Sự kiện & Bình luận

Ca trù và duyên phận

Bút ký phóng sự
06:48 | 29/03/2021
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phùng Thị Hồng sinh năm 1952 tại làng Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. Bà hát Ca trù từ tâm can người phụ nữ đa đoan như phận tằm “rút ruột nhả tơ”. Mọi người biết đến bà không chỉ vì chất giọng trời phú mà còn ở cái tâm truyền nghề bảo tồn và phát triển “một hình thức âm nhạc độc nhất vô nhị trên thế giới”. Một giá trị văn hóa phi vật thể của đất Kinh kỳ.
aa

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phùng Thị Hồng sinh năm 1952 tại làng Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. Bà hát Ca trù từ tâm can người phụ nữ đa đoan như phận tằm “rút ruột nhả tơ”. Mọi người biết đến bà không chỉ vì chất giọng trời phú mà còn ở cái tâm truyền nghề bảo tồn và phát triển “một hình thức âm nhạc độc nhất vô nhị trên thế giới”. Một giá trị văn hóa phi vật thể của đất Kinh kỳ.

Nghệ nhân Phùng Thị Hồng đang truyền dạy ca trù cho cháu gái của mình

“Phải lòng” từ câu hát đầu tiên

Phùng Thị Hồng được trời ban cho chất giọng vang, sáng, ngọt ngào nên từ thuở nhỏ bà đã thích hát chèo và ngâm thơ. Khi đang giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ, năm 1990 trong chuyến đi công tác cùng NNƯT Bạch Vân, bà được nghe Bạch Vân hát Ca trù, thấy lạ bà “phải lòng” ngay với làn điệu vừa gần gũi, vừa sang trọng này. Đến khi về làm Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin Hà Tây (cũ), bà cùng các chuyên gia, nghệ nhân đi khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu về Ca trù đệ trình UNESCO xét duyệt, công nhận Ca trù là kiệt tác di sản văn hóa truyền khẩu phi vật thể của nhân loại vào năm 2005. Đây là cơ hội để bà có điều kiện hiểu sâu sắc về môn nghệ thuật “quý tộc” của người Hà Nội.

Ca trù khởi xướng trên đất Kinh kỳ vào thế kỷ XI, thời nhà Lý. Thời kỳ này các ả đào hát phục vụ chính cho các quan viên tiến hành nghi thức tế lễ trong cung đình. Đến thế kỷ 15, nhà Lê cho mở một cuộc thi hát ả đào tại đình Đông Ngạc, việc chấm điểm cho các đào chính là các quan lại, nho sỹ thượng lưu nghe hát tâm đắc đoạn nào thì bỏ cho đào một thẻ tre, từ thẻ tre quy ra tiền. Ca trù có tên gọi từ đó (Ca là ca hát, trù là thẻ tre). Cũng từ đây các cuộc thi Ca trù tuyển chọn các ả đào trong các dòng họ được mở ra. Giáo phường nào có ả đào hát hay sẽ được nắm giữ quyền hát cửa đình. Dòng nhạc quý tộc giữa cung đình và thế tục bước ra dân gian, đến gần đời sống tinh thần của người dân và phát triển một nền nhã nhạc. Các nhà văn tên tuổi gắn bó với Ca trù có thể kể đến Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Tản Đà… nhìn “các quan viên” mới thấy loại hình âm nhạc dân tộc sang trọng này.

Vốn đi lên từ cán bộ phong trào văn hóa quần chúng cơ sở, bà hiểu được linh hồn truyền cảm Ca trù nằm trong các câu lạc bộ Ca trù, người giữ kho báu là lớp nghệ nhân già hát Ca trù trong các giáo phường xưa. Bà mạnh dạn tìm đến và xin được làm học trò của NNƯT Nguyễn Thị Chúc. Người thầy rất thận trọng trong việc kết nạp một học trò mới, bởi môn nghệ thuật đòi hỏi sự tinh xảo trong lối ca và năng khiếu trong chơi. Bà Chúc đã kiểm chứng khả năng của học trò bằng cách nghe hát một điệu Chèo và ngâm một bài thơ cổ. Là người từng hát Chèo và ngâm thơ nên trong giọng hát của “cô đào” Hồng rung hột, phách cũng chắc, rõ, khi hát Ca trù giọng sẽ vang, rền, nền, nảy. Từ đó bà được làm “ca nương” của NNƯT Nguyễn Thị Chúc, người sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Ca trù ở Khâm Thiên, Hà Nội.

