bởi tôi bên Quỳnh và chúng tôi có nguyên hai ngày nghỉ cuối tuần nên chẳng việc gì phải vội vàng cả. Trong ánh nắng ban mai, mặt biển loang loáng màu vàng nhạt phản chiếu mặt trời còn ẩn nấp sau những áng mây. Con thuyền càng xa bờ, mặt trời dần ló rạng, đất liền lùi lại chỉ còn một vệt ngang nhỏ xíu, biển cả mênh mông một màu vàng tươi lấp lánh.

Chúng tôi thuê một căn nhà nghỉ nhỏ dựng phía trên mỏm đá chạy dài sát tận bờ biển. Từ nhà nghỉ có thể nhìn bao quát toàn bộ bãi biển nhỏ. Cuộc sống trên đảo như trôi chậm lại như những con sóng khoan thai vỗ nhẹ vào bờ cát trắng. Buổi chiều tôi cùng Quỳnh thảnh thơi đi dạo tới tận phía cuối nơi bãi cát. Những đôi chân trần chạm vào làn nước biển mát lạnh trong chiều hoàng hôn màu tím. Tôi nhẹ nhàng nắm tay Quỳnh. Bàn tay mềm mại ngoan ngoãn nằm gọn trong lòng bàn tay tôi. Lời chưa tỏ nhưng bàn tay nắm lấy bàn tay như đã tỏ rõ nỗi lòng. Lòng tôi ngập tràn hạnh phúc.

Những ngày ở đảo là những ngày nắng đẹp. Chúng tôi đi tới bãi Nhà Cũ, từ trên cao, tôi ôm ngang eo Quỳnh, để làn tóc bay rối trong gió, theo chiếc khăn mỏng phủ nhẹ lên bờ vai tôi. Chúng tôi nhìn thấy những con tàu neo đậu trong vùng vịnh với mặt biển phẳng lặng hiền hòa. Chiều muộn, tôi và Quỳnh mới trở về căn nhà nghỉ. Chủ nhà đã nấu sẵn một bữa ăn thật ngon cho cả hai. Đảo Bình Ba nổi tiếng với món tôm hùm tươi ngon nhất cả nước. Bữa ăn hôm đó ngoài món tôm hùm nướng còn có cháo tôm hùm, nhum biển nướng trứng gà và một món ăn mà chủ nhà bảo là đặc sản miễn phí đi kèm. Đó là những con dắt bám dọc theo dây trong lồng nuôi tôm hùm, nhỏ thôi nhưng ăn rất ngọt. Một ngày bắt đầu bằng con thuyền ra khơi, với ánh bình minh rực rỡ, buổi chiều là tay nắm bàn tay, rồi cùng nhau ngắm hoàng hôn từ trên cao, và một bữa tối thật ngon miệng. Đêm bình yên, nghe gió lộng thổi từ biển khơi. Và đêm ở biển, đêm thật huyền diệu với ánh trăng trải vàng khắp mặt biển. Trăng tràn ngập, cũng như lòng tôi lúc này, với tình yêu mới chớm nở, yêu thương trong ngần và sóng sánh tràn đầy.

Rồi hai ngày trên đảo cũng trôi qua mau. Tôi đang trong kì nghỉ kéo dài hai tuần nên tôi đưa Quỳnh trở lại Sài Gòn. Chuyến xe đêm dừng ở bến Miền Đông lúc còn sáng sớm. Lên taxi tôi với Quỳnh trở về căn hộ Quỳnh đang ở. Đó là một căn chung cư ở khu Thảo Điền. Tôi khá bất ngờ khi thấy Quỳnh ở đó một mình. Căn hộ được bài trí gọn gàng tinh tế với những món đồ nhỏ xinh của những chuyến đi chơi. Nghề của Quỳnh được đi nhiều và gặp nhiều khách quốc tế nên tặng phẩm cũng đến từ nhiều nước trên thế giới. Bốt điện thoại màu đỏ đặc trưng của Anh quốc, tháp Eiffel bằng pha lê của nước Pháp và búp bê lật đật Matryoska của Nga cùng nhiều món đồ xinh xắn khác. Trong khi tôi thích thú ngắm vòng căn phòng khách xinh xắn thì Quỳnh đã thay đồ và vào bếp chuẩn bị bữa sáng. Ăn sáng xong Quỳnh bảo: “Sáng nay em phải đi làm. Anh cứ ở đây nghỉ cho lại sức, đợi chiều em về rồi em sẽ dẫn anh đi thăm Sài Gòn của em.”

Nhưng tôi không kịp đợi Quỳnh tới chiều. Có cuộc điện thoại của sếp gọi tôi về Vũng Tàu gấp vì có một việc quan trọng của công ty cần tới tôi. Tôi chỉ để lại một mảnh giấy kẹp dưới chiếc bốt điện thoại màu đỏ ghi vội cho Quỳnh mấy chữ: “Anh có việc công ty phải về gấp. Hẹn gặp lại em sau.” Tôi đâu biết rằng lần sau gặp Quỳnh là mãi tận năm năm sau.

Bắt taxi về lại Vũng Tàu tôi vào phòng sếp luôn. Sếp điều động gấp tôi cho nhiệm vụ kĩ sư giàn khoan của công ty tại Biển Bắc Anh quốc để thay thế cho một đồng nghiệp phải điều chuyển gấp vì việc gia đình. Dự án đang vào giai đoạn chạy thử và cần một người am hiểu hệ thống khoan đa tầng khu vực đại dương. Hồ sơ visa đã được nhân sự chuẩn bị chỉ chờ tôi kí vào. Vé máy bay cũng đã được đặt định sẵn ngày lên đường trong nay mai. Tôi biết chuyến đi này không thể không đi. Đó là một cơ hội hiếm có cho sự nghiệp của tôi. Nhưng chuyến đi này không phải một vài tháng mà có thể hàng năm trời. Công việc chạy thử rồi đào tạo và bàn giao vận hành cho chủ đầu tư. Tôi đắn đo khi phải xa Quỳnh trong một quãng thời gian dài như vậy. Phải xa tình yêu vừa mới chớm nở ngày hôm qua. Giữa một người con gái mà định mệnh dường như dành cho mình trong một sớm lạnh mờ sương và một cơ hội nghề nghiệp hiếm có nơi phương Tây, tôi như đứng giữa hai dòng nước. Và sau buổi sáng trên công ty, được sự phân tích và hứa hẹn một tương lai vững chắc, tôi đã quyết định lên đường.

Và chuyến đi lại nối tiếp chuyến đi. Những năm tháng tuổi trẻ của tôi gắn bó với đại dương hết vùng biển này tới vùng biển khác. Từ giàn khoan ở Biển Bắc, tôi sang Nam Mỹ cho dự án khoan dầu ở Venezuela rồi chuyển qua Nam Phi, Qatar và một số nước vùng vịnh. Liên lạc của tôi và Quỳnh mất hẳn sau vài tháng tôi lên đường. Trong những ngày lênh đênh trên khắp những miền đất lạ, những chiều chông chênh nhập nhoạng, tôi nhiều khi chợt nhớ nhà, nhớ tới tình yêu của tôi. Nhưng rồi công việc cứ mải miết cuốn đi. Rồi cũng bất chợt như ngày đi, ngày về của tôi lại là một dự án mỏ khí tại Việt Nam. Sau ba năm, tôi được sự tin tưởng của công ty, trao cho vị trí giám đốc phụ trách kĩ thuật cho dự án này. Có một điều tình cờ thú vị là mỏ khí nằm cách không xa hòn đảo Bình Ba ngày trước. Văn phòng dự án được thiết lập tại Sài Gòn. Thỉnh thoảng tôi lại ra giàn khoan kiểm tra tiến độ. Công việc cũng dần ổn thoả đi vào quỹ đạo.

Trong một hoạt động xã hội của dự án cho ngư dân vùng biển chịu ảnh hưởng của mỏ khí, tôi và các đồng nghiệp công ty có chuyến thăm và tặng quà cho các cháu học sinh của trường học trên địa bàn huyện đảo. Chúng tôi làm việc với lãnh đạo của đảo về việc xây mới một trường mầm non cho xã đảo. Dự án này cho tôi cơ hội trở đi trở lại đảo nhiều lần. Rồi hơn sáu tháng sau, ngày cắt băng khánh thành trường học, tôi vui mừng khi nhìn các em trẻ thơ hớn hở vui chơi trong ngôi trường mới khang trang rộng rãi với các trang thiết bị hiện đại. Những chuyến đi tới đảo, sau khi kết thúc ngày làm việc, tôi luôn dành một buổi chiều muộn để về lại vùng biển vắng khi xưa. Tôi thường dạo bước một mình. Tôi nhớ lại cái ngày khi xưa tôi nắm tay Quỳnh đi dọc bãi cát này. Những chuyến đi mải miết, tôi vẫn chưa dừng chân ở một mối tình nào cả. Ngày trở về, tôi nghĩ tới Quỳnh, nhưng lại thôi, chưa dám liên lạc lại. Ngày ấy tôi là người đưa ra lựa chọn, và tôi đã ra đi.

