Đầu năm 1947, cả tỉnh cuốn vào cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt. Vùng tiêu thổ kháng chiến hoang tàn. Bù lại, vùng tự do nhộn nhịp hẳn lên. Bộ đội và dân tản cư nhộn nhịp trẩy qua đèo Le như đi hội. Một buổi sáng, có người đàn ông lặng lẽ một mình vượt đèo. Chốc chốc, ông ta lại dừng, đảo mắt ngắm chung quanh. Vẻ khắc khổ và bí ẩn thoáng qua gương mặt ông như sương mù, u ám. Người đàn ông bỗng đột ngột dừng chân. Con đường tới đây chợt thắt lại, hai bên là vách đá dựng đứng. Gió từ thung lũng ùa lên, ùa lên, chạm vào các vách đá kêu u u không ngớt. Người đàn ông lẩm bẩm một mình: “Có lẽ là đây!”. Ném cái bị cói đang mang trên vai xuống đất, ông đi tới rảnh nước ven đường, vốc từng hụp nước, tạt lên mặt. Rửa mặt xong, ông quỳ hai gối, gần như bò trên mặt đường, vục mặt xuống nước, uống liên mấy hơi dài. Xong, ông đứng dậy, phủi hai tay vào vạt áo. Lạ lẩm bẩm: “Eo Gió cái con mẹ gì! Cứ gọi Eo… đứng cho dễ hớ hớ, có phải hơn không?”. Rồi ngửa mặt lên trời, cười ngất.
Minh họa Ngô Xuân Khôi.
Mấy hôm sau, một ngôi quán mọc lên. Biển đề: Quán Bảy Vợ. Vẫn người đàn ông lạ ấy ra vào bưng mì, rót nước mời khách, không còn ai khác. Thấy tên quán là lạ, khách ghé ngày thêm đông. Ai hỏi, người đàn ông chỉ cười cười. Quá lắm, có ai hỏi vợ đâu cả rồi, ông chỉ đáp gọn lỏn: “Lạc mất hết rồi!”. Quán đông khách nhưng phiền. Một lần có ông cán bộ Việt Minh đến dọ hỏi: “Ông ở đâu tới?” “Dưới kia! Trà Nhiêu”. “Không có vợ con chi hết à?” “Tây giết hết rồi còn gì!” - “Là những bảy bà sao?” - “Không, một thôi! Một, đã khổ!” Người cán bộ chỉ ra tấm biển. Người chủ quán thở hắt ra: “À…. Câu khách à?” Người chủ quán lắc đầu: “Không phải! Là Cụ Hường(1) mách tới đây…”. Người cán bộ sửng sốt: “Cụ Hường à? Cụ mách thế nào?”
Chuyện kể của chủ quán
Cuối năm ngoái, Tây đổ bộ lên Trà Nhiêu. Khác mấy lần trước, lần này chúng làm dữ: Đốt, giết! Sạch sành sanh. Hôm ấy, tôi từ ngoài đồng chạy về vừa đúng lúc Tây ập vào nhà. Tôi lủi vội xuống hào tre để núp. Chú có bao giờ tận mắt nhìn tụi nó giết người chưa? Chưa hả? Vậy thì có kể chú cũng khó hình dung. Lúc thằng Tây trắng mặt mũi dữ dằn kê súng nã hàng loạt đạn vào đám dân làng không một tấc sắt tôi phải cho hết mấy ngón tay vào mồm mới không kêu thành tiếng. Cả thảy ba lần như thế. Cũng chừng ấy lần nước sông bắn lên tung tóe. Chúng giết người đã trở thành nghề rồi hay sao ấy. Cứ gọn lỏn. Xong, chúng nổi lửa đốt cả xóm. Thứ nhà tranh vèo tí là xong. Rồi chúng kéo nhau đi, bỏ lại mấy cái xác lăn lóc vệ sông. Chôn cất ba mẹ con xong xuôi, tôi chặt hết cây cối, đốt hết mành rớ, đốt luôn ghe và bỏ làng ra đi. Nhắm phía Tây vừa đi vừa chạy miết. Chạy đến ngày thứ ba vẫn chưa đuổi kịp người làng chạy tản cư, tôi biết mình đã lạc. Đêm ấy, tôi nằm lại một mình giữa đường. Mệt, đói, khát, tôi quên mất cả sợ hãi. Chừng nửa đêm có người bỗng lay vai tôi: “Dậy! Dậy đi!”. Tôi mệt mỏi trở mình. Bóng một người đàn ông cỡ năm mươi tuổi lung linh trong màn sương đêm đục nhờ nhờ đập vào mắt tôi. Thanh kiếm đeo cạnh sườn. Mắt bên tối, bên sáng! “Không phải người thường”, tôi nghĩ thầm. Người lạ hất hàm hỏi: “Ngươi chạy Tây à?”. “Bẩm cụ, dạ!”. “Sao không chạy theo con đường ta mới mở?”. Tôi ngạc nhiên: “Con đường nào vậy? Bẩm con không biết ạ”. Người đàn ông hừ khẽ chừng như không hài lòng. “Lỗi là tại ngươi. Hơn sáu chục năm nay ai không biết con đường sơn phòng do ta mở lên Trung Lộc. Lạc là đáng đời ngươi lắm!”. Tôi nài nỉ: “Xin cụ giúp con với!”. Người đàn ông gằn giọng: “Lâu ni ngươi mải mê làm giàu, thờ ơ với việc nước. Đến nông nỗi này mới quýnh quáng lên. Thử hỏi ai cũng như người thì còn gì xã tắc?”. “Bẩm con là dân đen đâu dám bàn chi đến tới chuyện quốc gia đại sự!”. Người đàn ông ngửa mặt lên trời, than: “Có bao nhiêu người nghĩ như ngươi? Hèn chi đất nước này điên đảo mãi!”. Tôi vội sụp người xuống: “Xin cụ tha cho kẻ hèn mọn ngu dốt này!”. “Ngươi phải thề sẽ nghe theo lời ta mới được!”. “Dạ, con xin thề với trời đất…” – “Khoan đã! Ngươi lại hấp tấp rồi. Hãy nghe ta nói chi đã chứ!”. Tôi lạnh toát nhưng mồ hôi lại túa ra ướt đẫm. Tôi vừa quỳ vừa lết đến trước mặt, cụ Hường nạt: “Đứng dậy đi! Nghe ta nói đây! Bây giờ thì ngươi hãy lên ngay đèo Le, khoảng Eo gì nhỉ, à, Eo Gió… mở một cái quán. Thời buổi loạn lạc này đồng bào chạy giặc ngày càng đông đảo, thiếu gì người sa cơ lỡ bước, lính tráng cũng thế, cần có chỗ nương nhờ. Nhưng ngươi phải biết giúp đỡ kẻ ngặt nghèo và nhất là những người đi đánh giặc Phú Lang Sa, đừng có ham làm giàu mà quên mất nhân nghĩa. Ngươi nhớ chưa? Hử?”. Tôi khúm núm: “Bẩm cụ, con nhớ!”. Tôi bỗng giật mình! Hoá ra là cụ Hường! Chắc chắn rồi! Cụ Hường nhìn tôi đăm đăm rồi phẩy tay: “Đi theo ta!”. Cụ Hường dắt tôi đi vòng vèo một lúc thì gặp một con đường đất. “Đây là đường lên Tân tỉnh Trung Lộc. Theo lối này khắc đến đèo Le. Trong vòng ba tháng mười ngày sẽ có bảy người phụ nữ tìm đến giúp ngươi. Nhớ đối xử với họ thật tử tế. Ta cho phép ngươi toàn quyền… Thôi, ta đi kẻo lão Hoán Nhược chờ!”. Cụ Hường lại phẩy tay áo làm thành một trận gió lớn rồi mất hút. Tôi giật mình thức giấc thấy mình đang nằm giữa một con đường đất đỏ …
Câu chuyện đến là khó tin nhưng không hiểu sao từ đó chẳng ai hạch hỏi gì nữa. Riêng ông thì rất tin. Tính từ lúc gặp cụ Hường đến khi bà Bảy đến “trình diện” là vừa đúng trăm ngày. Hôm ấy nhằm ngày hai mốt tháng chín, chẵn sáu mươi năm kể từ ngày cụ Hường lãnh án chém. Ông bèn làm lễ tạ ơn cụ rồi xin phép… thành thân với cả bảy bà! Năm sau, mỗi bà sinh cho ông một đứa con trai. Ông làm bữa tiệc lớn chiêu đãi hết mấy làng quanh dãy Hòn Tàu. Có cả một trung đội Việt Minh qua đèo cũng được ông mời. Rượu vào ngà ngà ông cao hứng nói với tay trung đội trưởng: “Để rồi chú coi! Bảy thằng ni rồi sẽ theo các chú đủ cả bảy!”. Rồi ông vuốt râu cười ha hả. Nghe ông phán, cả bảy cậu con trai đều toét miệng cười.
Tháng bảy năm năm tư biết tin Việt Minh tập kết hết ra bắc, ông lặng lẽ ngồi uống rượu một mình. Ai hỏi gì ông cũng lặng thinh. Ông uống hết chai này đến chai khác. Đến nữa đêm thì ông châm lửa, đốt quán. Ngọn lửa vừa hạ, những người xung quanh chân núi nháo nhác đi tìm. Chẳng thấy ông, chẳng thấy gì ngoài chiếc bị cói cháy nham nhở ông thường hay gối đầu. Buồn quá, bảy bà vợ chia tay nhau trở về quê, mỗi người mỗi ngã.
Năm sau, họ trở lên thăm đã thấy lù lù một ngôi mộ đất nằm giữa nền ngôi quán cũ. Bảy bà ôm nhau khóc.
Từ đó, mỗi năm họ lại về lần lượt thắp hương. Bà Bảy luôn luôn là người tới sau cùng. Mỗi lần thấy hương vơi đi bà càng khóc dữ hơn. Cho đến khi trên mộ vắng hẳn hương đèn.
Không ai biết tin tức gì về bảy người con trai…
Vậy là ông, lão, cái thằng cha mắc dịch Bảy Vợ đã qua đời, đã chấm dứt câu chuyện huyền hoặc phủ lên cuộc đời ông.
Nhưng lại có một câu chuyện kể khác. Một hôm, chiếc ca nô do đứa con gái con bà Cả Lái, (Là con gái chứ không phải con trai như lời đồn đại), từ Cửa Đại chạy lên lần lượt ghé thăm mấy cái bến theo lời mẹ nó dặn. Ghé nơi đâu đón người ở đó lên ca nô, thêm cô Út nữa là vừa đủ bảy. Bảy bà, bảy đứa con gái là vừa mười bốn người. Họ ôm nhau khóc. Tiếng khóc của họ làm náo loạn một khúc sông. Rồi họ kể, mỗi người mỗi phách…
Câu chuyện của bà Cả
Năm đó lụt lớn vô kể, trăm năm mới có một lần. Ông ấy, nghe nói quê tận đâu miệt sông Tranh, sông Vàng thì phải. Với ổng, trận lụt cứ như một cuộc chơi. Lũ xuống gào thét, hù dọa, ông chỉ cười rồi nhún vai: “Sắp được một chuyến đi chơi thú vị đây!”. Nói xong, ông vần chiếc chum, bỏ thêm vào đó bộ quần áo rồi nhảy vào chum xuôi theo con nước. Chín ngày, chín đêm sau, ông cập bến Sông Hoài, đập chum, diện bộ áo quần đẹp ngất, dạo phố. Ổng gặp tôi ngay bên bờ sông, lúc ấy, đang ngồi khóc ti tỉ. “Chồng con đâu? Chết hết rồi hử?”- Ông hỏi như quát. Tôi lắc đầu. “Bỏ đi rồi hử?”. Tôi gật. Nom cái vẻ mặt non choẹt cùng với cái bụng lùm lùm của tôi có lẽ ổng đã đóan được phần nào câu chuyện. Ổng nhổ nước bọt đánh xoẹt: “Mẹ nó! Thằng khốn!”. Tôi càng khóc to hơn. Ông điên tiết quát: “Khóc, khóc cái chi? Chơi cho sướng lắm vào. Trên đời này, thiếu chi thằng khốn nạn, không biết hử?”. Tôi nín khe. “Vậy là không còn ai tất?”. Tôi gật, rồi lắc. Ông ta thở daì. “Con mẹ nó! Hay là… cô về sống với thôi quách đi?”. Tôi trợn mắt nhìn ổng. Về với người đàn ông xấu xí lạ lắc này? Có họa điên! Ráng chờ anh ấy quay trở lại? Anh ấy có trở lại không? Đã ba ngày rồi còn gì! Đẹp ngất trời như anh ấy mà khốn nạn thật hay sao? Mình không tin, không thể tin. “Nào đứng dậy, đi theo tôi! Theo tôi cô sẽ không khổ đâu mà sợ”. Từ cái buổi sáng mùa đông oái ăm đó tôi nhắm mắt đi theo ổng như xuôi theo sự sắp xếp của trời đất, của số phận. Chúng tôi về Trà Nhiêu. Ổng dựng nhà, mở quán giúp tôi sinh con và nuôi dạy nó. Tưởng đâu sẽ ăn đời ở kiếp. Vậy mà, ổng nỡ bỏ tôi mà đi…
Câu chuyện của bà Hai…
Câu chuyện của bà Ba…
Câu chuyện của bà Bốn…
Câu chuyện của bà Năm…
Câu chuyện của bà Sáu…
Câu chuyện của cô Bảy
Mấy năm trời, tôi cuốn vào cuộc chiến, rồi hòa bình. Rồi bừa bộn bao nhiêu công việc. Những năm tháng trẻ trung lướt qua rất nhanh. Không một ai giúp tôi níu giữ lại. Chiến tranh vốn quá tàn nhẫn nhưng thời bình còn tàn nhẫn hơn bởi sự thờ ơ và quên lãng. Những người đàn ông lá mặt, lá trái đầy những toan tính. Thân phận tôi thì khiêm tốn, hèn mọn quá. Họ, nối nhau, liếc qua, nhún vai, cười khẩy rồi bỏ đi. Tôi mệt mỏi. Tôi cô đơn. Tôi muốn vứt bỏ hết. Đang lúc khủng hoảng, một người đàn ông tìm đến. Ông ta đã có vợ con. Tôi cảnh giác: “Anh muốn gì ở tôi nhỉ?”. “Tôi biết chị buồn…”, người đàn ông đáp lơ lửng. Tôi cười gằn: “Và anh đến để động viên, an ủi chứ gì?” . “Ừ, à, xin lỗi chị…”. “Ha ha. Động viên, an ủi, xin lỗi! Gì nữa? Anh có biết bọn đàn bà như tôi muốn gì không?”. Người đàn ông vẫn nhũn nhặn: “Chị cứ nói đi! Tôi đang nghe!”. “ Có con! Anh nghe ra chưa! Tôi muốn có con! Với chính anh, nào, được chưa? Ngay bây giờ! Sao? Anh sợ hả? Hèn nhát thì đừng giở cái trò tán tỉnh vặt ra. Hiểu chưa?”- Tôi lồng lên như một con điên. Người đàn ông, lùi một bước, mỉm cười: “Chị làm tội sợ thiệt! Nhưng, tôi hiểu chị!”. Tôi quát lên: “Hiểu! Hiểu cái đếch gì? Anh cút khỏi đây ngay!”. Người đàn ông lặng lẽ bước ra khỏi nhà để rồi đâu chừng ba giờ sáng thì anh ta quay trở lại. Không hiểu tại vì sao tôi chẳng khóa cửa phòng…
Thế người ta mang tôi ra hết phê bình tới kiểm điểm. Tôi chán ngán, bỏ cơ quan, thất thểu ngược về rừng. Trong lòng tôi chợt hiện lên rất rõ hai vạch khắc của đêm tối trời năm nào. Một vạch dẫn đường; vạch khác soi, làm đích đến. Tôi về lại với người lái đò năm xưa, sống cùng ông ấy. Chẳng giấu làm gì, tôi đã sống rất hạnh phúc những ngày còn lại nơi Bến Đá. Nhiều lúc tôi nghĩ, có những con người mà cuộc đời họ đáng gía bằng trăm ngàn cuộc đời khác. Ngược lại, cũng không ít người cả đời sống chả ra gì. Có