Tôi biết đến nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh từ hai bài viết Người đã đi qua mùa mây trắng I và II đăng trên trang nguoiduatin.vn từ những năm 2016. Biết đến ở đây tức là biết cái tên thôi, như một cái tên nào đó trong muôn vàn những cái tên, dưới vô số bài viết đã đọc. Nhưng riêng bài viết trên kia thì tôi đặc biệt nhớ, đặc biệt là bài I. Bởi nó viết về những người vẫn được coi là “loạn/ ngộ/ điên/ dở/ ẩm ương/ chập cheng/ hâm hấp – chữ nghĩa” trong một khoa của trường đại học, cụ thể ở đây là Khoa Ngữ Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) mấy chục năm trước.
Thích cái cách anh nhìn nhận rằng họ mới sống đúng cái mình nghĩ, họ đang đi trên một đường thẳng băng không che chắn, phòng bị, cũng chẳng cố thích nghi với xã hội xung quanh. Vì thế mà họ luôn phá bỏ những khuôn khổ của đời sống ăn học, đến cả việc nghiêm túc như “luận văn tốt nghiệp” cũng bị họ biến thành việc thử nghiệm của ý nghĩ về một đề tài nào đó.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh. Ảnh FBNV. |
Họ không bình thường đơn giản họ không giống đa số người bình thường còn lại trong cộng đồng. Nhưng trong chúng ta ai chẳng muốn được một lần như họ, được làm đúng cái mình nghĩ, từ chối thẳng thừng cái mình không muốn – dù chắc chắn có lợi ích mang lại. Đôi khi trong đời đọc của mình để ghim lại được một điều gì là rất khó. Để rồi từ cái sự ghim ấy, nhờ cơ duyên may mắn, giữa một ngày hè tháng bảy này tôi được người bạn mang đến cho ba tập sách của Nguyễn Tiến Thanh in từ những năm 2021 bảo đọc đi lạ lắm. Ba tập sách ở đây gồm hai tập thơ: Chiều không tên như vết mực giữa đời; Loạn bút hành; và tập tiểu luận Thời của tạp chí.
Tôi đã chọn đọc tập thơ Chiều không tên như vết mực giữa đời trước, vì đơn giản trong phần phụ lục có hai bài viết tôi đã nhắc ở trên kia.
Đêm phố xá nhớ về đêm cư xá…
Tập thơ Chiều không tên như vết mực giữa đời được hoàn thành từ những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỉ trước, nằm trong sổ tay và được xuất bản miệng qua những đêm thơ quảng trường nối từ đêm này sang đêm khác giữa các trường đại học như Sư phạm, Tổng hợp văn, Ngoại ngữ, Bách Khoa, Kinh tế kế hoạch, Kiến trúc, Xây dựng, Mỏ địa chất… Hẳn nhiều bài trong tập cũng nằm trong sổ tay của không ít chàng trai, cô gái lãng mạn yêu văn chương thời đó. Cái thời mà người ta sống cho thơ và sống bằng thơ. Cái thời mỗi người chưa có một điện thoại, một tài khoản facebook, zalo và tiktok như bây giờ. Và họ cũng không có một chiếc ti vi đến hàng trăm kênh, với các kênh riêng biệt từ phim, ca nhạc, đến vô vàn chương trình giải trí.
Theo nhiều nhà thơ tham dự những đêm thơ sinh viên hồi đó như Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Linh Khiếu… sau này kể lại rằng về chiếu thơ khi đó có thể chia làm ba tốp. Tốp các nhà thơ thành danh, tốp nhà thơ chống Mĩ và tốp nhà thơ sinh viên. Nguyễn Tiến Thanh nằm trong tốp nhà thơ sinh viên nổi bật cùng với nhiều tên tuổi khác như Hoàng Liên Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lã Thanh Tùng, Đỗ Huy Chí, Phạm Tường Vân… Dẫu vậy, việc chia tốp này chỉ ở lúc ban đầu, còn khi bắt đầu buổi đọc thơ, giữa rượu, hoa và nến thì chỉ có một thứ hiện hữu đó là thơ. Thơ xóa nhòa khoảng cách thành danh và chưa thành danh, người trưởng thành va chạm trận mạc lẫn người còn đầy viễn mộng tuổi xanh ngồi trên ghế nhà trường. Thơ tạo cho con người sự bình đẳng trong những khoảnh khắc thăng hoa nhất của tuổi trẻ.
Ở những buổi đọc thơ đó yếu tố góp phần không nhỏ để tạo nên sự thành công là khán giả. Khán giả là những người trẻ từ các vùng quê lên Hà Nội học đại học. Ngoài sách vở họ tìm đến những buổi đọc thơ để tìm sự lãng mạn, sự dấn thân vào phương trời mộng mơ mới. Nhà thơ lúc đó có thể coi như một ca sĩ nổi tiếng, một người truyền cảm hứng bây giờ. Và cũng chẳng lạ khi ta bắt gặp nhiều câu chuyện của Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa, Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh… đi nói chuyện thơ, đọc thơ ở các tỉnh, các huyện, các nông trường, các công ty sản xuất, các hợp tác xã… Dù rằng công xá được trả cho mỗi buổi nói chuyện có khi chỉ là vài bữa ăn có rượu bia, thêm sản vật của địa phương, thêm ít sản phẩm làm ra của hợp tác mà người được nhận nhiều khi chẳng biết mang về thế nào, và để làm gì.
