- Cái tên nó cũng vận vào cuộc đời con người ta lắm đó!
Chỉ vậy mà câu đúc kết kia cứ ám vào đầu Năm Búa. Càng nghĩ càng thấy đúng. Càng nhớ lại càng thấy đúng. Ông tham gia chuyện, chủ yếu kể về cái tên mình nó xui xẻo đến mức nào. Năm Búa, nghe đã sợ, nghe đã ghét nên quả thật cái tên ấy nó vận vào cuộc đời ông với bao nhiêu là tai họa. Mà cũng chỉ là chuyện trên trời dưới đất…
*
- Xạo xạo! - Gã lơ xe tự dưng lại buông mấy tiếng vậy rồi cứ ngồi chắc lưỡi. Than lửa rớt lợt đợt. Nhựa đường lỗ chỗ cháy thành vệt. Chiếc xe than như con voi già to tê khó nhọc lết chậm chạp lên dốc. Gã lơ chắc lưỡi đến lần thứ tám thứ chín gì đó thì đu người phốc lên mui xe, rút cây sắt dài, bặm môi bặm miệng, dồn hết sức chọt chọt vào thùng than cho tro rơi ra bớt, trán gã nhíu lại cau có, mồ hôi đầm đìa mặt mày, áo sống. Vừa chọt gã vừa lầm bầm “Xạo xạo… Xạo xạo!”... Xe vẫn lết. Một người khách lên tiếng chọc ghẹo “Xạo xạo xót xa”, thế là gã lơ có tật nói liệu này giật mình phát luôn một tràng dài: “Xạo cái mà xạo xạo, xót cái mà xót…”. Mặt mày gã lơ càng lúc càng đỏ tía lên.
Lơ xe lại lấy khối gỗ can bánh xe dốc sức dộng mấy cái thiệt mạnh vào thùng than như muốn trút cơn giận ai đó. Tiếng ầm ầm và đám cám lửa tung tóe làm khách trên xe giật mình, lao nhao, nhốn nháo, một thoáng rồi trở lại tư thế ép khép trong cái thùng xe khách đã tháo hết ghế, chèn nhét chật cứng. Nắng tắt nhanh. Trời chạng vạng. Nhá nhem. Hơi nóng từ thùng than vẫn phả rát mặt khách đi xe. (Thùng than làm bằng sắt dày, cao khoảng bằng hai cái thùng phuy chồng lên, bên ngoài gắn một hộp sắt nhỏ hơn, chẳng biết để làm gì). Than đỏ vẫn rớt lợt đợt dọc theo đường thành một vệt lửa ngoằn ngoèo.
Trên chiếc xe chật chội, khách vẫn ngồi bệt thùng xe, ép sát nhau đúng như cách người cùng thời hay ví von là “xếp cá nục kho”. Mùi mồ hôi đàn ông, mùi cơ thể đàn bà, mùi dầu khuynh diệp, mùi cá, mùi nước mắm, mùi tro lửa…, tất cả quyện lại thành một thứ mùi chua chua khai khai hăng nồng, đậm đặc, ngộp thở. Thùng xe nóng, ngột ngạt. Da người rát rạt. Đầu tóc người lấm lem tro than. Mắt người cụp xuống. Con đường về quận lỵ Răng Rồng hút nhanh hơn vào bóng đêm khi chiếc xe bắt đầu đổ dốc. Những vệt than lửa rớt lợt đợt cũng ít đi, chỉ vài đốm loe loét đỏ xanh như ma trơi trên đường. Năm Búa râu tóc bờm xờm vương đầy muội tro vì ngồi gần cái thùng đốt than củi, đầu óc anh trống rỗng, căng cứng. Lần thứ hai giũ được cái áo sọc cải tạo, Năm Búa cũng không còn biết nên vui hay nên buồn, cuộc đời anh tự dưng lại rơi vào vòng lao lý, cứ như cơn ác mộng. Phận con ong cái kiến nghĩ nhiều có thay đổi được gì đâu. Tóc. Mấy sợi tóc của người đàn bà cứ vờn vờn nhột nhột. Nóng nực vầy lẽ ra tóc phải bết dính vào da đầu mới phải, đằng này lại cứ khô cong, mỏng tơ vờn vờn như sợi phong du gió bấc. Nghiêng đầu, khoèo khoèo vào tay người đàn bà đang gà gật trên vai mình, giọng Năm Búa thì thào: “Này… này, phải… chị là… Chi Lê… không?”. Người đàn bà từ từ mở mắt, tư thế nghiêng ngã, ngà ngật ngái ngủ biến mất. Thẳng lưng. Quay nhìn. Lại lim dim, ngà ngật. Năm Búa chỉ còn thấy nửa khuôn mặt người đàn bà, nửa kia mờ mờ khuất trong mái tóc rũ rối, xơ xác. Phàm cái gì gần quá cũng khó thấy rõ, sự đời cũng vậy mà…, đang nghĩ ngợi mông lung vậy thì Năm Búa nghe tiếng nói phát ra từ mái tóc khô cong, mỏng tơ ấy:
- Anh ai? Thấy hơi quen!?
- Chị nhớ… “Nhà cà phê” không? Tôi là… Năm Búa…
Chi Lê xoay đầu, nhìn nhanh xung quanh rồi lướt tia mắt về khuôn mặt người đàn ông, khẽ gật nhẹ. Không nói gì thêm. Mái tóc được kéo che trở lại, nửa khuôn mặt lại biến mất, nửa kia lúc ẩn lúc hiện trong bóng tối nhá nhem của buổi chạng vạng. “Anh ai? Thấy hơi quen!?», đó là nói. Thời bấy giờ giữa chuyện nói và thực bụng ít dính dáng gì nhau. Mở miệng hỏi cho có hỏi, chớ Chi Lê đã nhận ra Năm Búa từ lúc mới lên xe. Năm Búa hiểu cái ý cảnh giác hơi thái quá Chi Lê nên im lặng, nhưng những ngày tháng xưa cũ chợt trào dậy, không chỉ đơn thuần nỗi nhớ, nó là một phần cuộc sống của họ bị cố không nhắc đến… Chi Lê lim dim mắt gật gà theo nhịp cà giật cà giật của chiếc xe than, cô không thể thiu thiu ngủ như trước được nữa, hình ảnh Coffee House vừa được nhắc đã hiện lên mồn một, nơi cô và người chồng Chinh Cao đã có những ngày tháng ngập tràn hạnh phúc…
Ôi tuổi trẻ! Thời xuân xanh ấy vừa được khơi lại đã trào lên, đã sống lại, đã rưng rưng…
*
…“Chút nữa! Qua phải chút nữa!”… Năm Búa vừa đưa tay chỉ chỉ vừa hét điều khiển một người đang đứng trên mái nhà kéo cái bảng hiệu cho thẳng thóm. Một bảng hiệu bằng gỗ có dòng chữ “Nhà cà phê - Coffee House” được uốn bằng dây thừng và keo dán nhìn hơi giống mấy cái cổng trại của hướng đạo sinh hoặc của phật tử.
Bên trong “Nhà Cà phê”, hai ba nhóm thanh niên mặc quần ống loa cũng đang treo, dán các hình ảnh của các ngôi sao nhạc Rock như Elvis Presley, Jimmy Hendrix, Janis Joplin, Bob Dylan… Và nhiều câu khẩu hiệu, trong đó có: “Hope I die before I get old’’ (Mong rằng tôi sẽ chết trước khi già).
Một đôi nam nữ, nam dong dỏng cao, đeo kính trắng, nữ cũng cao, trắng trẻo, mặc áo dài mini, họ đang ngồi uống cà phê, cả hai đều có điếu thuốc vấn trên tay. Mùi thuốc cỏ khen khét bay khắp phòng. Thỉnh thoảng chàng trai ngước lên nói “nên trang trí thêm chỗ này, bớt hình ảnh chỗ kia…”, cô gái lim dim mắt, gật gật, lắc lắc người theo điệu nhạc. Đó là Chinh Cao với Chi Lê, họ mới cưới nhau bằng một chiếc nhẫn cỏ và bữa tiệc âm nhạc trong gia đình Hippies Sài Gòn. Họ đều là dân có học, chồng tú tài toàn phần, vợ là sinh viên năm hai Đại học Văn Khoa, vừa về quê mấy tháng nay.
Chinh Cao đứng lên nhìn mọi người và nói ra vẻ quan trọng:
- Cứ để chỗ trống trung tâm đó! Tôi sẽ vẽ vào đó một bánh xe có tám nan hoa.
- Nó là gì vậy anh?
- Pháp luân, một biểu tượng mang ý nghĩa vũ trụ, là bánh xe chân lý, bánh xe sinh tồn. Tám nan hoa tượng trưng cho tám hướng, đồng nhất với tám cánh sen và cũng là tám quẻ đơn trong Kinh Dịch…
Chi Lê lắng nghe, chợt mở mắt nhìn vào chỗ trống trên tường ấy rồi nhìn chồng mình mà tiếp lời :
- Em ủng hộ ý tưởng này! Bánh xe Pháp luân chính là biểu thị sự quay cuồng không ngừng của thế giới hiện tượng. Hãy trở về với cái tâm của con người! Đó là lời kêu gọi cần thiết.
Mọi người đã dừng việc, xúm lại bên bàn hóng nghe, chỉ nghe, không ai dám có một lời nào, ánh mắt bày tỏ sự kính nể đối với bậc đàn anh, đàn chị, là dân «trí thức thứ thiệt» trong suy nghĩ của họ…
“Nhà cà phê - Coffee House” đã hình thành như thế và trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của nhóm Hippies quận lỵ Răng Rồng. Họ đã có những đêm nhạc nhớ đời từ cái máy đĩa của Nhà Cà phê. Xen với những đêm Rock cuồng loạn là những đêm nhẹ nhàng, sâu lắng với country music (nhạc đồng quê). Nhiều lúc họ chìm đắm trong âm nhạc của Bob Dylan, huyền thoại âm nhạc Mỹ, là «nhạc sĩ vĩ đại nhất của kỷ nguyên âm nhạc đại chúng”, theo cách đánh giá và hâm mộ của họ. Trong tình cảm tự nhiên, họ đã thấy mình thân tình và gần gũi với Bob Dylan vì người nhạc sĩ, ca sĩ này đã tham gia vào cuộc diễu hành tại Washington, nơi hơn 200.000 người biểu tình chống cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ.
Có thời gian “Nhà Cà phê” còn kéo cả những lính Mỹ đến nghe nhạc và họ đã chuyền tay nhau những điếu thuốc cỏ tự trồng, tự xắt phơi. Trong những ngày đó vai trò của vợ chồng Chinh Cao và Chi Lê rất quan trọng, họ bận rộn với việc thông dịch, là cầu nối ngôn ngữ giữa những người lính Mỹ với cả nhóm.
Sau cuộc hành quân, lính chi khu kéo xác chết Việt cộng về chợ, một cuộc biểu tình lớn nổ ra. Khởi đầu là các mẹ các chị biến buổi họp chợ thành cuộc phản đối việc “để xác chết ở chợ lâu là vô nhân đạo và ảnh hưởng đến môi trường sống”. Đến 9 giờ sáng thì “nhóm hippies” mang loa cầm tay đến tham gia. Năm Búa đứng trên một bục cao ở bậc thềm chợ bắt loa kêu gọi mọi người cùng đấu tranh. Năm Búa hô to các khẩu hiệu của phong trào Hippie: Hãy chia sẻ yêu thương - đừng gây chiến tranh! Phản đối sự thù địch!... Một tiếng đồng hồ sau, cuộc phản đối ở chợ biến thành cuộc biểu tình lớn, người từ miệt vườn, người từ các làng chài, người từ ấp chiến lược, từ khu chiêu hồi ùn ùn kéo về trung tâm quận lỵ. Toàn bộ khu vực trung tâm quận lỵ trở nên náo loạn, không kiểm soát được nữa. Khu vực chi khu nhanh chóng được rào bằng những khối kẽm gai tam giác. Người biểu tình đạp phá kẽm gai để tiến lên. Cổng chi khu đóng lại và lệnh “bắn bỏ” nếu ai bước qua cổng. Tiếng hô “Đả đảo!” vang dậy. Rất nhiều thiếu niên ném gạch đá vào các hàng cảnh sát và lính tráng. Đến 12 giờ trưa thì lực lượng tiếp ứng gồm quân cảnh và cảnh sát của tỉnh đã có mặt. Tiếng kêu gọi “bà con bình tĩnh, ai về nhà nấy” được một nữ quân nhân đọc ra rã trên loa phát thanh. Khói cay xịt từng luồng, từng luồng co kéo đám đông lượn tới lượn lui như con sóng. Một số người bị bắt. Một số bị đánh trọng thương, máu me đầm đìa. Hai chiếc xe jeep của quân y xuất hiện, những người bị thương được băng bó, chích thuốc tại chỗ. Đám đông giãn dần. Đến khoảng một giờ trưa thì cuộc biểu tình đã thực sự bị giải tán, để lại một cảnh tượng tan hoang, đầy rác rến, gạch đá. Và cũng ngay sau đó, các xác chết ở chợ đã được đem chôn, khu chợ cũng được xịt thuốc DDT khử trùng trắng xóa.
“Nhà Cà phê - Coffee House” tồn tại được gần năm thì Chinh Cao bị bắt quân dịch và ngay trong mùa hè đỏ lửa năm đó tin dữ đưa về: Chinh Cao đã tan xác do hầm trú của tiểu đội anh lãnh trọn một quả trọng pháo. Chi Lê hóa điên. «Nhà Cà phê» giao lại cho nhóm với người năng nổ nhất mà đứng đầu là Năm Búa. Và mọi chuyện đã đi theo một chiều hướng khác, mọi sinh hoạt đều không còn như lúc khởi lên, như thời hoàng kim với những đêm nhạc người ra kẻ vào tấp nập. Rắn mất đầu, «Nhà Cà phê» oằn mình một thời gian rồi rơi vào cảnh rối loạn. Những bất đồng trong nội bộ nhóm khiến cho những bước chân đến đó càng lúc càng thưa thớt và nặng nề thêm.
Năm Búa là con thứ năm của bà bán đậu hũ, cha đi lính cộng hòa mất sớm. Ngoài một buổi đi học, công việc chính của Năm là đi hái củi. Ngày ngày, Năm vào rừng với một cây búa và đôi chàng, (chàng gần với gióng nhưng chỉ có hai đoạn dây mây uốn cong gắn một đầu vào nhau, chỉ để gánh củi). Trong các nhóm vào rừng hái củi lúc đó, tất cả đều gọi Năm Búa bằng “sư phụ” vì các nhát búa của anh vừa chính xác đúng thớ gỗ vừa mạnh mẽ dứt khoác. Gốc cây mắc mướu cỡ nào vào tay Năm Búa đều “bung ra” những khúc củi đẹp. Anh ta rành rẽ loại cây nào thì xớ gỗ chạy như thế nào nên chỉ cần một nhát búa chính xác là xong.
Năm Búa là cơ sở liên lạc và hoạt động nội tuyến tài ba nhất vùng này. Truyền đơn mang từ rừng về được Năm giấu trong các gánh củi và đêm đêm đi rải khắp nơi. Việc đi hái củi quá quen thuộc và hợp lý vì nhu cầu nấu đậu hũ của gia đình đã giúp anh ta qua mặt các lính gác và mật vụ hết lần này đến lần khác.
“Nhà cà phê - Coffee House” dù là địa điểm sinh hoạt văn hóa của giới trẻ Hippies, nó được nhắc đến như một nơi hò hẹn của những người sành điệu một thời …
Một thời tuổi trẻ đã trôi qua từ lúc nào không hay… Người đàn bà từng rất nhan sắc, từng rất sang trọng, học thức với cái tên Chi Lê ấn tượng ấy chợt thở ra một hơi thườn thượt. Ngồi co rúm trong cái thùng xe nhớp nhúa, nóng rát, đậm mùi nhưng Năm Búa vẫn cảm nhận được hơi thở ấy, anh cũng muốn thở ra những hơi dài cho nhẹ lòng nhưng không thể. Cuộc đời bầm dập ra tù vào tội oan khuất đã làm cho anh mất đi những bộc lộ kiểu đó. Năm Búa nhớ như in hình ảnh Chi Lê tội nghiệp trong những ngày điên dại sau mùa hè đỏ lửa…
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com |
… Gió lốc cuốn rác rến thành một vòng xoáy ngược lên trên, càng lúc vòng xoáy càng lớn, bụi bốc mù trời. Cơn lốc đang dịch chuyển lần về phía cô gái. Nhiều cặp mắt ái ngại nhìn ra từ các hiên nhà. Cô gái vẫn thản nhiên đi, miệng lầm bầm, lầm bầm những gì không ai nghe được. Chưa ở đâu có cô gái điên nhan sắc đến mê hồn như cô gái ở quận lỵ Răng Rồng này. Hai mắt to mơ màng. Mũi dọc dừa. Môi mọng đỏ. Khuôn mặt phúc hậu. Cơ thể thon thả, cân đối. Đôi gò bồng đảo căng tràn sức sống. “Nhất dáng, nhì da, thứ ba là nét”, tất cả đều đạt chuẩn, chỉ trừ đầu óc mất kiểm soát… Từ ngày cô gái điên trần truồng, tóc tai rũ rượi này có mặt ở khu chợ quận Răng Rồng, không còn những người đàn ông nhắc ghế ngồi nhìn ra đường nữa. Những đứa con trai táo tợn nhất cũng ngượng ngùng đưa mắt nhìn sang hướng khác khi phải đối diện với cô. Phàm với cơ thể phụ nữ nửa kín nửa hở lại tạo ra sức mê hoặc, quyến rũ, kêu gọi, thách thức người khác phái mê đắm, khát khao, chinh phục, khám phá, ham muốn, thậm chí thi vị hóa, nhưng khi nó lồ lộ, trơ trơ giữa thanh thiên bạch nhật, cả “tòa thiên nhiên” đó va vào mắt mọi người giữa đám đông như thế chỉ làm cho những người đàn ông rơi vào trạng thái nửa rùng mình thương hại, nửa xấu hổ, lạnh chai. Chỉ cần một chút chạm va trong ánh mắt cũng khiến các ông, các chàng ngượng đến chín người.
Cơn lốc vẫn lừng lững tiến tới cô gái điên. Một người đàn bà chạy ra la toáng lên nhưng không kịp. Cô gái điên đã lọt vào giữa vùng bụi mù và rác rến đó. Khi cơn lốc đi qua, người ta thấy một đống lù lù lem luốc đất cát bất động. Tội nghiệp quá! Tội nghiệp quá! Tội nghiệp quá!... Nhiều, rất nhiều tiếng nói “Tội nghiệp quá!” vang lên đây đó, nhưng sau đó đường trưa vẫn vắng lặng, không ai chạy ra, không ai đi ra, không ai dợm chân cả. “Đống đất” rục rịch rồi đứng dậy, từ đầu đến chân nâu sậm một màu, đôi bầu vú thanh tân căng tròn, vòng eo thon thả lượn một đường cong mềm mại xuống mông, tất cả đều nâu sậm. Không phủi bụi, rác rến đầy đầu cứ để yên, cô gái điên chợt cười một tràng dài rồi lại khóc rú lên. Một người đàn ông trung niên đứng bên trong cửa sổ nhìn ra và nói: Cơn lốc đã kích động cô ta. Ngay lập tức khuôn mặt đàn ông không còn bên cửa sổ nữa, một tiếng nguýt kéo dài của người phụ nữ xồ xề bên cạnh đã kéo ông ta vào sâu trong nhà. Giữa trưa nắng nóng, bức bối thế này, mọi chuyện đều có thể xảy ra, “một câu nhịn chín câu lành”, người đàn ông không dám đứng đó quan tâm “người đẹp trần truồng” nữa, nhịn vợ rút đi là có cái lý của ông ấy.
Cô gái dừng lại bên lề đường, tiếng khóc, tiếng cười vừa dứt, cô lại cất tiếng hát khe khẽ, giọng cô mượt mềm, xao xuyến, không có vẻ gì là đớn đau:
… “Tôi có người yêu nằm chết cong queo”. Đang hát cô gái điên lại im, một lúc lâu sao cô lại bật khóc và mếu máo hát tiếp: “… Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu… Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu… Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu… Chết nghẹn ngào… mình không manh áo… Không manh áo nè… Không manh áo nè…”. Tiếng hát, tiếng nói, tiếng khóc, tiếng cười của cô gái điên vẫn vang lên đều đều làm cho buổi trưa đứng bóng càng thêm hoang hoải. Người người thương cảm thở dài thườn thượt sau các ô cửa hai bên đường trung tâm quận lỵ. Một người đàn bà ngồi bán nước dừa trước nhà chợt nổi hứng ngâm nga:
“Thuở trời đất… nổi cơn… gió bụi…
Khách má hồng… nhiều nỗi truân chuyên…”
Buổi trưa hoang hoải càng thêm hoang hoải, xót xa. Ở đây, ai cũng biết chồng của cô ấy chết trận và cô gái Lê Thị Chi, còn gọi là Chi Lê ấy đã hóa điên. Gia đình nhốt giữ cô trong nhà một thời gian nhưng cô vẫn trốn đi lang thang như thế.
*
Than lửa vẫn rớt lợt đợt. Nhựa đường vẫn lỗ chỗ cháy thành vệt. Bóng tối đặc quánh khiến những cục than lửa như mảnh tàn rơi cuối cùng của một vụ nổ big bang, vụ nổ hình thành lại vũ trụ sơ khai. Chiếc xe than như con voi già to tê khó nhọc lết chậm chạp trong đêm sơ khai hoang vắng. Khách trên xe vẫn ngà ngật, xếp ép vào nhau như cá nục kho. Xe lết. Mùi đậm. Rát nóng. Người ép vào nhau từng đợt nghiêng trước, nghiêng sau cà giật của “vũ điệu xe than”. Gã lơ xe móc tay vào một thanh sắt dọc, dựa đầu ngủ ngon lành, tiếng ngáy ro ro rít rít đều đặn vang lên trong khi mồ hôi rịn ướt hai bên thái dương. Thỉnh thoảng lơ xe lại giật mình, hai mắt dáo dác, “Xạo xạo… không à!”, lại buông mấy tiếng trong cơn ngái ngủ kỳ quái ấy rồi lại nhắm mắt, lại ro ro rít rít. Năm Búa không tài nào chớp mắt được nữa. Anh không ngờ lại gặp Chi Lê trên chuyến xe này, từ ngày cô ấy điên loạn cởi trần truồng đi khắp nơi rồi đột nhiên không ai còn thấy cô ấy đâu nữa, thắm thoát mà đã mười năm. “Mây bay bao năm tưởng mình đã quên”, một lời hát cũ chợt ngân vang trong đầu, Năm Búa cố xua đi… Hồi ấy, Chi Lê “biến mất” cũng có nhiều đồn đoán khác nhau lắm. Người ta xầm xì: Những cơn điên thời cuộc sẽ tự tỉnh lại, nhưng đành bỏ xứ tha phương. Cũng có người chắc mẩm: Gia đình đã bắt trói và đưa Chi Lê vào nhà thương điên Biên Hòa… Đối với một người con gái mình quen biết và ngưỡng mộ mà đột nhiên trần truồng lồ lộ ra như thế, lang thang, lảm nhảm, cười khóc như thế quả là một ám ảnh kinh dị trong lòng Năm Búa. Vẫn biết với con người không gì là không thể, nhưng hình ảnh Chi Lê hóa điên đã vượt ngưỡng chịu đựng, nó cứ khiến anh rùng mình, đau quặn ruột gan.
Coffee House giờ chỉ còn là kỷ niệm mà thôi! Đối với Năm Búa, kỷ vật còn lại của Coffee House chỉ còn cái máy xay cà phê quay tay, thói quen còn lại kèm theo là chứng nghiện cà phê nặng. Mỗi ngày trước khi vác cuốc đi làm hợp tác xã, Năm Búa dậy sớm, tự tay mang cái máy xay ra sau nhà bếp quay xay một nhúm cà phê, bỏ vào túi vải hình chiếc vớ rồi kho lên. Cái thời mà nhà nào muốn ăn cơm trắng không độn phải cử người đứng canh sợ bị bắt quả tang và ghi vào hồ sơ “Không phải thành phần bần cố nông” thì việc uống cà phê vào mỗi sáng của Năm Búa là “trọng tội” xa xỉ, tiểu tư sản. Có nhà làm thịt con gà mình nuôi mà không ý tứ, cứ chặt thịt đùng đùng trên thớt đã ngay lập tức bị công an thôn “thăm hỏi” và khi ký lý lịch cho con đi học đã bị phê vào là thành phần trung nông. Những cơn nghiện gây rã rời tay chân, mụ mị đầu óc đã khiến Năm Búa lén lút từng ngày với cái món cà phê chết tiệt này. Lén lút gửi mua cà phê hột. Lén lút xay cà phê. Lén lút kho. Và lén lút uống. Cái thứ cà phê mới xay mà “kho” đúng độ sôi thì mùi thơm bốc lên nức mũi, không cách gì giấu được. Do vậy Năm Búa đã nghĩ ra cách “kho” riêng mình, phải canh củi lửa sao cho ấm nước vừa đủ nóng mà chưa sôi, nhúng “chiếc vớ” cà phê vào, nhấc xuống liền, không được mở nắp, cứ để nguyên khoảng sáu bảy phút cho cà phê “ra” sậm nâu nước nhưng mùi chưa kịp bốc lên…
“Tai họa cà phê” không ập xuống đầu Năm Búa từ cái “mùi thơm lạy ông tui ở bụi này” mà từ phía anh không ngờ tới nhất, cái máy xay cà phê.
Năm Búa không hề biết rằng động tác lén lút mở ba lớp ni-lon quấn quanh, dáo dác dòm trước ngó sau, rồi quay quay, rồi vội vội vàng vàng gói lại đem giấu của mình đã không qua mắt được cặp mắt cú vọ của ông công an thôn. Đã ba ngày liên tiếp, Cú Vọ áp sát, thu lu trong hàng rào cây dâm bụt theo dõi, qua cây lá lấp lóa, động tác, hành vi khả nghi lại càng khả nghi hơn. “Nó đã bí mật quay máy điện đài liên lạc với đồng bọn. Nhìn cặp mắt dáo dác là biết điệp báo rồi… Không ngờ thằng địch hiểm độc thiệt, cài điệp báo chống phá cách mạng từ bên trong…” Cú Vọ tức tốc lên gặp riêng Trưởng công an xã bàn phương án bí mật áp sát bắt quả tang thằng điệp báo nguy hiểm này. “Chắc chắn nó sẽ có vũ khí chống trả, nhờ đồng chí huy động lực lượng du kích đông đúc để áp chế!”, trước khi ra về Cú Vọ còn quay lại kiến nghị thêm với cấp trên như thế.
Tiếng gà gáy canh năm đang rộ từ làng trên xóm dưới thì “đoàng”, tiếng súng chát chúa kinh động vang lên từ sân nhà Năm Búa. Tiếng súng át tiếng gà. “Đứng yên! Giơ tay lên! Thằng điệp báo, mày đã bị bắt quả tang”. Năm Búa sững sờ, bàng hoàng dừng tay quay, mặt mày xanh như đít nhái. “Ghê chưa, còn đổ cà phê ngụy trang nữa chớ!” Chiếc còng số tám nhanh chóng còng tréo hai tay Năm Búa ra sau lưng. Du kích ập vào nhà lục lọi. Khúc rễ cây nu nần trong góc nhà bị khiêng ném ra sân. Xoong đậu hũ lớn bị hất đổ chèm nhẹp, lênh láng nền nhà. Má của Năm Búa bò trong đống đậu hũ vừa lạy vừa khóc lóc kêu oan cho con: “Nó yêu nước lắm mấy ông ơi! Oan cho nó lắm!..”. Hai cuốn tự điển Anh- Pháp- Việt vừa tìm thấy trên kệ sách được gói chung với vật chứng quan trọng là “cái máy điện đài”. Niêm phong. Công an xã ký tên. Công an thôn lăn tay, ai đó nhanh chóng ghi tên dùm. “Ghê chưa, còn cả gan ngang nhiên chứa cả sách tiếng Mỹ trong nhà nữa chớ! Các đồng chí có thấy khúc rễ cây không, hình một con ngựa với con rùa đó, “mã quy” nói lái là “mỹ qua”, chà chà, thằng Mỹ bị ta đánh chạy mất dép rồi mà vẫn có người mong nó qua lại. Ghê thật! Thằng này nghiện bơ thừa sữa cặn quá rồi...”. Đứng trước sân nhà, Cú Vọ oang oang luận tội. Sau bài “diễn văn” hùng hồn đó, “tên điệp báo nguy hiểm” Năm Búa bị cả tiểu đội du kích giải đi cùng đầy đủ tang chứng. Tội danh Năm Búa hoạt động điệp báo phản quốc được nhanh chóng loan truyền khắp làng trên xóm dưới…
*
Ba tháng sau, khi thành tích “theo dõi, mai phục bắt quả tang một điệp báo cực kỳ nguy hiểm” đã đưa vào bảng báo cáo đọc tại Đại hội Chi bộ xã, khi cán bộ công an thôn còn đang hớn hở tìm chỗ trang trọng trong nhà để treo cái Bằng khen lộng kiếng thì… từ trại cải tạo, Năm Búa lừng lững trở về. Một cán bộ an ninh vùng đệm ngày trước giờ giữ chức vụ cao trên huyện, là người từng trực tiếp giao truyền đơn cho Năm Búa đi rải trong lòng địch, không tin một thanh niên giác ngộ cách mạng như Năm Búa lại là điệp báo của Mỹ ngụy cài lại. Ông đến tận nơi xin xem hồ sơ. Ông và các cán bộ, sĩ quan công an cấp trên đã sững sờ khi mở niêm phong vật chứng, trước mắt mọi người, “máy điện đài” ghi trong biên bản chỉ là cái máy xay cà phê quay tay. Đã rõ. Nhầm. Thả người! Vị cán bộ thở phào, coi như đã trả ơn cho Năm Búa về mấy túm thuốc Tây, mấy túm gạo nấu cháo kịp thời kịp lúc trong những ngày ông một mình loay hoay với bệnh tật trong hốc đá. Ông thiệt lòng xót xa cho Năm Búa, “tự dưng lại dính vào cà phê cà phiếc, thứ nghiện ngập xa xỉ của Mỹ ngụy để lại!”
Năm Búa tởn tới già cái món cà phê, “thứ nghiện ngập xa xỉ của Mỹ ngụy”, anh lầm lì hẳn, ít nói hẳn, ngày ngày xách cây búa mài sáng choang và quẫy đôi chàng vào rừng hái củi.
Nhà Cú Vọ ngay trên con đường ấy, sáng nào mở cửa Cú Vọ cũng chạm mặt Năm Búa với cái búa bửa củi lưỡi sáng choang trên tay và ánh mắt đanh lại, nhìn thẳng về phía trước. Cú Vọ vừa mở cửa vội thụt vào, mặt mày lấm la lấm lét, tim đập thình thịch. Ngày thứ hai, lại chạm mặt, cũng ngay cái giờ sáng chết tiệt ấy, cảm giác lạnh tê tay chân, mồ hôi đầm đìa. Tối tối, Cú Vọ vẫn đi rình bắt những người lén nghe nhạc vàng, vẫn đi rình nhà nào có biểu hiện “không phải bần cố nông”, nhưng về tới nhà thì Cú Vọ không tài nào chợp mắt được, hai mắt vừa lim dim, liu riu đã thấy lưỡi búa sáng choang hiện lên. Buổi sáng thứ tư, vừa mở cửa đã chạm ngay ánh mắt trừng trừng của Năm Búa. Lần này Cú Vọ còn nhìn rõ cả cái lưỡi búa bén ngót sáng choang và cả cán búa lượn cong, dèn dẹt. Hai chân Cú Vọ quỵ xuống, chẳng còn chút sức lực nào. Cả ngày hôm đó, miệng khô, đầu nhức, tim đập mạnh, thấy gì cũng sợ, nghe tiếng gió rột roẹt sau hè cũng giật mình. Cả ngày Cú Vọ cứ ngồi thu lu trong góc tối mặc cho cô vợ tru tréo, chửi bới. Đêm, Cú Vọ thay đổi chỗ nằm hai ba lần, nhưng cứ nhắm mắt là thấy lưỡi búa giáng xuống đầu mình, hắn rú lên khiếp hãi, mồ hôi lạnh tuôn đầm đìa. Đến lần chạm mặt thứ năm thì Cú Vọ hoàn toàn suy sụp, dù Năm Búa vẫn chưa mở miệng nói gì. “Mà nói gì thì nói mẹ đi còn dễ thở, đằng này với cây búa lăm lăm trên tay, hai mắt trừng trừng, mẹ nó, thánh còn són cứt huống là chồng tui”, vợ Cú Vọ chửi đổng trong đám tang chồng như thế. Cô ấy kể mình cũng là nạn nhân của những cơn sợ hãi. “Nửa đêm rú lên, nửa đêm hét lên như bị cắt cổ, mẹ cha nó, đố ai mà ngủ được! Tội ổng! Thương ổng! Ổng ngu, ổng không biết cái máy xay cà phê chớ ổng có ở ác với ai đâu…Mà cũng thiệt là…, cơn cớ gì sợ dữ thần, cứ mở miệng là: Cây búa, cây búa, nó giết, chắn chắn nó sẽ giết tôi…”. Cũng lại là cô ấy tồ tồ nói ra như thế mọi người mới biết chứng rối loạn do quá sợ hãi của người chồng. Cái lần chạm mặt thứ năm như giọt nước tràn ly ấy làm cho miệng mồm Cú Vọ bắt đầu đắng nghét, không ăn uống gì được, cơ thể rối loạn, hai hốc mắt thâm đen, sâu hút tận mang tai. Sau lần chạm mặt thứ sáu, Cú Vọ bắt đầu bị chứng đau quặn bụng hành hạ, hắn ăn gì vào cũng nôn thốc nôn tháo ra, ọe đến mật xanh mật vàng mà bụng dạ vẫn còn quặn lên từng cơn. Suốt ngày đêm, Cú Vọ luôn rơi vào trạng thái bức rức, tưởng tượng ra đủ thứ cảnh tượng ghê gớm, những lúc không ói nôn cũng cứ trật quần đứng đái, có lúc chưa được tiếng đồng hồ đã đái đến năm sáu lần… Một tuần sau, người ta phát hiện có xác chết trôi sông, vớt lên thì biết đó là Cú Vọ, tay công an thôn. Năm Búa lại bị đích thân Trưởng công an xã dẫn du kích đến bắt tại nhà với tội danh: Bức tử để trả thù. Cây búa bửa củi trở thành vật chứng bị tịch thu mang đi. Lại vào trại cải tạo. Rằng không tìm được chứng cứ, rằng Cú Vọ bị chứng rối loạn do quá sợ hãi dẫn đến hành vi tự tử là tại mình chứ không ai đe dọa cả. Năm Búa lại được thả lần hai. Lần này thì Trưởng trại cải tạo có lời xin lỗi và đưa Năm Búa ra tận chiếc xe than về quận lỵ Răng Rồng ngày xưa, giờ gọi là xã Tiên Tiến…
Than lửa vẫn rớt lợt đợt. Nhựa đường vẫn lỗ chỗ cháy thành vệt. “Xe ta đang bon bon trên dặm đường” thì ạch ạch, con voi già to tê đã không lết nổi nữa. Lần này thì bác tài mặt mày đỏ kè đã tung cửa xe lao xuống chửi toáng lên mấy câu tục tĩu. “Xả hết cái đống than chết tiệt này đi, thay than khác! Đ. Mẹ, đồ ăn hại!”. Lơ xe lẳng lặng đi tìm cái búa gõ mở thanh cài nắp thùng than, cứ mỗi nhát búa cạch một cái lơ xe lại lầm bầm “Xạo xạo”, khi gã gõ liên tục thì mọi người nghe kèm theo một tràng “xạo xạo, xạo xạo, xạo xạo…” Roẻng. Nắp thùng than bung ra. Lửa thòng nhanh cái lưỡi đỏ xuống. Bên dưới thùng than, lửa rực lên, nhựa đường cháy xèo xèo khét buốt óc. Lơ xe lại nhanh chóng mang mấy tiếng “xạo xạo” lên mui, mặt mày gã lem luốc, hai sợi gân máu ngoằn ngoèo phồng lên như hai con giun, gã gồng mình đổ thêm than mới vào thùng. Muội than đen thui, tro than trắng xám bay ào ào khắp nơi, tiếng chửi bới đồng loạt cất lên trong thùng xe rồi nhanh chóng im re, những cái đầu cam chịu lại gục xuống như những con cá nục kho đã rục trong cái nồi nóng bức.
- Sao không chạy ông tài?- Giọng một bà già vang lên từ thùng xe.
- Hổng có mắt hả?! Châm than mới phải đợi lửa bén chớ!
- Xe với cộ gì chán quá! Như quay về thời ăn lông ở lỗ…
- Ăn nói phản động! Khan hiếm xăng dầu, sáng kiến xe than là nhất đó bà già…
*
Mới đó mà mấy mươi năm. Vết thương kiểu gì rồi qua thời gian cũng kéo da lành lặn. Đời sống giờ dễ thở hơn nhiều, nhà cao cửa rộng chen kín làng kín xóm, xe con xe mẹ chạy nối đuôi ngày đêm, cơm ăn áo mặc đủ đầy. Lê Chi giờ đã thành bà ngoại của một bầy cháu. Năm Búa ngày hai buổi bận bịu chở cháu nội đi học rồi chờ chở về. Giờ đây, tóc Năm Búa đã bạc trắng, bạc thật vì tuổi tác chứ không phải vì bụi tro than, nhưng ông vẫn không sao quên được chuyến xe than ấn tượng một thời. Ông nhớ như in lúc châm than mới, chiếc xe chạy lại được mọi người đã mừng tới mức nào, tất cả cứ tự nhiên òa lên, ai đó hứng chí gào to: Hoan hô xe than! Làm cho mọi người bị kích động cũng gào theo: Hoan hô xe than! Hoan…hoan… hô!