TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
Bữa nay ăn gì?
Câu hỏi ấy xoáy vào tâm trí Sa ngay cả lúc nằm bệt trên thảm tập. Mồ hôi đầm đìa, hơi thở gấp gáp, cả cơ thể đau nhức vì căng cơ. Sa ước gì có thể không ăn mà vẫn sống. Thậm chí Sa còn ước mình chán ăn thì có phải đỡ nhọc không. Nhưng khốn khổ thay chị luôn có cảm giác đói bụng, thèm ăn. Cơm ba bát, hoa quả, bánh kẹo chóp chép cả ngày. Giờ tự nhiên buộc mồm, khổ không tài nào chịu được. Đã có lúc Sa nghĩ đã làm việc quần quật cả ngày, chơi chả được chơi mà ngay cả ăn cũng phải nhịn thì đời còn gì vui nữa. Sau mỗi lần tặc lưỡi như thế là việc tập luyện lại thành công cốc. Cứ như vậy, sự thèm ăn và nỗi ám ảnh tăng cân đã khiến cuộc sống của Sa chật vật và khốn khổ. Hội “chị em cây khế” ngày nào cũng chát chít buôn đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng kiểu gì cũng lại bàn về chuyện cân nặng, vòng eo, cùng một chiếc váy người ta mặc đẹp thế còn mình mặc sao xấu thế.
“Hôm nay chị em mua bán mã cổ nào không?” - Sa hỏi.
“Hàng họ ế ẩm từ đợt sập trước vẫn chưa thể về bờ. Kiểu này tết trông trăng năm nay ăn bánh trung nhân chứng- đất. Thế còn bánh của chị em nhân gì?”
“Bánh của em vỏ bột gạo, nhân phân - thép. Còn nguyên đống cổ thép và phân bón đây này”.
Minh họa: Tô Chiêm |
Cả bọn thả mặt cười ha ha rồi lặn mất hút. Đứa làm osin cho chồng con. Đứa bị lôi tuột vào một nhóm chat nào đó. Đứa nằm vắt chân còm dạo trên facebook. Khen. Khen cho chúng nó chết. Ảnh bà nạ dòng mặc quần đùi, áo ba lỗ cổ đeo ngọc trai, phanh háng ngồi ăn hột vịt lộn đầu ngõ chợ cũng phải khen. Đừng tưởng khen mà dễ. Khen sao cho chủ nhân bức ảnh tưởng mình khen thật mà phổng mũi nhưng thiên hạ nhất định phải nhận ra mình đang đá đểu. Mà không khen cũng không được. Mình chê người ta giữa thanh thiên bạch nhật ai thích nghe. Thế giới mạng ảo cái sự tương tác cũng ảo. Mình không like, còm, thả tim ở tus nhà người ta đến lúc mình đăng cái gì chả ai thèm nhòm ngó. Dân content như Yên mà bài đăng không ai tương tác thì chết dở. Khách hàng nào tin mình. Học trò nào dám ngồi vào lớp học dạy viết content của mình? Nên vì nồi cơm, thôi thì, cứ khen bừa đi. Ngay cả khi khen xong tự thấy xấu hổ, muốn chùi mồm 7749 lần thì cũng cứ khen đi. Khen nhầm còn hơn bỏ sót.
Sa dọn dẹp nhà cửa xong thì chồng con đã ngủ tự bao giờ. Chị khẽ lách người nằm nghiêng xuống giường để không động chạm đến hai con. Cơn buồn ngủ đã qua từ lúc Sa đứng rửa bát dưới bếp. Giờ thì mọi lo toan ập đến khiến Sa không thể nào chợp mắt. Chị đã mất ngủ trong bao lâu? Có lẽ đã gần ba năm rồi, kể từ cú knock không tưởng trên sàn chứng khoán Việt Nam ngày 19-1-2021. Các cổ phiếu giảm sàn la liệt, Sa nằm trong số người đầu tư “chết kép”. Chết vì hậu quả của đà tăng nóng sau cú sập quý I năm 2020 do đại dịch Covid, thị trường liên tục tăng và lần đầu chạm mốc 1500 điểm. Sa bắt đầu nhảy vào thị trường đúng giai đoạn đó, dồn tất cả tiền bạc để bắt hàng. Tiền đẻ tiền mỗi ngày, vừa sướng và run. Có mã cổ lãi trên 100%, giấc mộng làm giàu chưa bao giờ thấy gần đến thế. Đêm nằm âm ỉ nghĩ về tương lai, bấm ngón tay nghĩ xem mỗi ngày mình có thêm bao nhiêu tiền trong tài khoản. Tính mua vài vật dụng trong nhà. Thấy chồng than thở công việc cực nhọc quá, Sa tính đầu tư chứng khoán cứ thuận lợi thế này hay là bảo chồng nghỉ quách đi. Tính cua trong hang đủ thứ trên đời. Nhưng quyết tâm không bán một cổ nào qua bao phiên biến động. Với niềm tin giảm lại tăng. Sóng sau tăng mạnh hơn sóng trước. Chẳng học hành bài bản, chẳng biết phân tích kỹ thuật. Sa thuộc lớp người đầu tư F0 đánh theo hệ tâm linh. Thế rồi sụp một cái, ngơ ngác, ngỡ ngàng. Chắc vài phiên sẽ tăng thôi. Nhưng không, cắt máu mỗi ngày, lãi bay đi nhanh hơn cả khi lãi đến. Nghe thiên hạ bảo nhau sau cú sập lớn thường là sóng lớn. Hàng cũ không bán, Sa chạy vạy kiếm tiền bắt đáy nhập thêm lượng hàng lớn. Cú “chết” kép bắt đầu khi thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc, xuống đáy sau 2 năm. Bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng tăng, lạm phát tăng, kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn sau đại dịch. Sa rơi vào số đông người đầu tư lao đao vì lãi margin. Sau những cú ép margin, Sa xoay xở gồng tài khoản đến kiệt quệ cả tinh thần lẫn vật chất. Đã có lúc Sa mong ngày mai đừng đến. Những đêm mất ngủ bắt đầu. Nằm lướt tin trên mạng xã hội thấy ai đó nhảy cầu, ai đó trốn nợ, ai đó đột tử vì chứng khoán. Chưa bao giờ Sa thấy xót xa cho mình và cho người đến vậy.
Bữa nay ăn gì?
Chết thì không thể. Sống thì không thể không ăn. Từ khóa “ăn gì không béo?” ra 36.300.000 kết quả trong 0,37 giây. Yến mạch, hạt dẻ, sữa chua Hy Lạp, ức gà… Mấy thứ đó nhà không có sẵn. Sa mở tủ lạnh và bắt đầu công cuộc tra google: Ăn na có béo không? Ăn nhãn có béo không? Ăn cá có béo không? Một quả trứng gà chứa bao nhiêu calo? Thịt lợn bao nhiêu calo? Đậu phộng bao nhiêu calo? Thịt bò 250 calo/ 100gram; thịt ba chỉ heo 517/100gram; rau cải 65 calo/100gram; đậu phụ 76 calo/100gram… Những con số nhảy loạn xạ trên màn hình điện thoại, trong tủ lạnh, trong đầu Sa. Những chỉ số calo nhảy trên chảo lửa, trong nồi cá kho. Khi mở nắp nồi cơm, thứ bay ra không phải là khói mà là chỉ số calo. Thứ Sa gắp trên đĩa bỏ vào miệng cũng không còn là món ăn nóng hổi, thơm ngon mà là những con số trôi tuột trong cổ họng, ọc ạch nằm trong bụng. Những con số cựa mình. Đêm ngủ những con số ngấm nước phình to, cả cơ thể trương phềnh nhấc bổng Sa khỏi giường, bay lơ lửng. Bằng một cách nào đó Sa bay ra khỏi cửa sổ, bồng bềnh trôi giữa không trung. Những con số thiêm thiếp nằm im đâu đó trên sạp hàng, trong tủ lạnh, dưới những nếp nhà. Không có ai nhìn thấy cơ thể đẫy đà của Sa. Cũng không có tấm gương nào phản chiếu.
Trước kia khi còn trẻ Sa rất thích soi gương. Trong căn nhà trọ chật chội có thể thiếu nhiều thứ nhưng không thể nào thiếu chiếc gương cỡ lớn. Ngay cả khi mệt mỏi, Sa cũng soi gương để khóc. Giọt nước mắt rơi trên gò má thanh xuân đẹp hơn giọt nước mắt lăn trên những nếp nhăn, nốt tàn nhang, làn da khô ráp. Mỗi sáng dù chẳng vội đi đâu cũng chẳng cần trang điểm, Sa cũng thích ngắm mình trong gương. Làn da trắng mịn, tóc đen, cơ thể nuột nà eo ót, Sa tự thấy yêu bản thân mình. Bây giờ Sa không thể nhìn thấy bản thân trong hình dáng đó. Chỉ còn kiếm tìm lại trong một vài bức ảnh cũ được chụp bằng điện thoại cùi bắp, mờ mờ ảo ảo. Sa tự nhiên thấy tiếc sao ngày đó mình không ra studio chụp bộ ảnh nào tử tế, rửa ra, phóng to, đóng khung treo ở nhà cho con cháu sau này biết mẹ nó, bà nó cũng từng có thanh xuân tươi đẹp. Hoặc là để ông chồng thỉnh thoảng nhìn vào đó sẽ nghĩ vợ mình cũng từng trẻ đẹp như mấy cô ngoài kia, chẳng qua vì lo toan nhàu nhĩ, sinh cho mình mấy đứa con, vất vả nuôi dạy chúng nên người mới trở nên sồ sề xấu xí. Chồng sẽ nghĩ vợ có già có xấu là tại mình dùng hao quá đấy thôi. Hồi trẻ thấy mấy người chụp ảnh khỏa thân Sa chửi quá trời. Thứ mất nết mới hơ hớ cho thiên hạ nó nhìn. Giờ lắm lúc tiếc ngẩn ngơ, mình đã không kịp lưu giữ bức ảnh tử tế nào của thanh xuân năm đó. Chị Yên bảo:
- Thanh xuân không nằm trong những bức ảnh mà nằm trong kí ức của chúng ta.
- Nhưng chúng ta ngày càng đãng trí. Ra chợ mua hàng trả tiền xong còn không nhớ cầm đồ. Đun nồi nước để sôi đến cạn trơ. Chuyện hôm qua, hôm nay có khi không còn nhớ thì đến một ngày cũng không thể nào nhớ nổi thanh xuân của chính mình.
Trong căn nhà khang trang của Sa không có chiếc gương lớn nào. Sa không muốn nhìn thấy hình dáng hiện tại của mình. Cũng đã lâu rồi Sa không chụp ảnh để tự huyễn hoặc rằng mình cũng chẳng đến nỗi sồ sề quá. Nhưng mỗi lần gặp lại một người bạn cũ thấy họ ngạc nhiên về cơ thể của mình Sa không giấu nổi sự bẽ bàng. Ủa! Sao dạo này phát tướng vậy? Trời ơi! Béo dữ. So với trước kia chắc em phải tăng đến gần hai yến thịt ấy nhỉ? Đúng là chỉ có bán móc hàm như thịt lợn mới lãi thôi. Kiểu này chắc ăn hết phần của chồng của con rồi. Hơ hớ. Ha hả. Những tiếng cười ấy vang lên mỗi khi Sa đưa miếng ăn vào miệng. Thậm chí tiếng cười ấy còn vang cả trong những giấc mơ chập chờn đêm tối. Cứ vang mãi không thôi, hệt như bầy ve kêu inh ỏi suốt mùa hè vậy.
Hôm nay bán/mua mã cổ phiếu nào? Phân đạm hay chứng, thép?
Hôm nay ăn gì ít calo? Bún gạo lứt, rau xanh, hay là nhịn?
Những câu hỏi bật lên trong đầu Sa như một thói quen, như được lập trình. Sa bắt đầu nhịn ăn từng bữa. Ban đầu là bữa sáng. Đơn giản vì sáng ra nhiều việc, mải làm quên đói, nhịn bữa này là dễ nhất. Dẫu Sa biết bữa sáng là quan trong nhất trong ngày. Nhịn bữa sáng thấy hiệu quả không cao Sa nhịn thêm bữa tối. Có hôm đói quá, Sa ăn trong vô thức. Giật mình nhận ra mình không cảm nhận được vị ngon của món ăn. Sa ăn chỉ để lấp đầy cái dạ dày đang rỗng tuếch, biểu tình kêu lên ầm ĩ. Ăn cho đến khi hốt hoảng khi thấy mình đã nuốt một lượng lớn thức ăn vào người. Tất cả chúng sẽ biến thành mỡ thừa trên bụng, mặt, mỗi chỗ phình thêm ra một chút. Sa lao vào nhà vệ sinh cố gắng móc họng nôn ra bằng hết. Chồng Sa bảo: “Em đầy đọa cơ thể vừa thôi. Xấu, đẹp cũng không bằng sức khỏe. Anh không chê là được. Kệ mẹ thiên hạ”. Kệ mẹ thiên hạ, lắm lúc Sa cũng nghĩ vậy. Nhưng đâu cần thiên hạ phải khen chê, Sa tự thấy cơ thể mình đang ngày càng xấu xí, già nua.
Trong lúc hàng trăm cuộc tranh luận về béo - gầy, đẹp - xấu đang diễn ra thì Sa bất ngờ ngã sõng soài ở giữa nhà chính vào lúc đang cố gắng tập siết cơ. Tụi nhỏ vẫn hồn nhiên chạy đùa quanh nhà. Chúng cứ nghĩ chỉ là mẹ mệt nên nằm nghỉ. Cho đến khi chồng Sa về, hốt hoảng dìu vợ vào phòng nằm nghỉ.
- Em định hành hạ bản thân mình đến khi nào? Cả ngày ăn uống kiêng khem còn tập luyện quá sức. Chả biết đẹp đến đâu, nhưng có khi chết trước. Em cứ như con thiêu thân lao vào vầng sáng mơ hồ. Khoa học. Mọi thứ phải khoa học, em hiểu không? Đừng tưởng anh không biết em vẫn uống thuốc xổ và vào nhà vệ sinh móc họng để nôn. Sống sao khổ cực thế thì đẹp để làm gì? Để làm gì?
Đẹp để làm gì? Sa cũng từng nhiều lần hỏi mình như thế. Thiên hạ có người đẹp để khiến đời rung động. Có người đẹp để kiếm bộn tiền. Có người đẹp níu giữ thanh xuân. Cũng có người như Sa, đẹp để thấy mình không xấu. Đẹp để không phải khóc hu hu như một đứa trẻ trong nhà vệ sinh, chỉ vì thấy bạn bè trẻ quá. Thấy mình sao đáng thương quá vậy. Mười năm lấy chồng, sinh con, quanh quẩn bếp núc nhà cửa nhàu nhĩ đến không nhận ra mình.
77-72-84… đêm đến những con số cứ nhảy nhót loạn xạ trong đầu Sa. Mấy hôm nay Sa không còn thấy thèm đồ ăn nữa. Cơ thể mệt mỏi, Sa kiệt sức nhấc từng bước lên cầu thang. Để cứu vãn sức khỏe Sa quyết định nạp thức ăn vào cơ thể. Nhưng lạ thay mọi thứ đưa vào dạ dày lại tự nôn ra mà không cần Sa móc họng như mọi bận. Sa rũ xuống hệt một thân cây rỗng ruột. “Hôm nay ăn gì?” câu hỏi ấy vẫn còn văng vẳng bên tai Sa. Bánh tai, bánh cuốn, chả riềng, cơm nguội cá khô, bánh mì sốt vang, thịt bê chấm tương, rau sắn nấu chua. Những món ăn bốc khói nóng hổi trong mường tượng của Sa. Không! Vị chua của rau sắn đang tứa ra trong khoang miệng, Sa nuốt ực vào cổ họng. Hình như có lẫn cả vị tép đồng trong đó. Khói! Có cả vị khói trong căn bếp nghèo của mẹ. Một căn bếp thủng lỗ chỗ, ban ngày nắng chiếu vào chói chang, ban đêm nheo mắt có thể nhìn thấy cả sao trời. Kí ức về những ngày nghèo đói dần hiện ra trong đầu Sa. Thứ kí ức từng bị mất đi chỉ để lại những khoảng trắng suốt bao năm qua bỗng nhiên quay trở lại.
Lấp lóa sắc vàng của hoa cối xay. Sa chạy trên cánh đồng chang chang nắng đổ. Những con cua vội thụt vào hang nhưng không thoát được bàn tay Sa. Hang cua sâu và đầy đá dăm sắc nhọn, tay sa rướm máu. Máu lẫn bùn, loang ra trong bùn, mất dấu trong bùn. Bùn bỏng đót chân rạ, nung nấu những xác cua, cá cờ chết nổi trên mặt nước. Rồi thì nước cũng không còn, cánh đồng khô, nứt nẻ. Không có mùa màng, không còn lúa gạo, con người như con cua bấy yếu ớt bò lên bờ trốn nắng. Đất cằn đá sỏi, đồi núi chỉ có những mầm rau đắng cảy mọc lên. Mẹ hái về luộc mềm, vắt khô, chấm muối ăn. Rau đắng nhưng cho dòng sữa ngọt, em Sa bú. Đứa trẻ này sinh ra, thì đâu đó sau những cánh rừng lại có đứa trẻ khác tắt thở trên đôi tay người mẹ. Bệnh tật, đói nghèo, đau ốm không đủ thuốc thang, chúng kiệt sức mà tắt thở. Người ta không còn sức để gào khóc. Cuộn chúng trong một chiếc chiếu rách, chôn xuống bìa rừng. Đêm đến, Sa thường nghe thấy trong tiếng gió như có tiếng trẻ con đói khóc.
Sa đi giữa màn mưa trắng trời, vừa đi vừa hát.
Em đi giữa biển vàng
Nghe mênh mang trên
đồng lúa hát
Hương lúa chín
thoang thoảng bay…
Vuốt mặt mà hát, mắt nhìn xuống chân, tìm mót những củ lạc còn sót lại trên đường cày. Chớp lóe trên đầu. Sấm ùm ùm bên tai. Sa càng hát to hơn để át đi nỗi sợ hãi trong lòng.
… Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba…
Mùa sấm những ngọn rau đắng cảy trở nên đắng ngắt, nhưng mẹ vẫn ăn rất ngon lành. Cơm độn sắn ăn ngày ba bữa, rơi hạt nào xuống đất lại nhặt lên bỏ vào mồm. Bữa sáng mẹ thường rang cơm độn sắn, nắm thành từng nắm chia đều cho các con. Sa cầm nắm sắn nóng hổi chuyền từ tay này sang tay kia, nhồm nhoàm ăn trên đường cuốc bộ tới trường. Một nắm cơm độn sắn, mà sắn lúc nào cũng nhiều hơn cơm đủ làm ấm bụng những đứa trẻ nghèo. Ở làng Sa, có những đứa trẻ đêm đi mộng du ngoài đường trong cơn đói bụng rồi gục xuống trên một thảm cỏ ven đường. Khi tỉnh dậy chúng nói đêm qua đã đi theo mùi thơm và tiếng cơm sôi. Sa cũng từng vài lần tiếc nuối khi tiếng gà gáy sáng. Tiếc nuối buông bỏ giấc mơ được ăn no kềnh bụng cơm trắng cá kho, thịt rang cháy cạnh.
Sau này khi lớn hơn một chút Sa hay theo lũ trẻ sang bãi rác doanh trại bộ đội gần nhà. Bới tìm trong đó đống chai nhựa về bán đồng nát lấy tiền mua sách vở. Cũng có khi bới được túi cơm thừa còn nóng hổi lẫn cả thức ăn trong đó. Tụi Sa mang về nhà, rửa sạch những miếng thịt mỡ, đậu rán, đem đi nấu lại để ăn. Chỉ cần một quả cà chua còi cọc hái được ngoài vườn, thêm mấy cọng hành cũng còi cọc là thơm lừng cả bếp. Cả nhà Sa đã ăn ngon miệng biết chừng nào. Sau này vì thương những đứa trẻ nghèo mà các chú bộ đội đã gói riêng cơm và thức ăn thừa vào một chiếc túi nilon sạch để trên thảm cỏ. Khi ấy vài miếng thịt mỡ đủ để vỗ về cả tuổi thơ nghèo đói của Sa.
Chị bao nhiêu cân?
Tối nay ăn gì?
Một chiếc bánh mì chứa bao nhiêu calo?
HPG; DIG; APG; SHB… hôm nay nên cắt lỗ mã nào?
Những câu hỏi ấy không biết từ đâu vọng lại. Có thể là của người dưng. Cũng có thể vọng ra từ tâm tưởng của Sa. Mấy hôm nay cơ thể chị nhẹ bẫng, lúc đứng trên sân thượng gặp trận gió lớn Sa rất sợ mình có thể bay lên như một con diều hoặc chiếc lá khô.
Xoẹt!
Một cơn gió mạnh quét qua lia chiếc hót rác inox bay xa một đoạn. Sa chới với bay lên. Lúc nhìn xuống dưới dòng người đang vội vàng phóng như bay chạy trốn một cơn giông Sa thấy nhấp nháy trên đầu mỗi người là những con số. Nó có thể là số đo ba vòng cơ thể; số calo thức ăn họ vừa nuốt; số tiền trong tài khoản ngân hàng; số nợ mà họ đang phải gánh; số năm mà họ sinh ra đời; số định danh cá nhân… Mỗi người là một dãy số định danh nỗi buồn và niềm vui. Định danh sự giàu có hay nghèo đói. Định danh người béo người gầy. Định danh những cái ghế được truyền từ đời cha sang đời con. Ngay cả những thân cây cổ thụ kia cũng được đánh số định danh đời quan chức. Những con số lộn xộn, nhiễu loạn, na ná, Sa không thể nào nhớ nổi. Cũng giống như Sa không thể ngửi thấy mùi vị của món ăn. Không thể cảm nhận chua, cay, đắng, chát của các loại thực phẩm. Không hiểu được niềm vui nỗi buồn của nhân sinh. Người ta gọi nhau bằng những con số. Lúc bay qua nghĩa trang Sa thấy trên nấm mộ cũng chỉ những con số hiện lên.
1543, 8790, 5649…
Người ta đang gọi Sa hay gọi ai?
Ba hồn chín vía. Chín vía ba hồn.
5579
Người ta gọi Sa hay gọi ai? Đây chỉ là giấc mơ hay hiện thực? Sắp lên thiên đường hay vẫn Cõi Ta Bà?
4480
Người ta gọi Sa hay gọi ai?
Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang
Nguồn Văn nghệ số 38/2023