Tập thơ "Chiều không tên như vết mực giữa đời". |
Trở lại với thơ trong tập Chiều không tên như vết mực giữa đời, thơ ở đây là thơ ở lứa tuổi đầu đời, rất đẹp và nhiều nhiệt huyết. Tuổi trẻ, ai chẳng vậy. Dù có cố gắng gằn/gắt đến mấy đi chăng nữa thì những nỗi đau khi đó đều nhuốm màu của sự lãng mạn, đau thương khi này là cái đau thương vừa vừa thôi – chẳng đủ cho người thi sĩ đi đến một quyết định táo tợn hơn vượt ra khuôn khổ.
Vậy nên, dù Đủ cho môi ta tan rã nụ cười đi chăng nữa, thì cũng kết thúc bằng: “Em đi qua ta như chỗ không người/ Áo mỏng thế mà vương gió lại” chứ không tiến triển thêm; hay như trong bài Điều đó dĩ nhiên rồi thì câu kết cũng rất nhẹ nhàng: “Anh yêu em – điều đó dĩ nhiên rồi”; Hoặc trong Ngôi nhà mùa thu, tất cả cũng chỉ đóng lại rất nhẹ: “Ngôi nhà mùa thu khép cửa lâu rồi…”. Tôi trích dẫn ra đây chỉ một vài câu, nương theo ý mình đang viết chứ chẳng dám chắc nó hay nhất tập. Vì chẳng gì tốt hơn người muốn đọc thơ phải đọc trực tiếp văn bản của nhà thơ, chứ đọc phê bình, hay giới thiệu cũng chỉ là khuấy tay xuống nước chứ chẳng thể nhìn hết mặt hồ.
Đọc tập thơ này của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh tôi cứ vương vấn nhớ đến một người cùng khoa Ngữ văn thời trước anh đó là Hoàng Nhuận Cầm. Thơ của Thanh và Cầm đều nằm im ở sự rạn vỡ/ chực vỡ (ở đây khác với sự vỡ), sự rạn đó là sự nhấm nháp cảm xúc trước khi mọi chuyện ngã ngũ, sáng tỏ. Viên xúc xắc mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm đến lượt Nguyễn Tiến Thanh gieo xuống, trở thành: “Có thể bởi ngôi nhà mùa thu chật/ Làm sao nguôi cơn đói chân trời?/ Quả đất rộng – tha hồ em cứ hát/ Một ngàn lời nông nổi gió mây trôi”.
Đầu trần đi giữa nắng nhân gian…
Sang đến tập thơ Loạn bút hành, là tiếp nối mạch cảm xúc của Chiều không tên như vết mực giữa đời. Tập thơ đầu tiên làm ở lứa tuổi mười tám đôi mươi với cặp hình ảnh anh/em sóng bước thường trực nay đã biến mất dần, thay vào đó là những tôi, ta, cùng suy niệm cuộc đời ở tuổi trung niên, khi đã va vấp nhiều, cảm xúc lúc này là giấu kín vào bên trong chứ không bung tở ra hết nữa. Nỗi nhớ vương về quá khứ thời kì này vẫn còn song đã nhạt đi, các quy chiếu hình ảnh cũng không hướng về sự lãng mạn thuở sinh viên nữa mà hướng đến đời thường hơn, với các bài thơ Facebook, Chợ trưa, Tự thú, Lữ hành, Chợt hiện, Vu vơ…
Tập thơ Loạn bút hành của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh. |
Điều này một phần vì thời gian, và kinh lịch của nhà thơ. Phần nữa vì công việc. Nhà thơ khi này đã qua nhiều cương vị ở các tờ báo lớn như: Thanh niên, Gia đình & Xã hội, Đời sống & Pháp luật. Từ một chàng sinh viên Ngữ văn yêu thơ trở thành một nhà báo thành danh, từ chỗ chỉ lo cho cuộc sống của mình đến việc lo cho cuộc sống của hàng trăm người khi đứng trên cương vị vận hành một tòa báo. Với mỗi số báo in ra làm sao để tăng lượng phát hành, tăng quảng cáo. Khi công nghệ thông tin phát triển làm sao để thích nghi, báo online làm thế nào để vừa hay vừa chuẩn không nghiêng về hướng câu view lá cải, báo giấy tiếp tục duy trì ra sao khi người đọc truyền thống rơi rụng từng ngày, thì có lúc hẳn anh đã phải quên thơ đi. Nhưng thơ và quá khứ ở ký túc xá Mễ Trì xưa lại sống lại. Giữa xô bồ bận rộn, giữa việc phải trình hiện ra nhiều cái tôi ứng với mỗi mối quan hệ cụ thể, giữa tẹp nhẹp thường nhật: “một con phố có cửa hàng mặt nạ/ trẻ con đeo chơi, người lớn che mình/ Đông-ki-sốt hóa ra thằng nhặt lá/ đá ống bơ dưới bóng những anh hùng” – thì thơ là một cứu cánh để anh nhìn lại anh, để anh vẫn là anh.
Không có thơ thì làm sao có Tự thú, với nỗi niềm chẳng biết ngỏ cùng ai: “có quá nhiều nông nổi/ trong những lời vu vơ/ đừng là ta có tội/ với những gì ta mơ…/ quá nửa đời lạc lối/ mơ những chuyện hoang đường/ ngoảnh về hoang vu tuổi/ tóc vương đầy bão giông…”. Không có thơ thì làm sao Chợt hiện nhận ra: “nghe du ca cuối đông buồn/ ngán cơn gió lạnh lẽo luồn qua tay/ lặng lờ trôi, lững thững bay/ bỗng dưng khói thuốc như mây ven trời/ trời sinh ra một giống nòi/ ngồi trong cõi mộng hát lời tim đau”. Không có thơ thì nỗi niềm của một ngày Tháng tư ở thời khắc “dường như” của đại dịch Covid-19 biết gửi vào đâu: “tôi đã sống trong phố phường lạ lẫm/ những con đường quạnh quẽ mưa rơi/ đến lá úa cũng rụng vào im lặng/ mặt hồ buồn như mắt bạn tôi”.
Qua đến tập thơ Loạn bút hành thì nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh vẫn còn đó sự lãng mạn, nhưng là sự lãng mạn của sự nhìn lại cái đã qua, quá khứ, pha chút dư vị của tiếc nuối. Ở tập thơ đầu bạn bè, trường lớp, tình yêu là bầu khí quyển bủa vây xung quanh, thì tập sau này tất cả phảng phất trong hương men sự nhớ, của cái đã qua chẳng thể níu về. Chẳng thế mà khi đọc tập thơ này tôi cứ láng máng nhớ về những nhân vật nhà thơ sinh viên trong bài Người đã đi qua mùa mây trắng II, đó là Hải và Hạnh, hai người đều là người của thơ, cháy hết mình một giai đoạn, sau rồi cũng ra đời, có công ăn việc làm ổn định, thăng tiến trong sự nghiệp. Nhìn họ giờ đây chẳng thể nghĩ đến họ khi xưa. Họ đã tiến bước dài mà tác giả Nguyễn Tiến Thanh vẫn nhìn thấy họ phảng phất ở quá khứ. Khi còn trường, còn khoa, còn tháng ngày tuổi trẻ…
Người lữ hành trên chặng đường hướng tới…
Khi nhắc đến hai tập thơ mà không nhắc đến tập tiểu luận Thời của tạp chí là một thiếu sót lớn. Cuốn tiểu luận sắc sảo của tác giả trong vài trò nhà báo, trực tiếp tham gia vào nhiều công đoạn của báo như phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, tổng biên tập; từ thời kì báo in nở rộ, rồi sang kì báo in suy tàn nhường chỗ cho báo mạng, rồi mạng xã hội.
Thời của tạp chí Tập tiểu luận sắc sảo của Nguyễn Tiến Thanh. |
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, khi này trong vai trò nhà báo - người trong cuộc - phân tích nhận định sắc sảo về tương lai của báo chí, những nguy cơ, khả năng vượt qua khó khăn trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Khi báo chí giờ đây nếu chỉ dừng ở việc đưa tin nhanh, nhạy sẽ không thể nào cạnh tranh được với mạng xã hội. Vì vậy báo chí thay vì chức năng nhanh sẽ có thêm chức năng đúng, kiểm chứng được thông tin đưa ra của mạng xã hội, có góc nhìn riêng chuyên sâu. Đây là một cuốn sách trang bị cần thiết với người làm báo, và giảng dạy trong các trường báo chí, để chuẩn bị hành trang cho công việc được vận hành tốt hơn.
Với nhận định cuối sách, đúng cho cả người làm tạp chí (theo như cuốn sách hướng đến) và cả người làm nghệ thuật nói chung: “Một người lữ hành hướng đến mục tiêu phát triển, trước mặt là bầu trời rộng mở, dưới chân là con đường thênh thang, luôn nhìn lên bầu trời để tìm kiếm cảm hứng, khát vọng nhưng cũng không quên nhìn xuống con đường để tránh những cạm bẫy và vấp ngã”.
Từ những bài thơ viết năm 1985, đến những bài thơ viết năm 2020, ba mươi lăm năm kéo dài cho hai tập thơ với gần sáu mươi bài. Nhà thơ - Nguyễn Tiến Thanh cũng có chủ ý khi xuất bản hai tập cùng nhau để người đọc có thể đi theo được vệt sáng tác của mình từ những năm tám mươi đến giờ. Và đến tập Viễn ca sắp ra mắt đây tôi không biết nhà thơ, trên cương vị mới Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ trình hiện trước bạn đọc thế nào. Nhưng chắc chắn đó là một cuốn thơ đáng đọc trong năm 2024 này.