Ngày đêm nung nấu quyết tâm, bà Hồng ao ước được làm đào, ngồi trên sân khấu biểu diễn với tâm thái kiêu hãnh. Ngoài học hát bà sưu tầm nhiều băng, đĩa của Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, trau dồi cách chơi trống chầu, gõ phách. Vì Ca trù là môn nghệ thuật vừa cung đình vừa dân gian do vậy mỗi nơi có lối hát riêng. Bà cất công tìm đến các Câu lạc bộ Ca trù như CLB Ca trù Thái Hà để học cách chơi, cách hát. Mặc dù lối hát ngẫu hứng nhưng Ca trù vẫn phải đảm bảo quy ước: bài, cung, điệu, khổ. Mất bốn năm theo học, từng làn điệu Ca trù ngấm vào tâm hồn bà, trở thành mạch nguồn dạt dào tuôn chảy. Thành quả của con tằm cũng đến ngày nhả tơ óng cho đời. Năm 2000, bà Phùng Thị Hồng đoạt giải Huy chương Bạc liên hoan Ca trù Hà Nội, năm 2005 đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Ca trù toàn quốc. Và năm 2015 bà được Nhà nước phong Nghệ nhân Ưu tú Ca trù.

Cho đến một ngày mây mù che ngang môn nghệ thuật được nhiều học giả trên thế giới gọi “viên ngọc quý xếp hạng thượng đẳng”. Đấy là ngày NNƯT Nguyễn Thị Chúc mất (2014). Nhắc đến đây giọng bà Hồng trầm xuống đưa mắt nhìn ra xa: “Lúc nghe tin người thầy kính quý không còn, mình cũng thất thần và cái cảm giác mất mát một thứ quý giá nhói đau trong lòng. Nỗi đau trỗi dậy khi nghĩ về thời gian cùng đoàn khảo sát Ca trù thấy những dòng họ trong gia phả còn lưu giữ môn nghệ thuật Ca trù như: đàn đáy, lưu tên ca nương hát trong cung vua như dòng họ Ngô, huyện Thường Tín. Nhưng ngày nay chính những dòng họ đó không còn người hát. Đây là một sự mất mát quá lớn nên chúng ta rất cần có sự quan tâm và bảo tồn nền văn hóa phi vật thể của Hà Nội”.

Một đời lặn lội

Niềm đam mê và canh cánh trách nhiệm với Ca trù được thỏa sức tang bồng khi NNƯT Phùng Thị Hồng nghỉ hưu (2011). Bà bắt tay vào thành lập CLB và truyền dạy Ca trù. Việc truyền dạy Ca trù là rất khó, khó từ tìm hạt giống đến chính loại hình âm nhạc dân gian truyền miệng này, cũng chưa có một giáo trình hoàn chỉnh nào để dạy. Việc đầu tiên bà phải tìm đến các CLB Văn hóa Văn nghệ trong các làng quê “gạn đục khơi trong” chắt lọc những người hát có khả năng, tố chất hát được Ca trù, bà tiếp cận, trao đổi giúp họ chuyển sang hát Ca trù.

Dạy Ca trù phải tự hoàn thiện mình thành nhà nghiên cứu thứ hai, tự tìm hiểu các tài liệu liên quan đến Ca Trù. Hát Ca trù gồm một đào (ca nương), một kép (nhạc công: đàn đáy, trống chầu). Ả đào hát cầm bộ phách gõ làm bằng ba thẻ tre nhỏ, câu hát đào ngân lên cùng bộ gõ phách dập xuống sênh tạo nên tiếng giòn tự nhiên, lạ kỳ hòa vào tiếng đàn đáy. Tiếng trống chầu đệm đúng lúc nâng đỉnh cao lời thơ và diễn xướng. Bốn loại hình âm thanh hòa tấu nhịp nhàng, ăn ý: tiếng cao, tiếng thấp, phù trầm, thăng, giáng... tạo ra một thứ âm nhạc đa điệu, suy tư, sâu lắng!. Để có giáo trình giảng dậy bà tự đọc sách, đúc kết kinh nghiệm. Mất hai năm bà soạn thảo xong cuốn sách Câu lạc bộ Ca trù (Nxb Văn hóa Dân tộc, 2017), tài liệu phù hợp với cách dạy dân gian.

Ca trù đòi hỏi tinh tế và có kiến thức văn hóa xã hội uyên thâm. Vì thế bà dạy cho ca nương trước khi hát phải tìm hiểu văn hóa truyền thống địa điểm nơi mình hát. Ca trù có ba lối hát: Hát cửa đình, cửa chùa; hát nhạc quan; hát ca quán. Nếu hát ở cửa đình, cửa chùa không hát các bài tình tứ như: Hồng hồng, tuyết tuyết, lối hát hồng - tuyết chỉ hát trong ca quán, mặc dù cốt lõi của hồng - tuyết ẩn chứa sự thâm thúy của nho sỹ lúc bấy giờ. Và khi cất lời hát phải giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của bài hát vì Ca trù cổ dùng lời thơ, câu văn chữ Nôm, chữ Hán. Khi đó lời ca cất lên mới chiếm được trái tim người nghe.

Ngoài ra Ca trù còn là môn nghệ thuật đòi hỏi tinh sảo và điêu luyện từ đôi bàn tay đến giọng ca nên để học được Ca trù mất nhiều công phu. Người dạy ngoài đam mê còn phải chú trọng tâm lý mới không để ngọn lửa yêu Ca trù trong “hạt giống” bị dập tắt. Khi các ca nương cầm các vần thơ của mình và người thân đến để bà truyền tải thành Ca trù. Bà cố gắng bóp óc biến tấu sao cho phù hợp với tiết tấu làn điệu Ca trù, nhưng vẫn phải giữ cốt cách thơ Ca trù đủ ngôn ngữ, đủ tứ. Các ca nương được hát chính tác phẩm của mình, thấy thơ được nâng tầm.

Cũng chính từ việc thấu hiểu nghệ thuật Ca trù và kinh nghiệm gần gũi với các CLB Văn hóa, Văn nghệ dân gian. Đến nay bà đã truyền được lửa nghề cho hơn 100 học trò, trong đó có những người xuất sắc có thể dạy lại như: NSƯT Lương Duyên (Nhà hát Chèo Hà Nam), diễn viên Quế Vân (Ðoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần), ca nương Vương Hồng (CLB Ca trù Hà Ðông) và ca nương Nguyễn Thị Huế đoạt huy chương vàng liên hoan Ca trù Hà Nội 2017….

Hiện nay, Nghệ nhân đang làm chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội, và truyền dạy một lớp “mầm” ở trường tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Các cháu là những nhân tố mà bà trực tiếp “nhặt” trong lớp dân ca cổ truyền của quận tổ chức. Lớp duy trì đến nay được hai năm dưới sự ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh của các “ca nương nhí”.

Mọi người yêu bà không chỉ vì tiếng hát mà mọi người yêu quý bà còn về đạo đức nghề nghiệp. Có những người gần 80 tuổi ở Bát Tràng sang Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam để được theo học bà. Đào nương Hồng Khanh hàng tuần lặn lội từ Bắc Ninh sang theo học. Đào nương Khanh nói: Tôi thích Ca trù vì Ca trù trầm lắng, sâu sắc. Tôi cũng tìm hiểu nhiều nơi dạy Ca trù nhưng tôi thấy NNƯT Hồng có lối dạy bài bản hiểu lời thơ, hiểu nhạc cụ.

Việc truyền dạy môn nghệ thuật kỹ thuật cao không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Bà trải lòng mình: “Đi dạy có lúc cũng nản, mình lặn lội đường xá xa xôi đến lớp chỉ có một học sinh. Chẳng lẽ lại bỏ về. Nhưng nghĩ đến tuyển chọn nhân tố cho Ca trù rất khó, mà môn nghệ thuật này đang trong tình trạng báo động mai một đành đến tận nhà ngủ cùng, ăn cùng, sống cùng họ và tìm hiểu khó khăn của họ. Lúc này mới vỡ lẽ, họ bảo: học, học mãi không được họ chán. Lại một lần nữa “đẽo gót đóng giầy”, về nhà ngày đêm tỉ mỷ soạn riêng mỗi người một giáo án cho phù hợp”.

Vì yêu Ca trù bà tận dụng tất cả các phương tiện thông tin để quảng bá Ca trù. Thậm chí đi tận trời Âu: Pháp, Bỉ, Hà Lan… đưa Ca trù đến với người dân Việt kiều và quảng bá ra các nước biết về Ca trù Việt Nam. Sau chuyến đi bà nhận được hiệu ứng tích cực, có cặp vợ chồng Kiều bào ở Pháp đã sang tận Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam để được bà truyền dạy Ca trù….

Nhịp phách, tiếng đàn đáy, tiếng ngân của Ca trù như gắn với thân phận người đàn bà đa đoan. Mỗi câu hát bà ngân lên ngọt lịm và sâu lắng làm bâng khuâng, da diết người nghe. Cho đến nay đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà vẫn muốn đi hát để giữ hình ảnh trong mắt công chúng và giữ lửa Ca trù. Bà lấy ngay tấm gương của mình ra truyền dạy cho thế hệ sau, cho cả cháu con của mình, những người nhiệt huyết với Ca trù.

Nguồn Văn nghệ số 13/2021


The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

Baovannghe.vn - Hai đêm diễn Hòa nhạc Vienna - The Vienna Concert, thuộc chuỗi Musical Seasons 2024-2025, đã chính thức khép lại vào tối 24/11/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, để lại những dư âm không thể nào quên trong lòng khán giả Thủ đô.
Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Em đã về rồi phải không/ hãy đến đây ngồi xuống bên cọn nước
50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

Baovannghe.vn - Với sự kế thừa một truyền thống Văn học quý giá và với những tiềm năng, những triển vọng đã và đang có, các Nhà văn Đà Nẵng và Hội Nhà văn TP Đà Nẵng sẽ có một bước phát triển mới, có bước bứt phá để vươn đến đỉnh cao
Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh

Baovannghe.vn - Bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều có tác phẩm của hai cha con đặc biệt. Đó là quyển Ngữ văn 11, tập 2 có trích bài thơ Tình ca ban mai của Chế Lan Viên (1920-1989); còn ở Tiếng Việt 2, tập 1 có trích bài thơ Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh (sinh 1968).
Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Phố phường mưa lạnh mềm áo bụi/ bao mùa rồi chúng con vẫn ra đi