những con ngời sống lê sống lết vẫn không hết ngày hết tháng. Có người lại chẳng đủ thời gian để sống, để làm hết công việc mình dự định, đến phải phân thân làm thêm năm bảy phần đời để sống mà phần đời nào cũng chói sáng và đáng quý, đáng trọng. Như ông ấy. Tôi thường hay nghĩ về ông ấy như vậy. Thế nhưng, thiên hạ lại cứ thích soi mói, châm chích ông ấy mới lạ. Sao con người lại cứ thích hành hạ nhau vậy nhỉ? Bây giờ thì ông ấy đã lặng tiếng, im hơi. Xin hãy để ông ấy yên. Hãy để cho con người tội nghiệp ấy yên nghỉ!
Lời kể của một vị tướng về hưu
Ông ấy đã làm phá sản phần lớn kế hoạch tấn công cái đồn lớn của địch nằm bên sông bằng những ý nghĩ lạ và táo bạo. Tôi thấy hợp lý và xuôi theo lời ông ta. Ông ấy bảo: Cho thuyền ép theo bờ lách, đổ quân từ mép sông, men theo vách đá dựng đứng đánh thốc lên. Địch có mà chạy đàng trời! Mà đúng như thế thật. Địch bị đánh bất ngờ, nhảy dựng, đến trực thăng cũng không kịp bốc quân bỏ chạy. Trở lại Bến Đá sau trận đánh kỳ lạ ấy tiếc rằng tôi không kịp gặp ông ấy. Ôi, ông bạn già, đã sống ra sao sau ngày ấy? Tôi đã về muộn mất rồi, xin hãy thứ lỗi cho tôi!
Lời một ông lái đò
Là người của sông nước, xin hãy tin lời tôi. Đừng nghe các bà ấy phân trần. Bầy con rải dọc theo sông Thu Bồn này chính thật là con tôi. Tất thảy. Đúng, chúng là bảy viên ngọc quý của tôi. Tôi từng ấp ủ, yêu thương, đùm bọc, nuông chiều cả mười bốn mẹ con chúng nó. Rồi chúng lấy chồng, sinh con, đẻ cái. Mảnh đất màu mỡ này sẽ hồi sinh, sẽ giàu có nhanh thôi. Quá khứ dẫu có bi hùng cũng chỉ là quá khứ, không ai sống, thở, ăn chỉ nhờ vào nó. Quá khứ vẻn vẹn chỉ là chiếc cầu nối vắt qua hiện tại và tương lai, là tấm gương để người ta soi vào đó để tránh những lỗi lầm mà sống tốt hơn. Không nên chỉ vì lỗi lầm của quá khứ mà đay nghiến, hành hạ nhau mãi. Hãy nhìn tới phía trước mà đi. Lỗi lầm của đời tôi, tôi xin chịu tất, không đổ vấy cho ai, cũng không nhờ ai nhận hộ. Xin đừng làm phân tâm lũ trẻ. Hãy để chúng an tâm sống thanh thản và làm giàu, cho chính mình và đất nước…
Lời nhắn
Trong các bạn đọc, ai là con của ông già Bến Đá? Hãy nói cho mọi người biết rằng câu chuyện kể trên là có thật đi!
------------
1. Cụ Hường: Tức Hường Lô tự khanh Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887), người lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Quảng Nam kháng Pháp (1885-1887)
Nguồn Văn nghệ số 29/2022
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com |