Multimedia

Cỏ đuôi chồn. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Điệp

Đọc truyện
10:20 | 27/11/2023
Nhâm chuyển nhà ra ngoại thành. Nàng mua căn hộ nhỏ giữa xóm Đồng, ai hỏi cũng chỉ cười tủm không trả lời, đại ý muốn hiểu thế nào thì hiểu.
aa

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Nhâm chuyển nhà ra ngoại thành. Nàng mua căn hộ nhỏ giữa xóm Đồng, ai hỏi cũng chỉ cười tủm không trả lời, đại ý muốn hiểu thế nào thì hiểu.

Chiều nay, nắng dịu. Nhâm mở cánh cổng, con Bim vui sướng chạy xộc ra khỏi nhà, lao về phía bờ sông, sục mõm xuống lớp cỏ dày, tìm kiếm những thứ chỉ mình nó biết. Đi sau chú chó nhỏ lông xù, Nhâm thấy lòng vui vui, dù chẳng có lý do gì rõ rệt. Phía tây, mặt trời phình to như quả cầu lửa, chìm dần xuống đường chân trời xanh lợt pha chút sắc tím như vết mực loang. Trên các bức tường rào, hoa hoàng anh nở từng chùm như đám mây vàng, điểm xuyết cho buổi chiều hè thêm rực rỡ.

Nhâm đi về phía hạ nguồn, tay cầm túi vải đựng cuốn sách, chùm chìa khóa và chai nước lọc. Sông Đồng trên thượng nguồn nhảy chồm chồm như con ngựa hoang, réo ồ ồ vì địa hình dốc lởm khởm đá, về tới đây bỗng trầm hẳn đi như được một bàn tay vỗ về. Ven sông, dưới bờ đất ẩm cỏ xước mọc xanh um, chen lấn đám cây dại và những lùm tre gai. Nhâm đến chỗ ngồi quen thuộc của nàng dưới gốc cây gáo vàng lá to, tán xòe như chiếc dù, giở sách đọc, nhưng mới được vài trang, con chữ chuội đi, trong đầu Nhâm lại hiển hiện hình ảnh qua zalo của con gái. Gương mặt xinh đẹp của con bé bên anh chồng người Australia tóc hoe, mũi nhọn, cặp mắt xanh lơ tươi cười trông mới rạng rỡ làm sao. Con bé năn nỉ Nhâm qua sống cùng vợ chồng nó, nhưng nàng chỉ hứa khi nào con gái sinh cháu ngoại, nàng sẽ qua thăm.

Minh hoạ: Phạm Hà Hải

Nhâm gấp sách lại, ngồi ngắm những bè lục bình dập dềnh, xoay tròn giữa hõm nước xoáy. Con Bim sau một hồi lục lọi trong đám bụi rậm đã tong tả chạy đuổi theo lũ bướm bay rập rờn trên đồng cỏ. Tít xa, lúp xúp những nếp nhà tôn chắp vá của người coi đất đã được phân lô bán nền. Tâm hồn thi sĩ của Nhâm rung động. Nàng yêu vẻ đẹp man mác buồn của những hoàng hôn nóng nực, yêu những cây cổ thụ bên bờ sông cao vọt lên ngiêng bóng xuống dòng nước lặng lờ, yêu cả vẻ thâm u của những lùm cây rỉ rả tiếng côn trùng. Nàng buồn rầu nghĩ rằng vẻ đẹp bí ẩn bên dòng sông sẽ biến mất khi người ta xây lên những ngôi nhà lộn xộn vốn rất thường thấy ở các vùng ven đô.

Một người đàn bà bỗng xuất hiện phía xa, cái dáng hơi lom khom. Chị ta đi lại gần, tay cầm liềm, vai vác bao dứa căng phồng. Chân chị quấn xà cạp cao đến nửa đùi, đầu choàng khăn, chỉ hở đôi mắt lá răm đen và hơi nheo nheo. Chị kéo tuột khăn xuống, nhìn Nhâm, vui vẻ chào:

- Bá làm gì ở đây thế ạ? À… đọc sách. Em cứ tưởng không có ai cơ đấy.

Giọng Bắc của người đàn bà nghe quê quê nhưng thân tình. Nhâm chào người đàn bà, vui chuyện hỏi chị ta cắt cỏ làm gì, nàng thấy từ bao dứa thò ra những ngọn cỏ xanh non.

- Em cắt cỏ cho cá ăn - Người đàn bà nói.

- Chị nuôi trắm cỏ à?

- Vưng. Trắm cỏ với cả vài loại cá khác.

Người đàn bà cúi xuống, đưa liềm xoẹt ngang một đám cỏ xanh um, nhét nắm cỏ gọn gàng vào bao dứa, mùi thơm mát của cỏ tươi sực lên.

- Chị cho cá ăn toàn cỏ sao?

- Chúng nó phàm ăn lắm, chẳng phân biệt thức ăn công nghiệp, cám, phân heo… Trước em nuôi cá rô phi, sau em chuyển qua nuôi cá điêu hồng, cá lóc, trôi, mè… nhanh thu hoạch mà dễ nuôi.

- Chị giỏi quá!

Nhâm khen người đàn bà và lén quan sát chị ta. Áo khoác ngoài không cài khuy, sơ mi bên trong bằng vải thun lạnh dán vào thân hình gầy mỏng. Vẻ lam lũ không làm mất đi nét duyên ngầm trên khóe môi cong, cặp mắt với ánh nhìn đằm thắm.

- Em vất vả thế vầy là vì chồng em mất hơn chục năm rồi. Con gái lớn lấy chồng xa. Nhà còn mỗi thằng cu út, năm nay hai ba.

- Con trai chị… làm việc gì…? - Nhâm hỏi, nàng cảm thấy gần gũi với người đàn bà. Chị ta im lặng nhìn ra xa, ánh mắt đột nhiên như bị phủ một lớp sương mỏng. Hồi sau chị nói nhỏ, như tâm tình:

- Cháu Hạo nhà em bị di chứng chất độc da cam. Bố chồng em ngày xưa đi chiến trường B. Mẹ chồng em sinh nở bảy lần chỉ nuôi được ba. Mỗi chồng em lành lặn thì lại mất sớm. Hai bác kia đều chậm phát triển.

- Xin lỗi chị… - Nhâm bối rối, cảm thấy như người có lỗi.

Người phụ nữ tươi tỉnh trở lại. Chị tự hào khoe con trai như đã thân thiết với Nhâm từ lâu.

- Thằng cu nhà em giống ông ngoại. Ông em ngày xưa nổi tiếng vẽ cuốn thư. Giờ chẳng ai treo cuốn thư nữa. Thằng bé vẽ tranh bán qua mạng, ai cũng khen đẹp. Khi cần mang tranh cho khách hàng, em sẽ làm thay con.

Người đàn bà dừng một thoáng, nói như tiếc rẻ:

- Chồng em lúc trước là tay thợ mộc có hạng. Ngày mới từ quê vào, anh ấy mở xưởng mộc. Nhưng mùi sơn PU nồng quá. Thằng Hạo bị dị ứng, nổi mẩn khắp người. Thế là chúng em đóng cửa xưởng.

Nhâm cảm nhận tình yêu thương người đàn bà dành cho gia đình. Chị ta nói về người chồng đã mất như thể anh đang đi đâu đó sắp về. Nàng thấy chạnh lòng. Nhâm là con em cán bộ miền Nam tập kết. Từ nhỏ nàng đã được học nhạc, vẽ và múa. Nhưng nàng chọn múa, nghề của mẹ nàng, một nghệ sĩ ballet thanh lịch, đậm chất Hà thành. Lẽ ra Nhâm đã có thể du học ở nước ngoài nếu nàng không kết hôn sớm. Cuộc hôn nhân vội vàng hút kiệt sức lực và niềm vui sống của nàng như miếng bông hút nước. Người đàn ông mà nàng yêu điên cuồng vì vẻ đẹp trai, lãng tử hóa ra chỉ là một gã lười biếng vô trách nhiệm. Nàng đã vì con mà chịu đựng anh ta như chịu đựng cái răng sâu, cho đến khi anh ta rời khỏi nhà, để lại cho nàng đứa con gái thừa hưởng tính kiêu hãnh đến cố chấp của mẹ, nhất quyết chỉ theo ý mình.

Bây giờ Nhâm hài lòng với đám học trò lớp múa của nhà văn hóa huyện, những cô cậu nhỏ đáng yêu vừa háo hức vừa rụt rè. Thi thoảng nàng có “show” dàn dựng chương trình nghệ thuật chào mừng các sự kiện quan trọng. Vài nhà hàng, khách sạn mời nàng dạy ngoài giờ cho tốp múa chuyên phục vụ đám cưới. Mỗi ngày trôi qua, cuộc sống yên bình nơi thôn dã, những giờ ngồi một mình bên bờ sông vắng làm con tim đầy vết rạn của nàng dịu đi.

Người phụ nữ đưa tay chỉ về phía xa:

- Nhà em bên kia cầu. Chỗ có cái ống khói lò gốm. Bữa nào bá tới chơi. Cứ hỏi nhà cô Thêm, ai cũng biết.

Chị ta chào Nhâm, vác bao cỏ trên vai, đi được một đoạn, chị hạ bao dứa xuống, cắt một bó to cỏ đuôi chồn. Loại cỏ nhánh dài bông xốp màu tím hồng rất đẹp, đôi khi Nhâm cũng lấy về cắm chung với các loại hoa đồng nội. Chị ta cũng ấn tượng với thứ cỏ dân dã này sao?

Nhâm thôi không đọc sách. Tâm trạng nàng xáo trộn, nửa buồn nửa vui. Vì sự xuất hiện của người đàn bà.

*

Chủ nhật, Nhâm đến thăm chị Thêm - người đàn bà cắt cỏ. Nàng cô đơn và đang muốn có điều gì đó kéo nàng ra khỏi trạng thái gần như đóng băng mọi cảm xúc.

Ngôi nhà của mẹ con chị Thêm sát bờ sông, một gian phụ chất đầy khung gỗ, kính, những tấm tranh, bao bố và đủ thứ tạp nham khác, đó là xưởng vẽ của cậu con trai

Dù được báo trước, Nhâm vẫn hơi giật mình khi nhìn thấy Hạo. Cậu giống mẹ, cũng những đường nét nhẹ nhõm ưa nhìn nhưng da mặt nhợt nhạt như bị rút hết máu. Cả người cậu teo quắt, hai cánh tay dài nhẳng với đôi bàn tay khá to so với thân hình, toàn bộ sinh lực của cậu gần như dồn hết vào đôi mắt to và sáng. Hạo ngồi xe lăn, dựa lưng vào chiếc gối cao và đang chăm chú vẽ, do cổ cậu hơi vẹo sang một bên nên cái giá vẽ cũng phải dựng chênh chếch để thuận cho cậu. Trên tấm toan trắng là chân dung một bé gái chừng năm, sáu tuổi đang cầm miếng dưa hấu đưa lên miệng. Sát bên xe lăn của Hạo là một giỏ dựng rác lớn chứa đầy những phác thảo bị vứt bỏ, chiếc bàn gỗ bày ống đựng bút lông, dĩa trái cây, tập báo cũ, điện thoại di động được nối với chiếc radio tí hon đang phát bản nhạc Nơi này có anh. Chàng trai có vẻ mê nhạc Sơn Tùng M-TP, chiếc radio bé xíu được nối với iphone đang ở chế độ Youtube. Cạnh đó, một chiếc bình gốm cắm cỏ đuôi chồn, những bông cỏ màu hung pha sắc tím hồn nhiên khoe vẻ tươi tắn mộc mạc. Ngoài cửa sổ, đằng sau vườn cây ăn trái thấp thoáng dòng sông chảy liu riu, mặt nước sáng lấp lánh dưới nắng trời.

- Em bé xinh quá. Nhâm khen người mẫu, thay vì trầm trồ họa sĩ vẽ đẹp.

- Bức sơn dầu này con tặng một cặp vợ chồng quen. Đứa bé gái này là con của họ. Em ấy vừa mất vì bị ung thư máu. Chàng trai nói nhát gừng, giọng nhỏ và yếu, như bị hụt hơi.

- Thế à. Tội nghiệp quá. Nhâm buột miệng.

Mắt nàng chợt dừng ở hai bức sơn dầu đã hoàn thành. Một thiếu nữ ngồi bên bàn đặt chiếc bình gốm cắm đầy cỏ đuôi chồn. Gương mặt thiếu nữ thanh thoát, cặp mắt tươi vui, vẻ e lệ thánh thiện khiến người ta rung động. Nét vẽ phóng khoáng nhưng cẩn trọng và chân thực đến nỗi Nhâm có cảm tưởng nàng thiếu nữ đang thở nhẹ làm những sợi lông tơ mỏng mảnh của nhánh cỏ rung lên. Bức chân dung chị Thêm vai vác bao cỏ, áo khoác không cài khuy bạc màu, khăn vải buộc ngang trán lộ ra món tóc mai, gương mặt hơi căng thẳng và có chút gì đó ngượng ngập, có lẽ người mẹ không quen với việc làm mẫu cho con. Dẫu vậy, đôi mắt của chị tỏa ra một luồng ánh sáng ấm áp, chan chứa tình yêu thương và niềm tự hào.

- Mẹ không chịu ngồi cho con vẽ nên con phải chụp hình mẹ rồi bố cục lại - Hạo giải thích.

- Chẳng phải ai cũng có hạnh phúc được con trai vẽ chân dung đâu - Nhâm nói và mỉm cười. Nàng cảm thấy đôi chút ganh tị với người đàn bà.

Nghe vị khách nói thi thoảng cũng vẽ tranh thì nét mặt Hạo tươi lên. Vẻ e dè khô khan của cậu thay bằng sự thân thiện, thi thoảng cậu đưa mắt nhìn khách như thăm dò.

- Con có tham gia triển lãm không?

- Dạ lâu lâu thôi ạ. Có lần con đoạt giải mỹ thuật. Nhưng … giải bèo lắm.

- Nghệ thuật ở nước mình vẫn vậy - Nhâm nói như an ủi chàng trai. Nàng vừa thoáng nhớ đến bà giám đốc trung tâm nghệ thuật Rạng Đông, nơi nàng có thời gian dạy múa. Bà ta luôn so sánh các diễn viên múa với người chăm sóc vườn, than phiền về việc tiền thù lao cho nghệ sĩ ballet tốn gấp mấy lần thù lao cho thợ cắt cỏ.

Những giọt mồ hôi rịn ra trên chót mũi Hạo, lớn dần, cậu lấy ngón tay trỏ quệt và chùi tay vào chiếc tạp dề màu xanh dương quấn quanh người. Cổ áo trễ xuống để lộ cặp xương quai xanh gầy guộc. Chiếc quạt công nghiệp chạy vù vù không xua nổi cái nóng của mùa khô. Nhà xưởng chỉ dịu đi khi có làn gió sông thổi vào lay động tờ lịch treo tường và làm những tờ báo cũ trên bàn kêu loạt soạt.

- Hồi đó con học trường nào?

- Con… học cao đẳng mỹ thuật, có một bác họa sĩ quen với gia đình đến nhà dạy thêm cho con. Bác ấy vẽ rất đẹp. Hạo nói, mắt vẫn dán vào tác phẩm đang thành hình. Bàn tay mỏng như chiếc lá, nổi gân xanh của chàng trai lem luốc màu vẽ. Chốc chốc cậu dừng lại co duỗi những ngón tay dài dường như đang chống lại chủ nhân. Bên bức tranh cô bé ăn dưa hấu có bức thiếu nữ Việt với áo dài kiểu xưa, tóc rẽ mái buông lơi, tay cầm quạt.

Cả ngày giam mình trong nhà xưởng nóng bức, bụi bặm, thật phi thường. Nhâm tự nhủ lúc nàng dạo quanh phòng vẽ treo những bức tranh đủ kích cỡ, hầu hết bằng chất liệu sơn dầu. Hạo nói, cậu không chịu được cái lạnh của máy điều hòa. Mẹ cậu vẫn đẩy xe lăn ra bờ sông cho cậu hóng gió, có khi dạo ra tận cánh đồng. Có lẽ vì vậy mà dù bị cầm tù trong chiếc xe lăn, Hạo vẫn vẽ được nhiều tranh phong cảnh.

Nhâm mê mải ngắm bức sơn dầu vẽ những mái nhà lợp tranh màu đỏ nâu nổi bật trên các thửa ruộng bậc thang, sắc vàng của lúa chín giao hòa với sắc vàng của ráng chiều. Lại có bức tranh mô tả dãy núi trông như chú voi nằm phủ phục, một vạt núi lở trôi hết cỏ cây trơ ra màu đá xám, dưới chân núi hàng cây với những tầng lá in bóng xuống ruộng nước phẳng lặng như đang tỏa ra mùi bùn ngấu. Có bức chỉ vẽ một góc mái nhà nhô ra với cửa sổ, quanh nhà là hàng cây xanh sẫm tôn lên vẻ đẹp khác lạ của những thân cây lá trắng như dát bạc. Tranh phong cảnh của Hạo tràn đầy vẻ đẹp trong trẻo và sinh động của thiên nhiên, dù vẫn là những mái nhà, thửa ruộng, hàng cây, con đường uốn khúc hay dãy núi ẩn hiện trong sương mù. Dưới bàn tay tài hoa của cậu, một vạt cỏ xanh tươi, một đám lá vàng bên lề đường, thậm chí một gò đất nhỏ cũng sống động lạ thường. Chúng làm Nhâm bất giác nhớ tới tuổi thơ đầy thi vị của nàng dưới mái nhà xưa của cha mẹ. Những bức vẽ tràn ngập ánh sáng lấp lánh, huy hoàng trên nền vải khiến người ta thấy cuộc sống thật kỳ diệu, tốt đẹp và đáng trân trọng biết bao. Nhâm bỗng hiểu vì sao Hạo vứt bỏ nhiều phác thảo đến vậy: cậu nghiêm khắc với bản thân và muốn mọi tác phẩm phải đạt đến sự hoàn hảo.

Nhâm chuyển sự chú ý sang những bức tranh ghép gốm mô tả người lớn, trẻ em, hoa và phong cảnh. Nàng nhíu mày nhìn chân dung một người đàn ông râu dài, mặt chằng chịt nếp nhăn, vầng trán cau lại, cái miệng hơi dẩu ra. Gương mặt râu ria và dáng ngồi ung dung, tay cầm điếu thuốc lá của ông già toát lên một vẻ lãng tử chỉ có ở giới văn nghệ sĩ. Ký ức Nhâm vụt sáng, nàng nhớ ra, ông là nhà văn nổi tiếng của thành phố và mất đã lâu, phòng truyền thống của Hội Văn nghệ vẫn còn bức tượng bán thân của ông đặt trong hộp kính.

- Con vẽ ông ấy dựa trên bức ảnh của gia đình… Họ bị bà hỏa viếng thăm mất hết hình ảnh - Chàng trai giải thích khi Nhâm hỏi về bức chân dung nhà văn lão thành. Nàng ngầm thán phục cậu đã làm nổi bật thần thái rất riêng của cố nhà văn, nhìn ông lão vừa hồn hậu, vừa khôi hài.

- Con… làm cả tranh gốm à? Nhâm hỏi, mắt nhìn những bao đựng mảnh gốm chỉ nhỏ bằng đốt ngón tay đặt trên sàn nhà. Nàng cầm lên ngắm nghía một vật dụng gợi nhớ chiếc kềm cắt móng tay, đó là phương tiện tự chế để làm tranh ghép gốm của Hạo.

- Thi thoảng thôi ạ. Chỉ là để đổi vị.

Nhâm nhận ra, Hạo nói khá ít, có lẽ vì sức khỏe không cho phép cậu nói nhiều. Cậu bảo làm tranh gốm chỉ để đổi vị, nhưng những bức tranh ghép gốm được chế tác tỉ mỉ, màu sắc tươi sáng toát lên một vẻ tinh tế đặc biệt. Cậu ta không thể làm ra những bức tranh đẹp và gợi cảm đến vậy nếu không có một tình yêu sâu đậm với nghệ thuật và đôi tay khéo léo của người thợ kim hoàn. Nhâm xúc động nghĩ, nhưng nàng im lặng.

Chị Thêm bước vào, nét mặt tươi tỉnh. Chị khoe vừa ra chợ, hôm nay may mắn lại mua được miếng thịt bê còn tươi nguyên.

- Bá ở đây ăn cơm với mẹ con em. Mọi ngày chỉ có hai mẹ con, hôm nay có bá tha hồ vui.

Nhâm định từ chối, nhưng nhìn vẻ mặt khẩn cầu của chàng trai, nàng hiểu lời khước từ của nàng sẽ khiến cậu thất vọng.

*

Nhâm trở lại nhà chị Thêm. Nàng bắt gặp một cô gái còn rất trẻ đang ngồi bên Hạo, say sưa nhìn cậu ta vẽ. Gương mặt xinh xắn của cô lộ rõ vẻ ngưỡng mộ chân thành. Nhâm nhận ra cô chính là người mẫu trong bức sơn dầu thiếu nữ ngồi bên chiếc bình gốm cắm đầy cỏ đuôi chồn, chỉ khác là ở ngoài, trông cô có vẻ non nớt hơn.

- Đây là Dạ Thảo - đồng nghiệp của con. Thảo là sinh viên năm nhất khoa gốm cao đẳng mỹ thuật - Hạo giới thiệu cô thiếu nữ. Cô gái đứng lên lễ phép chào Nhâm và đỏ bừng mặt. Thời nay thật hiếm những cô gái biết đỏ mặt, Nhâm tự nhủ và thấy cô gái thật dễ thương.

- Hân hạnh được biết con. Hạo thích cỏ đuôi chồn là giống cô đấy. Cô cũng hay lấy thứ cỏ này về cắm bình - Nhâm nói và rút một nhánh cỏ đưa lên miệng nhấm nhấm.

- Con mê cái màu hung pha sắc tím của thứ cỏ này. Nó rất tinh tế và sinh động, khó ai có thể pha được màu đẹp như nó. Hạo nói và mỉm cười. Cặp mắt trong sáng của cậu nhìn cô bạn gái đầy vẻ hân hoan và dịu dàng. Cô cũng nhìn chàng trai bằng cặp mắt nhung trìu mến, có chút bối rối. Hai người trẻ không biết rằng họ đã tạo ra một bầu không khí vô hình chứa đầy sự ấm áp và tin cậy.

Nhâm kín đáo nhìn hai gương mặt măng tơ, trong sáng như thiên thần. Họ mới đáng yêu làm sao. Mái tóc đen nhánh phủ trên cái gáy trắng xanh hõm xuống của Hạo khiến nàng mủi lòng. Giá Hạo khỏe mạnh, cậu và cô thiếu nữ xinh tươi này biết đâu sẽ là một cặp tiên đồng ngọc nữ.

- Cô… cũng là họa sĩ ạ - Cô gái trẻ hỏi, vẻ e thẹn.

- Rất tiếc. Cô thích mỹ thuật nhưng chỉ là người hâm mộ các họa sĩ thôi… Các cháu thật may mắn - Nhâm trả lời.

- Con không giỏi như anh Hạo đâu ạ. Con theo mỹ thuật vì muốn sau này ra trường làm cho lò gốm của gia đình - Thiếu nữ thú nhận. Cô say mê những bức vẽ của Hạo và không phân biệt được cô yêu nghệ thuật hay yêu chàng trai.

*

Liên tiếp hai tuần, Nhâm bận hướng dẫn đám trẻ của nhà văn hóa học múa trong dịp hè.

Chiều nay, nàng ra sông sớm, nhưng không thấy bóng dáng quen thuộc của chị Thêm. Nhâm thấy buồn và trống vắng. Nàng ngồi một lúc rồi đứng dậy, chậm rãi trở về.

Bãi trống trước mặt Nhâm trải dài một màu hung đỏ rập rờn theo gió như sóng lượn. Nhâm dừng lại, ngắt một bó cỏ đuôi chồn to, nàng nghĩ tới cậu bé họa sĩ. Một niềm cảm phục dâng lên trong lòng nàng. Cậu bé thật can đảm. Bất chấp cơ thể hao khuyết, cậu vẫn miệt mài vẽ và đưa lên nền vải cả thế giới nhỏ bé sinh động xung quanh cậu. Thế giới ấy có cỏ cây hoa lá, có nụ cười và cả giọt nước mắt.

Từ dạo quen biết và kết Facebook với mẹ con chị Thêm, nỗi cô đơn trong lòng Nhâm vơi đi, ngôi nhà vắng bóng con gái của nàng cũng bớt hiu quạnh. Mỗi lần tới thăm Hạo, Nhâm đều mang tới cho cậu một bó to cỏ đuôi chồn. Nàng tự tay cắm vào bình gốm những nhánh cỏ mềm mại, cảm thấy hạnh phúc khi nhìn vẻ biết ơn trong mắt chàng trai. Thi thoảng Nhâm thay người mẹ đưa xe lăn của Hạo ra vườn cây sau nhà, hai cô cháu ngồi bên nhau, im lặng lắng nghe tiếng rì rào của dòng sông đang chảy bên dưới những nhánh cây sà sát mép nước. Tình yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp gắn kết tâm hồn hai con người và họ cùng say sưa luận bàn về màu sắc, đường nét, sự mê hoặc của hội họa. Có khi Hạo cao hứng giảng giải về cách cậu tạo ra ánh sáng, màu sắc, bố cục, cách cậu dựng hình một bức tranh. Cậu chia sẻ cả với Nhâm những dự định đang ấp ủ. Chàng trai hăng hái nói, trán rịn mồ hôi dù gió sông thổi lồng lộng:

- Từ nhỏ con đã thích được lang thang khắp thế giới. Lang thang và vẽ. Tiếc là con không di chuyển được. Nhưng nhất định con sẽ lên Sài Gòn hay ra Hà Nội để xem các gallery. Ở đó có nhiều họa sĩ giỏi. Con ước một ngày tranh của con cũng được tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc…

Hạo dừng lại, thở hổn hển vì mệt và vì xúc động. Gương mặt xanh xao của cậu chợt ửng lên vì một niềm khát khao mãnh liệt.

- Con yên tâm. Rồi ngày ấy sẽ đến. Mọi người sẽ có cơ hội ngắm tác phẩm của con- Nhâm động viên Hạo. Sự hưng phấn của chàng trai khiến lòng nàng nao nao.

*

Nhâm đến bệnh viện. Hạo đang trong phòng cấp cứu. Vây quanh giường bệnh của cậu là chị Thêm và Dạ Thảo

- Có bá đến thăm, cháu Hạo vui lắm. Em cảm ơn bá rất nhiều - Chị Thêm nói và lấy khăn chấm mắt. Gương mặt có đôi gò má cao của chị trông tiều tụy và trên vai áo bạc màu vẫn còn vương những sợi bông của cỏ đuôi chồn. Chị khoe con trai vừa nhận giải thưởng mỹ thuật trẻ cho bức sơn dầu Chiều bên sông Đồng. Nhâm hiểu, người mẹ đang cố giấu nỗi lo cháy ruột gan về tình trạng của đứa con. Dạ Thảo hết nhìn đăm đắm vào gương mặt tái xanh của Hạo lại chạy theo vị bác sĩ, hỏi gì đó về bạn trai, rõ là cô đang hoang mang không biết phải làm gì. Hạo nằm như dán xuống chiếc giường nệm trắng, thân hình chỉ hơi gợn những đường khúc khuỷu dưới lớp chăn mỏng. Nhâm giật mình khi đặt tay lên trán cậu. Cả người Hạo như sắp bén lửa. Chiếc khăn lạnh trên trán cậu không giảm được nhiệt. Không. Chính tôi phải cám ơn Hạo. Cháu đã cho tôi niềm vui sống. Nhâm thầm nói với mình, sống mũi cay cay, nàng xót xa nhìn gương mặt gầy võ, đến cả lòng trắng trong đôi mắt to mênh mông của cậu cũng hồng lên vì cơn sốt.

- Con phải nhanh khỏe để còn vẽ chứ - Nhâm nói, cố kiềm chế cảm xúc. Nàng hiểu mình không được tỏ ra yếu đuối.

- Con… không sao đâu ạ. Con phải vẽ 1000 bức tranh nữa mà - Hạo nói ngắt quãng, mỉm cười khôi hài, nhưng cậu yếu đến nỗi tiếng nói gần như thì thào.

*

Nhâm bay sang Australia. Đứa cháu ngoại mới vài ngày tuổi của nàng có đôi má hồng và mái tóc hoe.

Nhâm hạnh phúc vì con gái, con rể và cháu ngoại. Nhưng trong khi nhâm nhi tách cà phê nóng buổi sáng hay lúc đi dạo trên những con đường rợp bóng cây nàng vẫn day dứt nghĩ đến Hạo, nghĩ đến mẹ của cậu. Chị Thêm cho biết, bệnh tình của cậu tiến triển không tốt. Chị đã giao ao cá cho người quen, để ở nhà chăm sóc con. Dạ Thảo vào năm học mới rất bận nhưng hễ có chút thời gian rảnh nào là lại chạy đến, quanh quẩn bên Hạo. Cuộc sống của hai người phụ nữ giờ đây như bị hút vào giường bệnh của chàng trai, trên đó có chiếc giá vẽ nhỏ gọn, được thiết kế riêng cho người ốm. La liệt xung quanh Hạo là những bức phác thảo bằng chì than. Cậu vẽ, để quên đi những cơn đau dai dẳng, khắc nghiệt….

Một ngày oi ả sắp có mưa. Vừa mở điện thoại, mắt Nhâm hoa lên. Hình đại diện của chị Thêm đã thay bằng một bông sen trắng nổi rõ trên nền đen. Nhâm hấp tấp lướt mắt qua những dòng chia sẻ hầu hết của những người nàng không quen. Ngực nàng đau thắt, cổ họng khô bỏng. Hạo ơi. Ước mơ của con… Lẽ nào… Nước mắt Nhâm rơi lã chã. Nàng không tin trái tim dũng cảm của Hạo có thể ngừng đập. Trong đầu nàng bỗng hiện lên bãi sông tràn ngập cỏ đuôi chồn với màu hung đỏ pha sắc tím, vừa trầm buồn, vừa mạnh mẽ. Thấp thoáng gương mặt chàng họa sĩ trẻ tươi cười, nụ cười như muốn nói, cô đừng buồn, con sẽ luôn nhớ tới cô. Phía sau cậu là bóng dáng tảo tần của người mẹ…

Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Điệp

Nguồn Văn nghệ số 46/2023


Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Baovannghe.vn - Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ dệt thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và ký ức. Ý, tình khúc chiết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập Thơ điên, nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!
Triển lãm nghệ thuật số "Trượt nhịp động"

Triển lãm nghệ thuật số "Trượt nhịp động"

Baovannghe.vn - Triển lãm nghệ thuật số Trượt nhịp động (Nothing, time speeds up) diễn ra tại Quang San Art Museum là hành trình khám phá chân thật và gần gũi sự chuyển động của thời gian thông qua hình ảnh nghệ thuật số và trải nghiệm đa giác quan thú vị...
Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Nghĩ nhanh kẻo cơn mưa tới/ Hè mang phù sa qua đây
Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Baovannghe.vn - Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài, và một nhạc sĩ có tài nữa.
Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Baovannghe.vn- Những ngày tháng mười một gọi nhau về/ Vỡ òa đong đưa chiếc nôi kỉ niệm