Chiều buông trong ánh tà dương khi chuẩn kết thúc một ngày luôn đem lại nhiều hoài niệm. Bãi biển vắng bóng người, chỉ có xa xa một vài con thuyền đánh cá bắt đầu lên đèn trông như những ánh sao toả những ánh sáng yếu ớt do ngày chưa chịu lui hẳn. Tôi dạo bước nơi bờ cát trắng mịn. Sóng dìu dặt khẽ xô bờ. Ngày mai thôi, tôi sẽ rời xa đảo khi dự án ngôi trường mầm non đã được hoàn thành. Vẫn chưa hẹn trước ngày nào sẽ trở lại. Tôi bước đi mà bước chân vô định với miên man nghĩ ngợi. Bất chợt một bóng hình mờ nhân ảnh như bước ra từ màn khói dày mờ ảo của ánh chiều tà hiện ra phía trước. Mái tóc dài chấm ngang vai, thanh mảnh như gió như sương. Bước chân tôi vội vã, rồi ngập ngừng khi sánh kịp ngang vai. Người con gái quay sang, ánh mắt ngỡ ngàng bắt gặp ánh mắt ngỡ ngàng. Đúng Quỳnh, đúng là Quỳnh thật rồi. Phút giây gặp lại sau năm năm trời khiến cả hai ngỡ ngàng chẳng nói nên lời. Có chút gì hạnh phúc, có chút gì nghẹn ngào, có chút gì mằn mặn vị của năm tháng dài.

Ngày biển động - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Sơn

Sau vài phút giây bỡ ngỡ ngày tình cờ gặp lại, tôi mới mở miệng hỏi một câu có lẽ thật vô duyên: “Lâu nay em khoẻ không?” Quỳnh không trả lời câu hỏi của tôi, mà mỉm cười rồi nói: “Lâu rồi mới gặp lại anh.” Rồi cả hai như chìm vào yên lặng, bước chân sánh đôi đi hết bờ biển vắng. Tới tận cùng bậc đá, tôi cầm bàn tay Quỳnh lên rồi nói điều thật lòng mà tôi muốn nói bấy lâu: “Cho anh xin lỗi, ngày đó anh rời đi mà không một lời từ biệt.” Quỳnh chỉ cười: “Anh vẫn viết cho em mấy dòng ghi vội trên mảnh giấy đó thôi.” Quỳnh thu bàn tay mình lại khiến tôi bối rối. Quỳnh bảo: “Em vẫn theo nghề cũ. Hôm nay em khảo sát khách sạn ở biển đảo này. Chắc anh biết khách sạn này nhỉ. Sáng nay em đã thấy anh ở cửa khách sạn.” Quỳnh nói tiếp: “Chuyến đi này của em không thành công, vì đảo rất gần với khu vực quân sự nên chính quyền không có chủ trương phát triển du lịch ở đây, nhất là cho khách nước ngoài. Nhưng em rất ấn tượng với các cháu bé vui tươi cười trong ngôi trường mầm non khang trang mới được khánh thành. Em lưu lại hết hôm nay rồi ngày mai sẽ về lại Sài Gòn.” Tôi ngập ngừng hỏi Quỳnh: “Liệu anh có thể đưa Quỳnh trở lại thành phố?” Quỳnh không nói gì chỉ im lặng nhìn ra phía biển khơi. Đâu dễ gì cho cái gật đầu đồng ý sau năm năm ngày gặp lại.

Trời bất chợt trở gió mạnh. Gió thổi tung bụi cát mù mịt. Mây đen xám xịt ùn ùn kéo tới. Một cơn giông lốc về chiều muộn tới không báo trước. Tôi vội lấy áo khoác ngoài che cho Quỳnh rồi cả hai chạy vào căn chòi nhỏ trên bờ biển gần phía rặng phi lao. Khách sạn thì xa quá, không kịp để chúng tôi chạy trở về khi cơn giông đã tới rất sát. Chớp sáng loà rạch những tia sáng vằn vện dọc ngang bầu trời. Rồi sấm kêu đùng đùng. Cơn mưa lớn kéo đến. Mưa to như trút nước. Mới hồi chiều biển còn bình yên, giờ đây biển gào thét dữ dội. Từng cơn sóng như thú dữ giơ răng nanh màu bạc nhọt hoắt ngoạm vào bờ cát. Trong màn mưa giăng kín mịt mù, Quỳnh ngồi cạnh tôi. Chúng tôi yên lặng nép mình vào nhau. Một cách tự nhiên cái lạnh và cơn mưa giông đưa chúng tôi tới gần bên nhau hơn. Trong đùng đùng mưa gió, có hai người tựa vào vai nhau trong căn chòi nhỏ. Tôi nhẹ vòng tay ôm đôi vai gầy bé nhỏ của Quỳnh đang run lên vì lạnh.

Có những người đến trong đời ta như một sự tình cờ. Rồi vì những lựa chọn riêng mà ta và người rời đi. Nhưng mấy năm đằng đẵng xa nhau, vẫn trên bãi biển trên đảo vắng, trong cơn giông chiều tối bất chợt, tôi được gặp lại em thì lúc ấy tôi đã tin vào định mệnh của đời mình. Vòng tay tôi siết lại cố mang lại một chút hơi ấm cho người tôi thương. Tôi biết bến đỗ bình yên của đời mình là ở ngay bên cạnh tôi. Ngày biển động, có hai người tìm được về với nhau.

Lũa - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Phước Thảo Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Thềm sương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình Búa nước - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan

Lê Ngọc Sơn| Báo Văn nghệ

Báo Văn nghệ số 32/2024
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn