Chuyên đề

Cầu Long Biên, mối tình đầu của người Hà Nội

Văn học địa phương
14:43 | 03/08/2016
Dòng sông Hồng với tuổi thơ ngày ấy sao rộng lớn, sao kỳ thú vậy. Mùa nước cạn rủ nhau xuống bãi giữa chạy nhảy, kiếm tìm. Rồi ngày nước lên, lại rủ nhau đạp xe lên đê nhìn dòng sông ngầu đỏ, ngập lút bãi giữa, ngập lút mái nhà. Bọn trẻ con bây giờ đâu có niềm vui tự nhiên như vậy. Cầu Long Biên với tuổi thơ ngày ấy đâu tưởng đến hôm nay trầm cảm nỗi niềm riêng, ưu tư nghe sự đời bàn bạc về số phận của mình.
aa

Dòng sông Hồng với tuổi thơ ngày ấy sao rộng lớn, sao kỳ thú vậy. Mùa nước cạn rủ nhau xuống bãi giữa chạy nhảy, kiếm tìm. Rồi ngày nước lên, lại rủ nhau đạp xe lên đê nhìn dòng sông ngầu đỏ, ngập lút bãi giữa, ngập lút mái nhà. Bọn trẻ con bây giờ đâu có niềm vui tự nhiên như vậy. Cầu Long Biên với tuổi thơ ngày ấy đâu tưởng đến hôm nay trầm cảm nỗi niềm riêng, ưu tư nghe sự đời bàn bạc về số phận của mình.

Ngày ấy có năm nhóc con với ba chiếc xe đạp con đèo nhau lên cầu Long Biên. Bài thực vật về cây thầu dầu, cây dâu…đã dẫn nhóm trẻ đạp xe lên cầu, dừng xe giữa cầu đi xuống bãi giữa. Ngày ấy xa lắm rồi – ngày học thuộc lòng bài: Hà Nội có cầu Long Biên? Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Bộ hành tấp nập gánh gồng ngược xuôi – để tự hào, để rồi nhớ mãi.

Ngày ấy đâu đã có xe máy, chỉ ít ô tô, nhiều xe đạp, xe thồ. Cầu Long Biên hai chiều xe đi ngược đều đi về phía tay trái, người đi bộ xuôi theo tay phải. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Sáng sớm đạp xe qua cầu gió thổi bay tung mớ tóc buông mát rượi. Những khi gió lớn, người và xe như dạt bên thành cầu. Những khi gió mùa đông bắc, mưa phùn rát mặt đạp xe qua cầu áo mưa bay lật phật, lưng gò xuống xe mà đạp vượt lên. Ngày ấy đạp xe quen chân, ai cũng vậy, qua cầu chỉ là đoạn ngắn dù nắng hay mưa gió. Nhưng nếu chẳng may có xe ô tô nào chết máy đầu cầu bên kia là dắt xe đi bộ. Lúc ấy thì khổ vô cùng. Phần cầu dành cho người đi bộ hẹp, mình lại dắt xe đạp đi ngược, thế là luôn phải né phải tránh. Thương nhất, khi gặp một xe thồ than xỉ đổ giữa lưng chừng cầu. Những hòn than văng ra vỡ ngang vỡ dọc. Người thồ than nhem nhuốc, lung túng nhặt nhạnh. May mà ngày ấy mọi người đều tử tế nhường nhau, nhìn nhau ái ngại…

Đầu cầu phía nội thành là ga tàu Long Biên cho người đi chợ lên xuống. Tiếng còi tàu, tiếng phát thanh – tàu đã vào ga ồn ào nhưng thân thiết gần gũi biết bao. Hà Nội đã đến rồi, đã sắp về tới nhà rồi. Đầu phía cầu nội thành, bên lối xe xuống là một cây lá rất to, bám đầy bụi. Cây có từ bao năm không rõ nữa. Cây gọi tên là gì không biết nữa. Mỗi lần đạp xe ngược gió qua cầu Long Biên về Hà Nội, thả xe từ từ lăn xuống dốc, nhìn cây như vẫy tay chào đón mà nhẹ nhõm trong lòng.

Ngày sơ tán, xếp hàng qua cầu phao Chương Dương chờ đợi không biết bao nhiêu người, chờ đợi suốt từ chiều tới đêm mới qua được. Cầu Long Biên bị trúng bom, gẫy những nhịp cầu. Đứng xếp hàng chờ qua cầu phao nhìn về phía cầu mà biết bao đau xót.

Cầu đã nối nhịp lâu rồi nhưng dáng xưa đâu còn nguyên vẹn. Cầu Long Biên - dòng sông Hồng sâu trong ký ức của bao lớp người Hà Nội. Cầu vẫn đó qua bao thời gian mưa nắng đời người, lịch sử. Cầu vẫn đó với bao cây cầu mới bắc ngang sông Hồng. Nhưng hình như, cầu trầm tư với lớp sơn đã cũ, đã hoen rỉ. Nhưng hình như, cầu muốn bày tỏ một nghĩ suy, một ước muốn với hôm nay

Ngày ấy đã là xa lắm. Xa lắm, lâu lắm rồi không qua cầu Long Biên. Một cầu Thăng Long, một cầu Chương Dương và bao cầu đã nối nhịp qua sông. Những đứa trẻ ngày ấy đã lớn, đã già và cũng đã quên nhau. Cây cầu cũng già nua, cũ kỹ. Chỉ những kỷ niệm, những ký ức về tuổi thơ, về Hà Nội có cầu Long Biên không bao giờ phai nhạt. Chưa có và chẳng biết có không, một cây cầu bắc ngang dòng sông Hồng đỏ thắm phù sa được nhắc đến, được in đậm trong tình yêu Hà Nội của người Hà Nội như cây cầu Long Biên. Ngày nối ngày, những dòng xe nối nhau đi qua những cây cầu. Hình như tất cả những cây cầu mới ấy với người và xe qua lại cũng chỉ là phương tiện. Giao thông đã thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn nhưng chưa có cây cầu nào tạo dáng đẹp bởi chính mình, tạo dáng đẹp trên dòng sông, góp phần tạo nên vẻ đẹp cho thủ đô. Cầu Long Biên giống như mối tình đầu của người Hà Nội. Mối tình mới mẻ, hiện đại và rất lãng mạn. Cũng sợ lắm đấy rằng có mới nới cũ, phá cũ xây mới. Đền chùa cổ còn dám dỡ bỏ lý do xây mới, hoành tráng để thu hút đông đảo khách thập phương cúng lễ. Phố gọi là cổ ở Hà Nội, thực ra là những phố với những ngôi nhà xây cùng thời với cây cầu Long Biên cũng đã có nhà dỡ bỏ xây nhà mới tiện nghi hơn. Thay đổi là quy luật phát triển của xã hội. Có cái cũ phải được thay thế. Có cái cũ phải được bảo tồn. Cầu Long Biên cần được hồi lại đầy đủ dáng xưa để mãi như nếp áo dài quen thân lại bay trên đường Hà Nội.

(Nguồn: Báo Văn nghệ)

Tên bài do Vannghe online đặt


Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói